Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:38 (GMT +7)

“Nêm” hay “nen”

VNTN - Trong công trình Truyện Kiều chú giải, học giả Lê Văn Hòe đã phiên câu 48 ở thi phẩm của Nguyễn Du là ngựa xe như nước áo quần như nen. Sau đó ông lý giải: Ngựa xe như nước là ngựa xe như nước chảy hết lớp này đến lớp khác. Áo quần như nen là áo quần san sát nhau như cỏ nen.

Nen là một loại cỏ, không có cành, chánh, không có lá, chỉ có thân cây. [...] mọc thẳng tắp từ dưới lên, trông xa tựa như dò hành, dò hẹ.

Nen mọc ở ruộng nước, [...]. Nen mọc rất mau, san sát như rừng, che kín cả ruộng người không biết có khi tưởng là ruộng lúa. Trong một thửa ruộng độ một sào, không biết có mấy ngàn mấy vạn cây nen mà kể. Nen mọc rất khỏe, hễ nước dâng cao lên đến đâu là nen ngoi lên đến đó.

[...] tác giả ví ngựa xe như nước, áo quần như nen vừa đúng sự thật, văn vừa có màu sắc.

Nen có nơi gọi trạnh ra là nên, năn hoặc nèn.

Chép: áo quần như nêm là sai, vì:

1) Câu này gồm hai vế tiểu đối: vế trên ngựa xe như nước mà vế dưới là áo quần như nêm thì không cân. Nước là danh tự, không thể đối với nêm là động tự. Nước là thực tự không thể đối với nêm là hư tự.

2) Ý nghĩa chữ nêm không đi được với quần áo. Người ta thường chỉ nói: người đông chật như nêm cối, không ai nói quần áo như nêm bao giờ.

3) Chép như nêm thì lạc mất vần thơ. Vì tiếp theo là ngổn ngang gò đống kéo lên. Trên vần nêm câu dưới không chuyển xuống vần lên được.”*

Chắc hẳn đây sẽ là một kiến giải vô cùng thú vị, tuy nhiên người viết thấy cần xem xét lại vài điểm.

Thứ nhất, về mặt chữ Nôm. Chúng ta đều biết, Truyện Kiều được Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm. Do đó, cách tốt nhất để truy nguyên chữ nghĩa là tìm về với bản Nôm. Khảo qua một số văn bản chữ Nôm Truyện Kiều đáng tin cậy, người viết xin được đưa ra kết quả về chữ cuối cùng trong câu thơ thứ 48 của Nguyễn Du như sau:

- Bản Kim Vân Kiều tân truyện in theo ván khắc năm Tự Đức 24 (1871) của Liễu Văn Đường tàng bản, chép là: ?

- Bản Đoạn trường tân thanh in theo ván khắc năm Thành Thái Nhâm Dần (1902), do Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chú thích, ghi là: 揇

Về cơ bản hai chữ ? và 揇 đều có cơ sở để đọc thành nêm hoặc nen do bộ phận chỉnh âm là các chữ Hán có âm Hán Việt là niên 年 và nam 南, niên -> nêm hoặc nen; nam -> nêm hoặc nen.

Như vậy, có thể thấy kiến giải của học giả Lê Văn Hòe là có cơ sở.

Tiếp theo, chúng ta xét đến ba lý do mà tác giả của Truyện Kiều chú giải đưa ra để khẳng định phiên “áo quần như nêm là sai”. Ở lý do thứ nhất, người viết hoàn toàn đồng ý rằng Nguyễn Du đã dùng phép tiểu đối trong câu thơ này, tuy nhiên chữ nêm ở đây chưa hẳn là động từ như học giả Lê Văn Hòe đã nói. Trong hai bản Nôm Truyện Kiều ở trên có thể thấy bản của Liễu Văn Đường có niên đại cổ hơn so với bản còn lại, do đó người viết lấy bản này làm bản cơ sở. Xét đến chữ ?, chữ này thuộc bộ mộc 木, tức là ý nghĩa của nó có liên quan đến cây cối và cụ thể nghĩa của nó là mảnh tre gỗ dùng để chêm vào chỗ hở cho chặt. Như vậy chữ ? ở đây là một danh từ, theo đó nó cũng là một thực từ. Vì lẽ đó chữ này đáp ứng được yêu cầu tiểu đối.

Trong lý do thứ hai, theo học giả Lê Văn Hòe, chữ nêm “không đi được với quần áo”, kiến giải này chưa hẳn đã thỏa đáng vì trong câu thơ, Nguyễn Du có thể dùng phép hoán dụ, áo quần ở đây dùng để chỉ người chứ không đơn thuần là áo quần theo nghĩa gốc. Do đó, chữ nêm vẫn có thể dùng với hàm nghĩa chỉ người đi chơi hội đạp thanh đông đúc.

Đối với lý do thứ ba mà học giả Lê Văn Hòe đề xuất, có thể vận dụng luật biến âm chữ Nôm để giải thích. Trong chữ ? bộ phận điều chỉnh âm đọc là chữ niên 年, và theo quy tắc biến âm chữ Nôm âm cuối n biến thành âm cuối m là có cơ sở, ví dụ: niên年 -> năm; miên 綿 -> mềm. Do đó, nêm với lên có căn cứ để hiệp vần được với nhau.

Cuối cùng, người viết chưa tìm hiểu được có cây nen như học giả Lê Văn Hòe đã nói hay không, tuy nhiên nếu có thì căn cứ vào miêu tả của tác giả Lê Văn Hòe, người viết nhận thấy đây là một cây thuộc họ hành, tỏi. Như vậy bộ thủ của chữ nen này khả năng lớn sẽ dùng bộ thảo艹chứ không phải bộ mộc木 như trên. Ví dụ: chữ Hán thông 蔥 (cây hành), chữ Nôm hành 荇 (cây hành); chữ Hán toán蒜 (cây tỏi); chữ Nôm tỏi 蕞 (cây tỏi). Những chữ trên đều thuộc bộ thảo艹, như người viết đã nói. Phải chăng cây nen mà cụ Lê Văn Hòe nhắc đến ở đây chính là cây nén, một cây thuộc họ hành tỏi, còn gọi là hành tăm?

Những kiến giải của túc nho Lê Văn Hòe rất thú vị nhưng theo người viết chữ cuối cùng trong câu thơ số 48 của Truyện Kiều vẫn phải đọc là nêm.

* Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, Quốc học thư xã, 1953, tr.26.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy