Bản lĩnh kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số
Cách nay tròn 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, là một trong ba mặt trận (cùng với kinh tế, chính trị) cần sự “vào cuộc”, “lĩnh xướng” của người cộng sản. Sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh vận động chính trị, đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, đã xác định một sự nghiệp lớn lao và lâu dài: đấu tranh xây dựng một nền văn hóa mới. Điều đó thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, bởi đó là một mặt trận cực kỳ quan trọng cho sự phát triển vững mạnh đất nước. Cuộc cách mạng của dân tộc đã có những thắng lợi vang dội, mang lại độc lập cho dân tộc, nhưng cuộc cách mạng văn hóa dù đã có những biến chuyển nhưng vẫn luôn cần sự chung tay, riết róng của tất cả mọi tầng lớp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Những sửa đổi, bổ sung trong các giai đoạn sau này cho thấy tính chất cập nhật để phù hợp với tình hình mới, nhưng những quan điểm, nền tảng tư tưởng được xác định cách nay 80 năm vẫn là luận điểm cốt lõi, quan trọng và có ý nghĩa then chốt. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII) ngày 14 tháng 11 năm 1993, sau 50 năm ra đời Đề cương, đã bổ sung những định hướng quan trọng về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt… Từ năm 1986 đến nay, văn hóa Việt Nam có những bước chuyển đáng kể. Văn hóa các dân tộc thiểu số cũng không ngoại lệ.
Gìn giữ được tính dân tộc, tính độc đáo chính là yếu tố thể hiện bản lĩnh văn hóa của một dân tộc.(Tác phẩm “Trao truyền điệu Then cổ” của tác giả Trần Thanh Huyền, ảnh minh họa)
Đến nay, nhiều luận điểm của Đề cương vẫn mang tính thời sự và là cương lĩnh cho hoạt động sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc. “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, đó là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, vừa phát huy những thành tựu, những ưu điểm đã có vừa hướng tới một nền văn hóa mở, tiên tiến, hội nhập.
Để xem xét vai trò bản Đề cương văn hóa trong tình hình mới, chúng tôi muốn quay trở lại với ba nguyên tắc được Đề cương nêu rõ như những tiền đề: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).
Nguyên tắc thứ nhất được nêu ra trong điều kiện đất nước còn trong chế độ thuộc địa. Bởi vậy, việc chống lại ảnh hưởng nô dịch là nhằm đến tinh thần độc lập quốc gia về mặt văn hóa. Sự tự chủ văn hóa quốc gia sẽ càng cần phải được ý thức gìn giữ, xây dựng và kiến tạo trong những điều kiện mới, khi đã có độc lập chính trị. Điều này càng quan trọng trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay khi nền văn hóa quốc gia phải đối mặt những sự xuất hiện của làn sóng văn hóa đến từ các nước khác như là dấu hiệu sức mạnh của quyền lực mềm. Những xuất hiện mới mẻ đó là sự đe dọa nếu văn hóa một quốc gia thiếu tự chủ, nhưng sẽ là động lực đổi mới nếu chúng ta ý thức được cần phải cởi mở. Bởi bản thân nền văn hóa Việt Nam vốn được tạo nên từ sự đa dạng và phong phú của 53 dân tộc thiểu số, luôn có những sự trao đổi giao lưu các cộng đồng dân tộc. Điều kiện thuận lợi cho sức mạnh tiềm tàng này của Việt Nam chính là một quốc gia đa dân tộc. Tinh thần đoàn kết dựa trên sự đa sắc của 53 dân tộc thiểu số đã được ghi nhận. Khoản 3, Điều 5 của Hiến pháp (sửa đổi) xác định: “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, các dân tộc thiểu số ngày càng nhận được sự quan tâm, sự đầu tư từ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ thế, văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay tuy cũng đối mặt với không ít những thử thách mà công cuộc hội nhập đưa lại, nhưng vẫn chứng tỏ được những đặc sắc, những riêng biệt và khẳng định vai trò không thể tách rời khỏi chỉnh thể văn hóa Việt Nam.
Từ đó, có thể nói đến nguyên tắc thứ hai là đại chúng hóa. Để phát huy được sức mạnh của sự đa sắc tộc người trở thành tinh thần đoàn kết tự chủ trong văn hóa, nguyên tắc đại chúng hóa mà Đề cương văn hóa nêu ra giúp chúng ta ý thức được sức mạnh của quần chúng trong thời kỳ hiện đại. Bởi lẽ, văn hóa chỉ có giá trị và sức sống khi chúng được thực hành rộng rãi trong quảng đại quần chúng. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống được gìn giữ bên cạnh những nét văn hóa mới của đời sống hiện đại. Đảng Cộng sản đã nhấn mạnh không chỉ sức mạnh quần chúng trong hoạt động chính trị mà cả sức mạnh quần chúng trong công tác văn hóa. Nói như Marx, đến một lúc lượng sẽ chuyển thành chất, sức mạnh tinh thần sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Đại chúng hóa văn hóa không có nghĩa là tầm thường hóa các hoạt động hay giá trị văn hóa, hay có thái độ một chiều đối với sự hiện diện của văn hóa hiện đại: chấp nhận hay cổ vũ. Văn hóa cổ truyền ngày được chú trọng nhưng các loại hình văn hóa hiện đại cũng ngày một nở rộ, “tấn công” vào công cuộc gìn giữ truyền thống. Chúng tôi cho rằng, yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc là điều kiện cần để gìn giữ; thêm vào đó, sự tự chủ, tinh thần phát huy truyền thống từ cái nhìn cởi mở là điều kiện đủ để trở thành động lực phát triển trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến việc Trường Chinh đã thể hiện tầm nhìn của mình khi ông nhấn mạnh đến tính khoa học trong một bản đề cương văn hóa. Vào thời điểm đó, nguyên tắc tôn trọng tính khoa học mà Đề cương nêu ra nhằm chống lại những sự phản tiến bộ do chính quyền thực dân cổ vũ. Khi nhìn rộng hơn đối với sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia, tính khoa học trong chỉ đạo hoạt động văn hóa thể hiện quan điểm mác xít tôn trọng thực tiễn khách quan, và không mù quáng đi theo những ý kiến chủ quan, duy ý chí. Có thể nói đến ba yêu cầu khoa học của văn hóa dân tộc đa sắc. Thứ nhất sự vận động của một nền văn hóa quốc gia đa dạng về sắc tộc luôn hướng đến tính phong phú, tự chủ của từng dân tộc. Giữa quốc gia và các cộng đồng dân tộc có mối tương quan biện chứng. Thứ hai, vì thế tính khoa học của hoạt động văn hóa ở đây chính là việc biết tôn trọng tính riêng biệt, độc đáo và tự chủ của mỗi nền văn hóa dân tộc thiểu số trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Thứ ba, hoạt động văn hóa cần phải mang hơi thở cuộc sống của mỗi người dân vùng cao, mỗi nếp nhà, mỗi bản làng hướng đến những giá trị tích cực.
Theo GS. Trần Đình Hượu, “đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác”, và càng về sau, “sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc càng thường xuyên, càng nhiều mặt”(1). Chính vì lẽ đó, một luận điểm được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình và tâm đắc chính là tính ứng biến, linh hoạt của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, xét từ góc nhìn của văn hóa dân tộc thiểu số, điều này vẫn luôn có sức thuyết phục.
Về vấn đề tính độc đáo của văn hóa dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định, không có bản lĩnh, bản sắc thì một dân tộc không thể tồn tại lâu dài. Sinh thời, nhà thơ Nông Quốc Chấn là người luôn chú ý đến vấn đề này trong sáng tác văn học nghệ thuật bởi đó là vấn đề cốt yếu của nền văn học khu vực này. Những bài viết giai đoạn đầu như “Bản sắc dân tộc trong thơ và Trả lời bạn thơ Mường” trong tập Đường ta đi, Nxb. Việt Bắc, 1970; đến sau này khi ông hướng sự quan tâm đến trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc: “Độc lập hòa bình và trách nhiệm của nhà văn” trong tập tiểu luận Chặng đường mới, Nxb. Văn hóa, 1985… đều nhất quán quan điểm ấy. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến khi bàn đến các vấn đề đặt ra cho văn học các dân tộc thiểu số cũng luôn nhấn mạnh yếu tố độc đáo của nghệ thuật dân tộc phải do chính những nghệ sĩ của dân tộc tạo ra. Từ năm 2016 đến nay, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” (thực hiện xong giai đoạn 1), đã giúp tổng kiểm kê những thành tựu của văn hóa văn học dân tộc thiểu số từ truyền thống đến hiện đại, góp phần để định dạng, bảo tồn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đồng bào thiểu số.
Sự độc đáo của mỗi dân tộc luôn cần được khẳng định, đồng thời thể hiện tính vận động hài hòa trong quá trình phát triển, giao lưu. “Trong sự phát triển đó, văn học các dân tộc thiểu số không thể không tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị của văn học Kinh, văn học phương Tây và văn học thế giới hiện đại. Đó cũng là hình thức tích cực bảo vệ bản sắc dân tộc của nhà văn, góp phần phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong văn học”(2). Bởi thế, gìn giữ được tính dân tộc, tính độc đáo chính là yếu tố thể hiện bản lĩnh văn hóa của một dân tộc: bản lĩnh “đứng vững” trước những chuyển động phức tạp, bản lĩnh “đồng hóa” các yếu tố ngoại nhập để làm giàu có hơn nền văn hóa vốn có. Và lúc ấy, văn hóa mới được tạo ra lại trở thành một truyền thống mới, giá trị mới để tiếp tục tham gia chung sức vào quá trình tự khẳng định.
Đến nay, qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ vai trò nền tảng đối với sự nghiệp và tiến trình phát triển nền văn hóa, văn nghệ cách mạng nước ta. Ba luận điểm chủ chốt của Đề cương đến hiện tại vẫn đã và đang là phương châm hành động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam nói chung; bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng.
Chú thích:
(1) Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), Văn hóa Việt Nam - đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb. Giáo dục, 2003; tr.45-46.
(2) Lâm Tiến, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1995, tr.73.
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...