Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
20:59 (GMT +7)

Brexit – cuộc “ly hôn” manh nha cho xu thế kinh tế chính trị mới

VNTN - Kết quả Anh trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tháng 6 vừa qua được công bố lập tức tạo thành cú shock toàn cầu. Thủ tướng Anh đương nhiệm David Cameron đã từ chức ngay sau sự kiện này và bà Theresa May trở thành người kế nhiệm ông vào hôm 13/7. Cho đến nay, tác động ảnh hưởng đa chiều từ cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh vẫn tiếp tục lan rộng không chỉ tại EU, và điều này manh nha tạo ra những xu thế kinh tế, chính trị mới tại nhiều nơi trên thế giới.


Sau khi tân thủ tướng Anh Theresa May nhậm chức thì cuộc “hôn nhân” giữa Anh và EU không còn chút “lưu luyến” nào khi các lãnh đạo EU cùng lúc với chúc mừng là cứng rắn hối thúc tân Thủ tướng Anh đẩy nhanh quá trình giải quyết “ly hôn” với liên minh EU theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Bà May trong những thời khắc đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh đã phải điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo Pháp và Ireland để nhấn mạnh cam kết thúc đẩy Brexit, cũng như giải thích Anh cần một khoảng thời gian chuẩn bị cho các cuộc đàm phán để hoàn tất việc  Anh rút khỏi EU.

Những người ủng hộ Brexit vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý    Nguồn: Internet..

Nguyên nhân của cuộc “ly hôn” có ảnh hưởng toàn cầu

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra, đã có rất nhiều khuyến cáo về hệ lụy trên các mặt kinh tế, chính trị mà nước Anh phải hứng chịu sau đó, song người dân Anh vẫn lựa chọn rời khỏi EU bởi mối lo về các nghĩa vụ kinh tế và an ninh mà Anh phải gánh chịu sẽ mang nhiều tác động rủi ro với họ bởi người dân Anh cho rằng, các chính sách xơ cứng và bảo thủ về chính trị, tài khóa và hối đoái của EU gây nhiều bất lợi cho nước Anh. Cùng với đó làn sóng nhập cư đổ vào châu Âu cùng các khác biệt tôn giáo, văn hóa và viễn cảnh thiếu việc làm, dịch vụ an sinh xã hội suy giảm trong EU đã tác động sâu sắc đến người dân Anh. Trong khi xu hướng mâu thuẫn dân tộc và quốc tế đang gia tăng, những tính toán chính trị có phần chủ quan cùng sự thiếu tương tác của cá nhân thủ tướng Cameron và Công đảng Anh với các giai tầng khác nhau trong xã hội Anh đã khiến nhiều cử tri bỏ phiếu lựa chọn và chứng minh bản sắc dân tộc.

Cùng  với đó, sự khác biệt về mục tiêu và lợi ích chiến lược lâu dài giữa Anh và EU trong thời gian đã tạo thành sự khác biệt vượt tầm kiểm soát của cả hai bên. Năm 1973, Anh gia nhập EU nhằm đối phó với nguy cơ uy hiếp an ninh từ Liên xô, hiện nay Nga chưa đủ tiềm lực để lặp lại điều này, trong khi gánh nặng an ninh mà EU phải đối mặt đến từ nhiều nhân tố khác mà Anh không muốn phải chia sẻ. Anh gia nhập EU lúc kinh tế rơi vào suy thoái, nay kinh tế Anh phát triển trong khi kinh tế EU đang hứng chịu những rủi ro.

Rõ ràng là kết quả bầu cử quyết định ra khỏi EU là một lời tuyên ngôn về bản sắc dân tộc của nước Anh, và với tất cả những gì liên quan, bao gồm vận mệnh kinh tế và chính trị của đảo quốc này.

Brexit - cú shock toàn cầu

Những tác động về chính trị mà Anh phải đồi mặt nhãn tiền thứ nhất là việc Anh rời khỏi EU bằng một cuộc trưng cầu dân ý có thể châm ngòi cho tính dân tộc chủ nghĩa, và viễn cảnh là tiền lệ này có thể lặp lại với chính nước Anh khi Bắc Ireland và Scotland đòi bỏ phiếu để quyết định việc họ ở lại với EU hoặc tách khỏi Anh. Dấu hiệu của việc này không còn mơ hồ khi thủ tướng Nicola Stugeon của Scotland đã triệu tập nội các và tuyên bố nước này sẽ họp với các giới chức EU để thảo luận về những sự lựa chọn “để bảo vệ chỗ đứng của Scotlend trong EU”. Hai là suy giảm vai trò ảnh hưởng của Anh với các quyết sách của EU khi Anh không còn quyền bỏ phiếu cho những quyết định lớn và tiếng Anh không còn là ngôn ngữ chính thức của EU. Ba là quan hệ Anh - Mỹ chịu nhiều biến động điều chỉnh thậm chí có chiều hướng “phai nhạt” khi Anh không còn là “thế lực ngầm” của Mỹ nhằm tác động đến các chính sách của EU, cũng như để Mỹ kiềm chế Đức và Pháp. Bốn là, nếu nhìn theo góc độ bi quan, vị thế của Anh trong tương lai sẽ bị các nước thuộc khối liên hiệp Anh như Úc và New Zealand xem xét lại khi Anh đã bị giảm thiểu ảnh hưởng trong EU và đối với Mỹ.

Những tác động về kinh tế, đặc biệt là trong thời gian ngắn và trung hạn khi Anh làm các thủ tục ra khỏi EU trong vòng 24 tháng, kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái nhẹ. GDP có thể giảm tổng cộng 2,75% trong vòng 18 tháng trước khi lấy lại cân bằng. Về lâu dài, mặc dù ngân hàng Trung ương Anh đã tuyên bố khả năng hỗ trợ nhằm ổn định thị trường tài chính, môi trường kinh doanh, ngăn chặn việc đồng Bảng Anh mất giá, song Anh có thể vẫn đánh mất vị trí là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Âu và thế giới vì các bất ổn chính trị và sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính của Đức và Pháp, cũng như mất đi vị trí quốc gia nhận vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong EU khi mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu, và dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển sang Pháp, Đức hoặc Italia.

Với EU, tác động chính trị từ Brexit có thể kéo theo làn sóng hoài nghi về tương lai của châu Âu, tạo đà cho các đảng cực hữu ở một số nước châu Âu vận động ly khai. Trước kết quả Brexit lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc Pháp Marine Le Pen cho rằng đây là “chiến thắng của sự tự do”, còn Geert Wikders, thủ lĩnh Đảng Tự do Hà Lan khẳng định cần có cuộc bỏ phiếu “Nexit” để Hà Lan rời EU. Sau hai ngày bỏ phiếu Brexit lãnh đạo 6 nước sáng lập EU (Đức, Pháp, Hà Lan, Italia, Bỉ và Luxemburg) đã họp khẩn để thảo luận về tình huống “chưa có tiền lệ” này cũng như tương lai của EU hậu Brexit. Và tất nhiên khi ngân sách thiếu đi 19,4 tỉ EURO đóng góp từ Anh, EU cũng sẽ phải phân bố lại nguồn thu chi của mình.

Sự kiện này tạo ra nhiều thách thức lớn về địa chính trị, làm suy giảm sức mạnh của EU trong việc thực thi các chính sách đối ngoại. Cùng với việc vị thế thị trường chung lớn nhất thế giới của EU đang bị suy giảm, thị trường chứng khoán của EU cũng ngay lập tức chao đảo. Ngân hàng Goldman dự báo tăng trưởng khu vực Eurozone trong 2 năm tới chỉ đạt 1,25% nếu Anh ra đi. Mặc dù lãnh đạo các nước đứng đầu EU khẳng định “EU đủ mạnh” để tái ổn định song những cuộc họp lập tức của họ đã cho thấy tình hình cần được trấn an, rằng EU cần có “sự thức tỉnh” để duy trì “sự thống nhất và phát triển” của khối này.

Sau kết quả Brexit, tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố quan hệ đặc biệt với Anh và EU vẫn bền vững và tư cách thành viên NATO của Anh tiếp tục có vai trò sống còn trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế Mỹ. Song Mỹ cũng buộc phải xây dựng kịch bản dự phòng để duy trì quan hệ với Anh, thúc đẩy tương tác với EU nhằm duy trì vai trò của khối NATO trong trật tự cân bằng vốn có. Mỹ cũng phải điều chỉnh và thích ứng nếu như Đức sẽ trở thành lãnh đạo EU và khi vị thế EU suy yếu trước Nga và các rắc rối Trung Đông.

Anh rời khỏi EU sẽ có những tác động gián tiếp khiến đà phục hồi kinh tế Mỹ chậm lại, Mỹ buộc phải điều chỉnh theo EU để ngăn chặn yếu tố cạnh tranh của Trung Quốc tại khu vực Đông Á dù trên thực tế chính sách “tái cân bằng” của Mỹ vốn xây dựng dựa trên cơ sở châu Âu vẫn còn ổn định và mạnh mẽ. Con số 1,3 ngàn tỉ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi trong chỉ 2 phiên sau khi có kết quả Brexit, có thể kéo mức tăng trưởng xuống 2% thay cho mức dự báo 2,25%,  cho người ta có thể liên tưởng hay suy diễn về một sự suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 ở Mỹ. Sự mất giá liên tục của đồng USD trong thời gian qua đã bước đầu minh chứng điều này.

Tại châu Á, thị trường tài chính các nước khu vực này ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi sự kiện Brexit, nhưng trong tình trạng chao đảo và ổn định dần bởi các nước đều có phản ứng kịp thời và đưa ra các biện pháp nhằm giữ ổn định thị trường tài chính và chứng khoán như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam… Mặc dù có những bất lợi nhãn tiền bởi hiệu ứng Brexit khiến Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp tốn kém, đặc biệt là đồng NDT mất giá khiến ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải bơm hơn 15 tỉ USD vào hệ thống tài chính để bình ổn, cũng như những ảnh hưởng khác khi không còn sự can thiệp từ phía Anh Quốc, nhưng ở góc độ khác, sau Brexit cả Anh và EU đều có nhu cầu và việc hợp tác với Trung Quốc sẽ có xu hướng gia tăng. AIIB, ngân hàng mà Trung Quốc giữ 49% cổ phần, ngay sau Brexit đã họp với đại diện 57 nước thành viên dường như cho thấy bước đi của Trung Quốc trong việc tìm cách vừa đối phó tác động, vừa tranh thủ cơ hội Brexit phát huy vai trò kinh tế nhằm chứng minh nhận định, trong lịch sử “chưa bao giờ có đế chế nào có thể cai trị thế giới vĩnh viễn”.

Sự kiện Anh nhất quyết ra khỏi EU đã tạo quan ngại lan rộng, khiến xẩy ra tình trạng bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới. Bên cạnh đó là việc nhiều đồng tiền mạnh mất giá cùng khả năng có sự biến động quyền lực trong các cặp quan hệ nước lớn. Tất cả diễn biến này sẽ đều tác động gián tiếp đến Việt Nam. Việt Nam có thể chịu tác động từ Brexit thông qua các kênh như tài chính, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ cho thấy những tác động này ở mức tương đối nhỏ.

Ảnh minh họa            Nguồn: Internet

Cuộc “ly hôn” manh nha cho xu thế kinh tế, chính trị mới

Xét về bản chất, Brexit là cuộc khủng hoảng chính trị, tình trạng đổ vỡ niềm tin dẫn tới việc gây biến động về kinh tế, tài chính. Điều này rất khác về bản chất so với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008.

Dù chưa thể phán đoán những tác động kinh tế tiếp theo với EU và bên ngoài  thế nào, nhưng sự điều chỉnh tương tác giữa các nước lớn chắc chắn sẽ xảy ra và trong chừng mực nhất định, Nga và Trung Quốc là những nước có thể thu lợi địa chính trị khi Anh suy yếu và EU thiếu thống nhất, và điều này buộc Mỹ phải có điều chỉnh nhất định để duy trì cân bằng trật tự vốn có và thúc đẩy các chiến lược đề ra, kể cả chiến lươc “tái cân bằng” tại Châu Á - Thái Bình Dương. EU chắc chắn sẽ có những kế hoạch mới sau khi Anh rời đi.

Việc xử lý thiếu ổn thỏa các vấn đề phát sinh, hệ thống địa chính trị bị suy yếu do thay đổi quyền lực, tính chính thống giảm thiểu khi tinh thần ly khai gia tăng, điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua giữa các cường quốc nhằm sắp đặt lại trật tự của EU, rộng hơn là thế giới. Vai trò của Anh trong EU có thể được Đức thay thế, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất khả năng chống đỡ khủng hoảng tốt nhất EU hiện nay. Mối quan hệ của Đức với Mỹ, Trung Quốc, Nga hiện được cho là có khả năng tạo ra những điều ảnh hưởng đến trật tự vốn có của EU. Cơn địa chấn Brexit đã bộc lộ các cuộc cạnh tranh quyền lợi gay gắt trên phạm vi toàn cầu trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nó làm lay động địa chính trị và góp phần thay đổi, định hình trật tự kinh tế thế giới, thậm chí định hình kết cấu địa chính trị trên toàn cầu.

Sự kiện Anh ra khỏi EU với những biến động đang diễn ra là một bài học tốt cho Việt Nam và các thành viên ASEAN khác cùng xem xét và có các điều chỉnh thích hợp cho quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN góp phần đưa khu vực Đông Nam Á và Đông Á tiếp tục phát triển mạnh.

Dương Đăng (Học viện Ngoại giao)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước