Câu chuyện của những người Pháp đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam – Phần IV
(Tiếp theo kỳ trước)
Phần IV – Những “chú lính chì” da trắng trong cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh Đông Dương tại Pháp
Nếu nói đến những người Pháp đã đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền đế quốc Pháp vì nền độc lập của Việt Nam mà không kể đến những người Pháp đại lục quả cảm dám phản kháng ngay trên chính mảnh đất của mình thì sẽ là một thiếu sót lớn. Bởi ngoài những người lính trực tiếp sát cánh bên các chiến sĩ Việt Minh như Albert Clavier thì còn có một số khác bất chấp tù đày và sự nghiệp vẫn đứng dậy lên tiếng ủng hộ nền tự do của dân tộc Việt Nam.
Trong số này trước tiên phải kể đến Henri Martin (1927 – 2015), một cái tên nghe rất thân thuộc với người Pháp, nhưng đó không phải tên gọi của một nghệ sĩ, nhà văn hay một thương nhân nổi tiếng nào đó (1). Henri Martin mà chúng ta đang nói tới chỉ đơn thuần là một người đứng lên, một chiến sĩ kháng chiến, người luôn đề cao nhiệm vụ đấu tranh chống lại một Chính phủ Pháp đã phản bội phương châm đạo đức của cha ông họ – “tự do, bình đẳng, bác ái”. Với sự cả gan này, Henri Martin đã, vẫn đang và sẽ còn làm bao ngòi bút phải viết về ông và về cuộc chiến của ông.
Henri Martin sinh tại vùng Centre-Val de Loire, ông vốn là thành viên Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1945, ngay khi lãnh thổ lục địa Pháp với sự trợ giúp của quân Đồng minh nổi dậy giải phóng đất nước thoát khỏi cuộc chiến xâm lược của quân đội Hitler, Henri Martin với nhiệm vụ của một chiến sĩ kháng chiến FTP (Hội du kích và những người ủng hộ nước Pháp trong cuộc nội kháng chiến) vừa qua tuổi mười bảy xung phong ra gia nhập lực lượng hải quân với mong muốn tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Nhưng ngay khi đặt chân lên mảnh đất Đông Dương, Henri đã được chứng kiến một thực tế hoàn toàn khác: quân Nhật bại trận, nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập nhưng quân lính Pháp vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại quân Việt với lý do chống lại “quân khủng bố Việt Minh”.
Được chứng kiến tận mắt trận bom trút xuống Hải Phòng vào ngày 23 tháng 11 năm 1946, Henri đã hiểu ra mâu thuẫn của việc cầm súng với tư cách một người lính Pháp trên lãnh thổ Đông Dương. Với ước mơ giúp quân đội Việt Minh chiến đấu chống phát xít Nhật, ông xin từ bỏ các nhiệm vụ ở hải quân và sẵn sàng đứng ra làm chứng cho những gì mình được chứng kiến. Yêu cầu rời quân ngũ bị từ chối, Henri trở về Pháp sau hai năm nghĩa vụ ở Đông Dương và được bổ nhiệm vào làm nhân viên kho vũ khí ở Toulon. Chính từ đây ông kết nối với Đảng Cộng sản, bắt đầu một cuộc đấu tranh bí mật ngay trong lực lượng hải quân quốc gia: phát tờ rơi, viết biểu ngữ lên tường, tổ chức hội thảo với binh lính. Điều phải đến đã đến: Henri bị quân cảnh bắt giữ và bị đưa ra tòa xét xử trong một phiên tòa mang đậm màu sắc chính trị nhằm làm gương cho những tư tưởng chống đối đang nhen nhóm trong quân đội Pháp. Vụ Henri Martin trở thành một vụ án chấn động, một vụ lạm dụng quyền lực của chính phủ để gây sức ép lên những người có tư tưởng phản kháng, một phiên tòa xét xử không cân xứng giữa “hành động phạm pháp”, một hành động được các luật sư đánh giá không mang tính nguy hiểm dù có nhuốm màu chính trị vì nó đi ngược với quy chế quân đội và bản án (5 năm tù bị đánh giá quá nặng).
Nhưng điều phải nói thêm chính là thái độ “dám làm dám chịu” của người thủy thủ trẻ. Henri luôn hiên ngang ngẩng cao đầu trong suốt phiên tòa và chưa từng cụp mắt trước những phát xét của các vị quan tòa. Không dừng ở đó, Henri cũng lớn tiếng tuyên bố quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Cũng bắt đầu từ đó những phong trào phản đối bản án ủng hộ Martin dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng Sản Pháp bùng nổ. Không chỉ các nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy như Pablo Picasso, Fernand Léger, Paul Éluard, Louis Aragon, Jacques Prévert… mà còn có những trí thức tên tuổi khắp toàn cầu như Jean-Paul Sartre, Vercors… và ngay cả những người theo Công giáo cũng bất bình trước bản án dành cho Henri Martin. Trong suốt những năm từ 1950 đến tháng 8/1953 (ngày cựu Tổng thống Pháp Vincent Auriol chính thức ký lệnh ân xá và tha bổng cho Henri Martin), tên tuổi của Henri Martin được đưa lên vị trí trung tâm thông qua hàng loạt các tác phẩm kịch, thơ ca, văn học, hội họa. Trên những bức tường của Pháp rất nhiều biểu ngữ xuất hiện với dòng chữ “Giải phóng Henri Martin”. Hình ảnh của Henri trở thành biểu tượng của các cuộc biểu tình chống lại cuộc chiến tại Đông Dương.
Việc tuyên án tù quá nặng so với tội danh dành cho H. Martin những tưởng sẽ làm gương cho những ai muốn nổi dậy chống lại “cuộc chiến bẩn thỉu” tại Đông Dương, trên thực tế chỉ càng khích lệ thêm tinh thần đấu tranh của những tư tưởng tiến bộ khác, bất kể là nam hay nữ. Những thanh niên Pháp lần lượt ý thức được sự thật của công cuộc “khai hóa văn minh” tại Đông Dương mà nước Pháp vẫn đưa ra để biện minh cho hành động chiến tranh của họ ở đó, chỉ toàn là nói dối. Rất nhiều người đã nổi dậy hành động chống lại các dự án chiến tranh của chính phủ đế quốc. Một trong những biểu tượng của cuộc chiến diễn ra trong thời kỳ này ngoài Henri Martin còn phải kể đến Raymonde Dien.
Raymonde Dien (1929 – 2022) sinh tại Mansigné, một nữ Cộng sản người Pháp đã bị giới chức Pháp bắt giam và tuyên mười tháng tù giam vào năm 1950 sau một hành động biểu tình phản đối chiến tranh Đông Dương. Vào ngày 23 tháng 2 năm 1950, Raymonde Dien khi đó đang làm việc như một nhân viên đánh máy tốc ký, đã cùng với hàng trăm thành viên và những người có thiện cảm với Đảng Cộng sản Pháp tham gia một cuộc biểu tình ngẫu hứng tại nhà ga Saint-Pierre-des-Corps phản đối một đoàn tàu quân sự chở vũ khí đến Đông Dương. Đám đông chiếm giữ đường ray, một số người biểu tình nằm dài trên đường ray để ngăn đoàn tàu tiếp tục lăn bánh. Cuộc biểu tình kết thúc, một người đã nhận ra Raymonde và tố cáo bà với cảnh sát. Raymonde bị bắt ngay tại cơ quan. Sau đó họ giam bà ở Tours. Bà là người biểu tình duy nhất bị truy tố và bị buộc tội “đồng lõa phá hủy các thiết bị được sử dụng cho mục đích quốc phòng”. Sau khi bị tuyên án, họ chuyển bà đến nhà giam ở Bordeaux. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1950, Raymonde bị kết án một năm tù cùng với việc tước quyền công dân trong vòng mười lăm năm.
Giống như Henri Martin, Raymonde Dien trở thành biểu tượng của các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong nhà tù, Raymonde đã nhận được rất nhiều thư ủng hộ của những người dân Pháp. Maurice Thorez, một chính trị gia người Pháp từng tuyên bố: “Raymonde Dien và Henri Martin phải được trả tự do”. Cùng với Henri, Raymonde đã trở thành hai cái tên huyền thoại được các nhà thơ, nhà văn ngợi ca.
“Henri Martin, Raymonde Dien
Không muốn chúng ta giết hại người Việt Nam
Họ đều rất yêu hòa bình
Chỉ với tòa án, họ có tội”.
Raymonde Dien được trả tự do vào Giáng sinh năm 1950. Từ năm 1953 đến năm 1958, bà nắm giữ vai trò lãnh đạo của Liên hiệp nữ thanh niên Pháp, một tổ chức thuộc Hội Thanh niên Cộng sản Pháp. Năm 2004, nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Raymonde Dien Huân chương Hữu nghị. Tại quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có một con đường mang tên của bà, con đường Raymondienne.
Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nêu ra tên tuổi của những người tranh đấu tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp, vì ngoài những chiến sĩ cộng sản, còn không ít người lên tiếng đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam dù họ không tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào. Một số trong số họ đấu tranh dưới danh nghĩa những người theo đạo Thiên chúa. Đó là trường hợp của Jeanne Bergé. Jeanne Berger (họ thời con gái là Minoret), từng được Chính phủ Pháp trao huân chương nhờ những chiến công phục vụ quân đồng minh trong cuộc chiến tranh chống quân phát xít Nhật tại Đông Dương trong hàng ngũ những người Pháp thực dân tại Việt Nam.
Với hồ sơ lý lịch tương đối sạch sẽ, lẽ ra Jeanne có thể sống một cuộc sống an bình. Nhưng người mẹ trẻ dần tiếp cận với phía Việt Minh nhiều hơn thông qua một người lính Pháp khác là Georges Boudarel. Jeanne bắt đầu tham gia cùng với những người lính Việt Minh để rải truyền đơn. Thật không may Jeanne bị bắt ngày 1 tháng 2 năm 1951 khi đang làm nhiệm vụ. Bà ra hầu tòa ngày 12 tháng 12 năm 1951 trước Tòa án Quân sự Sài Gòn với cáo buộc “tự nguyện tham gia vào hoạt động chống phá và làm mất tinh thần quân đội và dân tộc”. Bị kết án hai mươi năm cấm cư trú, tịch thu toàn bộ tài sản đồng thời và phải chịu thêm hai mươi năm lao động cưỡng bức, bà buộc phải rời Đông Dương về Pháp để chấp hành án tù tại nhà tù Pau. Đơn kháng cáo của bà lên tòa giám đốc thẩm đã bị bác bỏ mười sáu ngày sau đó. Đầu năm 1954, Hội Cứu trợ Nhân dân thậm chí còn gửi tới ngài Tổng thống một tấm bưu thiếp với nội dung yêu cầu ân xá cho Jeanne Berger. Sau những cố gắng bền bỉ của Hội Cứu trợ Nhân dân, cuối cùng J. Berger cũng được Tổng thống ân xá vào ngày 14 tháng 1 năm 1954.
Trở lại với trường hợp của Henri Martin, một biểu tượng tranh đấu vì nền độc lập Việt Nam bất chấp mọi nguy hiểm. Cho đến thời điểm này, nếu liệt kê các đầu sách viết về Henri Martin và cuộc chiến chống lại chiến tranh Đông Dương thì con số có thể lên tới hàng chục (tôi không chắc đây là danh sách đầy đủ bởi tôi không nắm hết danh sách xuất bản). Một trong những cuốn sách nổi tiếng này phải kể đến cuốn Vụ việc Henri Martin do Jean Paul Sartre chủ biên năm 1953, Nxb Gallimard; cuốn Vụ việc Henri Martin và cuộc đấu tranh chống chiến tranh Đông Dương của nhà sử học Alain Ruscio xuất bản năm 2004, Nxb Temps des Cerises. Đây là những cuốn sách mang tính tài liệu lịch sử chuẩn xác với sự tham gia của rất nhiều chứng nhân, những người từng sát cánh với H. Martin trong cuộc chiến này.
Ngoài sách thì còn phải kể đến hàng trăm bài báo qua các thời kỳ viết về ông và cuộc đấu tranh của ông. Henri cũng trở thành đề tài của nhiều chương trình phát thanh hay phim tài liệu mà ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang web chính thức. Mới cách đây hai năm, chương trình phát thành “Những vụ việc nhạy cảm” của đài France-Inter, một trong những chương trình phát thanh được nghe nhiều nhất tại Pháp, đã dành hẳn một số (với thời lượng một giờ) để nói về Henri Martin và cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến Đông Dương với sự góp mặt của nhà sử học Alain Ruscio. Cách đây vài tháng, Đài tiếng nói Pháp cũng dành hai số với tiêu đề Khi một con người trở thành một “vụ việc” để tưởng nhớ tới ông và công cuộc chống chủ nghĩa đế quốc tại Việt Nam. Những tưởng niệm này đủ để cho chúng ta thấy Henri Martin đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu vì một nền độc lập của một đất nước không phải là tổ quốc của họ, một tinh thần quốc tế cao cả.
Hơn hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập. Cuộc chiến tại Việt Nam cũng đã trở thành ngọn đuốc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về tinh thần dân tộc Việt Nam. Hẳn trong niềm tự hào đó, chúng ta không thể bỏ qua những con người nhỏ bé, những người dám đứng lên chống lại tổ quốc của mình vì lý tưởng tự do cho tất cả. Họ đã trở thành biểu tượng của tinh thần quốc tế cao cả. Nhưng để trở thành biểu tượng của tinh thần quốc tế, Boris Vian, Albert Clavier, Henri Martin, Jeanne Berger, Raymonde Dien và rất rất nhiều những tên tuổi khác, họ đã phải bất chấp mọi bản án, thậm chí bất chấp cả bản án tử hình dành cho mình để đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, một đất nước không phải là tổ quốc của họ. Rất nhiều trong số họ phải chờ đến ngày 18 tháng 6 năm 1966, ngày ra đời của đạo luật số 66-409, Luật ân xá dành cho những người phạm tội “chống tổ quốc” để có thể hồi hương về Pháp. Với tất cả công lao bỏ ra, họ xứng đáng được tôn vinh là những “người lính chì” không mang quốc tịch Việt Nam.
Quyên GAVOYE
Phần III – Albert Clavier “Trong đêm tối, tự do lắng nghe chúng ta”
------
(1) Chẳng hạn như Henri Martin (1810 – 1883), một nhà sử học, người từng giữ chức vụ Thị trưởng quận XVI của thành phố Paris. Tên của ông đã được Paris dùng để đặt cho đại lộ chạy qua quảng trường Tattegrain.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...