Chuyện những người mang tia chớp lửa
Binh chủng đặc công là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội, cán bộ chiến sĩ được tổ chức, trang bị và huấn luyên đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để tập kích vào các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công và nghệ thuật tác chiến khiến kẻ thù “kinh hồn, bạt vía”. Những trận đánh “Bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm” trở thành huyền thoại của bộ đội đặc công làm chúng ta tự hào và trân trọng những cống hiến hy sinh của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Ký ức mang lửa một thời hào hùng
Đọc báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh về cuộc tiến công thần tốc giải phóng Sài Gòn, tôi bất ngờ thấy dòng hồi ức của cựu chiến binh: “Đồng chí Trương Văn Hồng, cựu Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công nhớ lại: "Trong trận đánh vào Căn cứ ra đa Phú Lâm, tôi được giao chỉ huy Đại đội 2, Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đặc công do đồng chí Dương Văn Sê (quê Thái Nguyên) làm đại đội trưởng tiến đánh. Được bộ đội địa phương dẫn đường, rạng sáng 18/4/1975, hướng tấn công của Tiểu đoàn Trinh sát 21 Đoàn 429 Đặc công cùng Tiểu đoàn Biệt động 197 tiến vào vị trí triển khai, tiến hành nổ súng…”.
Ông Dương Văn Sê, Đại đội trưởng đặc công trong bài viết vốn là chỉ huy của tôi tại Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, hiện đang cùng sinh hoạt tại Ban liên lạc truyền thống của Trung đoàn. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 ông là Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 677. Dưới sự chỉ huy của đội ngũ cán bộ đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả trung đoàn đã tổ chức tuyến phòng thủ và chiến đấu kiên cường, tiến công dũng mãnh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Quý mến người thủ trưởng cũ của mình và khâm phục tinh thần thép, sự mưu trí sáng tạo của bộ đội đặc công, tôi thường đến thăm gia đình và cùng ông trò chuyện.
Ông Dương Văn Sê sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 7/1968. Tháng 2/1969 ông đi B và làm nhiệm vụ tại Đoàn 429 Đặc công miền Đông Nam Bộ (nay là Lữ đoàn 429) Bộ Tự lệnh Đặc công. Trong những năm tháng ở chiến trường, ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh bằng những đòn tiến công “Xuất quỷ nhập thần” khiến kẻ thù hoảng loạn, khiếp sợ như các trận đánh Chi khu quân sự Dầu Tiếng và căn cứ Dầu Tiếng, các căn cứ của Mỹ, ngụy ở núi Cậu, kênh Sáng, núi Bà Đen, ra đa Phú Lâm… Nhiệm vụ của đơn vị ông thời kỳ đó không phải là tiến công chiếm giữ mà tập kích tiêu diệt sinh lực địch và rút về vị trí tập kết chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo. Có những nơi ông cùng đồng đội tiến đánh nhiều lần như Chi khu quân sự Dầu Tiếng, căn cứ Dẩu Tiếng, Phú Lâm. Đồng thời điều nghiên các căn cứ địch báo cáo cấp trên lập phương án tác chiến và dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiến công. Thành tích của trinh sát đặc công gắn liền với chiến công của các đơn vị chủ lực đó. Họ đánh thắng trinh sát được khen thưởng, nếu đánh không được trinh sát cũng phải bị kiểm điểm hoặc chịu xử lý kỷ luật.
Nhắc tới những kỷ niệm trong những năm đánh Mỹ, ông Dương Văn Sê lặng người, bùi ngùi xúc động nhớ lại những đồng đội đã ngã xuống trong từng trận đánh. Ông cho rằng chiến công nào cũng có xương máu đồng đội. Nhiều trận chiến sỹ hy sinh, đồng đội dùng dao găm đào huyệt chôn cất anh em, không mang được thi thể về căn cứ. Tại nhiều vùng đất và cả dưới lòng hồ Dầu Tiếng hiện nay vẫn còn thi thể đồng đội của ông nằm lại, bởi sau chiến tranh không thể tìm được khu vực mộ chí. Mỗi lần nhận nhiệm vụ đồng đội ông đều mang niềm tin tất thắng, không ngai vất vả hy sinh, vào trận với tinh thần quyết tử.
Dầu Tiếng là một căn cứ lớn của Mỹ - ngụy, cách Chi khu quân sự Dầu Tiếng khoảng 6 km. Căn cứ được bố phòng nghiêm ngặt, bộ binh ta rất khó tiếp cận. Cấp trên giao đặc công tìm phương án tiến đánh. Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa 19/6/1970, buổi trưa Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đáp trực thăng đến úy lạo binh sỹ, buổi tối đặc công ta tập kích. Đại đội 52 của ông phối thuộc cùng Tiểu đoàn 13 của Hoàng Văn Thượng. Theo phân công tác chiến, Tiểu đoàn 13 đánh hướng đông. Đại đội 52 đánh hướng tây. Mũi xung kích của ông gồm 12 chiến sĩ mới cắt xong hàng rào bên ngoài, còn lớp rào bùng nhùng bên trong gồm hai cuộn dây thép gai xếp chồng lên nhau. Bất ngờ cánh phía đông của Tiểu đoàn 13 nổ súng. Một tên lính bên trong hàng rào cằn nhằn: “Đù mẻ, tiếng nổ gì nghe kỳ quá ta”. Không để bọn địch kịp đối phó, ông ra hiệu lệnh tiến công và siết cò súng bắn bốn viên đạn vào tên lính. Tất cả bật dậy vượt qua rào lao vào căn cứ, mọi cơ số đạn B40, AK, lựu đạn trút hết vào các trận địa pháo, phương tiện kỹ thuật, công sự kẻ địch. Chớp lửa từ các chiến sỹ ta làm căn cứ bốc cháy dữ dội. Kẻ địch chưa kịp hoàn hồn, đơn vị đã nhanh chóng rút ra ngoài.
Trận đơn vị đặc công của ông độc lập tác chiến tập kích căn cứ núi Cậu ngày 26/7/1970 là một điển hình về sự biến hóa “Xuất quỷ nhập thần”. Căn cứ này có 1 tiểu đoàn Mỹ chiếm giữ. Chúng chuẩn bị lực lượng đi càn nên cắm chốt và thi thoảng lại bắn hú họa khắp nơi. Quân ta sử dụng vũ khí là bộc phá, B40, AK, thủ pháo. Sau khi cắt hàng rào, kiểm tra xử lý lưới chắn đạn B40 của địch, toàn đơn vị bí mật đột nhập đặt bộc phá. Lúc này bọn địch đang tập trung hát hò nhảy múa cùng gái điếm trong sự kiện gì đó. Lệnh nổ súng, bộc phá điểm hỏa, lửa bùng lên sáng rực. Các cơ số đạn mang theo quân ta trút hết vào căn cứ…
Theo thông báo của Bộ tư lệnh miền trận núi Cậu ta đã tiêu diệt 350 tên Mỹ, phá hủy 3 khẩu 155 ly, 2 khẩu 106 ly7, toàn bộ các lô cốt và vũ khí trang bị quân sự của địch. Sau trận tập kích không rõ vì lý do nào đó quân địch đến lấy xác và rời bỏ trận địa. Đơn vị ông lên kiểm tra thu được khá nhiều lương thực, thực phẩm chất trong kho hầm chúng bỏ lại. Trận này ta cơ bản bảo toàn được lực lượng tập kích, nhưng đồng chí Phạm Hồng Thiết, Đại đội trưởng hy sinh. Có lẽ đồng chí luồn sâu và đã thực hiện kích nổ lượng đạn pháo trong căn cứ. Đơn vị không tìm thấy thi thể và cũng không thấy đài địch nói về thiệt hại của quân ta.
Tiêu diệt “mắt thần” quân đội Sài Gòn
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Đặc công thực hiện nhiệm đánh chiếm và giữ các cây cầu cùng những căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn. Tiến hành mở và bảo vệ cửa mở ở phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Tiến đánh và chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng của địch…
Một trong những trận đánh khốc liệt trước ngày toàn thắng là tiến công căn cứ ra đa Phú Lâm, chọc thủng “mắt thần” của quân đội Sài Gòn, bảo vệ mũi tiến công của Đoàn 232 vào thành phố. Đài ra đa Phú Lâm là một trung tâm thông tin lớn nhất và hiện đại nhất Châu Á với gần 800 nhân viên quân sự hoạt động. Quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tự hào gọi căn cứ này là “mắt thần”. Phá hủy đài ra đa nhằm cắt đứt liên lạc, làm tê liệt hệ thống chỉ huy tác chiến của địch được Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho đặc công phối hợp với biệt động thực hiện. Mệnh lệnh cấp trên yêu cầu bằng mọi giá phải hoàn thành.
Nhiệm vụ tiến công căn cứ gồm một số bộ phận của Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công, Tiểu đoàn 13 Trung đoàn Đặc công 429 phối hợp với Tiểu đoàn Biệt động 197. Mục tiêu này kẻ địch canh gác cẩn mật. Quan sát thực địa, ông Dương Văn Sê thấy địch bố trí hỏa lực và bộ binh dày đặc. Vòng ngoài chúng sử dụng xe tăng, xe bọc thép và các loại xe quân sự bị bắn hỏng làm hàng rào chung quanh. Từ cánh đồng trở vào chúng dựng hàng rào tôn cao 3m cùng nhiều lớp hàng rào dây thép gai, trên các lớp rào có cài nhiều mìn vướng nổ. Khu vực đầm sen, đề phòng đặc công nước tiếp cận chúng cũng lập 2 lớp rào bên dưới, ba lớp bên trên. Nếu tổ chức tiến công, có thể hy sinh hết cũng không thể chiếm giữ.
Ông Sê quyết định phương án một bộ phận bí mật khoét hàng rào đột nhập, lấy đèn tín hiệu trên cột thu phát sóng làm chuẩn để tiến công phá hủy các hệ thống thiết bị, máy móc. Đồng chí chính trị viên ở bên ngoài sẵn sàng bộc phá để bên trong nổ súng sẽ cho nổ để mở đường rút ra.
Trước khi bước vào trận chiến này, 20 cán bộ chiến sĩ đảm nhận vai trò tiên phong được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Đêm 17 rạng sáng 18/4/1975. Tiếp cận khu trung tâm, quân ta dùng 3 khẩu B41, 4 khẩu B40 cùng AK, thủ pháo đồng loạt bắn hết các cơ số đạn vào mục tiêu. Lửa bùng lên, kho đạn địch nổ dữ dội. Mũi tấn công hướng đơn vị ông Sê chỉ huy phá hủy một số trang thiết bị quan trọng của địch. Ở một số hướng khác, do địch chống trả quyết liệt, các chiến sĩ chưa vào sâu bên trong nhưng cũng phá hủy nhiều thiết bị, máy phát sóng của địch... làm tê liệt hoạt động của chúng.
Ngày 25/4 Trung đoàn trưởng 429 Nguyễn Xuân Tình phổ biến mật lệnh tiến công của Bộ tư lệnh chiến dịch, phân công mục tiêu cho các đơn vị và ra lệnh cho tiểu đoàn tiến công lần 2 vào Căn cứ ra đa Phú Lâm, chịu trách nhiệm mở cửa và giữ cửa mở từ 5 đến 7 ngày cho đại quân tiến ta vào giải phóng Sài Gòn. Phương châm tối mật được quán triệt trong chiến đấu là nếu ai bị thương nhẹ tiếp tục cầm súng chiến đấu, bị thương nặng tổ chức băng bó, người hy sinh để lại tuyến sau đến lấy, không vì lý do gì bố trí lực lượng chuyển thương binh, liệt sĩ ra để mất sức chiến đấu. Xác định đây là trận cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả cán bộ chiến sĩ vào trận với khí thế “một ngày bằng ba mươi năm”. Lực lượng đặc công mặc quân phục, không cần ngụy trang. Đạn mỗi người chuẩn bị đủ hai cơ số. Lá cờ giải phóng mang theo lắp sẵn vào cán.
Tối 28/4/1975 Tiểu đoàn 21 Trinh sát Đặc công đã áp sát mục tiêu, đang cắt hàng rào dây thép gai thì bị địch phát hiện, nã súng như mưa làm 7 chiến sĩ hy sinh. Đồng chí Tăng Đức Phúc bật dậy xả súng AK yểm trợ đồng đội đặt bộc phá mở cửa.
Quả bộc phá tạo sức công phá mạnh, phá bung cánh cửa sắt và một phần bức tường hai bên. Tuy nhiên hệ thống phòng ngự của địch quá kiên cố, lại có hào nước, nhiều lớp rào thép gai, ta không thể cường tập. Quân ta buộc phải đóng chốt tại cửa mở, gọi lực lượng chi viện nã pháo vào bên trong và sử dụng hỏa lực B41, B40 nhắm thẳng mục tiêu khu trung tâm đài ra đa nhả đạn. Suốt 1 ngày đêm liên tục tiến công ta vẫn chưa thể chiếm được. 9 giờ sáng 30-4-1975, Ban chỉ huy họp bàn, đưa ra quyết định táo bạo. Phân đội gồm 20 chiến sĩ đánh thẳng vào cổng chính, tiêu diệt ổ phòng ngự tạo thời cơ cho đồng đội xông tới. Tại sở chỉ huy, ta bắt sống tên trung tá chỉ huy Đài ra đa Phú Lâm và yêu cầu hắn hạ lệnh cho binh lính buông vũ khí…
Ông Dương Văn Sê không giấu nổi sự xúc động tự hào, chậm rãi: - Tôi và 4 chiến sĩ tiếp cận vị trí cao nhất giật lá cờ ba que quân ngụy xuống, cắm cờ quân giải phóng tại căn cứ. Một người cao lớn bước tới bên tôi rụt rè: “Báo cáo chỉ huy, tôi là người bên giải phóng hoạt động tại đài”. Tôi nghi hoặc nhìn nét mặt người đó, nghiêm giọng: “Việc đó xác định sau. Hãy đưa tôi đi kiểm tra các vị trí”. Tại một lô cốt lớn giữa trung tâm, chúng đặt 4 khẩu 14ly5. Hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt của căn cứ này nếu quân ta dùng cả sư đoàn tiến công chắc cũng khó có thể đánh vỗ mặt. Cao hứng, tôi bắn hai loạt đạn lên trời mừng chiến thắng và thị uy sức mạnh quân giải phóng. Hành động này suýt nữa chúng tôi phải trả giá, bởi ít ngày sau, một cán bộ của Quân đoàn 3 gặp tôi nói: “Nếu các ông bắn tý nữa, chúng tôi tưởng địch chặn đường sẽ nã cho vài loạt đại bác”.
Cả chiến đoàn đông nghẹt sĩ quan binh lính ngụy kéo ra hàng, vũ khí vứt thành đống trên con đường dẫn vào khu trung tâm. Lo sợ bị bắn nhầm, tất cả bọn chúng đều cởi quần áo dài, chỉ mặc xà lỏn.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Dương Văn Sê đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 luôn tươi mới, nhiều cảm xúc và để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Chắc chắn bản lĩnh, ý chí của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Phan Thái
2 đã tặng
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...