Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
01:43 (GMT +7)

Chuyện về người anh hùng đặc công Rừng Sác

VNTN - Nghe danh Đại tá Lê Bá Ước (Bảy Ước) người chỉ huy nổi tiếng của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã lâu, nhưng mãi tới khi chấp bút biên soạn cuốn “Lịch sử Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác anh hùng” tôi mới có dịp diện kiến ông trong lần hội thảo đầu tiên. Gặp, trò chuyện với ông, tôi mê ngay. Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, ông làm thơ và viết truyện ký về những năm tháng trần thân đánh giặc, đáng chú ý có cuốn hồi ký “Một thời Rừng Sác” (2 tập).

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), ông Bảy Ước tham gia cách mạng từ năm 1945. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, ông gia nhập Vệ quốc đoàn và hoạt động trong Ban Tình báo C70. Tập kết ra Bắc, ông Bảy Ước gặp và kết duyên cùng Nguyễn Kim Mến (Tư Mến) người cùng quê. Năm 1965, khi giặc Mỹ đổ quân vào miền Nam, để lại vợ con, ông vượt Trường Sơn về chiến trường Rừng Sác. Gần 3 năm sau, nữ y sĩ Tư Mến cũng gửi lại hai con nhỏ (gái lên 4 và trai lên 2)  nhờ bà cô nuôi giùm để trở về Nam.

Ngày 15/4/1966, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Rừng Sác, mật danh T10; đến năm 1967, thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (về sau là Trung đoàn 10). Từ Phó chính ủy, ông Bảy Ước trở thành Chính ủy, rồi Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10. Vợ ông, chị Nguyễn Kim Mến là quân y sĩ của đơn vị.

 

Trên chiến trường sông nước sình lầy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 vừa xây dựng củng cố lực lượng, vừa phải đối mặt với các cuộc càn “lột da” Rừng Sác vô cùng khốc liệt của Mỹ-ngụy. Thường xuyên đương đầu với ba kẻ thù nguy hiểm, đó là lính Mỹ, sóng lớn và sấu dữ (cá sấu), những chiến sĩ đặc công thủy vẫn không hề ngán ngại. Với thủy lôi, pháo, súng, cơm vắt, gạo rang… các anh xung trận. Cắn răng chịu đựng gian khổ, lắm khi thiếu lương thực, thiếu nước ngọt, thiếu vũ khí và thuốc men, họ vẫn kiên gan trụ bám, chiến đấu. Trước những thời khắc ngặt nghèo ấy, người chỉ huy Lê Bá Ước luôn đồng cam cộng khổ, sát cánh lăn lộn bám trụ với anh em. Có thời gian bị địch vây chặt, lương cạn, đạn kiệt, tiền không một xu dính túi, ông vẫn động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững tinh thần, “còn người còn chiến đấu, còn người còn trận địa”. Ngay cả khi mất liên lạc với cấp trên, ông cùng anh em xác định “nghe xã luận trên đài mà đánh giặc!”. Vượt lên bao cam go thử thách, Đoàn 10 đặc công đã mưu trí, dũng cảm, thít chặt “yết hầu” sông Lòng Tàu, nhấn chìm hàng trăm tàu chiến và tàu vận tải quân sự của địch, trong đó có tàu Baton Rugiơ Victory (23-8-1966) chở 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo (tháo rời) cùng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm; đánh sập nhiều bến cảng, đốt cháy kho xăng Nhà Bè (2 lần) và kho bom Thành Tuy Hạ, pháo kích vào dinh Độc Lập, bắn cháy 23 máy bay trực thăng…, lập nên những chiến công vang dội, làm điên đầu bộ máy chỉ đạo chiến tranh của Mỹ-ngụy. Phẩm cách kiên cường và quyết đoán, sự mưu trí dũng cảm của người chỉ huy Lê Bá Ước được đồng đội kính trọng. Ông được suy tôn là “Người anh cả của Rừng Sác”.

Đoàn trưởng Lê Bá Ước và 8 dũng sĩ đánh kho xăng Nhà Bè, trước giờ xuất trận (12-1973). 

(ảnh tư liệu).

Cuối năm 1969, chị Tư Mến sinh con trai thứ ba đặt tên Lê Toàn Thắng. Trong khi, ông Bảy Ước tất bật lo bày binh bố trận đánh tàu giặc, không còn cách nào khác, mới được hơn chục ngày, nữ y sĩ ẵm đứa bé còn đỏ hỏn gửi nhờ một gia đình cơ sở. Cấp trên điều Tư Mến lên R (căn cứ Trung ương Cục) tập huấn quân y dài ngày, song chị không nỡ rời đơn vị trong những ngày cam go, khốc liệt. Và đội quân y của chị đã sát cánh cùng đồng đội chiến đấu. Ba tháng sau, gia đình cơ sở chụp hình bé Toàn Thắng gửi vào. Nhưng chị Tư Mến chưa kịp nhận và ngắm hình đứa con thì máy bay trinh sát của địch phát hiện được căn cứ quân y Rừng Rác. Lập tức, chúng huy động một tốp trực thăng vũ trang ào đến khoanh vùng và bu lại bắn rốc-két xối xả. Đội phó Tư Mến cùng 1 bác sĩ, 2 y tá và 3 thương binh hy sinh. Trong chiếc bòng (ba lô) của chị Tư Mến để lại, có ba chiếc áo gối còn thêu dở dành tặng các con. Trước nỗi đau xé ruột, ông Bảy Ước chết lặng và nuốt nước mắt, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Với những chiến công oanh liệt, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 đặc công được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đến nay, đơn vị có 3 tập thể và 9 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương và truy tặng danh hiệu cao quý này, trong đó Đội 5 được tuyên dương lần thứ hai.

