Câu chuyện của những người Pháp đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam - Phần III
(Tiếp theo kỳ trước)
Phần III – Albert Clavier “Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta”
“… Tôi không thể cam chịu chiến đấu trong một đội quân phục vụ cho học thuyết thuộc địa, một học thuyết đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh của nhân dân vì độc lập, vì tự do của mình”.
Trên đây là đoạn trích đoạn câu nói của A. Clavier trong cuốn sách Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta. Đó là tiêu đề của cuốn truyện tranh mang tính ký ức nhân chứng lịch sử của tác giả Maxilien Le Roy viết theo lời kể của Albert Clavier. Cuốn sách được phát hành cuối năm 2011 do NXB Le Lombard chịu trách nhiệm, hiện vẫn được tái bản và bán rộng rãi trên khắp thị trường nước Pháp.
Trên trang giới thiệu, NXB Le Lombard đã tóm tắt nội dung cuốn sách như sau: “Năm 1943, Albert 16 tuổi. Đau khổ trước cảnh đất nước bị chiếm đóng, anh chọn và ủng hộ lý tưởng cộng sản. Ba năm sau, nước Pháp giành được tự do và anh gia nhập quân đội với mục đích được du ngoạn và thoát khỏi cảnh nghèo đói của xã hội. Được phái đến Đông Dương với nhiệm vụ “chống quân khủng bố Việt Minh”, anh sớm hòa nhập với người bản xứ, bất chấp chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu. Dần dần, sự lạm dụng của các đồng đội của anh nhân danh tự do khiến anh ngày càng ghê tởm nhiệm vụ được giao phó, Albert cũng dần hiểu ra, để đạt được tự do cũng đồng nghĩa với việc đưa ra những sự lựa chọn, đôi khi đó còn là sự lựa chọn mang tính quyết định! Một câu chuyện tuyệt vời với sắc màu xám xanh do tác giả Maximilien Le Roy thiết kế và minh họa”.
Trước tiên cần phải dành vài dòng để giới thiệu về tác giả cuốn sách. Maximilien Le Roy là một tác giả với tuổi đời còn khá trẻ, anh sinh năm 1985 tại Paris. Năm 2009, anh xuất bản cuốn sách đầu tiên với tiêu đề Hosni, dành tặng một người vô gia cư đến từ thành phố Lyon. Cũng năm này, sau nhiều lần đến Palestine anh xuất bản cuốn Gaza, một dải đất giữa biển. Tiếp theo thành công của cuốn sách, anh đã xuất bản thêm ba đầu sách khác để bảo vệ quyền lợi dân tộc của người dân Palestine. Vì tinh thần đấu tranh này, anh đã bị chính phủ Israel cấm nhập cảnh vào Israel, đồng nghĩa với việc anh không thể đến Palestine. Cuốn Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta, M. Le Roy chọn chủ đề lịch sử. Theo như dòng tự sự trên trang blog cá nhân, M. Le Roy chỉ muốn kể lại một câu chuyện hồi ức chứ không muốn tạo ra bất cứ một sự căng thẳng nào. Với lối viết đơn giản, cách phối màu đơn (chỉ dùng duy nhất màu xanh xám), M. Le Roy đã thành công phác họa một câu chuyện ký ức lẽ ra rất đau thương và đượm màu hoài niệm. Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta đã được lựa chọn tham gia Liên hoan Angoulême (1) năm 2012. Đáng tiếc là sau cuốn sách này, M. Le Roy đã chọn cách gác bút và rút khỏi giới sáng tác.
Nhân vật của câu chuyện này là Albert Clavier, một cái tên không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Tất cả những gì ông đã làm cho đất nước Việt Nam đã đưa tên ông thành một trong những tên tuổi ngoại quốc đáng được trân trọng. Ông chính là người lính Pháp đào ngũ nổi tiếng nhất tham gia vào quân đội Việt Minh, người sau này ông còn giữ nhiều chức vụ và được phong quân hàm Thiếu tá của quân đội nhân dân Việt Nam, người đã dành cả tuổi trẻ của mình để chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Ông đã từng được nhà nước Việt Nam trao huy chương hữu nghị. Cho đến cuối đời, Albert Clavier vẫn giữ trong tim hình ảnh vị cha già dân tộc Việt Nam: Bác Hồ.
Trong phần “Lời tựa” của cuốn sách, M. Le Roy kể: “Tôi đến gặp ông. Một ông già nở nụ cười sau chùm râu bạc trắng cắt tỉa gọn gàng, người ta có thể nhận ra từ đôi mắt xanh của ông sự hoài niệm về một cuộc đời bôn ba, nhưng giờ đây đang bị kẹt lại trong một căn phòng vài mét vuông. Chúng tôi nói chuyện trong vài giờ đồng hồ. Tôi đặt cho ông rất nhiều câu hỏi và ghi chép kín một cuốn sổ (…) Trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ đặt bức chân dung của Hồ Chí Minh. Tôi cũng đọc qua vài bức thư đe dọa xử tử ông, những bức thư được viết với sự hoài niệm của thời thuộc địa, ông đã nhận được chúng cách đây không lâu. Tôi đã hứa với ông sẽ quay trở lại ngay khi viết xong bản thảo cho cuốn truyện tranh”.
Đúng như lời hứa, Le Roy trở lại thăm A. Clavier vào tháng Hai năm 2011 nhưng lúc này ông đã phải nhập viện và mất vào cuối năm đó. Cũng chính trong lời tựa này, Le Roy đã viết: “Chúng tôi hi vọng cuốn sách này sẽ góp phần vào việc truyền tải lại những ký ức. Những ký ức của một con người đã từng vượt lằn ranh, với lý tưởng vắt vai, nổi loạn và chống lại mệnh lệnh của đế quốc. Một số người vẫn sẽ nói đó là “sự phản bội” nhưng khi một quốc gia phủ nhận các nguyên tắc của mình thì một người ái quốc sẽ phải phản bội quốc gia để giữ trọn lòng trung thành với chính quốc gia đó.
Tôi dành tặng cuốn sách này cho con gái của ông, một người con lai với tên gọi mang tính biểu tượng, người thừa kế của nền lịch sử chung của hai dân tộc. Dành cho Pháp (2)”.
Không bình luận, chỉ đơn giản là kể theo những ký ức của A. Clavier. Câu chuyện được bắt đầu từ thời gian nước Pháp bị chiếm đóng. Khi đó Clavier mới mười sáu tuổi. Người anh cả, trụ cột kinh tế gia đình và cũng là người định hướng cho Albert theo con đường cộng sản, không may đã bị quân phát xít Đức bắt tù trong một cuộc đấu tranh. Albert bỗng chốc từ một đứa trẻ vị thành niên phải trở thành trụ cột kinh tế lo cho mẹ già. Nhưng mỗi ngày đi làm, phải chứng kiến cảnh nhân dân mình bị đàn áp, đất nước mình bị chiếm đóng, Albert đau đớn.
Nỗi đau của Albert cũng là nỗi đau của rất nhiều thanh niên Pháp lúc đó, ông kể: “Rất nhiều thanh niên, trong khí thế của cuộc giải phóng, đã xung phong gia nhập quân đội. […] Tôi cũng gia nhập quân đội vào năm 45, lúc 18 tuổi, trong binh đoàn pháo binh thuộc địa. Tại sao lại là thuộc địa? Cũng có thể, rất đơn giản, bởi vì người sĩ quan tuyển quân đã biết cách cài dẫn tôi bằng những chuyến đi dài và hết sức đẹp đẽ” (trang 37). Nhưng giấc mơ về những chuyến đi đẹp đẽ ấy đã rất nhanh chóng biến thành cơn ác mộng. Ngay ở trạm dừng chân đầu tiên của con tàu đưa lính tới Đông Dương tại đất nước Djibouti ở miền Đông châu Phi, Albert đã chứng kiến sự đối xử đáng xấu hổ của những người lính và cả của các thực dân Pháp tại đây: “Tôi đã rất nóng lòng, cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy một nước thuộc địa và được chứng kiến “tác phẩm vĩ đại của công cuộc khai hóa văn minh” mà người ta đã kể cho tôi nghe rất nhiều khi còn ngồi trên ghế nhà trường. […] Như để xin lỗi về thái độ của người lính viễn chinh, tôi đã trả cho người già đó một khoản tiền lớn” (trang 29). Và đó mới chỉ là khởi đầu của chuỗi những cơn ác mộng mà Albert sẽ phải chứng kiến tận mắt. Vài ngày sau khi đến Việt Nam, những chiếc đầu Việt Cộng bị bêu bên đường để “trấn áp dân chúng” đã cho người lính trẻ thấy mức độ tàn ác của quân đội thực dân cùng với cách hành xử đi ngược lại với giá trị văn minh của những người lính viễn chinh.
“- Anh biết đấy, An (3), nước Pháp đã mang đến nhiều thứ. Ở một khía cạnh nào đó, một nền giáo dục, một nền văn hóa… và cũng có thể cuộc sống tốt hơn cho một số người… Nhưng quá ít so với những thứ mà họ lấy đi của chúng tôi: nền độc lập dân tộc, tự do và thậm chí nền văn hóa của riêng chúng tôi. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.
- Đổi lại, họ chỉ có một từ cửa miệng “khai hóa văn minh”…
- Thật là một cách hài hước để khai hóa văn minh: để dạy cho người dân cách sống tốt hơn, người ta bắt đầu bằng việc giết họ.
(…)
- Trí óc tính toán cho chúng ta biết hàng km đường, kênh, cầu... nhưng do ai xây dựng? Người bản xứ, vì ai? Vì thực dân”.
(Trang 121 – 122)
Các cuộc đi thực tế của anh giữa những người bản địa đã cho Albert cơ hội được gặp Bất, một người lính Việt Minh nằm vùng. Từ những câu chuyện tâm giao, tình bạn, tình đồng chí giữa họ đã nảy sinh. Đó cũng chính là lúc cơ hội lựa chọn đã đến với Albert. Cuộc vượt lằn ranh với sự hỗ trợ của Bất không hề dễ dàng. Albert bị giằng co giữa lý tưởng cộng sản mà mình đã chọn và suy nghĩ về trách nhiệm với gia đình. Nhưng sau tất cả những gì mà quân đội đế quốc đang thực hiện tại Đông Dương thì Albert buộc phải lựa chọn: “Người ta đào ngũ khi phạm sai lầm để trốn tránh sự trừng phạt hoặc để không phải chiến đấu do hèn nhát. Nhưng tôi không thể cam chịu chiến đấu trong một đội quân phục vụ cho học thuyết thuộc địa, một học thuyết đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh của nhân dân vì độc lập, vì tự do của mình. Không, tôi không phải là một kẻ phản bội. Tôi yêu đất nước và sẽ trung thành với lý tưởng của Tổ quốc: Tự do – Bình đẳng – Bác ái” (trang 94 – 95). Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì cuộc đào ngũ của Albert cũng không thể che giấu. Quân đội Pháp đã tuyên án tử hình anh vắng mặt (4). Vượt qua vòng truy đuổi của quân đội Pháp, Albert phải đối mặt với cuộc sống và những người dân bản địa. Một cuộc chiến mới dành cho anh.
Tất nhiên để viết hồi ký về quãng thời gian dài của một con người thì một cuốn sách truyện tranh dù dày nhưng chưa đủ. Ngoài ra, M. Le Roy còn thêm vào phần cuối nhiều trang tư liệu lịch sử, trong đó phải kể đến gần chục trang dành cho cuộc trò chuyện giữa tác giả và nhà sử học Alain Ruscio (sinh năm 1947), một chuyên gia về các vấn đề chiến tranh Đông Dương. Để giải thích cho những độc giả ngày nay biết rõ hơn về cuộc chiến, ông nói: “Ngoài những nguyên nhân kinh tế, vị trí chiến lược địa lý, cuộc chinh phục thuộc địa được tiến hành nhân danh nhiều giá trị cao cả hơn, được cho là chỉ thuộc về Người Da Trắng, tựu quanh khái niệm về Một Nền Văn Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử thuộc địa, từ này hiếm hi được sử dụng ở số nhiều. Người ta nói “Nền Văn Minh”, trong đó chỉ bao gồm châu Âu và đặc biệt là nước Pháp là những nước được coi là tiêu biểu.
…Tới tận giữa cuộc chiến tranh Đông Dương, người ta còn thấy những người Pháp giải thích rằng những người lính chiến đấu là vì bị bắt buộc hoặc vì sự căm thù chủng tộc, nhưng lại không thể cho họ cái mác rất cao cả của tình ái quốc, dưới con mắt của họ điều này là không thể. Khi cuộc sống từ chối những con đường này, người ta sẽ dùng đến sức, đó chính là nguồn gốc của bạo lực thuộc địa”.
Maximilien Le Roy, một người trẻ chưa từng trải qua bất cứ cuộc chiến nào, nhưng đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu và phác họa lại lịch sử của một thời kỳ thông qua trường hợp của một người lính rất đặc biệt, một người lính da trắng đào ngũ của quân đội Pháp sang phía quân đội Việt Minh, một người đã sống và chiến đấu trong suốt gần hai thập kỷ với những người đồng chí da vàng. Kết luận cuốn sách của mình, ở trang cuối cùng của phần tư liệu cũng như của cuốn sách, tác giả viết: “Khi vượt lằn ranh sang phía bên kia, Albert đã cảm nhận, trong ánh sáng của những giá trị văn hóa và chính trị nước Pháp, xứng đáng trở thành người mang hồn dân tộc […]. Phản bội một Tổ quốc, khi nó từ chối những nguyên tắc sống của bản thân, chắc chắn là để trung thành hơn với chính Tổ quốc đó”. Và có lẽ đây cũng là lý tưởng của rất nhiều người lính da trắng đào ngũ trong quân đội Pháp và cả những người lính quốc tế để chiến đấu trong quân đội Việt Minh. Họ là những người đào ngũ để trung thành hơn với Tổ quốc và với lý tưởng của nhân loại, vì một nền độc lập và tự do cho mọi dân tộc.
(Còn nữa)
Quyên GAVOYE
Phần II – Những người lính da trắng, tại sao họ đào ngũ sang phía Việt Minh?
----------
(1) Đây là một trong những Liên hoan truyện tranh danh giá nhất thế giới diễn ra thường niên tại thành phố Angoulême tại Pháp.
(2) Pháp ở đây vừa là tên gọi của người con gái duy nhất của Albert Clavier đồng thời cũng là tên của nước Pháp.
(3) Tên gọi Việt Nam của Albert Clavier.
(4) Án này được áp dụng cho đến khi Chính phủ Pháp ban hành Luật ân xá vào ngày 16/6/1966 dành cho những người lính phản chiến Đông Dương.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...