Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:49 (GMT +7)

Người Mông nay khác rồi…

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Gần 80% là người Mông, gìn giữ tiếng nói, trang phục và những phong tục đẹp của dân tộc; đất đai dẫu nhiều sỏi đá và cằn cỗi, nhưng màu xanh của sắn, ngô, lúa… Luôn phủ kín quanh năm. khi không còn thụ động trông chờ nhận sự hỗ trợ của nhà nước, khi tinh thần tự chủ được đồng lòng phát huy, người Mông đã vững vàng đổi thay cuộc sống.  


Đói nghèo là… chuyện cũ

Tiết trời rục rịch sang mùa, sắn đã cao quá đầu người, lúa cấy đang thời kỳ đẻ nhánh, mùa này, đàn ông xóm Đồng Tâm (xã Động Đạt, Phú Lương) thường tranh thủ đi rừng thêm thắt cho đời sống vật chất đủ đầy hơn. Phụ nữ nhàn rỗi chăm đàn gà thả vườn, nhổ cỏ đám rau sạch, thêu tranh chữ thập chờ lồng khung treo tết… Người Mông ở nhà xây hiện đại, sắm sửa tiện nghi, nào ti vi, tủ lạnh, máy giặt, dùng máy bơm lấy nước sinh hoạt từ giếng lên, nhiều nhà có công trình vệ sinh tự hoại. Đường bê tông trải dài khắp xóm, nhưng người dân vẫn qua nhà nhau bằng những con đường mòn xuyên vườn xuyên ruộng, thơm lừng mùi mít chín, buồng chuối già vắt qua hàng rào len ra lối đi, thanh bình và thơ mộng.

Trải chiếu giữa nhà ngồi thêu tranh chữ thập, chị Thào Thị Sua cởi mở chuyện trò. Nếp sinh hoạt đời thường, ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình vẫn chỉ nói tiếng Mông với nhau, nhưng ngoài tiếng mẹ đẻ thì họ còn nghe và nói rất sõi tiếng Kinh. Sua năm nay 24 tuổi, đang mang thai con trai thứ hai. Chúng tôi nói vui, rằng nhà hai con trai, chắc phải sinh thêm một cô công chúa nữa cho có nếp có tẻ, nhưng Sua cười, lắc đầu bảo: “Bây giờ nhà nào cũng chỉ đẻ hai con thôi, không đẻ nhiều như thời ông bà nữa”. Đoạn Sua tiếp lời: “Xưa cuộc sống vất vả, làm nhiều nhưng sản phẩm thu về ít. Giờ biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên năng suất sắn, ngô cao gấp nhiều lần. Không còn cảnh cả tuần mới được một bữa ăn thịt như trước, giờ ngày nào không có tí thức ăn là khó ăn cơm đấy”.

Theo lời kể của những người cao tuổi, từ năm 1990, gần 20 gia đình người Mông ở Quảng Chu (Bắc Kạn) chuyển về đây lập nghiệp trên diện tích đất của Nông trường Phú Lương (cũ). Ban đầu các hộ được ghép vào xóm Khe Nác, đến năm 1994 thì tách ra riêng. Ngày ấy đất đai rộng nhưng điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, cằn cỗi toàn sỏi đá với những vạt chè hạt gầy nhẳng, cao lêu nghêu gần 2 mét. Cây dại rậm rạp, đồi trọc chỉ toàn mua, sim. Bà con chặt chè làm chất đốt, rồi tra hạt ngô, nhưng cây chỉ cao lớn được vài ba gang tay là lại còi cọc, trổ cờ nhưng không có bắp. Không nản lòng, người dân quyết tâm khai hoang, cải tạo đất và trồng thử nhiều loại cây khác nhau. Năm 2002, có một công ty chế biến tinh bột sắn ở Bắc Kạn về triển khai và đầu tư giúp nhân dân trồng sắn. Họ cung cấp giống, truyền đạt kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu đầu ra. Kể từ đó cây sắn đã cắm rễ và phát triển thuận lợi trên đất cằn. Về sau công ty tinh bột sắn Sơn Lâm (Thái Nguyên) đến liên hệ với bà con cung ứng nguyên liệu cho nhà máy. Cuộc sống của người Mông Đồng Tâm bắt đầu đổi thay khi diện tích gieo trồng được mở rộng, sản phẩm có đầu ra đảm bảo. Những năm đầu giá bán sắn là 500 - 700 đồng/kg, sau có thời điểm tăng khá cao, lên 1.500 - 2000 đồng/kg (năm 2010).

Có diện tích 1ha trồng ngô và sắn, gia đình anh Lý Văn Thái đã thoát nghèo từ lâu. Nền nhà lát gạch bông mát rượi, trong nhà có ti vi, tủ lạnh…, anh Thái vui vẻ chia sẻ: “Trồng sắn thì một năm được thu một lứa, gốc đẹp thì đạt 5 - 6 kg/gốc, gốc xấu cũng 1,5 kg trở lên. Có năm được mùa, gia đình thu gần 45 tấn sắn, bán được giá 1.500 đồng/kg. Nhờ sắn mà có tiền sửa sang nhà cửa, mua xe máy, các tiện nghi sinh hoạt… Đời sống vật chất được cải thiện nhiều lắm, nhà mình có 3 con, đều cho đi học hết cấp 3 đấy”.

Bí thư Chi bộ Dương Văn Phong năm nay 35 tuổi, nhiều năm giữ vai trò Bí thư Đoàn nên rất năng nổ và hiểu biết. Anh làm phiên dịch, “bắc cầu” cho chúng tôi trò chuyện với người dân bản địa bằng tiếng Mông. Nụ cười tươi rói, giọng nói nhẹ nhàng trông thật dễ mến. Nghe anh Thái chia sẻ, anh Phong tiếp lời: bà con Đồng Tâm ơn Đảng, ơn Nhà nước, nhờ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, xóm có nhà văn hóa, phòng học, đường bê tông, trạm bơm nước; được hỗ trợ làm nhà ở, giống cây, phân bón… Hiện nay xóm có 62 hộ, vẫn còn 29 hộ nghèo và cận nghèo, nhưng bà con không ly nông, luôn động viên nhau cùng cố gắng, chủ động vươn lên thoát nghèo.

 

Việc cơ giới hóa nông nghiệp ở Đồng Tâm đạt trên 70%

Đồng Tâm không thiếu đất, riêng diện tích đất canh tác gần 75 ha, đất rừng gần 100 ha. Nhiều năm nay, nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt do xã tổ chức, bà con đã tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn, trồng sắn, trồng ngô, rồi chuyển đổi diện tích sang trồng lúa đều thuận lợi. Trong xóm đã có người học lên cao đẳng. Trẻ em trong độ tuổi được đến trường 100%. Xóm được đầu tư xây 3 phòng học, gồm 1 phòng mầm non và 2 phòng dành cho lớp 1, 2 của phân trường Tiểu học Dương Tự Minh xã Động Đạt. Lớn hơn một chút thì ra phân trường chính cách xóm chừng 3 - 4km. Nhìn vậy là thấy việc giáo dục đã được người dân chăm lo nhiều, dân trí dần nâng cao. Xóm vẫn có trường hợp sinh con thứ 3, nhưng hiếm lắm.

Không gian núi đồi tươi mát dưới cái nắng thu êm dịu, vẳng nghe được tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt; trẻ con, người trung tuổi mặc trang phục dân tộc lấp ló góc nhà. Người Mông Đồng Tâm vẫn giữ các phong tục đẹp như ăn rằm, lễ tết; các nét văn hóa đặc sắc như hát ví, thổi khèn, sáo… Bí thư Dương Văn Phong cho hay, nếu trước đây nhà có người chết để cả tuần trời, việc làm ma chay phải mời thầy, rồi mổ trâu mổ lợn… rất tốn kém, thì nay đã bỏ được. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã xuống đây đặt vấn đề thực hiện đề án bảo tồn, phục dựng nét văn hóa độc đáo dân tộc, phục dựng nghi lễ đón dâu, các điệu hát của người Mông…, nhiều người trong xóm tham gia nhiệt tình lắm.

Đường bê tông sạch đẹp giữa mênh mông màu xanh sắn, ngô 

Mừng thay, tinh thần tự chủ của người Mông

Ở xóm người Mông Đồng Tâm, kinh tế chủ yếu dựa vào cây sắn, cao điểm có năm diện tích gieo trồng lên đến 70 ha. Bộ mặt nông thôn, đời sống người dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Nhưng kể từ năm 2013 đến nay, đơn vị bao tiêu đầu ra cho sắn (Công ty tinh bột sắn Sơn Lâm) buộc phải ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường, việc thu mua sắn bị chững lại, bà con phải tự tìm đầu ra. Đem sản phẩm bán cho các thương lái, hoặc cùng nhau góp tiền thuê xe mang xuống Sơn Tây bán cho công ty, cũng từ đó giá bán bắt đầu giảm, từ 1.500 đồng/kg xuống chỉ còn 900 đồng/kg (năm 2016). Từ đầu năm 2017, bà con chủ động chuyển đổi sang trồng ngô, giảm diện tích trồng sắn xuống còn khoảng 40ha, mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm gần 2ha cây dứa từ tháng 2 năm nay.

Người đi tiên phong chuyển đổi và thử nghiệm trồng dứa chính là trưởng xóm Lý Văn Sài, Bí thư Chi bộ Dương Văn Phong, cùng gần 20 hộ dân trong xóm. Mày mò tìm hiểu, tham khảo từ nhiều nguồn tin, trưởng xóm Sài quyết định về Ninh Bình tìm mua giống, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc từ các nông hộ ở đó. Gần 200 nghìn gốc dứa được mua về, bà con tự nguyện đăng ký để trồng; anh Sài còn vận động người thân trong gia đình tham gia cùng thử nghiệm. Vị trưởng xóm vô tư bộc bạch: “lúc nào cũng chỉ nghĩ cách giúp bà con thoát nghèo thôi, được tí nào hay tí đó. Cây dứa có lợi thế là đầu tư một lần được thu nhiều lần. Sau khi cắt quả thì một thời gian lại mọc mầm, có thể chăm sóc để thu lứa sau, hoặc cắt đem trồng trên diện tích mới. Dù chưa tìm được đầu ra chắc chắn, nhưng tôi đã vào tận Thanh Hóa tìm đến các nông trường lớn để học hỏi kinh nghiệm. Cũng phải chờ xem sản phẩm của mình có đạt chất lượng không, nếu được họ sẽ thu mua”.

Ông Lý Văn Dùng (bố trưởng xóm Sài) là hộ trồng nhiều dứa nhất. Chi phí mỗi gốc dứa là 700 đồng, trên diện tích hơn 2.500 m2, ông đầu tư mua trồng 25 nghìn gốc. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn dứa, ông thật thà bảo, “cứ mạnh dạn làm thôi, chứ lo nghĩ xa xôi chuyện thành bại thì chả dám làm gì được à!”. Cái tinh thần tự chủ của ông nông dân đã ở tuổi 60 ấy khiến chúng tôi vui lây, sẽ cùng chờ đợi, hi vọng về một kết quả tốt lành trong nay mai. Câu chuyện về sự tự chủ, vươn lên thoát nghèo ở Đồng Tâm không chỉ có thế. Ở đây còn có nhiều cá nhân làm kinh tế giỏi, tạo lập cuộc sống sung túc, là những trang trại chăn nuôi lợn của Cựu chiến binh Thân Văn Thành; gia đình anh Lý Văn Chính, với số lượng lên đến cả nghìn con. Rồi mô hình kinh tế tổng hợp VAC cho thu nhập cả mấy trăm triệu một năm của hai cha con ông Đinh Văn Quyền, Đinh Văn Tuấn…

Gia đình ông Lý Văn Dùng mạnh dạn thử nghiệm trồng dứa

Được coi là gương sáng tiêu biểu trong xóm, mô hình trang trại tổng hợp của ông Đinh Văn Quyền có tổng diện tích 8ha (gồm cả đất đồi bãi), trong đó có gần 2ha ao cá. Ông nuôi nhiều loại gà, một năm 2 - 3 lứa, nào gà thịt, gà đẻ, gà xương đen, gà Ai Cập, gà lai Dabaco… Đàn dê duy trì 50 - 100 con, trong đó có 40 dê mẹ, mỗi năm sinh sản 70 - 80 con; bán dê giống và dê thịt với giá 50 - 60 nghìn đồng/kg. Ao cá mỗi năm thu 1 lứa gần 5 tấn… Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông Quyền thu lãi 300 triệu đồng. Cuộc sống vật chất đủ đầy, ông còn sắm được cả ô tô riêng. Nhắc chuyện làm giàu, người nông dân ấy hào hứng lắm, ông bảo: “May mắn là đất đai sẵn có, chăn nuôi phức tạp ở khâu kỹ thuật, nhưng chú ý học hỏi một chút thì cũng không có gì cản trở. Ở gần Trung đoàn 246, tôi thường thuê được nhân công là bộ đội vào mỗi cuối tuần nên khá thuận tiện. Mấy năm gần đây bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long…, cây sinh trưởng tốt và sắp cho sản phẩm. Làm giàu trên đồng đất quê mình, vui lắm chứ!”.

Không chỉ gia đình ông Quyền có vườn trái cây, mà gần 20 hộ khác trong xóm cũng đưa bưởi Diễn vào trồng, hộ trồng nhiều lên đến cả nghìn gốc. Bà con cũng đang chờ mùa thu quả, và kỳ vọng về một tiềm năng để đổi thay khác nữa.

Kể ra thì niềm vui, thuận lợi cũng nhiều, song Đồng Tâm chưa hẳn là hết khó, hết lo. Ấy là chuyện đầu ra cho sắn bấp bênh; dù mạnh dạn chuyển đổi trồng ngô, nhưng trồng ngô thì lại nhờ trời vì trạm bơm khá xa suối, nguồn nước phục vụ sản xuất không đủ. Nắng hạn đúng thời kỳ trổ cờ thì coi như mất mùa; các giống cây trồng thử nghiệm cũng cần lắm một đường hướng phát triển lâu dài…

“Chuyển đổi sao cho hiệu quả là câu chuyện còn phải tính toán nhiều nữa, cũng chưa kỳ vọng sẽ làm được trong một sớm một chiều. Nhưng điều đáng mừng, đáng ngợi khen ở xóm người Mông Đồng Tâm chính là sự thay đổi nhận thức và có những người dũng cảm tiên phong để dân noi gương, tin tưởng” - nghe lời chia sẻ ấy của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt, rồi gặp trưởng xóm Sài, Bí thư Phong và những người nông dân hồn hậu, cảm nhận trong họ sợi dây của sự đoàn kết, đồng lòng. Các cán bộ vẫn len qua những lối mòn đầy cỏ dại đến với người dân, nhiệt tâm, nỗ lực tìm cách giúp bà con đổi thay cuộc sống; người nông dân chất phác, giản dị luôn sẵn lòng ủng hộ đường hướng cán bộ đề xuất…. Mừng thay tinh thần tự chủ của người Mông trong thời đại mới, mừng bởi cuộc sống người Mông nay đã khác rồi.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước