Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:58 (GMT +7)

Bền bỉ đổi thay trên đất nghèo

VNTN - Xuất thân từ gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng sự cần cù, nghị lực, luôn học hỏi và mạnh dạn áp dụng những phương thức tiên tiến vào sản xuất, nên cuộc sống của họ được đổi thay. Đáng quý hơn, những nông dân này luôn sẵn sàng tương trợ, là chỗ dựa cho bà con chòm xóm, để cùng nhau vươn lên làm giàu.


“Thủ lĩnh” vùng “hoa quả sơn”

Giữa cái nắng đỉnh điểm của tháng 7, ấy thế mà xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên không khí vẫn mát rượi. Dọc con đường bê tông liên xóm, vắt ngang những quả đồi là những vạt nhãn vươn cành trĩu quả như “mời gọi”. Xen vào đó là màu xanh của những vườn bưởi, vườn chuối, điểm thêm màu của những trái thanh long chín đỏ... Khe Đù như một vùng “hoa quả sơn”.

Vượt qua “mê cung” cây ăn quả, là nhà ông Nguyễn Viết Quỳnh (sinh năm 1956), một trong những người có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất ở đây, để nghe ông kể chuyện về quá trình thay da đổi thịt của vùng đất vốn đã từng “nổi tiếng” vì sự nghèo khó.

Khoảng thập niên 70 thế kỉ trước, 18 hộ gia đình chủ yếu là người xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã di chuyển lên Khe Đù theo chương trình kinh tế mới. Những ngày đầu họ sống trong lán tạm bợ, phát cây, dọn bãi trồng sắn, dong riềng làm cái ăn qua ngày. Làm lụng vất vả mà vẫn đói quanh năm. Nhưng có một điều lạ, những cây vải, cây nhãn Hưng Yên do một số người mang theo trồng cho đỡ nhớ quê lại hợp đất, cho ra những lứa quả ngon ngọt không kém gì quê nhà. Thấy vậy, cứ nhà sau trồng theo nhà trước, dần thành vườn bãi, đến khoảng những năm 90 tại đây đã trở thành một vùng cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều.

Riêng ông Quỳnh mạnh dạn vay mượn tiền để trồng 500 cây vải, nhiều nhất xóm. Cây vải trở thành hy vọng “đổi đời” của ông và bà con xóm nghèo. Nhưng bỗng đâu tai họa ập xuống. Năm 2000, giá vải thiều tụt dốc thảm hại từ 15 ngàn/kg xuống chỉ còn 1,5 - 2 ngàn đồng/kg, rẻ như cho không. Vừa là nạn nhân và với cương vị là Trưởng xóm (từ năm 1997 đến 2013), ông Quỳnh gắng gượng đứng ra thu mua, tiêu thụ vải cho bà con. Ông kể: “Không thể bán vải tươi ra thị trường, chúng tôi đành thu mua của bà con đem sấy khô, di chuyển cả trăm cây số về Hưng Yên bán chỉ mong vớt vát mà trụ lại được”. Nhưng cũng chẳng trụ được bao lâu, bà con đành ngậm ngùi chặt hết vải.

Vải “phá sản”, ôm khoản nợ lớn, vợ chồng ông Quỳnh đã có lúc suy sụp nghĩ đến việc bán nhà trả nợ rồi bỏ vào trong Nam lập nghiệp. Nhớ lại ngày đó, bà Nguyễn Thị Dím, vợ ông Quỳnh ngậm ngùi: “Hai vợ chồng trằn trọc cả đêm, sáng hôm sau quyết định cưa hết 500 gốc vải đi, để chuyển sang trồng nhãn. Mỗi gốc vải đổ xuống chẳng khác nào muối xát vào lòng”.

Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Viết Quỳnh chủ yếu là cây nhãn,cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 400 triệu đồng

Sau “cú sốc”, người dân Khe Đù chuyển sang tập trung trồng nhãn vì giá cả ổn định hơn vải. Nếm thất bại, ông Quỳnh nhận ra nếu chỉ làm “bột phát” mà không nắm rõ các kĩ thuật chăm sóc và nắm bắt thị trường thì rất dễ ăn “trái đắng”. Ông tranh thủ về quê Hưng Yên học cách trồng, chăm sóc nhãn, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về cây ăn quả, chủ động nắm bắt, bám sát các chủ trương chính sách của xã huyện về nông nghiệp để tuyên truyền cho bà con trong xóm. Nhờ đó, ông đã giải đáp được băn khoăn: Bà con chăm sóc đúng cách nhưng sản lượng nhãn không cao, là do giống cây trồng. Cần phải cấy ghép mắt để ra một giống thuần mới cho sản lượng cao, chất lượng tốt.

Thời cơ đến khi năm 2005, huyện có dự án chuyển đổi giống cây trồng do Tây Ban Nha tài trợ 70% vốn. Có điều để quá trình ghép mắt nhãn thành công thì trong vòng 3 năm sẽ không cho thu hoạch quả. Vừa phải bỏ một số tiền không nhỏ, lại mất đi 3 mùa vụ nên việc vận động bà con không dễ. Ông Quỳnh phải kiên trì đi đến từng hộ dân vận động, cuối cùng cũng được một vài nhà ủng hộ để dự án được thực hiện. Riêng ông Quỳnh đã mạnh dạn vay ngân hàng 60 triệu đồng để trồng thêm 300 cây nhãn. Dù trong xóm mọi người bảo: Ông Quỳnh là trùm nợ Khe Đù này rồi, liều lĩnh quá! Nhưng bản thân ông luôn tin tưởng vào các chính sách của huyện, của tỉnh và chắc chắn rằng sẽ thành công”.

3 năm tiến hành cấy ghép mắt, đến năm 2007 - 2008, vụ mùa đầu của giống nhãn mới đã bội thu và cho sản lượng lớn hơn rất nhiều so với giống cũ, quả to, vỏ mỏng, vị ngọt đậm, màu sắc cũng tươi hơn. Các hộ dân khi trước còn hoài nghi về cách làm, thì nay chọn ông làm “thủ lĩnh” để được ông hướng dẫn cấy ghép.

Phần lớn số hộ ở đây đều có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhờ cây ăn quả, riêng hộ ông Quỳnh lên đến trên 400 triệu đồng/năm. Nhắc đến Khe Đù giờ đây, người ta không còn nói đến một vùng đất nghèo khó nữa mà nhắc đến một vùng cây trái chất lượng cao của huyện Phổ Yên và toàn tỉnh Thái Nguyên.

Những “nữ thuyền trưởng” hợp tác xã

Trong bộ đồ giản dị, cách nói chuyện chất phác, không ai nghĩ bà Đào Thanh Hảo (sinh năm 1964) lại là Giám đốc một HTX chè nổi tiếng, mỗi tháng tiêu thụ từ 15-17 tấn chè búp khô đi khắp mọi miền đất nước và cả xuất khẩu, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đó là HTX chè mang tên vợ chồng bà: Hảo Đạt ( xóm Nam Tân, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên).

Với bà Hảo, kỉ niệm từ những ngày đầu gắn bó với nghề chè là những kí ức không thể quên. Chỉ vào hai “cụ chè” có tuổi đời trên 30 năm được đặt ở vị trí trang trọng tại cửa hàng, bà bảo “tuổi nghề của tôi cũng ngang ngửa với những cây chè đó”.

19 tuổi, bà kết hôn với ông Phạm Tiến Đạt. Hai vợ chồng chăm chỉ bạt đồi trồng sắn, chè. Làm lụng vất vả nhưng vẫn đói, bà Hảo chọn cách vào xóm thu mua chè của bà con rồi đem ra chợ bán lấy lãi. Mưa nắng bụi đường, mỗi ngày đạp xe mấy chục cây số, mà chỉ bán được vài kg chè. Đến năm 1996, thấy khâu dịch vụ chế biến mang lại một phần chênh lệch đáng kể, vợ chồng bà bỏ việc chạy chợ, dành tiền vốn mua thêm máy móc, thiết bị chế biến chè. Vốn khéo léo, cẩn thận lại từ nhỏ đã phụ giúp bố mẹ sao sấy chè, nên chè của vợ chồng bà làm ra được nhiều người ưa chuộng. Nhớ lại ngày đó, bà phấn khởi: “Vui nhất là mình làm ra được bao nhiêu, người tiêu dùng vào tận nhà mua hết. Có người ở xa còn lặn lội đến tận nơi để mua dù chỉ 1, 2 lạng chè, lại còn trả giá cao nữa”.

Bà Đào Thanh Hảo, (thứ 2 bên phải) đóng gói chè cùng công nhân

Là người vùng chè, bà Hảo hiểu rõ sự tảo tần, vất vả của người nông dân. Thấy vùng chè Tân Cương mình có nhiều thương lái vào thu mua chè tươi nhưng chỉ mua vào thời điểm giá chè thành phẩm trên thị trường đang lên cao, khi chè mất giá, liền quay lưng lại. Thu nhập của người dân làm chè chưa cao do cách làm riêng lẻ, kỹ thuật chế biến không đồng đều, thị trường lại không ổn định. Đau đáu nỗi niềm đó, năm 2007, bà Hảo đứng ra vận động một số chị em trong xóm thành lập tổ hợp tác. Năm 2016 phát triển thành HTX Chè Hảo Đạt. Hiện, HTX đã phát triển với 8 thành viên và hơn 50 hộ trong vùng Tân Cương liên kết cung cấp chè nguyên liệu. Ai khó khăn, thiếu tiền mua cây giống, phân bón,… bà sẵn sàng cho vay không lãi. Lại còn thường xuyên đến từng hộ gia đình giúp bà con kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật thu hái và chế biến chè. Bằng cách này, người nông dân có sản phẩm chè búp tươi an toàn, giá bán cao, còn bà cũng có sản phẩm đạt chất lượng.

Để từng bước tạo dựng uy tín của chè Hảo Đạt trên thị trường, chất lượng và sự chuyên nghiệp là nguyên tắc bà Hảo luôn theo đuổi. Áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch VietGap được HTX đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện nay, HTX đã đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 1.000m2, với dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất. Xưởng hiện có hơn 20 công nhân làm việc thường xuyên với thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng.

Cũng giống như bà Hảo, chị Ma Thị Hằng (sinh năm 1977, dân tộc Tày), Giám đốc HTX Chăn nuôi, sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng ở huyện Định Hóa ngay từ trẻ đã trải qua nhiều thăng trầm, vất vả. Chính điều đó đã tôi đúc nên vị “thuyền trưởng” cho mô hình sản xuất tập thể HTX, là chỗ dựa đáng tin cậy cho hội viên. Chị bộc bạch: “Tôi và HTX tạm ổn như ngày hôm nay cũng đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt rất nhiều”.

Sản phẩm Mỳ Gạo bao thai Định Hóa của HTX Nông sản sạch Kim Phượng do bà Ma Thi Hằng làm giám đốc ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường

Là em út trong gia đình nghèo nên năm 16 tuổi, chị Hằng xin nghỉ học đi chợ bán hàng xáo rồi sớm lập gia đình. Sau đó, chị “dũng cảm” mượn 5 sổ đỏ của các anh chị để vay ngân hàng 10 triệu đồng mua máy sát gạo bán. Chỉ vài năm, vợ chồng chị đã trả được nợ ngân hàng, và đủ vốn mở trang trại nuôi lợn quy mô 100 con. Nhưng do không có kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, nên năm 2007 cả đàn lợn của chị bị bệnh chết hết. Gia đình lâm cảnh trắng tay. Áp lực cơm áo gạo tiền, chị chấp nhận đi làm công nhân xa nhà, đến khi dành dụm được một khoản liền quay về mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc và tiếp tục nuôi lợn. Làm ăn khấm khá, gia đình chị xây được ngôi nhà khang trang. Mái ấm nhỏ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Nhưng đến năm 2017, giá lợn hơi giảm kỉ lục, lại thêm trận lũ lịch sử ở huyện Định Hóa cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm. Không chỉ bị thiệt hại về lợn nuôi mà toàn bộ số thức ăn ứng trước cho bà con chăn nuôi lên đến hơn 2 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Chị Hằng lại lần nữa trắng tay. Chị ngậm ngùi nhớ lại: “Tiếc đứt từng khúc ruột, nhưng thấy bà con xung quanh còn khổ hơn mình nên cũng chẳng nỡ đòi. Lúc ấy túng quẫn lắm, muốn xin đi xuất khẩu lao động ở Nhật, nhưng họ đòi phải có bằng cấp 3 nên không đi được”. Nhưng cánh cửa mới lại mở cho chị khi được tham gia chương trình do UBND huyện tổ chức cho những người chăn nuôi thua lỗ đi học hỏi kinh nghiệm tại một số HTX điển hình ở các tỉnh. “Đây là chuyến đi vô cùng hữu ích, ở đó tôi học được cách thức, mô hình mà những nông dân như mình đang hoạt động rất thành công”. Nhưng ở đây chị cũng nhận được lời khuyên: “Để làm mô hình HTX thì phụ nữ rất khó có thể đứng ra điều hành, bởi sẽ bỏ bê công việc gia đình và năng lực quản lý hạn chế”. Dẫu vậy, chị Hằng vẫn quyết tâm thành lập HTX.

Trở về, chị xin ý kiến và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện. Tìm hiểu thế mạnh của địa phương, bàn bạc kĩ với các chị em cùng chí hướng, chị Hằng mạnh dạn huy động vốn đầu tư và đứng ra thành lập HTX Chăn nuôi, sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng. Tình cờ chị Hằng nghe một lãnh đạo huyện nói, mỳ gạo quê mình khách đến đều khen ngon nhưng do làm thủ công, nhỏ lẻ nên hình thức không được đẹp, muốn biếu cũng ngại. Vậy là chị quyết định sẽ cùng HTX phát triển loại mặt hàng này.

Để học hỏi kinh nghiệm làm mỳ, chị phải nhiều lần xuống “nằm vùng” tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - nơi nổi tiếng với thương hiệu mỳ Chũ. Nhưng không dễ để họ chia sẻ bí quyết. Phải mất rất nhiều thời gian, bằng sự kiên trì chị đã học được các quy trình làm mỳ ở đây.

Niềm vui khôn xiết ngay tại Hội chợ Mỗi xã phường một sản phẩm, chỉ trong vòng một tuần HTX đã bán hết hơn 5 tạ mỳ gạo bao thai Định Hóa. Đó là khởi đầu hết sức khả quan, trở thành động lực lớn thúc đẩy HTX tiếp tục nỗ lực phát triển, khẳng định thương hiệu. Tròn 1 năm miệt mài, thương hiệu Mỳ gạo bao thai Định Hóa đã xuất hiện ở nhiều nơi trong nước, đến cả Quảng Bình, Quảng Trị, xa hơn nữa là Sài Gòn và tại nhiều siêu thị lớn.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX tiêu thụ khoảng 2 tấn mỳ, 30.000 chiếc bánh gio và khối lượng khá các sản phẩm nông sản sạch như rau củ quả… Các con số tuy còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ nói lên rằng bằng sự nỗ lực, HTX Kim Phượng đã và đang dần có chỗ đứng, trở thành một điểm sáng và niềm tự hào trong phong trào phát triển kinh tế của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Định Hóa.

***

Bà Hảo, ông Quỳnh, chị Hằng là 3 người nông dân tiêu biểu đại diện cho hàng triệu nông dân trong tỉnh. Họ đang từng ngày cùng bà con bám đất làm đổi thay bộ mặt quê hương.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước