Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
06:15 (GMT +7)

Chuyện về một người thầy đặc biệt ở Cam Giá

VNTN - Không được đào tạo qua trường lớp, thậm chí phải nằm liệt một chỗ trong suốt hơn 50 năm qua nhưng vượt lên số phận, ông Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1959 ở tổ 16 phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên luôn được mọi người cảm phục, bởi nghị lực sống của mình.

Tuổi thơ dữ dội

Mái đầu bạc trắng, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn nhưng mỗi ngày, cụ bà Đinh Thị Xuyến vẫn cần mẫn vệ sinh cá nhân cho người con trai nằm liệt giường hơn 50 năm nay. Vừa xoa bóp chân cho con trai, cụ Xuyến vừa nghẹn ngào kể: Chúng tôi có 9 người con, 4 trai, 5 gái, Lâm là con cả. Năm 7 tuổi, Lâm học hết lớp 1, đó là khoảng thời gian duy nhất nó được đến trường, bởi sau dịp nghỉ hè, Lâm tự nhiên cảm thấy hai chân đau nhức không thể đi lại được. Vợ chồng tôi lo lắng đưa đi khám thì bác sĩ kết luận bị viêm đa khớp. Chạy chữa nhiều nơi, nhưng chả biến chuyển gì. Nhìn chân tay con teo dần đi mà chúng tôi xót xa vô cùng. Mỗi người mỗi phận, trời thương cho nó sống đến ngày nay, mình còn khỏe thì cố gắng chăm sóc con chứ biết làm thế nào.

Đang tuổi ăn tuổi chơi, phải nằm một chỗ Lâm cảm thấy buồn vô cùng. Nhìn bạn bè tung tăng đến trường cậu bé chỉ khao khát mình đi lại được. Một lần tình cờ nghe đài, cậu được biết câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bị liệt cả hai tay, nhưng bằng quyết tâm đã luyện viết chữ bằng chân và trở thành thầy giáo giỏi. Từ ấy, khát vọng trong Lâm ngày một lớn dần. Lâm xin bố mẹ mua sách vở về để tự học và hỏi thêm bố mỗi khi chưa hiểu bài. Đến khi các em đi học, Lâm lại tranh thủ học bằng sách của các em. Mặc dù không được đến trường nghe giảng nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó đào sâu suy nghĩ nên môn toán Lâm khá chắc, nhiều khi còn dạy lại cho các em.

 

Ngoài 60 tuổi, ông Lâm vẫn nghiên cứu sách vở để hướng dẫn các cháu học bài

Ông Lâm nhớ lại những tháng ngày “đánh vật” để làm chủ được con chữ: Lúc ấy, tuy tay tôi không bị cứng như bây giờ nhưng cũng rất khó cử động. Mỗi khi cầm bút, tôi cảm thấy vô cùng khó khăn. Để có được điểm tựa, tôi phải nghiêng mình giữ bút. nhưng mỗi lần cúi sát vở để luyện chữ trong thời gian dài, khi ngẩng lên, tôi lại bị hoa mắt, chóng mặt. Cũng may, bố tôi nghĩ ra cách tạo một giá đỡ như giá vẽ của họa sĩ rồi kẹp quyển vở lên, khi ấy tôi mới có thể viết được dễ dàng. Tôi cố gắng miệt mài luyện tập cho đến khi nét chữ gọn lại, rõ và mềm mại hơn. Và chữ nghĩa đối với tôi đã dần trở thành một người tri kỉ…

Ươm mầm tri thức

Thấy mấy đứa cháu viết chữ xấu và học hành không tiến bộ, ông Lâm gọi chúng lại chỉ bảo cho cách học. Chiều nào cũng vậy, hễ tan học là bọn nhỏ lại kéo nhau về nhà bác Lâm để tập đọc, tập viết. Lâu dần thành nếp, đám trẻ con trong xóm từ chỗ tò mò đứng xem, rồi thích thú kéo nhau sang "học ké". Nhiều cháu đã viết chữ đẹp, làm toán tiến bộ hẳn lên chỉ sau thời gian ngắn được ông Lâm kèm cặp. Kiến thức không nhiều, chủ yếu tự học qua sách vở, chỉ đủ để ông Lâm rèn những kỹ năng cơ bản, lấp dần lỗ hổng kiến thức cho bọn trẻ. Nhưng điều đáng quý nhất ở lớp học đặc biệt ấy, là ông đã gieo mầm ý chí, tinh thần ham học và vượt lên chính mình cho các cháu nhỏ. Để dạy dỗ bọn trẻ tốt hơn, ông Lâm thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội thông qua đài và ti vi và sách tham khảo của mấy đứa cháu. Ngoài dạy kiến thức trong sách giáo khoa, ông còn giảng giải cho các cháu về những hiểu biết xã hội, kỹ năng sống... Những bài học giản dị nhưng ấm áp của ông Lâm đã lay động trái tim các em nhỏ. Nhiều phụ huynh cho biết, họ mong muốn gửi gắm con đến nghe ông Lâm để con không chỉ được rèn nét chữ, mà còn được luyện nết người.

Dù cuộc sống còn khó khăn chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy lúa và trồng đào nhưng trong gia đình ông Lâm luôn tràn ngập tiếng nói cười. Bốn thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà, luôn biết chia sẻ, bảo ban, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Trong đó, ông Lâm như một tấm gương vượt khó để các cháu nhìn vào học tập, cố gắng. Với vốn kiến thức tự học của mình, ông Lâm luôn tự nhủ theo lời dạy của Bác Hồ: tàn mà không phế. Với niềm đam mê học toán nên hầu hết các bài toán cấp 2 được ông giảng giải truyền đạt cho các cháu của mình. Tuổi tác mỗi ngày một cao, bệnh tật cũng ngày thêm nặng. Cơ hàm ngày càng co cứng lại nên việc nói của ông Lâm giờ đây khó khăn hơn. Mặc dù vậy ông vẫn kiên trì giảng giải các bài toán cho các cháu đến nơi đến chốn. Rất nhiều cháu nhờ được ông Lâm bồi dưỡng thêm đã học hành ngày càng tiến bộ. Cháu Hoàng Thanh Huyền, con của em gái ông Lâm, nghe theo lời khuyên của bác đã theo học trường Đại học Sư phạm để trở thành cô giáo. Trong số những cháu mà ông Lâm trực tiếp dạy thì Nguyễn Thị Uyên là người gần gũi và nhận được nhiều tình thương từ bác nhất. Uyên là con gái ông Thuận (em ruột ông Lâm), ở cùng nhà với ông Lâm. Uyên chia sẻ: Nhờ bác Lâm giảng giải mà cháu rất hiểu bài. Không chỉ dạy cháu làm toán, bác Lâm còn dạy cháu về kĩ năng sống, cách ứng xử trong cuộc đời. Nhiều câu chuyện bác kể cháu đã lồng ghép vào bài văn và giáo dục công dân nên được thầy cô cho điểm rất cao.

Năm nay, Uyên đang học lớp 11 trường THPT Gang Thép. 11 năm là chừng ấy thời gian Uyên đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 9, 10 và 11, Uyên đều đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Thương bác nằm một chỗ, những lúc rảnh Uyên lại giúp đỡ bác vệ sinh cá nhân, phục vụ bác ăn uống chu đáo, đọc cho bác nghe những câu chuyện trong sách báo. Hàng tuần, vào ngày nghỉ, trong căn nhà của ông Lâm, bọn trẻ lại ríu rít rủ nhau đến quanh giường ông để nghe ông kể chuyện, dạy cách làm toán. Với ông đó là niềm hạnh phúc vô bờ, liều thuốc tinh thần vô giá.

Cuộc đời hiển thị qua… gương

Vật không thể thiếu trong căn phòng nhỏ của ông Lâm suốt những năm qua là chiếc gương soi vuông vức. Ông bảo: Nó giống như một chiếc gương thần giúp tôi kết nối với thế giới xung quanh vậy. Chiếc gương được nẹp chắc chắn, treo trên thanh đỡ có thể đưa ra đưa vào, quay được mọi góc nên ông Lâm rất tiện sử dụng. Nó giúp ông nhìn được mọi người, mọi vật từ nhiều phía. Qua chiếc gương, ông có thể quan sát được người từ ngoài cổng vào phòng khách rồi cả thế giới màu xanh cây trái ngoài vườn. Người em trai còn tâm lí treo mấy lồng chim và giò phong lan cạnh cửa sổ để ông Lâm cảm thấy thoải mái, dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên hơn. Tiếng chim hót líu lo trong vườn cây xanh trái. Những thân đào mốc thếch ngoài vườn đang vươn mình bật lên những mầm xanh, tích nhựa để khi xuân sang bung nở hoa rực rỡ. Bên cạnh cửa sổ là chồng sách cao với đủ các loại, trong đó đa phần là sách toán. Tuy viết rất khó khăn nhưng ông Lâm vẫn cần mẫn ghi lại những dòng nhật kí kể về cuộc đời của mình, cảm nhận về cuộc sống muôn màu ngoài kia dù ông chưa một lần được đặt chân tới. Bàn tay cầm bút giờ đã run run, nhưng mỗi khi viết ông vẫn cố gắng nắn nót từng chữ cho thật đẹp. Mỗi lần nhìn lại từng trang viết, ông như thấy cả mồ hôi, nước mắt và cả tuổi trẻ của mình trong đó. Bởi để có được những trang viết ấy, nhiều lúc ông phải gồng mình lên vượt qua những cơn đau để viết cho đẹp. Trân trọng từng chữ viết ra, nên mỗi trang giấy được ông cất cẩn thận gối ở đầu giường. Quanh khu vực ông nằm, ngoài chiếc gương còn có rất nhiều điều khiển: quạt, ti vi, đài. Chúng như cánh tay nối dài giúp ông tiếp cận được với các thông tin. Xem ti vi ông cũng xem qua gương vì cổ ông không thể cử động được. Trong căn phòng nhỏ luôn có âm thanh phát ra, khi thì từ chiếc ti vi đặt cạnh giường, khi thì từ chiếc đài nhỏ. Chúng như những người bạn giúp ông khuây khỏa, quên đi nỗi đau bệnh tật.

Dạo gần đây, sức khỏe ông Lâm ngày một yếu, chân tay thêm đau nhức, bệnh dạ dày thường xuyên tái phát nhưng ông Lâm không dám đi khám vì lo nếu phát hiện ra nhiều bệnh lại khiến mọi người thêm lo lắng cho mình. Cuộc sống của người “thầy giáo khuyết tật” ấy còn rất nhiều những khó khăn trước mắt, nhưng nghị lực vượt lên số phận của ông đã trở thành tấm gương để mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ học tập và cố gắng. Chia tay ông Lâm, nhìn cánh tay bé nhỏ, khòng khoèo di chuyển chiếc gương như để tiễn khách ra tận cổng, chúng tôi bỗng thấy ông cũng như chiếc gương ấy, sáng trong đến vô ngần.

Minh Khôi - Minh Trọng

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy