Buồn xuân như một nghịch lí trong Thơ mới
Mùa xuân - tình yêu - tuổi trẻ trở thành mã thẩm mĩ trong các loại hình văn chương nghệ thuật. Từ những trường tâm lý khác nhau, một mặt, mùa xuân gần như đồng nghĩa với cái đẹp tinh khôi, là niềm vui trong trẻo của đất trời; mặt khác, xuân gắn với sự trôi chảy của thời gian, của tàn phai. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”- câu thơ có phần “Tây quá” của Xuân Diệu, trong một chừng mực đại diện cho nét buồn xuân - một nghịch lí trong cảm thức Thơ mới. Nhưng nghịch lí mà hợp tình, khúc xạ qua tâm trạng buồn, cô đơn của những cái tôi lãng mạn, xuân cảnh chuyển thành tâm cảnh.
…Chắn nẻo xuân sang
Cuộc đời vốn buồn. Con người vốn dĩ cô đơn. Cô đơn thuộc về bản thể hiện sinh, buồn sầu là tâm trạng của cái tôi ý thức về sự lạc lõng và nhiều khao khát của mình. Mĩ cảm buồn đã làm nên cái đẹp của Thơ mới. Trong bối cảnh văn hoá - xã hội đương thời, từ tâm trạng của một cái tôi vừa mới khẳng định mình đã mang mặc cảm lưu đày, các nhà Thơ mới trốn chạy cuộc đời qua giấc mộng thi ca.
Có những nẻo mộng khác nhau.
Huy Cận, Nguyễn Nhược Pháp tìm kiếm dấu xưa. Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu tìm đến giấc mộng tình ái. Hàn Mặc Tử chìm đắm trong chiêm bao, tôn giáo v.v.. Thế Lữ mộng lên tiên nhưng ngay cả những vần thơ xuân giữa cõi tiên, giữa “Kim Đồng thổi sáo, tiên nga xõa tóc, hạc trắng bay về…” cũng lưu lại nét buồn lãng mạn của Thơ mới: “Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi/ Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng/ Tiếng đưa hiu hắt bên lòng/ Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…” (Tiếng sáo Thiên Thai).
Vốn mang nỗi sầu vạn kỉ, những vần thơ xuân của Huy Cận mang cái đẹp của hồn buồn, “Du xuân con bướm quạt hương dài” (Hoa giữa nắng), “Nứt bung hoa gạo bốn bề trăng xuân” (Trăng xuân). Cảm quan vũ trụ làm nên những câu thơ thuộc dạng xuất thần biểu hiện tương giao giữa trời xuân và cõi lòng rạo rực. Nhưng, dường như hương xuân lan tỏa từ cánh bướm đa tình hay cái màu đỏ bung tràn đến khắc khoải của hoa gạo trong không gian nhuốm một màu trăng cũng là sản phẩm của một tâm hồn thơ “mang mang thiên cổ sầu”.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Hàn Mặc Tử qua mùa xuân cảm nhận dấu vết thời gian trước khi chìm đắm trong một thế giới ảo giác, siêu thực: “Ngày xuân như gió thoảng mau/ Tình xuân một khối ai sầu hơn ai?” (Sầu xuân); “Trong khi nhìn mây nước/ Lòng xuân cũng não nề” (Tình quê); ngay cả giữa lòng mùa xuân “chín” nhà thơ đã cảm nhận nỗi sầu chia xa, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (Mùa xuân chín).
Xuân Diệu phấp phỏng về sự héo úa, nhạt phai “Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng!/ Những mặt hồng chia rẽ hết cười” (Xuân rụng).
Nguyễn Bính nhẹ nhàng hơn trong điệu buồn của mùa xuân qua cái khước từ nghịch lí “chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang”; qua tâm trạng của cô gái quê đợi chờ “để cả mùa xuân cũng bẽ bàng” với cảm giác “anh ạ! mùa xuân đã cạn ngày” (Mưa xuân).
Chế Lan Viên nghịch dị đến phi lí: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?/ Với cả hoa tươi, muôn cánh rã,/ Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!” (Xuân). Với Chế Lan Viên, nỗi đau vong quốc chuyển thành nỗi sầu vong thân của một cái tôi cô đơn lạc lõng giữa lòng đất nước. Thuở 16, 17 tuổi Chế Lan Viên làm sao hết lòng yêu cuộc sống - “Pháo đã nổ đưa xuân về vang động/ Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong”, “Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói/ Đây, hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi (Xuân về)- nhưng nỗi đau đời lớn quá khiến sự quay lưng phủ nhận mùa xuân mới bi phẫn và tột cùng đến thế, “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Mang chi xuân tới gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (Xuân).
Trong sự chối bỏ mùa xuân của thi sĩ Điêu tàn ẩn chứa nỗi đau đời; đó cũng là tâm trạng phổ biến của Thơ mới. Nỗi buồn xuân ấy thể hiện sự cọ xát dữ dội trong tâm thức của một thế hệ thi sĩ yêu đời nhưng đời đáng chán, nên chối bỏ hiện tại và mơ hồ tương lai. Cơn mộng tìm về quá khứ, vì thế, luôn khơi gợi nguồn cảm hứng, chủ thể Thơ mới luôn tìm về những nét đẹp xưa. Biết bao thi nhân thuở ấy đã hoài nhớ một thời quá vãng.
Vũ Đình Liên tiếc nuối vô vọng những giá trị văn hoá tinh thần chỉ còn vang bóng. Với bài thơ Ông đồ, Vũ Đình Liên ngậm ngùi thương tiếc cho một bóng hình quen thuộc đã phôi pha. Mùa xuân, vì thế, chỉ là phông nền để ngoái nhìn quá khứ, để đối chiếu với hiện tại nhạt màu. Ông đồ chính là một trong những bài thơ đại diện cho tâm thức buồn xuân của Thơ mới. Bài thơ không có một từ xuân hay Tết, không cả một nỗi niềm qua độc thoại nội tâm, chỉ như một diễn ngôn tự sự, dung dị nhẹ nhàng mà khắc cốt một vệt buồn xuân. Nhói buốt. Dai dẳng. Tĩnh và động. Đông và vắng. Đầy và trống. Hữu hình và hư vô. “Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”, “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”. Lấy tĩnh nói động, lấy động để nói cái lặng yên, lấy đầy để nói cái vơi, khuất, vắng. Vắng cả sự hiện diện của một con người giữa dòng xuân hờ hững; có chăng là một hình hài hóa hư vô - “Ông đồ vẫn ngồi đó, qua đường không ai hay”. Xuân, đào vẫn rộn ràng, thắm tươi, nhưng xót lòng bởi “đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Thời gian trĩu trên từng con chữ. Thời gian trôi. Nhưng thời gian níu giữ bài thơ. Xuân đi xuân lại đến. Ông đồ vẫn như một “tượng đài” dung dị, biểu tượng cho mùa xuân truyền thống, biểu tượng cho một nét đẹp văn hóa Tết cho dù “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”.
…Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang
Một trong những giấc mộng dài của Thơ mới là giấc mộng hải hồ. Qua đó, hình ảnh khách chinh phu/ li khách/ du khách/ viễn khách…trở thành biểu tượng phổ biến của văn học lãng mạn.
Khách chinh phu là hình ảnh đẹp của cái tôi mộng tưởng, là chủ thể trữ tình tụ hội cả hai yếu tố: nỗi đau mất nước của một trí thức nặng tinh thần dân tộc và thú lãng du phiêu bạt của người nghệ sĩ, “Năm năm theo tiếng gọi lên đường/ Tóc lộng tơi bời gió bốn phương” (Giây phút chạnh lòng, Thế Lữ); “Người giai nhân bến đợi dưới cây già/ Tình du khách thuyền qua không buộc chặt” (Lời kĩ nữ, Xuân Diệu). Giấc mộng giang hồ cộng với men say của rượu, ái tình đã làm nên một nét đặc thù của mẫu hình khách chinh phu; nó vừa có cái khẳng khái “chí lớn chưa về bàn tay không” (Thâm Tâm) mang bóng dáng bi hùng của Kinh Kha “Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”, vừa có cái bi mĩ của Chiêu Lì Phạm Thái “chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một bầu rượu, chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt của giai nhân” (Tiêu Sơn tráng sĩ, Khái Hưng).
Với biểu tượng khách chinh phu, một màn sương lãng mạn, bí ẩn đã hút hồn các nhà Thơ mới (cũng như các nhà văn Tự Lực văn đoàn) và lây lan đến phần lớn độc giả đương thời qua những câu thơ sống mãi với thời gian: “Tiếng gà đã rộn trong thôn/ Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay” (Giang hồ, Lưu Trọng Lư); “Dừng cương nghỉ ngựa non cao/ Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon” (Đẹp xưa, Huy Cận); “Anh đi đấy, anh về đâu? Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm…” (Không đề, Nguyễn Bính).
Với một thế hệ Thơ mới, xuân tha hương như một “thú đau thương”, vì vậy, kể cả cái buồn xuân cũng mang sắc màu lãng mạn.
Đó là nỗi sầu xuân của những người lữ khách trong phút chạnh lòng nhớ quê nhà, “Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”, “Mắt lệ đắm trông miền cách biệt/ Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu…” (Giây phút chạnh lòng, Thế Lữ); “Một thân quán trọ sầu phong tỏa/ Đốt ngọn đèn lên bóng rợn tường” (Xuân vẫn tha hương, Nguyễn Bính).
Với Thâm Tâm, trong những bài thuộc thể hành, hình ảnh li khách được làm cho khác lạ nhưng nỗi tha hương vẫn mang mang đâu đó đằng sau những dòng thơ khẳng khái. Dẫu nhà thơ khước từ mẫu cũ “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/ Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề” (Vọng nhân hành) nhưng âm vang của dòng sông trở thành biểu tượng cho li biệt ấy vẫn vọng về trong thơ ông. Không bến sông vẫn có sóng dội trong lòng (Tống biệt hành); “dửng dưng” vẫn vọng cố nhân đến tràn li, “Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu/ Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê/ - Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt/ Chẳng đọc thơ ta tất cũng về” (Vọng nhân hành).
Trong Sự va chạm giữa các nền văn minh, về một phía, S. P.Huntington cho rằng sự va đập các nền văn minh sẽ phá vỡ các hệ giá trị. Sự va chạm Đông - Tây nửa đầu thế kỉ XX đã làm đảo lộn xã hội Việt Nam. Với các nhà Thơ mới, trong quá trình tiếp nhận còn có tâm trạng chối bỏ hệ giá trị mới. Do vậy, từ một góc nhìn, tha hương không chỉ là không gian địa lí mà chủ yếu là tha hương tâm tưởng, với hoài vọng về nơi trú xứ cùng giá trị xưa; đặc biệt là Nguyễn Bính, nhà thơ tự lưu đày ngay trên quê hương.
Cuộc đời ông là sự tiếp nối những chuyến đi. Không giống như một cách nói ngông của Tản Đà “giang hồ mê chơi quên quê hương”, trong giấc mộng lên đường của Nguyễn Bính (“Đem thân đi với giang hồ”; “Đi biệt không về với bến sông”; “Nửa đêm nghe tiếng còi tàu/Ngày mai ta lại bắt đầu ra đi”), bóng hình quê hương luôn níu kéo. Sự dùng dằng trước các hệ giá trị làm thành nét độc đáo trong thơ Nguyễn Bính - vốn được xem là thi sĩ làng quê.
Đặt thơ Nguyễn Bính vào bối cảnh văn hóa Việt Nam những thập niên đầu thế kỉ XX mới thấy hết sự phức tạp của chủ thể trữ tình. Nguyễn Bính không đơn giản chân quê như những vần thơ lục bát của ông. “Giữ yên quê mùa” mới chỉ là một góc trong tâm hồn đa đoan của nhà thơ. Chàng thi sĩ làng quê không hẳn khước từ đô thị, chính máu lãng tử, xu thế thời đại, lực hút thị thành khiến Nguyễn Bính từng mộng mơ “lang thang anh dạm bán thuyền”. Ở Nguyễn Bính vừa có sự va chạm, vừa dung hòa giữa hai cấp độ văn hóa tỉnh - quê. Một mặt ông cố níu giữ “hương đồng gió nội”; mặt khác ông trầy trật “dan díu” với chốn bụi bặm thị thành “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh, Tôi đi dan díu với kinh thành” (Hoa và rượu). Đôi lúc, cái “dan díu kinh thành” của thi nhân còn đậm hơn cả chất chân quê. Lực hút của thị thành, lực cản từ văn hóa quê nhà (và chiều ngược lại) khiến con người Nguyễn Bính không yên ổn. Nên mặc cảm mới dồn ứ lại làm nên con chữ xuất thần “dan díu” vừa đa tình níu kéo, vừa tội lỗi chối bỏ. Nên tâm trạng buồn xuân, xuân/Tết tha hương thành cấu trúc ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính (Xuân nhớ, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân về nhớ cố hương, Tết biên thùy, Hành phương Nam, Đêm mưa đất khách…).
Theo bước chân lưu lạc của nhà thơ, nét đẹp văn hóa làng quê lùi dần, thậm chí bị xâm thực bởi bụi thị thành, vì vậy xuân trở thành nỗi hoài nhớ vô vọng, làm nên những vần thơ xuân tha hương thật “khác” trong thi đàn Thơ mới. Nhỡ nhàng trên con đường tình ái, trầy trật trong việc níu giữ truyền thống trong mối tương hòa với hiện đại, Nguyễn Bính mang mặc cảm vong thân giữa lòng quê hương: “Hôm nay có một người du khách,/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Ở một phía khác, mặc cảm rời bỏ nơi trú xứ khiến thi nhân không vững vàng hòa nhập, nên mới thốt ra như một lời hối lỗi “Tôi đi dan díu với kinh thành”, nên mới thảng thốt “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến”; “Chao ơi, Tết đến em không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng” (Xuân tha hương)… Mùa xuân trong cảm thức Nguyễn Bính chênh vênh giữa hai đối cực và xuân tha hương là chùm thơ mang tâm trạng đa phức.
Không gian xuân trong thơ Nguyễn Bính là không gian văn hóa làng quê, từ hình ảnh ngày Tết, pháo đỏ, rượu hồng, hội chèo…; hoặc chút “mưa bụi” hay “hoa mơ hoa mận nở”, “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, “Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi”, “Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng”… cũng đượm hồn quê. Vì thế, bứng những hội chèo, mưa bụi, rượu nồng, kể cả “hoa xoan phơi phới bay” ra khỏi trú xứ làng quê, với ông, xuân không còn nguyên vẹn: “Chén rượu tha hương giờ đắng lắm”; “Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở/ …một cánh hoa tươi đã lạnh lòng”, “Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu bốn phương (Xuân tha hương).
Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Bính là con người phiêu bạt thất thểu nhớ quê và thất thểu hòa vào thành thị. Nên mưa bụi, hoa xoan, hội làng đan xen với rượu giang hồ và bụi kinh thành. Lực hút lẫn lực đẩy của chốn thị thành khiến thơ Nguyễn Bính chênh vênh - dan díu với kinh thành lại nhớ vườn cam cố quận. Không gian chân quê gắn với hiện tại bất an, không gian thành thị gắn với lỡ làng, cô độc. Nó trở thành mặc cảm ám ảnh trong cảm hứng xuân của nhà thơ.
Giấc mộng hải hồ, khát vọng thời đại và nỗ-lực-chân-quê đã làm nên những vần thơ đầy tâm trạng. Và mùa xuân chính là biểu tượng cho thời điểm hoài hương. Nên thơ Nguyễn Bính mới day dứt đến thế - cái day dứt dùng dằng trầy trật không hề có ở các nhà thơ bên cạnh ông. Thà gấp gáp hốt hoảng như Xuân Diệu, dứt khoát quyết liệt như Chế Lan Viên hay lịm buồn vạn cổ như Huy Cận. Thà cứ khước say như Vũ Hoàng Chương “cho lơi lả ánh đèn/cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu rượu nữa và quên, quên hết”… Đối kháng và dung hòa quê - tỉnh (dẫu quê hay tỉnh cũng gắn với tâm trạng thất tình) nên thơ xuân Nguyễn Bính day dứt buồn. Đó là cái lỡ làng “xuân đã cạn ngày”, là dằn vặt như một mặc cảm “Tết này em không về được”, là say nhưng còn đủ tỉnh để thấm cái nhạt của hoa, rượu thị thành - “Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc!/ Hoa hết thơm rồi, rượu hết say” (Hoa với rượu). Nguyễn Bính chưa đủ ảo mộng, rượu tràn chưa đủ men say nên bi kịch rượu tha hương, sầu đô thị mới xót xa đến thế. Nó trở thành mặc cảm ám ảnh trong cảm hứng xuân của nhà thơ.
***
Trường thẩm mĩ từ Lý Bạch với cái “đê đầu tư cố hương” bàng bạc trong Thơ mới, khiến mùa xuân trở thành biểu tượng cho thời điểm hoài hương. Suy cùng, đó không đơn thuần là nỗi buồn cố quận mà chính là nỗi cô đơn hiện sinh, là tâm thức lưu đày trên “mảnh đất người đời” đầy xáo trộn mà con người Thơ mới đang hòa nhập lại cố thoát ra. Mang phẩm tính thi sĩ tài tử, từ cội rễ văn hóa phương Đông và phù sa phương Tây, một thế hệ thi nhân đã đổi mới tư duy thơ. Từ mùa xuân biểu trưng cho niềm vui đến buồn xuân là bước chuyển mã theo quy luật tâm trạng của thi nhân ánh xạ từ trường nhìn thời đại.
Lê Thị Hường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...