Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
01:19 (GMT +7)

Về ý nghĩa của chữ “Nho” trong học thuyết của Khổng Tử

Nho giáo, một học thuyết rất nổi tiếng, có nguồn gốc từ Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Người khởi xướng học thuyết này là Khổng Tử, một triết gia thời Xuân Thu. Ở Việt Nam, tư tưởng học thuyết của Khổng Tử được gọi là Nho giáo; trong bách gia chư tử, học phái này được gọi là Nho gia; nội dung của hệ tư tưởng này được gọi là Nho học. Vậy chữ “Nho” do đâu mà có, và ý nghĩa của nó như thế nào?

Trước hết chữ “Nho” 儒 xuất hiện sớm nhất từ thời viễn cổ, trên giáp cốt văn, chữ này biểu thị hình dáng của người đang tắm. Trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, chữ “Nho” được giải thích như sau: “Nho, là mềm mỏng, là danh xưng các thuật sĩ” (儒,柔也,术士之称). Ở Hán ngữ đại từ điển, mục chữ “Nho” 儒, bao gồm 8 nét nghĩa, trong đó nét nghĩa thứ 2 đáng chú ý hơn cả. Ở nét nghĩa này, chữ “Nho” được giải thích là “học phái do Khổng Tử sáng lập, gọi là Nho gia” (孔子创立的学派,儒家). Trong thiên Tận tâm thượng của sách Mạnh Tử, cũng có viết: “trốn khỏi Mặc thì ắt về với Dương, trốn khỏi Dương thì ắt về với Nho” (逃墨必歸於楊,逃楊必歸於儒). Ở đây, có nhắc đến ba học phái trong bách gia thời tiên Tần là Mặc gia, Dương Chu học phái và Nho gia. Từ những cách giải thích trong từ điển và cổ tịch này có thể bước đầu tiếp cận được với ý nghĩa của chữ “Nho”.

“Nho” là sự mềm mỏng, là sự thấm nhuần. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Khi nghiên cứu và luận giải về chữ Nho, các học giả Trung Quốc cũng đưa ra một số thuyết, trong đó đáng chú ý nhất là thuyết của Trịnh Huyền, thời Đông Hán. Ông giải chú thích trong chương Nho hành sách Lễ ký như sau: “Lời nói của Nho là đẹp đẽ, là mềm mại, có thể làm yên lòng người, có thể thuyết phục lòng người. Lại nói, Nho là thấm nhuần, đem đạo của tiên vương thấm nhuần vào thân thể mình” (‘儒’之言‘優’也,‘柔’也,能安人、能服人。又‘儒’者,‘濡’也,以先王之道能濡其身”). Có thể thấy, Trịnh Huyền đưa ra hai điểm để lý giải chữ “Nho”. Thứ nhất, ông thống nhất với Hứa Thận ở ý nghĩa “Nho” tức là mềm mỏng (nhu柔). Thuyết này được đa số các học giả tán đồng. Thứ hai, ông cho rằng, Nho, tức là thấm nhuần (nhu濡). Về thuyết thứ hai này, một số học giả sau Trịnh Huyền như Hoàng Khản thời Nam Triều, Khổng Dĩnh Đạt thời Đường đều kế thừa. Hoàng Khản khi giải nghĩa câu “Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho” (汝為君子儒,無為小人儒) trong thiên Ung dã, sách Luận ngữ đã viết: “Nho, là thấm nhuần. Việc học tập văn sẽ ngấm vào trong thân, do đó những học tập lâu dài được gọi là Nho”('儒'者,'濡'也。夫習學事文則濡潤身中,故謂久習者為儒也). Khổng Dĩnh Đạt kế thừa khá trọn vẹn quan điểm của Trịnh Huyền khi ông giải thích tên gọi thiên Nho hành trong sách Lễ ký như sau: “Tên gọi là Nho hành, tức là đem những ghi chép có đạo đức đó mà thi hành. ”(名曰《儒行》者,以其記有道德者所行也).

Khái quát lại, chữ “Nho” được dùng để thể hiện học thuyết của Khổng Tử bởi hai lý do về mặt ý nghĩa. Một mặt, “Nho” là nhu, tức là mềm mỏng. Điều này có thể thấy trong nội dung căn bản của học thuyết này là giáo hóa, hướng con người về việc tuân thủ lễ nghĩa, tuân thủ quy định các mối quan hệ trong xã hội, lấy nhu chế cương... Sự mềm mỏng trong học thuyết Nho gia đã được chứng thực qua thành công của những cuộc du thuyết, đàm phán trong lịch sử của cả Việt Nam và Trung Quốc. Nguyễn Trãi đã từng vận dụng tối ưu hạt nhân tư tưởng “nhân nghĩa” của Nho gia, cùng với lời lẽ lúc cương lúc nhu mà hoàn thành kế hoạch “tâm công” trong khởi nghĩa Lam Sơn. Mặt khác, “Nho” vẫn là “nhu”, nhưng là sự thấm nhuần. Ở phương diện này, ý nghĩa của chữ “Nho” được gắn kết chặt chẽ với quá trình tiếp thu nội dung học thuyết. Người học đạo Nho sẽ ngấm tư tưởng đó, hay những chuẩn mực đạo đức của tư tưởng học thuyết đó vào cơ thể, khi đã lĩnh hội được thì người có đạo Nho sẽ thi hành tri thức đó vào việc điều hành xã hội. Ở nét ý nghĩa này, chúng ta sẽ thấy nó liên quan ít nhiều đến tự dạng trên giáp cốt văn của chữ “Nho”. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông là người thi hành học thuyết Nho gia có hiệu quả nhất trong sự nghiệp chính trị. Ông đã áp dụng triết lý “nội thánh ngoại vương” để đưa xã hội Đại Việt dưới thời hậu Lê vào giai đoạn thịnh vượng, mà sử Việt vẫn thường gọi là thời “Hồng Đức thịnh thế”.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục