Câu chuyện của những người Pháp đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam - Phần II
(Tiếp theo kỳ trước)
Phần II – Những người lính da trắng, tại sao họ đào ngũ sang phía Việt Minh?
Tất nhiên không phải chỉ nhờ vào những ca từ của bài Le déserteur – Những kẻ đào ngũ của Boris Vian mà những người lính chuyên nghiệp của quân đội đế quốc Pháp mới quyết định đào ngũ. Quyết định này còn phải là kết quả của việc hành động theo lý tưởng chính nghĩa. Những người đào ngũ da trắng trong quân đội Việt Minh, những người gốc Âu châu, giằng xé giữa những mâu thuẫn nội tại, giữa một bên là lòng trung thành với Tổ quốc và một bên là lý tưởng chiến đấu vì sự công bằng cho nhân loại. Họ đã chọn chiến đấu cho lý tưởng. Tuy nhiên quyết định này sẽ để lại những hệ quả không bao giờ có thể thay đổi cho chính cuộc đời họ.
Đối với những đồng đội, họ trở thành trở thành những kẻ phản bội Tổ quốc. Đối với những người đồng đội “mới”, họ là người lính ngoại lai. Con đường để được đứng dưới cùng một hàng ngũ với những người lính Việt Minh của họ không hề đơn giản. Họ sẽ phải cố gắng rất nhiều, cả về thể chất và tâm lý, để có thể trở thành một người lính Việt Minh.
Thế nhưng, theo nhà sử học Henri Azeau, con số những người lính Pháp đào ngũ này không hề nhỏ. Họ gồm 288 lính da trắng (ngoài ra còn phải kể đến 388 lính người Bắc Phi, 78 lính Phi châu và hơn một nghìn lính lê dương gốc nước ngoài). Những người lính đào ngũ này liệu có phải hành động một cách vô thức hay bị xúi giục bởi quân đội Việt Minh?
Trong cuốn Từ kháng chiến đến cuộc chiến tranh Đông Dương của Claude Collin, tác giả đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về những người lính đặc biệt này và đi đến kết luận như sau: Họ đều là những người trẻ dưới ba mươi với tư tưởng tiến bộ và đều sống qua cuộc kháng chiến chống quân phát xít Đức tại Pháp. Phần lớn trong số họ thậm chí còn từng anh dũng chiến đấu trong cuộc giải phóng dân tộc Pháp và vì thế giờ đây, đối diện với cuộc chiến ở Đông Dương, họ thấy mình bị “mắc kẹt trong một mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa một bên là niềm tin vào sứ mệnh khai hóa văn minh hóa của nước Pháp – được thừa hưởng từ sự giảng dạy của nền Cộng hòa – cũng như lòng trung thành với chính phủ Pháp có được từ cuộc kháng chiến và một bên là cảm xúc được khơi dậy khi quan sát tình hình thực tế mà các cư dân thuộc địa đang sống, tình hình phản ánh những yêu cầu chính đáng và ít nhiều giải thích lý do cho mong muốn giải phóng của Việt Minh”.
Trên thực tế, họ đều biết rõ đây là một quyết định hành động khó khăn, một hành động mà ở bất cứ quốc gia và thời đại nào cũng sẽ bị xử như một dạng phạm tội nghiêm trọng nhất, tội phản bội tổ quốc. Vì thế hành động này có thể bị xử tù và thậm chí xử tử nếu như nó đe dọa trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia. Những người lính Pháp đào ngũ hẳn hiểu hơn ai hết mức độ nghiêm trọng của quyết định này. Một khi đã đặt chân sang “phía bên kia”, họ sẽ không bao giờ có đường quay về điểm xuất phát ban đầu. Tội danh này sẽ theo họ đến hết cuộc đời. Và vì thế họ không thể hành động bộc phát, những người lính Pháp đào ngũ đã phải rất cẩn trọng trong suy nghĩ và quả cảm trong hành động, họ thậm chí sẵn sàng đối đầu với những nguy hiểm để vượt qua lằn ranh của cuộc chiến.
Jacques Doyon sinh năm 1938 tại Pháp, nhà văn, nhà báo chiến sự, người từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam (1967 – 1970), còn là tác giả của cuốn Việt Cộng: tại bản doanh du kích của Việt Cộng (1968), người đầu tiên lên tiếng để lấy lại công bằng cho những người lính này. Năm 1973, ông cho ra đời cuốn Những người lính da trắng của Hồ Chí Minh với độ dày 522 trang, NXB Marabout: “Tôi chỉ mong muốn là cởi bỏ những ý niệm hời hợt về từ “phản bội”, một từ mà trong tâm lý chung và trong những suy nghĩ chuẩn mực của rất nhiều người trong số chúng ta đã nghĩ rằng khái niệm “yêu tổ quốc” phải gắn liền với việc tuân thủ kỷ luật quân đội và phải có được chứng chỉ hành động chuẩn mực” (Trích “Đôi lời với độc giả” - trang 8).
Cuốn sách gồm ba phần phác họa lại quá trình vượt lằn ranh của những người lính Pháp đào ngũ từ quân đội đế quốc sang quân đội Việt Minh cùng những sự kiện lịch sử diễn ra trong thời kỳ này. J. Doyon đã dành ra rất nhiều năm thu thập tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng từng là cựu binh đào ngũ để hoàn thành cuốn sách này với mong muốn không để đánh giá lịch sử mà chỉ muốn lịch sử thừa nhận một cách công bằng công và tội của những người đã tạo nên nó. Dưới đây là trích đoạn phần mở đầu của cuốn sách tài liệu lịch sử này. Được viết dưới dạng tự sự của một người lính đào ngũ, J. Doyon kể lại quá trình đấu tranh tư tưởng của một người lính Pháp rời bỏ hàng ngũ của mình để chiến đấu vì lý tưởng tự do dành cho mọi dân tộc:
“Để giải thích hợp lý, tôi nên bắt đầu nói về hai ngày có tính chất quyết định đè nặng lên cuộc đời chúng ta, một là ngày chúng ta đã phạm vào điều ngu ngốc, cam kết trở thành lính viễn chinh Pháp, và một là ngày chúng ta muốn sửa chữa sự ngu ngốc này bằng cách đào ngũ. Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng nhiều tình huống phức tạp. Chúng ta không thể tự bào chữa chỉ bằng một cái lắc đầu, ngay cả khi điều đó đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Cuộc sống thật tinh tế, nó sẽ đuổi bắt anh, cuộc sống chân thành hơn. Anh phải thực sự chấp nhận bản thân, chúng ta sẽ luôn phải bắt đầu lại từ cùng một điểm.
Nếu không có lý do chính đáng thì chúng ta đã không đi đến việc phá bỏ tất cả, thay đổi cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sẽ không thực hiện điều đó ngay lập tức, ít nhất là trong trường hợp của tôi, một người không có lý tưởng, và tất nhiên chưa nhận được bất kỳ mệnh lệnh từ bất cứ một đảng phái hay tổ chức nào. Với tôi mọi thứ đều mang tính cá nhân. Đó là vấn đề về trạng thái tâm trí.
Chúng ta phải liên tục tự vệ: một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Và tôi đã không thoát khỏi cuộc tranh đấu đó, ở Đông Dương. Tôi đã phải đấu tranh chống lại những áp lực của quân nhân, họ muốn biến tôi thành một người khác, họ tìm cách thao túng cuộc nổi dậy chống lại xã hội của tôi, biến tôi thành một người lính ngoan ngoãn và gieo vào tôi niềm vui tàn ác giết hại những người nông dân Việt Nam ở độ tuổi của tôi… Hãy suy nghĩ về điều này...
Sẽ đến lúc anh không thể chịu đựng nổi công việc được giao. Anh sẽ vùng dậy, tâm trí nổi loạn: anh lại không thể đình công, cũng không thể chiếm đóng nhà máy; không có lá cờ đỏ, không có diễu hành, không có biển hiệu, không có hàng rào chướng ngại vật. Lá cờ đỏ, kẻ thù của chúng ta – quân đội “Việt” – kiêu hãnh giương cao khi họ tấn công chúng ta! Như những công nhân Công xã năm 1871, như những người mang tư tưởng Bôn sê vích ở Leningrad! Cùng với lời kêu gọi đấu tranh chống áp bức, đấu tranh giành độc lập mà những người lính Việt Nam viết bằng tiếng Pháp trên phông chữ to màu trắng tại các làng quê giống như cách làm của những đứa trẻ ở thời F.T.P. (Hội du kích và những người ủng hộ nước Pháp trong cuộc nội kháng chiến), hay những cựu thành viên của Thanh niên Cộng sản trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã. Mọi thứ bây giờ đảo lộn, tôi không hiểu tại sao: họ dùng ngôn từ của chúng ta, những người lính Việt Nam chiến đấu nhân danh Hồ Chí Minh, họ giăng cờ, lá cờ của tuổi trẻ của tôi, của nền giáo dục của tôi, tôi, người lớn lên với lòng kính trọng lịch sử giai cấp công nhân và lá cờ đỏ, và sau này là cuộc kháng chiến của những người lính F.T.P., của Đảng và của công cuộc bảo vệ các quyền tự do của người Pháp cùng nền cộng hòa...
Ngày tôi ký cam kết tham gia thủy quân lục chiến, tôi không hiểu hết những điều này, không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi: Tôi chỉ là một đứa trẻ đang tuổi nổi loạn chống lại tất cả, những “kẻ khốn nạn”, những ông chủ, chống lại chính mình và gia đình mình. Tôi chỉ muốn khẳng định bản thân. Và tôi đã làm điều đó, sự ngu ngốc của năm mười tám tuổi sẽ đẩy tôi vào cuộc chiến tranh Đông Dương, trong suốt một năm, tôi đi để giết những người Việt Nam, vậy mà chỉ vài tháng trước đó, tôi còn hét to trên các đại lộ lớn của Paris cùng với những người bạn Thanh niên Cộng sản: “Hòa bình cho Việt Nam!”. Tôi không biết người Việt là ai. Tôi đã hét to! Dù không thực sự biết việc làm đó mang ý nghĩa gì. Tôi đã từng rất ngu ngốc, lười nhác, và đặc biệt là tính cách không ổn định...
Từ từ, từng chút một, anh sẽ hiểu ra một điều đơn giản: nếu anh tiếp tục càn quét các thôn làng, giết hại gia cầm, bắn vào quân Việt Minh và những người nông dân, anh sẽ trở thành một tên khốn nạn. Anh sẽ nhanh chóng quen với điều đó nếu anh cứ mặc nhiên thực hiện những hành động đó. Chuyện này thật đơn giản... Trong đội biệt kích súng trường thủy quân lục chiến, những người lính chẳng quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt đó: họ bắn, bắn bất cứ thứ gì chuyển động. Người ta hét vào mặt chúng ta: “Bắn!” và thế là chúng ta bóp cò. Đó đơn giản là trò chơi hút tẩu ở hội chợ Batignolles.
Hãy suy nghĩ về điều đó, hay nói đúng hơn là những điều hết sức hiển nhiên này buộc anh phải nghĩ rằng mình thật đáng kinh tởm. Chỉ cần một ngày nào đó anh nhận ra điều này và thế là tất cả sẽ nổ tung. Cuộc nổi dậy của anh có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau: nổi loạn, từ chối tuân theo, tòa án quân sự, đào ngũ, say rượu, nhưng tất cả đều có nghĩa là có điều gì đó đang xảy ra.
Đối với tôi, một cuộc gặp gỡ là nguồn gốc của tất cả. Tôi vừa trở về sau một ca phẫu thuật. Tôi sải bước cùng với nhiều kẻ ngu ngốc khác. Tôi nhìn thấy hai tù nhân đang ngồi xổm, khuỷu tay bị trói sau lưng. Theo lời các binh sĩ, họ là những cán bộ Việt Minh. Một trong những tù nhân nhìn tôi. Khuôn mặt anh ta còn khá trẻ, khuôn mặt của một người châu Á ở độ tuổi ba mươi. Tôi tin chắc rằng đây chính là một cán bộ Việt Minh. Tôi có thể đọc được trong mắt anh ta một sự tiếc nuối dành cho đứa trẻ vừa độ mười tám đến đất nước của anh ta để tự đào mồ chôn mình. Tôi nghĩ: anh ta thật mạnh mẽ, anh ta chính là người mạnh nhất. Tôi bước lại gần, tin chắc rằng anh ta hiểu tiếng Pháp, tôi nói nhỏ với anh ta: “Nghe đây, tôi biết mình là tên khốn nạn, nhưng tôi không thể làm gì cho anh”. Anh ta không trả lời tôi. Người ta đã đưa anh ta lên một chiếc xe jeep. Anh ta quay đầu nhìn về phía tôi. Anh ta vẫn nhìn tôi. Tôi vẫy tay chào anh ta. Chính vào ngày hôm đó, tôi tin nếu gặp một du kích Việt Nam thì tôi sẽ đào ngũ… Tôi sẽ nói với anh ta: “Này người anh em, hãy đưa tôi đi đến gặp bạn bè của anh, tôi đã chán đến tận cổ...”.
Ồ! Có phải tôi đã hi vọng chuyện đó? Từ chối liên kết với người Việt Nam! Tôi không cần phải đọc tờ rơi yêu cầu binh sĩ đào ngũ. Tôi chưa bao giờ đọc bất cứ một tài liệu nào. Chẳng ai nói về việc đào ngũ. Thậm chí tôi còn chưa bao giờ nói ra từ đó, ngay cả với một người bạn. Nó quá nguy hiểm. Anh không thể tin tưởng bất cứ ai. Anh chỉ có thể biết đã có những người đã vượt biên sang phía bên kia, thậm chí có những người còn tham gia chiến đấu trong các đội biệt kích cả ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam.
Vâng, chuyện đó cần phải xảy ra. Vào ngày cơ hội xuất hiện, anh hãy tranh thủ mà nắm lấy trước khi biết chính xác mình đang làm gì. Đó là ngày mà mọi thứ sẽ nổ tung, lo lắng, thất vọng… Anh sẽ có cảm giác đã tự giải thoát cho chính mình. Tôi tin rằng bất kỳ kẻ đào ngũ chân thành nào cũng phải trải qua cảm giác tự do bất ngờ này”.
(Trích “Lời độc thoại của những kẻ đào ngũ” – trang 17-20)
Sau cùng dù hành động đào ngũ của họ lẽ ra đáng phải lên án vì nó đi ngược lại với lợi ích của chính quyền thì những người lính này vẫn đáng được lịch sử thừa nhận như những người anh hùng, những người dám đứng cùng hàng ngũ của “kẻ thù” đấu tranh cho một nền tự do của dân tộc bị xâm lược.
(Còn nữa)
Quyên GAVOYE
Phần I – Từ bài hát “Le déserteur – Kẻ đào ngũ”
Phần III – Albert Clavier “Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta”
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...