Thứ sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024
18:36 (GMT +7)

Xuất xứ của một số câu chữ thường nghe

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Râu hùm, hàm én, mày ngài” được tác giả dùng để miêu tả tướng mạo của anh hùng Từ Hải và dần trở nên quen thuộc với người yêu thích văn học. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Vì sao bố vợ lại được gọi bằng “nhạc phụ”?

Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều từ ngữ chúng ta nghe thường xuyên tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng không rõ nguồn gốc hoặc ý nghĩa ban đầu của nó. Chẳng hạn, người Việt Nam và người Trung Quốc thường gọi bố vợ là “nhạc phụ” hoặc “ông nhạc”. Vậy từ này do đâu mà có?

Đầu tiên cần xác định từ “nhạc phụ” là một từ Hán - Việt, xuất xứ từ văn hóa Trung Quốc. Theo truyền thuyết, nguồn gốc của từ này có liên quan đến việc các vị vua thời cổ đại “phong thần” ở núi Thái Sơn. Tương truyền các vị hoàng đế thường đến những đỉnh núi đẹp để lập đàn tế non sông trời đất, phong tước vị cho bách quan, tục gọi là “phong thần”. Núi Thái Sơn đứng đầu trong Ngũ Nhạc (5 ngọn núi nổi tiếng ở Trung Quốc), thường được các vị vua ưa thích lui tới. Một lần Huyền Tông thời Đường đến núi Thái Sơn tấn phong tước vị cho bá quan cử quan Trung thư lệnh Trương Duyệt làm “phong thần” sứ, các quan viên tham gia chuyến này đều được tấn phong một bậc. Khi đó, Trương Duyệt lợi dụng chức quyền của mình tự ý tăng cho con rể của mình là Trịnh Dật từ chức cửu phẩm lên ngũ phẩm, tức vượt qua bốn cấp. Về sau Đường Huyền Tông hỏi Trịnh Dật về việc được thăng cấp, Trịnh Dật ấp a ấp úng, không dám nói ra. Hoàng Phiên Xước đứng bên cạnh bèn châm biếm rằng: “Đây thật đúng là sức mạnh của Thái Sơn”. Huyền Tông biết Trương Duyệt tự tiện làm sai, rất tức giận, lập tức giáng Trịnh Dật về chức cũ. Về sau, sự việc này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, người đời gọi bố vợ là “Thái Sơn”, gọi mẹ vợ là “Thái Thủy”. Vì Thái Sơn đứng đầu trong Ngũ Nhạc, cho nên người đời đổi sang gọi bố vợ là “nhạc phụ”, gọi mẹ vợ là “nhạc mẫu”.

Trên đây là cách giải thích nguồn gốc từ ngữ của người Trung Quốc. Tuy nhiên vì văn hóa Việt - Trung không thể tránh khỏi sự giao thoa và tiếp biến, do đó từ “nhạc phụ” hay “nhạc mẫu” được dùng khá phổ biến trong tiếng nói của hai dân tộc.

2. “Râu hùm, hàm én, mày ngài” xuất xứ từ đâu?

Những người đã đọc qua Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du hẳn không còn xa lạ với câu thơ “Râu hùm, hàm én, mày ngài” được tác giả dùng để miêu tả tướng mạo của anh hùng Từ Hải, tuy nhiên ít người biết đến xuất xứ của câu nói này.

Đây là một câu dịch, tác giả dịch từ sách vở, thành ngữ Trung Quốc để áp dụng vào Truyện Kiều. Người Trung Quốc có câu thành ngữ “Hổ đầu, yến hạm”, tức là “đầu hổ, hàm chim yến” để nói về dung mạo của những người có tướng làm vương hầu hoặc những bậc võ tướng uy dũng.

Liên quan đến thành ngữ này, có điển tích như sau. Trong sách Hậu Hán thư phần Ban Siêu truyện có chép:

“Ban Siêu, tên tự là Trọng Thăng, người huyện Bình Lăng, quận Phù Phong, là con của Huyện lệnh huyện Từ là Ban Bưu. Ban Siêu có chí lớn, không câu nệ tiểu tiết, nhưng rất hiếu thuận với cha mẹ. Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế, anh của Ban Siêu là Ban Cố được vua phong làm Hiệu thư lang. Ban Siêu cùng mẹ theo anh đến Lạc Dương, vì nhà nghèo, thường được phủ quan thuê sao chép văn thư để mưu sinh, trường kì lao khổ. Ông từng quăng bút than rằng: “Đại trượng phu không có chí hướng nào khác, nên học theo Phó Giới Tử, Trương Khiên lập công nơi dị vực để được phong Hầu, sao cứ mãi theo việc bút nghiên?”. Những đồng sự bên cạnh nghe câu nói đó đều cười ông. Ban Siêu nói rằng: “Loại phàm phu tục tử làm sao có thể hiểu được chí của tráng sĩ”. Về sau, Ban Siêu đến nhà của thầy tướng số, thầy xem tướng nói rằng: “Ông tuy chỉ là một người đọc sách bình thường, nhưng ngày sau nhất định sẽ được phong Hầu nơi xa vạn dặm”. Ban Siêu hỏi về tướng mạo của mình, thầy tướng số bảo rằng: “Ông có hàm của chim én, cổ của hổ, như chim én thì bay xa, như hổ thì có thể ăn thịt, đó là tướng mạo của bậc Hầu nơi vạn dặm”. Một thời gian sau, có một lần Minh Đế hỏi Ban Cố: “Em trai của khanh hiện đang ở đâu?”. Ban Cố đáp rằng: “Đang giúp phủ quan sao chép văn thư để lấy tiền nuôi mẹ già”. Thế là Minh Đế mời Ban Siêu lại, phong làm Lan Đài lệnh sử (tuy nhiên, sau này ông có tội và bị bãi quan).

Sau đó, Ban Siêu lập nhiều chiến công dánh dẹp Hung Nô, khai thông “con đường tơ lụa”, uy danh khắp Tây vực, được phong làm Định Viễn Hầu. Ông cai trị Tây Vực hơn 31 năm, thái ấp cả ngàn hộ.

Việc vận dụng, điển tích, điển cố, thành ngữ Trung Quốc sau đó dịch thuật sang tiếng quốc ngữ và áp dụng vào sáng tác văn học là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Du. Từ đó làm cho tác phẩm gần gũi, thân thiện và có sức sống mãnh liệt trong lòng người Việt.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy