Bận làm người mà quên làm mình – sự truy vấn chủ thể từ thơ Phạm Văn Vũ và Nguyễn Nhật Huy
Làm người hay làm ta?
Vì sao chúng ta viết? Về bản chất là một sự truy vấn mục đích của việc viết. Bác Hồ đã từng nêu lên những câu hỏi như vậy: viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì, viết như thế nào? Còn nhớ, Maria Rilke cũng có lần nhắn nhủ một nhà thơ trẻ rằng: nếu người ta không cho ông viết, ông có thể chết đi được, khi ấy hãy viết. Xét đến cùng, viết chính là quá trình kiến tạo, trình hiện chính bản thân mình (thông qua chữ nghĩa), như một giá trị, một bản sắc. Đặt vào bối cảnh hiện tại, việc định hình giá trị của bản thân, được là mình và đáp ứng các chuẩn mực làm người có thể xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của tồn tại người. Tuy nhiên, có một vấn đề khá thú vị, nằm giữa hai quá trình: làm người - làm ta (mình), lại trở thành sự băn khoăn, khắc khoải của nhiều người viết. Bởi lẽ, không phải bao giờ việc làm người và làm ta (mình) cũng trùng khít lên nhau, thậm chí, có trường hợp, làm ta đã đi ngược lại việc làm người, làm người nhưng chắc gì đã được làm ta. Trong tình thế ấy, viết trở thành một phương cách để hóa giải, hòa giải hai quá trình này, hoặc cũng có khi, từ/ trong viết, người ta được là chính mình, từ đó đóng góp một góc nhìn, một cách thế để làm người.
Người ta chẳng thể giấu mình trong thơ, bởi thế từ thơ bản sắc chủ thể được hiện diện. Sự hiện diện ấy đôi khi nằm ngoài khả năng kiểm soát của người viết. Những dự kiến ban đầu có thể bị đổ vỡ/ bị phản bội khi con chữ hiện ra và vẫy gọi những con chữ khác, cất lời về một thực tại tinh thần trong khát vọng thẳm sâu nhất, trong ám ảnh không thể giãi bày, trong sự che giấu khổ nhọc. Phải chăng, làm người là một cố công đầy dối trá, như một câu thơ của Phạm Văn Vũ: Biết rằng bận bịu làm người/ Chẳng dành đôi cuộc làm ta (Nhắn).
Làm người là một chiến lược tạo dựng mang tính huyền thoại ngay từ khi giống loài này có ý thức phân biệt với phần còn lại của tự nhiên. Nhìn lại, các mô hình con người đã từng hiện diện luôn luôn là sự đáp ứng các chuẩn mực về mặt đạo đức (điều mà cộng đồng cho là tốt), luân lý (điều mà cộng đồng cho là hợp lý, đúng đắn). Trong xã hội phong kiến phương Đông, Nho giáo được khuếch trương như một hệ thống đạo đức - luân lý xã hội bao trùm đã thiết lập các mô hình nhân cách theo chuẩn mực tam cương - ngũ thường - ngũ luân - tam tòng - tứ đức… cùng với rất nhiều quy ước làm người khác. Sang thời hiện đại, những khuôn khổ của các thiết chế phong kiến bị tháo tung, nhường chỗ cho nhu cầu bày tỏ cá nhân một cách thành thực. Tuy vậy, nghiêm khắc nhìn lại, ta chưa bao giờ nếm trải một cách đủ đầy phận ta trong cõi người. Con người cá nhân ư? Vẫn là một soi chiếu tới cộng đồng. Con người đoàn thể, tập thể càng không. Bởi chúng ta cần phải đặt mình vào hệ thống, nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, thực hiện các nhiệm vụ cao cả của dân tộc, thời đại. Con người bản thể ư? Chỉ là một hoài mong lắm khi vô vọng trong tình thế của chủ thể. Biết phải làm sao giữa muôn vàn vây bủa của nhân gian? Đôi cuộc làm ta, hóa ra lại gửi cả vào những sáng tạo văn chương nghệ thuật. Thoát ra hay trốn vào, ẩn giấu hay lộ mặt, tìm thấy hay đánh mất… văn chương nghệ thuật là một cơ hội để ta thấm thía chính mình, để được là mình. Mình ấy là ta, có khi rất khác với người. Đó có lẽ cũng là điều mà Nguyễn Nhật Huy đã viết khi khép lại tập thơ Sân bay của mình:
Bước vào phòng
Cởi bộ da treo lên mắc
Lặng lẽ nhìn cái tôi
Vẻ đẹp không nhân danh gì cả
(Cởi)
Làm người đương nhiên là khó. Nhưng, làm ta còn khó hơn nhiều bởi cái ta ấy phải kháng cự một hệ thống đồ sộ có tính huyền thoại, mang đầy quyền lực và luôn trưng ra bộ mặt của chân lý. Không có gì để bám dựa ngoài khát vọng được là chính mình, cái ta ấy hiện ra trong thơ vừa khắc khoải lại vừa hân hoan. Khắc khoải bởi nó luôn phải đấu tranh, giằng co giữa các đối cực làm người - làm ta (hoặc ngay trong bản thân từng đối cực). Hân hoan vì nó được là chính nó, chẳng nhân danh một điều gì cả. Dẫu vậy, mọi nỗ lực dường như đều không dễ dàng gì. Làm người đôi khi là dối mình, làm mình có khi phải chấp nhận rũ bỏ - khước từ rất nhiều ràng buộc, quy chiếu của việc làm người.
Trở lại, tôi đã nghĩ về việc kiếm tìm nhân dạng - bản sắc của chủ thể trong thơ Phạm Văn Vũ và Nguyễn Nhật Huy xuất phát từ gợi ý của M. Foucault. Để không xa rời tinh thần hoài nghi vốn là đặc tính cốt lõi trong tư tưởng của Foucault, những mô tả tại đây đều có thể bị chất vấn, bị hoài nghi, thậm chí là bị phủ nhận. Và như thế, điều tôi hình dung có thêm cơ hội được soi chiếu bằng những góc nhìn khác. Điều đó cần được xem như một may mắn khi chúng ta quan sát các thực tại được tạo dựng từ ngôn ngữ.
Phạm Văn Vũ - Cố vẽ một khuôn mặt lành
Làm người là một lựa chọn, nhưng rất có thể, như Lawrence M.Friedman đã nói, đó là một ảo tưởng, một lựa chọn “từ một thực đơn không phải do họ đặt ra” (Hall Donald E, Subjectivity. The new critical Idiom, Routledge, NY, 2004, tr. 1. Đặng Thái Hà dịch). Trong khá nhiều chủ đề và cảm hứng gợi lên từ thơ Phạm Văn Vũ, tôi chú ý đến từ khóa “mình” cùng các trạng thái tâm lý, tình cảm; các hành vi - động tác; các biểu đạt mang ý nghĩa truy vấn về nhận thức hoặc lựa chọn để định hình hoặc níu giữ bản sắc chủ thể trong môi trường sống mà tác giả hiện diện.
Nhà thơ Phạm Văn Vũ
Tại sao trong thơ Phạm Văn Vũ lại đặt ra câu chuyện làm người và làm mình? Trước hết, lựa chọn làm mình là một phản ứng trước tình trạng con người bị tha hóa, bị trượt trôi khỏi các giá trị nhân bản cốt yếu. Tình trạng đó là gì? Chúng mình tỉnh táo quá (Nhắn); tay rót rượu - tay pha thuốc độc/ tay cắm hoa - tay cầm dao/ miệng nói lời thơm tho - thở ra mùi rờn rợn (Vẽ); Già quá sớm mà khôn quá muộn/ Sống cầm chừng mà nồng nhiệt làm thơ (Đi bộ); ngôi nhà - góc ngồi - tiếng thở không còn ấm (Cũ); tim đập nhẹ và môi rất nhạt/ lòng đất đang héo cằn đi (Báo tin); Gốc đa - lũy tre - bờ dậu - giếng xưa - những ký ức nghĩa tình không còn nữa (Làng ơi); những con đường loanh quanh hoài nghi, vừa đi vừa khó thở (Búng tay); Người bôi bẩn nhau để mặt mình rạng rỡ (Tam nhân hành)… Thức nhận về tình trạng tha hóa đang diễn ra trong cộng đồng người, phản ứng lại với tình trạng đó, thơ Phạm Văn Vũ luôn khắc khoải vì các giá trị nhân văn bị phản bội, khắc khoải vì biết vậy mà vẫn phải chung sống, khắc khoải vì không được là mình, khắc khoải trên những chuyến làm mình: Trong này/ Vết nứt như vết thương há miệng/ Một giọt lạnh ngừng chảy/ Vừa che chắn vừa đón nhận luồng thổi/ Những ô cửa không [chưa] muốn/ biết/ thể nói gì (Tam nhân hành). Trong thực tế, làm người và làm mình không đi ngược hoặc loại trừ nhau nếu nó cùng hướng đến các giá trị nhân văn - nhân bản vĩnh hằng. Quá trình loại trừ chỉ diễn ra khi xuất hiện tình thế xung đột dẫn đến việc phải lựa chọn nhằm đáp ứng các đòi hỏi bức thiết trong quan niệm về giá trị.
Cố vẽ khuôn mặt lành là thái độ và lựa chọn của Phạm Văn Vũ để được là mình. Thật nhỏ nhoi và đơn độc, diễn ngôn làm mình chịu sức ép khổng lồ từ quyền lực của diễn ngôn làm người. Chính xác thì, làm người luôn là một kiến tạo bền bỉ của nhân loại trong suốt hành trình sống nhằm tách mình ra khỏi nguồn gốc xuất thân - con vật. Như thế, đó là một kiến tạo văn hóa - xã hội - chính trị - lịch sử. Nó - Con người, là một siêu diễn ngôn, ràng buộc mọi cá thể vào trong một trường các giá trị, luật lệ được cho là đạo đức và luân lý. Tuy nhiên, những kẽ hở trong cấu trúc của siêu diễn ngôn làm người ấy đã bị lợi dụng, bị nhân danh, để phản lại chính các giá trị mà nó cổ súy. Tham lam, dối trá, ác độc, đê tiện, vô cảm, vô minh… khiến cho cá thể - bản thể rơi vào bi kịch: Khi mặt đất không còn nơi chạy trốn/ Khi lòng người không còn nơi trở về (Chìa khóa). Series thơ Nói chuyện với tim/ óc/ chân/ tay/ mắt chính là những chất vấn về khả năng hiện diện của thân thể, ý nghĩ, ý nghĩa tồn tại trước đời sống. Nó - mình, thương những gì đã mất, đã phôi phai, như là hơi ấm, như là tiếng cười hồn nhiên thơ trẻ, như là mái tóc, lời ru, một nồng nàn, một tha thiết, một thật thà, một lặng im… Mình thương người quá đỗi, bởi có lẽ chính con người cũng cay đắng vì đã bị tước đoạt đi những gì làm nên nghĩa lý tồn tại của nó: Đâu đó phía con đường/ Người chắp tay thỉnh cầu mưa lạ/ Trên đầu những chòm mây tất tả (Búng tay).
Để được làm mình không chỉ có hi vọng hay thức nhận và chất vấn mà cần phải hành động. Hành động ấy có khi phải đánh đổi hoặc trả giá, nhưng đó là hành trình của sự tự do: Đôi chân/ Cứ đi theo lối mà con muốn/ Mỗi người một hành trình// Đôi tay/ Cứ nắm lấy bàn tay con đã chọn/ Không ai nắm giữ thay mình// Đôi mắt/ Cứ ngắm những gì mà con thấy/ Đừng nhìn theo sự miêu tả của xung quanh// Và khi miệng mở lời/ Cứ nói những điều con nghĩ/ Đừng nói vì đôi tai của người đang nghe (Sau giờ lên lớp). Đây có lẽ là chủ đề quan trọng nhất trong thơ Phạm Văn Vũ. Từ lời trò chuyện với học trò hay con cái, chủ thể hé lộ tâm niệm của mình. Vừa như một hi vọng gửi gắm, vừa như một tự thú, khía cạnh này trong thơ làm hiện hình một khuôn mặt khắc khoải. Điều khiến cho ý niệm làm mình trở nên day dứt hơn chính là cả hi vọng và tự thú đều trả về hiện tại một nỗi thất bại: Cứ mỗi ngày trở về/ Bố lại thêm một câu hỏi/ Bao nhiêu câu hỏi mà bố không biết cất đi đâu/ Không biết tự mình trả lời ra sao/ Không biết trả lời con như thế nào (Trở về).
“Cố” là một nỗ lực cho thấy tình thế tồn tại của bản thể. Không dễ để làm người, càng không dễ để được là mình. Mình ấy là “cái riêng”, người ấy là “cái chung”, nó có thể gặp nhau, nhưng không bao giờ trùng khít, cũng không bao giờ có thể hoán đổi. Thơ và nghệ thuật nói chung chính là những lần “cố” để kiến tạo bản sắc của mình. Đó cũng là cơ sở cho sự tồn tại, đúng hơn là sống. Cố để không bị tha hóa, cố để có thể làm người trong ý nghĩa chân chính nhất, cố để được là mình trong những đòi hỏi cốt thiết của hiện hữu... tất cả dường như đẩy chủ thể vào một cuộc vật lộn. Hoàn cảnh ấy rất dễ gây xung đột, thậm chí là gây chấn thương, là cơ sở cho những uất hận, thù hằn, trả đũa cuộc đời. Nhưng không, đọc thơ Phạm Văn Vũ ta gặp một khuôn mặt lành. Khuôn mặt lành hiện lên từ chữ, từ hình ảnh, hình tượng: Dành dụm hơi ấm từ khoanh lửa rơm lũ trẻ đánh rơi/ Ngọn khói đêm nay cuộn mình thiêm thiếp// Trong giấc mơ im ắng/ Có tiếng chân líu ríu đang cười/ Có vạt đất vùi mình vào tiếng dế/ Vũng cỏ hứng về một hạt sao rơi// Trở mình chạm lưỡi liềm mùa cũ/ Dụi mình gặp chùm rễ trầm tư/ Trong mái tóc lơ phơ năng nắng/ Khe khẽ cựa mình một tiếng hát ru/ Làm sao nghe hết được cánh đồng/ Để ngày mai kể chuyện cho đàn chim sẻ/ Bao nhiêu mầm rễ mọc trong lòng/ Càng về sáng bầu trời càng nhẹ// Quẩn trong lớp vỏ ngủ quên/ Ngọn khói hát bài ca ẩm ướt (Cánh đồng về sáng). Sắc thái của chữ là thứ không hiện ra để ta có thể quan sát bằng mắt, bởi vậy phải lắng nghe bằng tai, cốt nhất là lặng im cảm nhận hơi thở của nó. Không có quá nhiều những từ ngữ, hình ảnh biểu đạt trạng thái cuồng nộ, bi phẫn hay giễu nhại một cách chua cay, ngôn ngữ thơ Phạm Văn Vũ tần ngần ở giữa những truy vấn: Thế nào là người? Thế nào là mình? Có điều gì bất ổn trong cuộc làm người? Có điều gì khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc làm mình? Trả lời cho những truy vấn ấy là “Mọc”. Cái mầm chồi hé lên, lấp lánh hi vọng về một sinh mệnh mới, một tồn tại mới: Cuối đêm mọc tiếng khóc rất trẻ thơ. Đó là khởi đầu hồn nhiên, nguyên sơ nhất. Hãy để ý, trong tiếng khóc rất trẻ thơ kia, các diễn ngôn tạo dựng “con người” chưa kịp bám rễ cũng như những tha hóa chưa hề xuất hiện.
Cố vẽ một khuôn mặt lành trong các đối cực của tồn tại, thơ Phạm Văn Vũ cho ta hình dung về thái độ và lựa chọn mang bản sắc của chủ thể. Ai đó sẽ thích một giọng thơ quyết liệt hơn, gây hấn hơn; người khác lại thích một tiếng thơ siêu hình, trừu tượng hơn; tuy nhiên bản sắc là thứ không làm giả được. Bản sắc có thể ngụy trang, nhưng nó vẫn ở đấy trong những bình diện vô hình hoặc hữu hình của chữ.
Nguyễn Nhật Huy - Tôi là ai trên những đường biên?
Nếu Phạm Văn Vũ cố vẽ một khuôn mặt lành trong thế giới chữ nghĩa như là phương cách để được là mình, thì Nguyễn Nhật Huy “tưởng tượng ra mình” trên những đường biên. Động thái ấy bao gồm hai hoạt lực, kháng cự - từ chối/ tiếp nạp - định hình. Dẫu thế, ở hướng nào Nguyễn Nhật Huy cũng thấy nôn nao. Thành ra, khắc khoải lớn nhất trong thơ Nhật Huy không phải là câu trả lời có thỏa đáng hay không mà là bản thân chủ thể bị lưu đày trong câu hỏi: Tôi là ai?\
Nguyễn Nhật Huy
Đường biên của đời sống, xét đến cùng là những ranh giới do chính chúng ta tạo nên, từ quan niệm mà thành. Ảo tưởng về một thế giới phẳng, toàn cầu hóa dễ dẫn con người đến việc giản đơn hóa hoặc xóa nhòa các ranh giới ấy. Thực ra, chẳng bao giờ có thế giới phẳng, cũng chẳng bao giờ có một điều kiện toàn cầu hóa một cách triệt để. Bản sắc xem ra vẫn là câu chuyện trọng đại khi con người - văn hóa đứng trước các lằn ranh trong sự vận động không ngừng nghỉ của thế giới. Ngờ vực cả sự tồn tại, Nguyễn Nhật Huy luôn băn khoăn, hoài nghi trước các định nghĩa, thậm chí là trước các tưởng tượng về thế giới, về mình. Điều đáng nói chính là ở chỗ, Nguyễn Nhật Huy nhận thấy các lằn ranh, các đường biên, sự định nghĩa hay tưởng tưởng thuộc về một không gian nào đó nhưng có nguy cơ bị phủ nhận, bị hoài nghi khi tiến sang các không gian khác - vượt qua đường biên. Có thể, đó là sân bay, là đám mây, là con đường, là thành phố, là màu da hay tiếng nói, là sự thật hay những sai lệch, giữa hình dáng và chiếc bóng, giữa những cuộc tình, giữa ấu thơ và trưởng thành, giữa nhớ và quên, giữa nở và tàn, giữa xanh và úa, một ngày khép lại, một đêm mở ra, là ánh sáng hiện diện hay bóng tối che giấu, là kỷ niệm gói ghém hay ngày mai vô định… Thơ Nguyễn Nhật Huy ngổn ngang những chơi vơi, khó định hình hoặc định hình đấy mà bất an, bất tín: Anh có một điểm đợi trên những đám mây/ Anh xếp hàng nhận diện mình nơi ngờ vực cả sự tồn tại/ Anh bay qua những đường biên tưởng tượng/ Nơi thù ghét/ Nơi thân thuộc/ Nơi họ định nghĩa anh/ cho đến khi bay qua những đám mây […]/Anh lại hạ cánh ở một đường biên/ nơi tưởng tượng ra mình/ cho đến lần bay sắp tới (Sân bay).
Loay hoay đi tìm mình là một động thái có tính triết học trong cách nhìn của F. Nietzsche (Tôi là ai?). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tìm người để rồi quên người đi, chỉ còn lại những khắc khoải truy vấn về mình. Nguyễn Nhật Huy có lẽ đã hiểu bản chất của thế giới luôn luôn là quá trình định nghĩa, định hình dựa trên những tưởng tượng của cá nhân - cộng đồng. Tưởng tượng ấy, biểu đạt bằng ngôn ngữ, xét đến cùng là tham vọng lớn nhất của loài người trong việc kiểm soát thế giới, kiểm soát sự tồn tại. Thế nên, hoài nghi nó là điều cần thiết để có thể tạo ra một động cơ khác cho việc tìm kiếm hiện hữu: Phải chạy khỏi cái bóng của mình trong rất nhiều sắp đặt/ Đó là sự bủa vây của định nghĩa (Suy tưởng). Nhưng, làm sao có thể thoát ra khỏi những sắp đặt, những tưởng tượng, những định nghĩa đang vây bủa? Bản thân sự tưởng tượng về mình đã là một hư cấu. Sự khắc khoải lắm khi đến khổ tâm chính là chỗ ấy. Thành ra, có thêm một đường biên nữa trong chính mình - đường biên của nhận thức và tưởng tượng, hư cấu và sự thật, giữa cái có thể nói ra - tưởng tượng ra và cái lặng im - không thể nói ra - không thể nói được. Tôi là ai giữa khoảng giao tranh nhập nhằng, co kéo ấy? Ở đây, những suy tưởng của Nguyễn Nhật Huy chạm đến các câu chuyện của diễn ngôn, hư cấu, kiến tạo cùng vấn đề quyền lực và chân lý. Không có phương cách nào khác ngoài sự thỏa thuận, thậm chí là thỏa hiệp. Thỏa hiệp với đời, với người, nhưng nhọc nhằn khổ ải và đau đớn hơn là thỏa hiệp với chính mình. Thế nên, thà là băn khoăn trong những truy vấn, đầy mình giữa những câu hỏi bủa vây, còn hơn là thỏa hiệp với một định nghĩa đầy hư cấu về mình. Tôi thích cái cách Nguyễn Nhật Huy từ bỏ. Trong bước chân ra đi ấy, hành trang là gì nếu không phải là câu hỏi: Tôi là ai?
Qua bầu trời
Qua ý nghĩ của anh chật hẹp
Trên cao
Những cơn gió vẫn cuốn vào nhau
Trong cái chết ngọt ngào
Dấu chân buổi chiều
tạm biệt anh
(Mỉm cười)
Tôi là ai là một câu hỏi lớn, mang tính bản thể luận của nhân loại. Cho đến giờ, có lẽ đáp án vẫn còn ở phía trước, bởi lẽ, chân lý thì không bao giờ được nói ra, sự thật cũng không bao giờ có thể tiếp cận được. Màn sương của ngôn ngữ, tưởng tượng đã che mắt nhân loại, buộc họ phải thỏa hiệp với điều mình thấy - được phép thấy. Nghệ thuật với đòi hỏi cốt yếu và khả năng sáng tạo cái mới, cái khác, mang giá trị là một cơ hội để con người tranh đấu với những thỏa thuận. Thế nhưng, sự thực, nghệ thuật cũng là một thỏa thuận. Bởi lẽ, bản thân các ký hiệu biểu đạt đã là một hư cấu, một tạo dựng, một tưởng tượng (bị vây bủa bởi trùng trùng các thiết chế). Trở lại với Phạm Văn Vũ và Nguyễn Nhật Huy, tôi muốn mượn thơ của hai tác giả này để truy tìm một nỗ lực - nỗ lực kiến tạo bản sắc chủ thể, nói một cách giản dị là nỗ lực “làm mình”. Sự mô tả ở đây về Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy xem ra cũng chẳng thoát khỏi định mệnh của những điều tưởng tượng, hư cấu, đáng bị hoài nghi. Dẫu sao, qua việc tìm họ, tôi gặp mình, chính xác hơn là được làm mình nơi những con chữ đang hiện diện ở đây.
Tác phẩm khảo sát
Phạm Văn Vũ, Mọc, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2016.
Nguyễn Nhật Huy, Sân bay, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2021.
Nguyễn Thanh Tâm
(Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...