VNTN - Cuộc sống với cái nghèo đeo bám nhiều năm, họ chấp nhận và bằng lòng cùng nhau vun đắp mái ấm bình dị mà hạnh phúc. Nhưng rồi chỉ sau một cú trượt chân bị đá lăn đè lên người lúc mưu sinh, mọi thứ đã đảo lộn. Đau đớn về thể xác và tuyệt vọng về tinh thần, họ đã nghĩ “sống mà như thế thì khổ gấp ngàn lần chết”.
Đó là câu chuyện của gia đình anh Tô Văn Tuấn và chị Mai Thị Thắm ở xóm Cẩm 3, xã Phục Linh, huyện Đại Từ. “Sống nhờ than, chết vì than” là câu cửa miệng mà người dân nơi đây đã nói với nhau mấy chục năm nay, bởi đất này nằm trong địa hạt khai thác của mỏ than Phấn Mễ, người dân không làm công nhân trong Mỏ thì cũng làm thuê những công việc liên quan đến than. Như nhiều gia đình khác, không có ruộng nương, than là nguồn sống duy nhất của gia đình anh chị.
Tai họa bất ngờ ập xuống vào chiều tối ngày 8/6 vừa qua khi chị Thắm đang mót than ở moong Làng Cẩm. Một tảng đá vốn có nguy cơ sạt lở chỉ chờ cú trượt chân của chị đã lăn xuống. Bỏ chạy nhưng không kịp, hòn đá lăn theo đập mạnh vào người khiến chị văng xa hơn chục mét, thương tích trầm trọng. Được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên ngay sau đó, nhưng chị Thắm mất máu nhiều, huyết áp tụt, dịch tràn màng phổi quá nhiều nên các bác sĩ chỉ có thể thực hiện sơ cứu, mổ để hút dịch giữ an toàn tính mạng. Sáng 9/6 chị được chuyển xuống Bệnh viện 108 (Hà Nội) tiếp tục cấp cứu và điều trị. Lúc này vết thương hở ở đùi đã bị hoại tử do nhiễm than bẩn. Vụ tai nạn đã làm chị gãy 3 đốt sống cổ, đứt tủy sống từ đốt sống T5; gãy 2 xương sườn gây tổn thương dịch trào phổi; gãy 3 chỗ vùng xương chậu phải, gãy 2 dẻ xương đùi và gãy xương dóng chân phải; hộp sọ bị chấn thương nhẹ. Chị Thắm đã được mổ chỉnh lại cột sống và cố định nẹp xương đùi bằng inox (vì vết thương hở ở đùi không thể bó bột).
Hai con trai gần gũi, chăm sóc mẹ
Lúc chị Thắm đi cấp cứu, trong nhà có vỏn vẹn 3 triệu đồng. Phải nhờ vay anh em họ hàng, ai có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. 15 ngày nằm ở viện 108, chi phí, thuốc men đã lên đến 100 triệu. Không thể vay mượn thêm được nữa, gia đình xin cho chị về điều trị tại nhà.
Khi chúng tôi tìm đến, người cha già năm nay 80 tuổi, đôi tai có phần nghễnh ngãng, bước dò dẫm từng chút một, bảo cháu gọi điện cho anh Tuấn đang đi làm cách nhà 3 km về. Gương mặt hốc hác và đen sạm, đôi mắt mỏi mệt, giọng nói yếu ớt, chị Thắm không nói được gì nhiều.
Nhắc chuyện, anh Tuấn buồn bã, nước mắt chực rơi: “Dù thế nào rồi cũng phải sống, phải gượng dậy đi làm, ngày kiếm dăm bảy chục vì các con nữa chứ. Chúng tôi sống nhờ than mà chết cũng vì than cô ạ. Mạnh tay mạnh chân mà thấy cuộc sống còn chật vật, giờ thế này chẳng biết sống sao nữa!”.
Bản thân anh Tuấn cũng bị bệnh về mắt nhiều năm nay, cứ nhập nhoạng là không nhìn thấy gì, đi khám thì ra bệnh viêm màng bồ đào. Lấy thuốc điều trị được một thời gian, nhưng thấy đắt đỏ, tốn kém nên anh không chữa nữa. Bố anh mắc bệnh xuất huyết dưới da và bệnh phổi, quanh năm phải thuốc thang. Nhà có hai con trai, Tô Anh Tuyền năm nay lên lớp 11, học ở trường THPT Dương Tự Minh. Hàng ngày đi học em phải đạp xe mấy cây số ra nhà bà ngoại ở thị trấn Giang Tiên rồi đón xe bus đến trường. Mỗi tháng hết 300 nghìn vé xe, đi lại rất vất vả. Tô Trọng Tấn chuẩn bị vào lớp 3, em ham học, đã tham gia thi giải toán trên mạng cấp huyện và rất thích học tiếng Anh. Năm tới lên lớp 3 bắt đầu học môn này, gia đình dự định nghỉ hè sẽ cho em đi học thêm để vững vàng hơn. Nhưng bất ngờ mẹ bị tai nạn, dự định ấy của em đành gác lại.
Với tình trạng đứt tủy, từ phần ngực trở xuống bị mất chức năng vận động, chị Thắm không còn cảm giác gì, các vết thương hở ở lưng, xương chậu và đùi đang bị hoại tử. Ngoài điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định, gia đình chị tìm thêm thuốc nam để bôi hòng làm khô các vết thương, ngăn tình trạng nhiễm trùng. Chị Tô Thị Thép Liên (em gái anh Tuấn) vừa cố lật người chị dâu, thấm bông chấm thuốc lên các vết thương, nghẹn ngào: “Tuy vết thương còn nặng nhưng nằm viện thì tốn kém quá, các bác sĩ biết gia đình khó khăn nên đồng ý cho về điều trị tại nhà. Cả nhà ai cũng khóc khi biết dù cho sức khỏe hồi phục, việc ngồi được xe lăn cũng là điều vô cùng khó khăn với chị ấy vì toàn bộ phần thân đã bị liệt hoàn toàn rồi!”.
Anh Tuấn và người cha quanh năm bệnh tật
Bà Lan, mẹ chị Thắm từ thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) vào túc trực chăm nom con đã nửa tháng nay, bần thần tiếp lời: “những ngày mới từ viện về, nó đau đớn cả thể xác và tinh thần nên không buồn ăn uống, nước mắt cứ tràn ra, vật vã kêu khóc: “để cho tôi chết đi, sống thế này thì sống làm gì”. Mọi người phải khuyên nhủ, đem con cái ra mà “dọa”, chỉ mong nó sống để các con nhìn vào còn thấy mẹ, thế là mới chịu ăn mỗi bữa ít thìa cháo”.
Việc chăm sóc tại nhà cũng rất khó khăn, lúc đầu gia đình phải nhờ y tá ở xã rửa, thay băng các vết thương, thấy hoàn cảnh khó khăn nên họ không lấy tiền. Sau được hướng dẫn cụ thể, bà Lan và chị Liên đã tự làm. Bị chướng bụng, việc tiểu tiện, đại tiện chị Thắm không tự đi được, phải dùng thuốc và phương pháp thụt tháo. Bây giờ thì ngày mấy lần chị tự đi nhưng không hay biết, việc vệ sinh, chăm sóc lúc nào cũng phải hai người mới được. Những lúc không có người, bà Lan gọi Tuyền phụ giúp, “thằng bé vụng về, lóng ngóng và cả… xấu hổ nữa khi thấy mẹ không mặc được quần áo, khổ thân nó quá”, bà Lan tâm sự.
Xóm Cẩm hiện có tới 70 - 80% dân đi làm than, vợ chồng anh Tuấn chịu thương chịu khó, làm lụng chắt chiu ai cũng quý. Tất tả làm thuê bất kể nắng mưa với những công việc như xúc than, sàng than, thời gian còn lại anh chị đi mót than kiếm thêm chút đồng ra đồng vào. Bình quân mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được hơn trăm nghìn. Nhưng công việc xúc, sàng than thuê không đều, vì còn tùy vào việc khai thác của mỏ và thời điểm các công ty nhập than, khi nào họ thuê mới làm. Đi mót than trên các vỉa sau khi mỏ đã khai thác thì rất nhọc nhằn, 1kg than chỉ có giá 600 đồng. Hôm được nhiều nhất thì 1 người/1tạ/ngày, bán được 60 nghìn, còn bình thường chỉ được tầm 30 - 50 kg/người/ngày. Được biết, việc xin vào làm trong mỏ than không dễ. Điều kiện là phải có ít nhất 2 - 3 sào ruộng, khi mỏ lấy diện tích để khai thác than thì được đền bù và cho người có ruộng vào làm công nhân. Nhà không có ruộng nên vợ chồng anh chị đành cam phận làm thuê, sống đắp đổi bao năm qua. Hai người cùng nhau gánh gồng cho gia đình đã khó, thế mà nay chỉ còn một mình anh, chị Thắm sẽ phải nằm một chỗ suốt phần đời còn lại, nhưng để có thể sống và lành những vết thương thể xác kia thì không biết phải tiêu tốn thêm bao nhiêu tiền mới đủ. Gia tài lớn nhất chỉ có ngôi nhà gianh của bố mẹ để lại, năm 1999, nhờ anh em giúp đỡ, vợ chồng chung lưng đấu cật, anh chị xây lại nhà vững chãi hơn. Làm lụng tích cóp mãi mới sửa sang, sắm sửa thêm được chút ít đồ đạc. Nhưng trong tình cảnh hiện giờ, dù có bán đi những thứ có giá trị thiết yếu cho đời sống trong nhà để trang trải, chữa trị (ti vi, tủ lạnh, bếp ga…), thì chúng cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.
Đang trò chuyện, chúng tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng rung mạnh, tưởng như đất đá dội lăn trên mái nhà. Anh Tuấn trấn an: “Là tiếng khoan mìn từ moong than đấy. Đầu tiên nghe thì sợ lắm, bây giờ quen rồi cô ạ. Đi làm than vậy nguy hiểm lắm, nhưng chúng tôi ít học, không biết làm gì khác để sống nữa. Rồi tới đây, nếu trời cho tôi khỏe mạnh, chịu khó thì may ra cũng chỉ đủ rau cháo đạm bạc cho cả nhà. Còn vợ tôi nằm đó, giờ biết sống ra sao hở cô?”.
Câu hỏi đắng môi, mắt anh rơm rớm. Người đàn ông khắc khổ, quần áo nhọ nhem than bẩn, cứ một lát lại đưa vạt áo lên lau mắt. Anh cứ cảm ơn mãi sự có mặt của chúng tôi, chỉ mong sao nhờ Báo mà mọi người có thể biết tới, dang tay cứu giúp vợ mình. Anh nói điều ấy trong tâm trạng bất lực, là hi vọng, là mong mỏi thế, như chờ mong một phép màu.
Và chúng tôi khi nghe những lời gan ruột ấy cũng chỉ dám hi vọng việc làm của mình, những điều mình viết ra sẽ được lắng nghe, thấu hiểu, để rồi mong nhận được sự giúp đỡ sẻ chia của cộng đồng. Bất cứ sự giúp đỡ dù là nhỏ nhoi nào cũng là vô cùng quý giá cho một gia đình đang lâm vào cảnh cùng quẫn và tuyệt vọng
Thông qua bài viết này, báo VNTN mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đối với gia đình nạn nhân Tô Văn Tuấn, Mai Thị Thắm.
- Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp đến gia đình theo địa chỉ: Tô Văn Tuấn, xóm Cẩm 3, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Điện thoại liên hệ: 01643769307, hoặc số 0968156358 (chị Tô Thị Thép Liên).
Thiệu Hóa
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...