Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:31 (GMT +7)

Chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với châu Á – Thái Bình Dương sẽ như thế nào?

VNTN - Khoảng 10 ngày sau khi trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh phá bỏ hầu hết các di sản của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. 


Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức (20/01/2017), ông Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh đầu tiên yêu cầu tạm thời "đóng băng" những hoạt động liên quan đến chương trình y tế Obamacare. Ngày 22/01, ký sắc lệnh Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngày 23/01, ký sắc lệnh khôi phục Chính sách Mexico City, cấm cung cấp kinh phí chính phủ cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủng hộ hoặc hỗ trợ quyền phá thai của phụ nữ. Ngày 24/01, ký sắc lệnh cho xúc tiến thông qua dự án xây dựng hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access. Ngày 25/01, ký sắc lệnh xây tường rào biên giới Mỹ - Mexico. Ngày 27/01, ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo, nhằm chống khủng bố thâm nhập nước Mỹ.

Việc dự đoán chính sách của tân Tổng thống Mỹ trong thời gian tới là hết sức khó khăn, khi ông là một người chưa từng tham gia chính trị. Trên cơ sở những tuyên bố của Donald Trump trong quá trình tranh cử, Kế hoạch 6 điểm cho 100 ngày đầu tiên và lựa chọn các thành viên nội các và những động thái của ông Donald Trump sau 10 ngày nhậm chức, bước đầu có thể đưa ra một số nhận định sau: Đảng Cộng hoà cầm quyền, nắm ưu thế ở cả hai viện của Quốc hội; lại là Đảng do các nhà tài phiệt về tài chính, ngân hàng, dầu lửa, công nghiệp quốc phòng làm chủ đạo; chính sách của Đảng này thường tập trung vào khu vực châu Á  -  Thái Bình Dương, vì đây là lợi ích của Mỹ nói chung và của Đảng Cộng hòa nói riêng; nhân sự bộ máy chính quyền gồm các tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu, các nhà kinh doanh; chính sách đối ngoại, quốc phòng an ninh của Mỹ trong thời gian tới sẽ bị chi phối bởi các nhân sự chủ chốt trong nội các chính quyền mới dự báo sẽ cứng rắn hơn so với chính quyền của Tổng thống Obama.

Dự báo chính sách đối với châu Á-Thái Bình Dương

Donald Trump chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại "hòa bình thông qua sức mạnh", Mỹ có thể ưu tiên "sức mạnh cứng", củng cố thủ tục và chính sách tị nạn, hạn chế nhập cư, tiếp tục tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Về quốc phòng, an ninh, Donald Trump chủ trương ưu tiên ngân sách để tăng cường tiềm lực quân sự (tăng quân số, tàu chiến và máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa, an ninh mạng...) nhằm khẳng định vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ xem xét điều chỉnh một số hiệp ước, thỏa thuận đã ký kết với các nước đồng minh; giảm mức độ cam kết và vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh trên thế giới, buộc các nước đồng minh phải tăng cường khả năng quốc phòng của mình.

Thể hiện mạnh mẽ sự quan tâm tới châu Á - Thái Bình Dương

Trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ phải dựa vào các báo cáo, tư vấn của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)… để triển khai chính sách đối ngoại. Hiện nay, cả 3 cơ quan này đều ủng hộ chính sách "tái cân bằng", nhưng không hài lòng với chính sách quá mềm dẻo của Tổng thống Obama, chưa tạo ra sức nặng răn đe đối với Trung Quốc. Chính quyền của ông Donald Trump sẽ tiếp tục triển khai chiến lược "tái cân bằng", nhưng có thể tên gọi theo cách khác, theo hướng có chọn lọc, trọng điểm tập trung vào các đồng minh và những đối tác quan trọng của Mỹ. Có thể Mỹ sẽ thể hiện quan điểm và hành động quân sự tại khu vực một cách trực diện hơn so với thời Tổng thống Obama thông qua sự hiện diện và tăng cường quan hệ với các đồng minh chiến lược, để duy trì lợi ích của Mỹ tại khu vực. Mỹ tiếp tục xác định Nhật Bản, Hàn Quốc là đồng minh quan trọng hàng đầu; cam kết bảo vệ an ninh, nhưng sẽ yêu cầu hai nước này đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng để tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, chia sẻ chi phí tài chính cùng Mỹ duy trì an ninh, ổn định khu vực; đồng thời tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ với Ôxtrâylia, Ấn Độ, Singapo, Malaixia, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam.

Tiếp tục duy trì vai trò ảnh hưởng tại Đông Nam Á

Với quan điểm "Nước Mỹ trên hết", chính sách của ông Donald Trump sẽ tiếp tục duy trì vị thế và ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ thông qua các biện pháp: Hình thành khung hợp tác an ninh biển giữa Mỹ với các quốc gia trong khu vực; duy trì sự can dự tích cực tại Đông Nam Á; cân bằng chính sách Mỹ - Trung; thúc đẩy quan hệ toàn diện với các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, cũng không loại trừ kịch bản khác, nếu Mỹ và Trung Quốc thoả hiệp với nhau, có thể Mỹ sẽ giảm bớt can dự vào Đông Nam Á.

Tiếp tục can dự vào Biển Đông

Vấn đề Biển Đông gắn liền với lợi ích quốc gia của Mỹ, không chỉ là mối quan tâm của Tổng thống mà còn chịu sự tác động của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... Do đó, trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục chính sách can dự vào Biển Đông trên các lĩnh vực như tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự, luật pháp trên biển. Ông Donald Trump sẽ có những hành động cứng rắn hơn nếu thấy rằng các hành động của Trung Quốc ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ và các quốc gia đồng minh, trừ khi hai nước đạt được thoả thuận thương mại có lợi rõ ràng cho Mỹ. Ông Donald Trump cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng tiền, đánh thuế nặng hàng hóa Mỹ, xây dựng pháo đài kiên cố trên Biển Đông, không giúp ích gì trong vấn đề Triều Tiên chạy đua vũ khí hạt nhân, vấn đề môi trường, kéo công ty Mỹ về đầu tư trong nước..., nhưng khả năng đạt được nhượng bộ của Trung Quốc từ những vấn đề trên là rất khó.

Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong chiến lược lâu dài của Mỹ tại khu vực

Chính quyền mới của Mỹ sẽ có những điều chỉnh nhất định về chính sách, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Donald Trump chỉ có một số tuyên bố gián tiếp thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam (thương mại, việc làm, chi phí khắc phục hậu quả chiến tranh...). Tuy nhiên, trong chiến lược dài hạn của Mỹ, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một trong những "mắt xích quan trọng".

Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vục Đông Nam Á nói riêng, ngày càng đóng vai trò quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nước lớn, nhất là Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng nổi lên thách thức vị thế số 1 thế giới của Mỹ. Mặc dù có một số khác biệt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng việc coi châu Á là một ưu tiên về an ninh quốc gia và vai trò trung tâm của hệ thống liên minh có sự đồng thuận cao của lưỡng đảng tại Mỹ. Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam có vị trí quan trọng mà Mỹ không thể coi nhẹ.

Bản thân ông Donald Trump có quan điểm không mấy thiện chí với Trung Quốc, do vậy có khả năng chính quyền của ông Donald Trump sẽ khiến Trung Quốc khó đối phó hơn, không dám mạo hiểm thực hiện những bước đi ở Biển Đông như đã làm dưới thời Tổng thống Obama. Trung Quốc có thể sẽ không có hành động quân sự thu hút sự chú ý trong giai đoạn đầu của chính quyền Donald Trump như tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không hay chiếm thêm một số bãi đá ngầm khác ở Biển Đông.

Hơn nữa, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Quan hệ an ninh, quốc phòng song phương giữa hai nước trong thời gian qua đã phát triển theo chiều hướng tích cực, thực chất hơn. Hai nước đã ký một số thỏa thuận quan trọng thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng; đây là những văn bản pháp lý mà chính quyền của ông Donald Trump không thể bỏ qua.

Xuất thân là một doanh nhân, ông Trump sẽ thiên về cân nhắc "lợi nhuận" trong mọi vấn đề, khi can dự vào các vấn đề khu vực. Điều này có thể dẫn đến sự mặc cả, đánh đổi lợi ích giữa các nước lớn, phớt lờ lợi ích của các nước nhỏ như Việt Nam. Tỉ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm so với giá trị kim ngạch hai chiều; việc làm trong nước giảm do các công ty Mỹ có thể rút đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tràn sang lấp chỗ, cả hai yếu tố này đồng nghĩa với tăng bất ổn cho xã hội, môi trường kinh doanh, trình độ quản lý, công nghệ Việt Nam... nếu Việt Nam không mở rộng được sản xuất, tìm kiếm các nhà đầu tư khác có chất lượng thế vào chỗ do các nhà đầu tư Mỹ rút đi.

Biểu tình phản đối ông Trump ở New York tháng 11/2016 (Ảnh: EPA)

Trong thời gian trước mắt, Biển Đông có thể chưa phải là ưu tiên trong chính sách của ông Donald Trump. Với quan điểm lợi ích "Nước Mỹ trên hết", sự cứng rắn hơn với Trung Quốc của chính quyền Donald Trump tại Biển Đông chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không của Mỹ tại khu vực, ít có khả năng Mỹ mạnh tay chi cho việc bảo vệ các nước có liên quan đến Biển Đông. Đây là điều Trung Quốc có thể lợi dụng triển khai các biện pháp nhằm thực hiện yêu sách chủ quyền Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường quân sự và tìm cách đẩy mạnh quan hệ song phương với Campuchia, Lào, Malaixia, Philippin nhằm phân hóa ASEAN.

Các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam sẽ lợi dụng xu thế chủ nghĩa dân túy để kích động chủ nghĩa dân tuý ở Việt Nam, hậu thuẫn cho các lực lượng chống đối chính quyền cách mạng tạo cơ sở cho việc hình thành xã hội dân chủ theo kiểu Mỹ tại Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump có xu hướng ưu tiên đối nội hơn đối ngoại, hành xử đơn phương, song phương hơn can dự đa phương; vì vậy, ASEAN có thể phải đối mặt với thử thách không nhỏ khi muốn giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực...

Vũ Khang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước