Bác Hồ với tôn giáo và thực hành tín ngưỡng
Đã có nhiều người và nhiều công trình khoa học nghiên cứu Hồ Chí Minh với tôn giáo và tín ngưỡng nhưng trong đó chưa nêu đầy đủ vấn đề thực hành tín ngưỡng của Bác. Bài báo nhỏ này ta thử tìm hiểu vì sao.
Hồ Chí Minh không chỉ là của nhân dân Việt Nam mà là của nhân loại
Suốt cả cuộc đời Bác luôn quan tâm, thông cảm, thấu hiểu mọi người: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. “Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương). Bác là người có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử nên Di chúc Bác viết “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng...”. Cần lưu ý, Bác viết “Suốt đời phục vụ cách mạng” chứ không phải phục vụ chủ nghĩa nào cả.
Bác viết tiếp: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Rõ ràng với Bác có các đảng anh em và các nước anh em. Hiện nay đảng anh em nhiều nơi đã lùi vào lịch sử nhưng các nước anh em thì vĩnh viễn còn và ngày càng đông đúc hơn. Di chúc Bác viết: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cám ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Bác cũng nói: “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” (1). Như vậy Bác Hồ không chỉ là của nhân dân Việt Nam mà là của cả nhân dân thế giới.
***
Với Bác tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hóa của nhân loại. Vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Bác thể hiện không chỉ với các tôn giáo ở Việt Nam, mà tư tưởng của Bác là về tôn giáo của cả thế giới. Trong đó, các tôn giáo có nhiều tín đồ và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội trong đó có Việt Nam mà Bác quan tâm là:
1. Ấn Độ giáo hay Hindu giáo là một tôn giáo được thực hành rộng rãi ở lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á. Là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, là tôn giáo lớn thứ ba có khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% dân số toàn cầu. Ngoài Ấn Độ và Nepan, đông nhất ở Indonesia, ở rải rác vùng Caribe, Bắc Mỹ, Đông Nam Á... Họ thực hành tín ngưỡng bằng đốt hương, có hương gỗ đàn hương để chào đón các vị thần, xua đuổi ma quỷ (trong thần thoại Hindu cây đàn hương gắn liền với con rắn).
2. Kitô giáo hay Công giáo
Số lượng giáo đồ có trên 2,4 tỷ ở khắp nơi trên thế giới. Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa và văn minh phương Tây.
Ba nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là Công giáo Rôma, Kháng Cách (Tin Lành), Chính Thống giáo. Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới với khoảng 2,3 tỉ tín hữu, chiếm hơn 31% dân số thế giới. Tín đồ có các hình thức sinh hoạt tôn giáo là lễ Sám hối, Xưng tội, Giải tội và Cầu nguyện, thực hành tín ngưỡng bằng xức dầu, đốt nến, rắc hoa với rước thánh giá.
3. Đạo Hồi
Giáo đồ có khoảng 1,8 tỷ người. Nhiều nhất ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, một phần lãnh thổ Nga, các tỉnh phía tây Trung Quốc.
4. Đạo giáo
Số lượng giáo đồ khoảng 400 triệu người, chủ yếu ở Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cộng đồng người Hoa hải ngoại, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lịch sử của Đạo giáo là thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên, khi tác phẩm Đạo Đức kinh của Lão Tử xuất hiện. Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ảnh hưởng Tam giáo được truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đạo giáo có ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, vũ thuật và địa lý.
Việt Nam có lịch sử lâu đời, có nhiều tôn giáo cùng chung sống, nhiều nhất là Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo Hồi, Lão giáo và một số Tôn giáo mới nhưng đặc biệt là không có mâu thuẫn về tôn giáo.
Bác Hồ là người yêu nước với mục tiêu Độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc hướng tới giải phóng con người. Tư tưởng đó xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Công tác tôn giáo hướng tới mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân.
Bác Hồ sớm tiếp thu văn hóa phương Tây
Bác đã tiếp thu tư tưởng dân chủ tiến bộ của văn hóa phương Tây, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Bác tổ chức và viết báo Người cùng khổ (năm 1922 “Le Paria” do Hội Liên hiệp thuộc địa chủ trương, là “diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đó đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”). Đối tượng phục vụ của tờ báo là nhân dân lao động bị áp bức toàn thế giới, Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) là tác phẩm của Hồ Chủ tịch viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921 - 1925) không chỉ lên án thực dân Pháp ở Đông Dương. Đường Cách mệnh (1927) Bác viết: “Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là làm đúng quy tắc hội là được”.
Ngay từ năm 1923, nhà thơ Liên Xô, Oxip Mandenstam viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai... qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm, ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (2).
Thời gian sống ở nước ngoài, từ năm 1911 đến 1941, Bác hoạt động cách mạng khắp nơi trên thế giới đã thấu hiểu con người với đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp xã hội, cả vật chất và tinh thần, và đời sống tâm linh của con người. Năm 1927, ở Thái Lan, Bác đã từng khoác cà sa, vào chùa đi tu và đi khất thực...
Người tiếp nhận cái thiện, cái mỹ và nhân văn trong các tôn giáo. Người đã tiếp cận tôn giáo không chỉ là nhu cầu tinh thần mà là những giá trị đạo đức, di sản văn hóa của nhân loại. Bác viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích ca và của Chúa Giê su đều là giống nhau. Thích Ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”... Chúa Giê su dạy đạo đức là bác ái. Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là bác ái… và “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin họ nhất định chung sống với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết” (3).
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Bác đã được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để trở thành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của chính phủ Lâm thời, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Hiến Pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người chỉ đạo biên soạn khẳng định: Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng. Chính cương của Mặt trận Liên Việt, ở Điểm 1, Điều 7 khẳng định: Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của mọi người. Buổi kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, người chỉ rõ: Vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.
Bác khẳng định đoàn kết là một chính sách dân tộc, “không phải là một thủ đoạn chính trị”. Nhờ vậy mà ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Quốc hội nước ta đã có các vị là đại diện cho các tôn giáo hết lòng hết sức phục vụ cách mạng: Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng, Giáo dân là bác sỹ Vũ Đình Tụng; Linh mục Ngô Tử Hạ; Linh mục Hồ Ngọc Cẩn...
Không chỉ tôn trọng mọi tôn giáo, mà bao giờ Bác cũng tôn trọng tín ngưỡng của người dân và đề cao những Giáo chủ. Thư mừng Giáng sinh năm 1945 Bác viết: “Cách đây gần hai nghìn năm, trong một đêm đông lạnh lẽo, Đức Thiên Chúa đã giáng sinh để cứu vớt nhân loại. Đức Thiên Chúa là tấm gương hi sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hoà bình, vì công lý. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay, tinh thần bác ái của ngài toả ra khắp, thấm vào lại sâu".
Nói chuyện với giáo dân tại giáo xứ Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Đông ngày 2/12/1954 khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn tổ chức di cư cho đồng bào Thiên Chúa giáo vào Nam, rêu rao tuyên truyền "Chúa đã vào Nam" Bác Hồ đã nói: "Chúa ở khắp mọi nơi, ở trên trời, dưới đất và cả hỏa ngục nữa - có đúng không? ... Chúa ở khắp mọi nơi thì sao lại bảo Chúa đi Nam...".
Bác Hồ tôn trọng tín ngưỡng của mọi người. Hồ Chí Minh Toàn tập, chúng ta có thể tìm thấy 45 lần Bác dùng từ “linh hồn”, 9 lần dùng từ “thiên đường”, 7 lần dùng từ “phù hộ”, 5 lần nhắc đến “Thượng đế”…
Bác Hồ thực hành tín ngưỡng
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta có từ xa xưa. Từ Ấn Độ giáo truyền sang cách nay 4500 đến 5000 năm. Như trên đã đề cập, thực hành tín ngưỡng là thắp hương và sau này là đốt vàng mã. Từ nhà Tần đến nhà Hán, các vị cao tăng đưa tục lệ thắp hương vào Trung Quốc rồi sang nước ta cho đến nay. Thực hành tín ngưỡng này nhằm mục đích tìm sự giao tiếp giữa con người và siêu nhiên - thần thánh, tổ tiên, ma quỷ... qua phương tiện làn khói hương và vàng mã. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã “ Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”. Thúy Kiều: “Sẵn đây ta thắp một vài nén hương” (cho Đạm Tiên). Tín ngưỡng này có từ thuở vua Hùng được thế giới công nhận là Di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vào năm 2012. Đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội... Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm. Chúng tôi không biết uy tín của người thầy cúng, của linh mục là gì” (Oxip Mandenxtam, Thăm một chiến sỹ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc) (4).
Bác Hồ không theo tôn giáo cụ thể nào cả. Do vậy Bác là tín đồ, là giáo dân của tất cả mọi tôn giáo trên thế giới. Nghĩa là Bác thực hành mọi tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo, không chọn một tín ngưỡng cụ thể nào cả, mặc dù năm 1959, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ, Rajendra Prasad tặng Bác một cây Bồ Đề, vốn được chiết từ cây Bồ Đề nơi Đức Phật giác ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 2.600 năm trước, hai vị đã trồng ở Chùa Trấn Quốc. Bác đã đến thăm Đền Hùng, Chùa Hương, Chùa Trầm, Chùa Trấn Quốc, Chùa Thầy, Chùa Một Cột, Chùa Quán Sứ, Đền Ngọc Sơn, Thành Cổ Loa... Kể cả hai lần Bác về thăm quê hay đến Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, mấy ngày trước khi Bác viết Di chúc.
Lê Thị Hạnh Liên
.................
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập Nxb. CTQG, H.1996, tập 5, tr.684.
(2) GS. Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H. 2006, tập 8, tr. 130.
(3) Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb KHXH, H.1966, tr.52. Theo: Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2011, Sđd, tập 1, tr.463.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...