Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
20:17 (GMT +7)

Câu chuyện của những người Pháp đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam - Phần I

Phần I – Từ bài hát “Le déserteur – Kẻ đào ngũ”

Có lẽ sẽ không sai khi nói rằng bài hát Le déserteur – Kẻ đào ngũ của Boris Vian (1920 – 1959), nhà văn, nhà thơ, họa sĩ kiêm nhà biên kịch thành danh của Pháp, là bài ca quốc tế vì hòa bình, một bài ca phản đối việc tòng quân đi gây chiến hay nhất của mọi thời đại, một tuyên ngôn về quyền không cầm súng chống lại đồng loại. Bằng chứng của sự thừa nhận đó là từ khi bài hát ra đời cho đến ngày nay, mỗi khi một cuộc chiến nổ ra, những người yêu chuộng hòa bình lại cất vang lời ca. Tuy nhiên ít ai biết rằng để đạt được đến thành công và được coi như quốc tế ca chống lại việc bắt buộc phải cầm súng đi gây chiến, Le déserteur – Kẻ đào ngũ đã phải trả qua một thời gian dài đấu tranh “sinh tồn” trước lệnh kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Paris.

B. Vian (trái), tác giả bài hát Kẻ đào ngũ với ca sĩ Georges Brassens (phải)
B. Vian (trái), tác giả bài hát Kẻ đào ngũ với ca sĩ Georges Brassens (phải)

Để hiểu lý do của sự thành công của Le déserteur – Kẻ đào ngũ thì cần phải hiểu được hoàn cảnh ra đời của bài hát. Sinh ra tại Pháp trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật từ thời ông cha, năm 22 tuổi, Boris Vian bảo vệ thành công tấm bằng kỹ sư tại trường ECP (Ecole centrale de Paris), một trong những ngôi trường đào tạo nghệ thuật danh giá nhất của Pháp hồi đầu thế kỷ. Cũng trong thời gian này, B. Vian đã được chứng kiến những đoàn xe chở người tị nạn Bỉ đi tránh cuộc chiếm đóng của quân đội Hitler. Rất nhanh Vian nhận ra mức độ tàn khốc của cuộc chiến. Tuy nhiên phải đợi rất nhiều năm sau, khi đã trưởng thành hơn, Vian mới thực sự lên tiếng chống lại những hành động chiến tranh.

Le déserteur – Kẻ đào ngũ ra đời vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam tại trận địa Điện Biên Phủ. Tuy lúc viết bài hát, B. Vian chưa thể lường trước được kết cục của trận chiến dành cho nước Pháp, nhưng với tư cách của một cá nhân, ông đã viết nó trước tiên là để phản đối việc tòng quân tham gia vào cuộc chiến này, một cuộc chiến mà người Pháp đại lục còn đang mơ hồ về nguyên nhân và diễn biến chiến trận. Phải nói rằng cho đến thời điểm này vẫn còn không ít người Pháp tin rằng cuộc chiến mà nước Pháp đang phải đối đầu là một cuộc chiến tranh tự vệ. Họ chỉ đang bảo vệ mảnh đất do họ khai hóa và đương nhiên là mảnh đất đó thuộc về họ, chỉ họ mới có quyền sở hữu. Họ không hiểu rằng, trước khi người Pháp xuất hiện, Đông Dương vốn là một mảnh đất có chủ quyền và đương nhiên những người dân ở đó không cần đến một nhà nước bảo hộ đến từ mảnh đất xa xôi. Trên thực tế chủ nghĩa đế quốc Pháp đến đó không phải với tư cách của một nhà khai hóa văn minh mà là một đội quân xâm lược. Boris, người đã từng sống qua cuộc đại chiến thế giới II tất nhiên sẽ hiểu thấu và nhìn nhận rõ vấn đề của tính chất cuộc chiến này, nên khi nhận lệnh tòng quân, Boris chắc chắn sẽ phản đối. Và đó là hoàn cảnh ra đời của bài thơ Le déserteur – Kẻ đào ngũ.

“Kẻ đào ngũ

 

Kính thưa ngài Tổng thống

Tôi đang viết cho ngài

Ngài có thể sẽ đọc

Nếu ngài có thời gian

 

Tôi vừa mới nhận được

Thủ tục của nhà binh

Gọi tôi ra chiến trường

Trước tối ngày thứ tư

 

Kính thưa ngài Tổng thống

Tôi không muốn tham gia

Tôi không phải sinh ra

Để giết người nghèo khổ

 

Không phải để chọc tức

Nhưng tôi cần phải thưa

Quyết định tôi đã đưa

Tôi sẽ phải đào ngũ

Tôi sẽ đi khất thực

Trên khắp nẻo nước Pháp

Từ vùng Bretagne đến Provence

Để nói với tất cả

 

Hãy từ chối tuân theo

Từ chối đi gây chiến

Đừng tham gia chiến tranh

Từ chối đi tòng quân

 

Nếu cần hãy hiến máu

Ngài hãy hiến trước tiên

Ngài là tông đồ tốt

Kính thưa ngài Tổng thống

 

Nếu ngài truy đuổi tôi

Hãy nói với cảnh sát

Tôi không có vũ trang

Và họ có thể bắn”.

Chân dung tác giả Boris Vian
Chân dung tác giả Boris Vian

Quay lại lịch sử, Le Déserteur – Kẻ đào ngũ được viết vào tháng 2 năm 1954. Và ngay sau khi có kết quả bại chiến của quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, vào cuối mùa thu, bài hát được thu âm. Chỉ trong vòng vài tháng, bài hát đã bán được hơn 1000 ấn phẩm nhưng ngay lập tức nó đã gây ra một vụ tai tiếng ở mức độ quốc gia.

Bài hát được viết hình thức một bức thư gửi “Ngài Tổng thống”, lẽ dĩ nhiên là ngài Tổng thống Pháp của nền cộng hòa thứ IV, của một công dân vừa nhận được lệnh điều động ra mặt trận trái với mong muốn sống hòa bình của bản thân anh ta. Do vậy anh ta viết bức thư này để thưa với ngài Tổng thống rằng anh ta sẽ đào ngũ, đơn giản vì anh ta không muốn tham chiến. Lý do vì sao anh ta không muốn tham chiến là vì anh ta đã chứng kiến và trở thành nạn nhân của những hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Từ khi anh ta sinh ra, anh ta đã hứng chịu mọi hậu quả của cuộc chiến tranh, lần lượt mất đi những người thân yêu, người vợ của anh ta đã bị họ bắt đi, bản thân anh ta đã bị giam cầm (tù binh chiến tranh), mẹ già của anh ta chết trong đau khổ, các con của anh ta phải lớn lên trong nước mắt. Và cuối cùng, lý do trên hết chính là anh ta không sinh ra để thực hiện nhiệm vụ giết những người nghèo khổ. Trong bức thư, anh ta cũng nói rõ với ngài Tổng thống rằng anh ta sẽ đào ngũ và sẽ lang thang xin ăn trên khắp những nẻo đường của nước Pháp, từ miền Tây bắc đến miền Đông Nam, để khuyên nhủ những người khác hãy làm theo tấm gương của mình, hãy từ chối đi gây chiến.

Rõ ràng cho đến những từ cuối cùng của bức thư, người công dân này vẫn ý thức được anh ta đang đưa ra một quyết định chống lại chính quyền và vì thế anh ta sẵn sàng chịu trừng phạt nhưng anh ta vẫn phải quyết định hành động chống lại chiến tranh, một cuộc chiến mà nước Pháp vừa là nạn nhân (cuộc đại chiến Thế giới II) và vừa là người gây chiến (cuộc chiến tại Đông Dương).

Những người lính da trắng trong quân đội Việt Minh năm 1948
Những người lính da trắng trong quân đội Việt Minh năm 1948

Trên thực tế Boris Vian viết bài hát vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954), khi quân đội của chủ nghĩa đế quốc Pháp đang giao tranh chống lại quân đội của tướng Võ Nguyên Giáp với kết quả là cuộc bại chiến Điện Biên Phủ khiến 1.500 lính Pháp thiệt mạng dẫn đến việc Pierre Mendès France phải mở các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Geneve vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 công nhận Việt Nam, Lào và Campuchia là những quốc gia độc lập.

Những tưởng sau cuộc bại chiến này, nước Pháp đã rút ra bài học và chấm dứt mọi cuộc chiến. Tuy nhiên chủ nghĩa đế quốc Pháp vẫn chưa chịu dừng bộ máy chiến tranh. Vào tháng 11 năm 1954, nước Pháp tiếp tục phát động cuộc chiến tranh Algerie (1954 - 1962). Ở cuộc chiến lần này, ngoài quân nhân chuyên nghiệp và các quân nhân tình nguyện như ở cuộc chiến Đông Dương thì còn có thêm lính nghĩa vụ. Như vậy về hoàn cảnh ra đời của bài hát, Le déserteur – Kẻ đào ngũ, được viết để chống lại cuộc chiến chiến tranh Đông Dương và được phát hành vào lúc bắt đầu của cuộc chiến Algérie. Do vậy bài hát nghiễm nhiên trở thành ấn phẩm cần phải bị ngăn cấm phát hành với lý do chống lại chủ nghĩa dân tộc.

Ngay sau khi phát hành, Le déserteur – Kẻ đào ngũ, đã bị cấm phát sóng trên đài phát thanh vì được cho là mang nội dung “không yêu nước”. Khổ thơ cuối cùng thậm chí còn bị đánh giá là có thái độ thách thức chính quyền. Tháng 1 năm 1955, Paul Faber, Ủy viên hội đồng thành phố sông Seine, sốc trước lời bài hát cho rằng lời ca là một sự phản bội Tổ quốc và yêu cầu lệnh kiểm duyệt đồng thời với việc cấm phát hành. Để đáp trả lại lệnh kiểm duyệt, Boris Vian đã viết một bức “Thư ngỏ gửi ngài Paul Faber” và gửi cho đài Pháp - Chủ nhật. Tuy nhiên, bức thư này chỉ được công bố sau khi B. Vian qua đời. Năm 1958, việc phát sóng và xuất bản bài hát chống quân phiệt này bị cấm hoàn toàn, Boris Vian cũng bị nhà xuất bản từ chối xuất bản phiên bản đầu tiên của bài hát. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ vào năm 1962, năm kết thúc cuộc chiến tranh Algerie.

Lời bài thơ “Kẻ đào ngũ” nguyên bản tiếng Pháp
Lời bài thơ “Kẻ đào ngũ” nguyên bản tiếng Pháp

Mặc dù bị cấm sóng và cấm phát hành trong một thời gian dài, nhưng Le déserteur – Kẻ đào ngũ không hề bị rơi vào quên lãng. Vào những năm 1965-1970, trong chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ tại Việt Nam, bài hát do Baez và Peter, Paul và Mary trình bày được sử dụng rộng rãi trong các cuộc tuần hành vì hòa bình. Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, vào năm 1991, bài hát lại một lần nữa được hát lên trong các cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của phương Tây vào chiến tranh vùng Vịnh. Lần này bài hát được Renaud chuyển thể và được xuất bản trên L’Idiot International – Quốc tế ngu xuẩn, vào ngày 9 tháng 1 năm 1991. Kết quả là thêm một lần nữa bài hát đề cao chủ nghĩa hòa bình bị đưa vào danh sách cấm phát thanh trên đài phát thanh. Và mới gần đây thôi, là vụ tai tiếng của ngành Giáo dục Pháp vào ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít Đức của quân Đồng minh. Khi đó, năm 1999, bà Hiệu trưởng Trường Montluçon, đã cho học sinh hát bài hát này nhân ngày kỷ niệm chiến thắng. Nhưng ngay sau lễ kỷ niệm, bà đã bị cách chức. Tuy nhiên, sau đó chính Bộ Giáo dục đã phải thừa nhận sai lầm và phục chức cho bà. 

Bấy nhiêu những ví dụ cũng đủ cho thấy sức mạnh của ngôn từ, của những tư tưởng yêu chuộng hòa bình, một sức mạnh có thể chiến thắng mọi sự cấm đoán. Tuy Boris Vian mới chỉ dừng lại ở viết thành công bài hùng ca chống các hành động quân sự gây chiến, nhưng điều mà ông không thể ngờ rằng những ngôn từ này đã chạm đến trái tim của những người lính da trắng trong quân đội chính quy của Pháp, những người bị bắt buộc hay tự nguyện cầm súng khi đã đặt chân đến Đông Dương. Họ đã hiểu ra mục đích và diễn biến chiến trận và vì thế hàng trăm người trong số họ đã vượt chiến tuyến đứng sang hàng ngũ Việt Minh, những người mà mới cách đó không lâu, dưới con mắt của những người lính này chính là kẻ thù cần phải xóa bỏ.

Từ trái qua phải: Paul Sartre, Vian, Michelle và Simone de Beauvoir - những người bạn văn chương thành danh của Vian
Từ trái qua phải: Paul Sartre, Vian, Michelle và Simone de Beauvoir - những người bạn văn chương thành danh của Vian

Con số những người lính da trắng đó không phải chỉ vài ba mà lên tới cả trăm. Họ là ai, những người lính Việt Minh da trắng?

(Còn nữa)

Quyên GAVOYE

Phần II – Những người lính da trắng, tại sao họ đào ngũ sang phía Việt Minh?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 47 phút trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 14 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 1 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 3 ngày trước