Đầu năm 1974, Lê Bá Ước là Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 2 làm nhiệm vụ chiếm giữ các đầu cầu trọng yếu, tạo điều kiện cho năm cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nổ ra, ông tham gia chỉ huy chiến đấu trên tuyến Lộc Ninh - Bù Đốp. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, Đại tá Lê Bá Ước là Tỉnh ủy viên, Phó chỉ huy trưởng chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh (khóa III, khóa IV). Tháng 10/2012, Đại tá Lê Bá Ước được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc đời trận mạc của Đại tá Lê Bá Ước lừng danh đã đành, song cuộc sống đời thường của ông cũng khiến bao người phải ngưỡng mộ. Sau ngày giải phóng, do đồng đội vun vào, nên ông Bảy tục huyền với bà Thân Thị Tuyết Vân (vợ đại đội trưởng Phạm Kế Tiếp, đã hy sinh). Trong chiến tranh, bà Tuyết Vân công tác bên bộ phận hậu cần của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác và đại đội trưởng Phạm Kế Tiếp là “cánh tay mặt” của Đoàn trưởng Lê Bá Ước. Có hai con thơ, vợ chồng bà Tuyết Vân đành gửi con gái về ngoại, gửi con trai cho cơ sở nuôi, để bám trụ chiến đấu. Lúc bà Vân sinh hạ đứa con thứ ba, cũng là lúc đại đội trưởng Tiếp dẫn quân đi đánh tàu trên sông và ông mãi mãi không về. Từng là đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử, nên ông Bảy Ước và bà Tuyết Vân nương tựa vào nhau cũng là điều tự nhiên, hợp lẽ. Ngay trong năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Bảy ra Bắc đón 2 đứa con về. Trở vào Nam, hai ông bà nhảy xe đò đến các gia đình cơ sở đón thêm 4 đứa con nữa. Phải nài nỉ thuyết phục mãi, bởi phần thì đám trẻ bịn rịn, phần thì các gia đình ba má nuôi cũng không muốn rời xa chúng. Sống với nhau, ông bà cóthêm 3 cậu con trai nữa, vị chi là 9 người (2 gái, 7 trai). Vậy mà “sắp nhỏ” cùng sống hòa thuận, thương yêu nhau dưới một mái nhà, không mảy may phân biệt “con anh, con em, con chúng ta” gì cả. Ông bà cư xử bình đẳng, chăm lo cho từng đứa con. Trong số họ có kỹ sư, bác sĩ; có ngư dân, công an, sinh viên… nhưng ai nấy đều kính trọng ông Bảy, bà Vân như cha mẹ ruột của mình. Một gia đình có 4 quân nhân, 2 liệt sĩ, 1 Anh hùng LLVTND, con cái hoàn toàn có tiêu chuẩn ưu tiên này nọ, nhưng không một ai đi du học hay xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hai ông bà có chung tâm nguyện là đám trẻ đã chịu thiệt thòi nhiều trong những năm tháng chiến tranh, thiếu thốn tình mẫu tử, nay phải giữ chúng ở lại, ngõ hầu bù đắp cho các con.

 

Những người con trong gia đình đều được gọi tên theo thứ tự tuổi tác: Hai Hương, Ba Dũng, Tư Thúy, Năm Hải… Đến lượt các chàng rể, các nàng dâu, rồi các cháu nội ngoại cũng tuân theo quy củ ấy. Họ đều lấy cái tình, cái nghĩa và soi vào tấm gương của ba má, của ông bà, để cư xử với nhau, trên kính, dưới nhường, êm ấm. Đó quả là điều xưa nay hiếm thấy. Có thể nói đại gia đình của Đại tá Anh hùng Lê Bá Ước là hình mẫu của một gia đình văn hóa. Đến thăm gia đình ông bà ngụ ở Biên Hòa, ai nấy đều xúc động khi ngước lên bàn thờ. Nơi cao nhất là ảnh Bác Hồ, bên dưới là ông bà nội ngoại, hàng thứ ba có hình liệt sĩ Nguyễn Kim Mến và Phạm Như Tiếp. Trong căn nhà của ông Bảy Ước còn dành hẳn một góc lập riêng một bàn thờ để thờ hơn 800 liệt sĩ đặc công Rừng Sác…

Trở về với cuộc sống đời thường bình dị, người chỉ huy đặc công “khét tiếng” năm nào vẫn dáng người gày gò, mảnh khảnh, đã dành trọn tâm huyết để kết nối anh em đồng đội cũ, thăm hỏi chia sẻ, động viên anh em giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông tích cực tham gia các đoàn đi tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, làm cố vấn cho nhiều bộ phim về chiến tranh, kêu gọi mọi người xây dựng Khu tưởng niệm Đặc công Rừng Sác ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Cùng với việc sáng tác thơ văn, ông Bảy còn tham gia ý tưởng phác thảo xây dựng tượng đài “Chiến sĩ đặc công Rừng Sác” khá độc đáo, được Hội đồng nghệ thuật tỉnh Đồng Nai xét duyệt và trao thưởng. Công trình tượng đài được thi công cao 9 mét, nổi bật hình tượng hai chiến sĩ đặc công đạp sóng dữ, lướt tới, nằm trong khuôn viên trước Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch.

Với 85 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, Đại tá Lê Bá Ước vẫn còn nhiều trăn trở với các dự án tri ân đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiều 18/10/2016, trái tim của người Anh hùng đặc công Rừng Sác đã vĩnh viễn ngừng đập, để lại bao niềm tiếc thương… Ông mãi là tấm gương ngời sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân, trọn tình vẹn nghĩa!.

 

Nguyễn Minh Ngọc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục