Chuyển động từ những vùng quê
VNTN - Không chỉ là đường bê tông thay cho đường đất, trụ sở làm việc to đẹp, khang trang, mà thành công có ý nghĩa quan trọng hơn trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta là đã và đang hình thành một hệ tư duy mới trong nhận thức và hành động ở mỗi người dân.
Xây dựng NTM từ chính hộ gia đình
Vài ba năm trước, đến đâu, hỏi về xây dựng NTM hầu hết điều chúng tôi được nghe đều là phong trào hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa, trạm y tế và nhiều công trình công cộng khác. Và đương nhiên để làm được điều đó là nhờ có số vốn đầu tư lớn của Nhà nước. Nhưng đến nay, phong trào xây dựng NTM không chỉ thể hiện ở “bề nổi” như trước mà đang đi sâu về “chất”. Nó giống như một làn gió xuân ấm áp len lỏi đến từng con ngõ, mảnh vườn, mang diện mạo mới vào trong từng ngôi nhà, gian bếp.
Là 1 trong 9 xã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2010, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) đang nỗ lực từng bước để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đáng nói là xã không quá trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà chọn cách làm riêng. Đó là chủ động lựa chọn chính các hộ gia đình, các khu dân cư làm điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn, T.P Sông Công bộc bạch: Tuyên truyền để người dân hình dung ra không gian của xóm, xã NTM kiểu mẫu là điều cần thiết. Qua đó sẽ tạo ra động lực để mỗi người phấn đấu hướng tới hiện thực hóa bức tranh đó. Song sẽ không có gì tác động mạnh mẽ, thôi thúc hành động hơn nếu như bản thân họ được nhìn thấy, được trải nghiệm trong không gian ấy. Bởi vậy, chúng tôi đã tham mưu với các đồng chí lãnh đạo T.P Sông Công tổ chức cho chính người dân được đi tham quan, học tập các địa phương đã thực hiện thành công mô hình này.
Các tuyến đường phong quang, sạch sẽ là ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến xã Vinh Sơn, T.P Sông Công (Khu vực trung tâm xã nhìn từ trên cao).
Không nằm ngoài dự đoán của đồng chí chủ tịch UBND xã, trở về từ chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Tĩnh do T.P Sông Công tổ chức, ông Nguyễn Văn Quế, xóm Vinh Quang 3, nung nấu quyết tâm tạo ra các giá trị sống tốt đẹp hơn từ trong chính gia đình mình. Chia sẻ với chúng tôi, ông hồ hởi: Ban đầu nghe nói thực hiện hộ gia đình NTM tôi nghĩ rằng khó thực hiện. Vì chỉ ngay việc đơn giản nhất là việc giữ gìn nhà cửa ngăn nắp thôi đã khó. Thử nghĩ mà xem, nhà nông thì lỉnh kỉnh đủ các loại từ cuốc xẻng cày bừa, thùng tưới to, thùng tưới bé, xoong nồi, bếp củi, bếp than chật từ sân đến bếp; trong nhà, ngoài hiên hết quần áo của cháu, đến đồ bảo hộ lao động của người lớn, chưa tính ti tỉ đồ lằng nhằng khác. Ví như bộ quần áo lao động đang mặc dở vắt tạm đấy làm sao cho vào tủ được đâu. Nhưng đến khi được vào tham quan trong Hà Tĩnh thì tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Người ta cũng nông thôn như mình, mà nhà cửa, vườn ngõ sạch tinh tươm. Chúng tôi còn hỏi nhau không biết họ “giấu” đồ đạc kiểu gì mà tài thế, trong nhà, ngoài sân không hề có bất cứ đồ vật gì lôi thôi cả. Bởi vậy, trở về tôi nói với vợ và các con tôi rằng người ta làm được không có lý do gì mình không làm được. Cùng suy nghĩ ấy, một nếp sinh hoạt hoàn toàn mới đã hình thành ở khu dân cư này. Đi thăm một vài gia đình, ập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhà nào nhà ấy đều sạch từ sân ra ngõ, ngoài vườn không có rác thải, túi nilon, rau màu lên luống đều tăm tắp.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch từng nói “cán bộ nào, phong trào ấy” câu nói ngày nào của Người đang được những người gánh vác trọng trách người đứng đầu ở Vinh Sơn vận dụng. Xác định nội lực trong chính mỗi người dân là sức mạnh to lớn nhất, nhưng cán bộ phải là người biết khơi dậy tài sản quý giá đó. Bởi thế, phong trào “5 không 3 sạch” vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai nay trở thành phong trào toàn dân ở Vinh Sơn do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban chỉ đạo. Phụ nữ, đàn ông, người già, cháu nhỏ đều là đối tượng chủ chốt của phong trào.
Mô hình tốt nhưng sẽ không được gọi là thành công nếu chỉ được thực hiện đơn lẻ. Bởi thế, xã đã lựa chọn 4/6 xóm để xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn đầu. Tại 4 xóm này, xã chọn ra 10 hộ gia đình/xóm để xây dựng mô hình hộ gia đình NTM. Ở 2 xóm còn lại, mỗi xóm lựa chọn 5 hộ gia đình thực hiện mô hình này…
Kiểu mẫu là đi trước làm gương, tinh thần ấy đang được người dân xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đồng lòng thực hiện. Từ khi được chọn làm xóm điểm về xây dựng NTM, những mảnh vườn, đồi cây um tùm cỏ dại trước đây đã nhường chỗ cho vườn cây ăn trái sai trĩu quả. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2017, xóm đã xây dựng thêm 3,5km đường điện chiếu sáng, xây thêm 3/6 địa điểm tránh ô tô trên đường bê tông xóm; trồng hàng trăm cây cau dọc hai bên đường từ cổng làng vào khu thể thao của xóm.
Bên cạnh góp công sức, tiền của thực hiện các tiêu chí về xóm NTM kiểu mẫu, các hộ dân còn nỗ lực thực hiện các phần việc để từng bước hoàn thiện tiêu chí hộ gia đình NTM. Trước cửa nhiều ngôi nhà vẫn là hàng cúc tần hoặc xương rồng như trước kia, nhưng do được cắt, tỉa công phu đã tạo ra một hình ảnh mới ngay ngắn và đẹp đẽ.
Dù mới triển khai nhưng phong trào xây dựng hộ gia đình NTM và xóm NTM kiểu mẫu đã bước đầu tạo ra những thay đổi tích cực ở mỗi miền quê. Sự thay đổi này tuy chưa toàn diện nhưng sẽ là những nhân tố mẫu làm cơ sở để xã tuyên truyền và vận động nhân dân trong toàn xã cùng thực hiện.
Người dân chú trọng làm thương hiệu
Có lẽ thành công lớn nhất trong phong trào xây dựng NTM cho đến thời điểm này là đã dần hình thành những tư duy mới của người nông dân. Thói quen sản xuất manh mún, “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” đã dần được xóa bỏ. Trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; việc tạo dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng được chính người nông dân chú trọng. Khắp các vùng nông thôn, ngày càng xuất hiện những công dân ưu tú, dám nghĩ, dám làm. Anh Nguyễn Minh Tài, xóm Quang Vinh 2, xã Vinh Sơn T.P Sông Công đã mang những kiến thức được học trong trường đại học và những trải nghiệm thực tế tại Israel - Quốc gia số 1 về làm nông nghiệp thông minh về áp dụng trên đồng đất quê hương. Với mong muốn tạo ra sự thay đổi trong nếp nghĩ và cách làm nông nghiệp của người dân địa phương. Anh Tài bộc bạch: Tôi kỳ vọng có thể cùng bà con địa phương tạo ra một vùng rau an toàn, có giá trị cao chứ không phải chỉ mô hình của riêng mình. Tuy nhiên để làm được điều đó, tôi phải làm trước để bà con thấy rồi tin tưởng cùng hợp tác.
Những tư duy tiến bộ như của Nguyễn Minh Tài không phải chỉ có ở những người trẻ tuổi. Một thời xã Tràng Xá (Võ Nhai) được biết đến là vùng đất trù phú trồng đỗ tương, trồng mía nhiều nhất nhì trong huyện. Nhưng qua thời gian, các loại nông sản này lần lượt bán không có người mua. Có lúc mía rớt giá còn chưa đến 1 nghìn đồng/1kg, người dân chuyển sang trồng ngô. Thổ nhưỡng phù hợp, cây ngô phát triển thuận lợi và trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đến lượt ngô tiếp tục mất giá. Ông Hoàng Văn Hãn, xóm Nà Lưu đã mạnh dạn cải tạo đất đồi để trồng bưởi. Từ 100 gốc bưởi đầu tiên đến nay, ông đã nhân rộng ra gần 1 nghìn gốc, gồm các loại: Bưởi Diễn, da xanh và bưởi hoàng. Với giá bán từ 18 - 20 nghìn đồng/quả. Bưởi trồng ra hiện không đủ bán, nhưng điệp khúc được mùa mất giá, nông sản tồn đọng vẫn là nỗi ám ảnh của nhà nông, nhất là khi hiện nay riêng xã Tràng Xá đã phát triển đến 200 ha cây ăn quả. Bởi thế bên cạnh việc chăm sóc, nâng cao chất lượng quả bưởi, ông còn liên hệ với Hội Làm vườn tỉnh để đăng ký và nhờ được hướng dẫn thủ tục đăng ký thương hiệu bưởi của mình. Đồng thời chủ động mang sản phẩm do mình làm ra đi giới thiệu, quảng bá tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, bưởi ông Hãn trồng ra không đủ bán, một số cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội cũng đặt hàng ông thường xuyên. Ông mong muốn, sẽ cùng bà con địa phương xây dựng được một thương hiệu cho bưởi Tràng Xá. Bởi ông ý thức được rằng, muốn bưởi Tràng Xá có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì không có cách nào khác ngoài xây dựng được thương hiệu, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó mới có thể tìm kiếm và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh được nỗi lo được mùa mất giá như các loại nông sản khác bấy lâu nay.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa có cơ sở bền vững, tập quán canh tác nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là đặc điểm chủ đạo của người dân ở đây. Nên ngay cả khi nông sản đang được giá như hiện nay thì người nông dân vẫn chưa thể yên tâm.
Nằm cách trung tâm huyện Định Hóa 22km và chỉ vẻn vẹn với 47 nóc nhà, nhưng Phú Hội 2, xã Sơn Phú là khu dân cư đáng mơ ước của biết bao xóm vùng sâu, vùng xa khác. Ở đó hiện nay 2/3 các hộ trong xóm có nhà cao tầng khang trang, vững trãi. Có được sự đổi thay đó phần lớn cũng nhờ “làn gió NTM”. Ở Phú Hội 2, chè là cây trồng chủ yếu nuôi sống người dân trong xóm. Đất đai không nhiều như một số xóm vùng núi khác, cả xóm chỉ có 15ha chè. Trước đây nhiều người dân trong xóm thiếu đói quanh năm. Chè thì mỗi hộ gia đình làm một kiểu, nhưng giá bán cao nhất cũng không vượt quá được 40.000 đồng/kg chè khô. Thay đổi cách làm của bà con là việc cần thiết để giải quyết tình trạng này. Trước nhu cầu cấp thiết đó, hợp tác xã (HTX) chè Phú Hội 2 được thành lập. Bà con tham gia vào HTX được tuyên truyền, vận động trồng chè cành thay cho chè hạt; Ban chủ nhiệm (nay là Ban Giám đốc) HTX liên hệ với các cơ quan chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè cho xã viên. Chỉ khoảng 3 năm sau khi vào HTX, sự biến chuyển đã thấy rõ. Anh Đặng Ngọc Hà, Giám đốc HTX chè Phú Hội 2, xã Sơn Phú, Định Hóa vui mừng thông báo: Chè ở Phú Hội 2 giờ được thương lái đánh giá khá tốt về chất lượng. Giá bán dao động từ 160.000 - 250.0000 đồng/1kg chè khô. Điều quan trọng hơn là tất cả đều đang hướng tới sản xuất chè an toàn. Để làm mẫu và thí điểm, xóm đã thành lập ra Tổ sản xuất chè VietGAP do hội viên phụ nữ làm nòng cốt. Từ đây, tập quán sản xuất lạc hậu trước kia hoàn toàn được thay đổi. Không còn mạnh ai nấy làm, tất cả các tổ viên đều thống nhất cách chăm bón, hỗ trợ nhau thu hái và chế biến.
Nhớ lại thời điểm chưa vào HTX và Tổ sản xuất chè VietGAP, chị Đỗ Thị Canh thật thà: Trước đây, ra thăm có khi thấy chè đến lúc phải bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật rồi nhưng vướng việc gì là lại kệ, vài ngày sau mới làm. Hái chè về cũng thế, cứ để đó rảnh lúc nào sao lúc đó. Cho đến khi được học làm chè theo tiêu chuẩn an toàn thì tôi và các chị em trong tổ đã thay đổi hẳn thói quen chưa đúng xưa kia. Chăm bón ra sao, bơm thuốc thời điểm nào để hiệu quả mà an toàn là điều được tuân thủ nghiêm ngặt. Khi hái cũng đúng theo tiêu chuẩn một tôm, hai lá. Hái chè về nhà sau 3 - 4 tiếng là đem sao chứ không để lâu sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng chè. Làm theo quy trình, cảm giác như vất vả hơn nhưng giá chè thì tăng hơn nhiều lần so với trước, nên ai cũng phấn khởi vừa làm vừa hướng dẫn cho những người xung quanh cùng thực hiện.
Xây dựng NTM là một chương trình lớn, có ý nghĩa lớn lao, tuy nhiên đều có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất. Sự thay đổi theo hướng tích cực từ mỗi người dân, mỗi gia đình, trong từng cộng đồng dân cư, trong mỗi làng, xã chính là nền tảng vững chắc nhất để chúng ta thực hiện thành công chương trình này. Vì mục tiêu cuối cùng của phong trào không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân nông thôn.
Năm 2017, tỉnh hỗ trợ 100.000 tấn xi măng cho các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Tổng nguồn vốn được huy động là 5.662.800 triệu đồng. Trong đó người dân đóng góp 193.461 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được trên 270 km đường giao thông các loại, 10 hồ đập, trên 20 km kênh mương, 81 trạm biến áp, 168 phòng học, 5 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 130 nhà văn hóa xóm, trạm y tế, 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… Tỉnh ta phấn đấu, năm 2017 có 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 100 tổ hợp tác, 197 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây thực sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người dân. |
Ngân Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...