Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:32 (GMT +7)

Vũ Kim Khoa và Tiêu điểm thời gian

(Tiểu luận, phê bình nhiếp ảnh của Vũ Kim Khoa, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2018)

Cơ duyên đã đưa Vũ Kim Khoa đến với nhiếp ảnh nghệ thuật từ khi anh còn là chàng công nhân gang thép Thái Nguyên đi lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức cách nay đã ngót nghét bốn mươi năm, trong một lần gặp gỡ tình cờ với một nhiếp ảnh gia người Đức, người đã dạy cho anh những bài học vỡ lòng về nhiếp ảnh, cũng là người truyền cảm hứng và đam mê sáng tạo cho anh, để bây giờ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa đã là một gương mặt sáng giá trong giới nhiếp ảnh, từng gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là giải thưởng nhiếp ảnh ASIAN - một ước mơ không nhỏ của những tay máy chuyên nghiệp. Nhưng chừng ấy chưa đủ để Vũ Kim Khoa tạo được dấu ấn trong làng nhiếp ảnh bên cạnh những nhiếp ảnh gia đàn anh khác. Sự am hiểu nghệ thuật và công nghệ nhiếp ảnh cùng khả năng văn chương đã giúp cho Vũ Kim Khoa có được những bài phê bình nhiếp ảnh đầy ấn tượng. Bằng cách này, Vũ Kim Khoa đã đưa công chúng đến gần hơn với những tác phẩm ảnh nghệ thuật, đồng thời góp phần tôn vinh những giá trị nhiếp ảnh đích thực, cổ vũ và động viên rất nhiều cho các đồng nghiệp trên hành trình sáng tạo nhiếp ảnh đầy vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn.

 

Tác phẩm “Tiêu điểm thời gian” của tác giả Vũ Kim Khoa

Tiêu điểm thời gian là một tập hợp những bài tiểu luận, phê bình nhiếp ảnh của Vũ Kim Khoa vừa ra mắt độc giả năm 2018. Trong bối cảnh của đời sống văn chương nghệ thuật đang ê chề những thơ và văn xuôi chộn rộn trên các mặt báo, các nhà xuất bản, thì phê bình nhiếp ảnh vẫn là một thứ “độc và lạ”. Có thể coi Tiêu điểm thời gian là một trong những cuốn sách phê bình nhiếp ảnh đầu tiên (và khá hiếm hoi) ở Việt Nam, thậm chí là một bước tiến mới của phê bình nhiếp ảnh nghệ thuật. Không chỉ giãi bày tâm thế, những suy tư trăn trở của người đã gắn với nhiếp ảnh như là một duyên nghiệp, Vũ Kim Khoa còn khai phá và thuyết minh cho cái đẹp ẩn hiện đằng sau những khuôn hình. Đó cũng chính là một hình thức quảng bá hữu hiệu để nhiếp ảnh nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Nhìn vào trang mục lục của tập sách đã thấy Vũ Kim Khoa có chủ ý nhất định khi phân chia những bài viết của mình thành hai phần. Phần một Cuộc đời của những tấm hình gồm 14 bài viết là tâm sự của tác giả đối với những buồn vui của nghề cầm máy săn lùng cái đẹp. Phần này gần với tản văn hơn là phê bình ảnh. Đó là những câu chuyện tản mạn của anh về nghề, về người, về các giải thưởng và những đặc thù của nghề nhiếp ảnh. Những quan sát, suy ngẫm một cách tỉ mỉ và cẩn trọng đã khiến cho Vũ Kim Khoa bao quát được những vấn đề mang tính thời sự nổi cộm trong đời sống nhiếp ảnh. Mỗi bài viết là một suy nghĩ, một quan điểm cụ thể, rõ ràng về một vấn đề nào đó mà anh quan tâm. Ví như: Nhiếp ảnh miền núi phía Bắc: Vị thế của kẻ bần hàn sống trên mỏ vàng, Nhẩn nha ngẫm chuyện đi… câu ảnh, Tan loãng một nghề, hội tụ một thú chơi… Từ góc độ người sáng tác, Vũ Kim Khoa đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thua thiệt của nhiếp ảnh khu vực miền núi, trung du trước sự “xâm lăng” ồ ạt của các tay máy lão luyện từ thủ đô và các thành phố lớn (Nhiếp ảnh miền núi phía Bắc: Vị thế của kẻ bần hàn sống trên mỏ vàng). Sự lấn lướt, “can thiệp sâu” của thế giới công nghệ vào những bức ảnh nghệ thuật dẫn tới một thực trạng là ảnh nghệ thuật cũng có ảnh chân mộc và ảnh thẩm mĩ. Ban giám khảo cuộc thi ảnh sẽ rất dễ bị dẫn dụ và lựa chọn các “kiệt tác” được tạo ra từ flycam để trao giải, làm nản lòng những người thợ săn ảnh kiên nhẫn nhất vốn coi nhiếp ảnh nghệ thuật luôn là một thú đi săn. Mặt khác, điều đó có thể sẽ dẫn đến một hệ lụy nguy hiểm, đó là sự can thiệp, dàn dựng ý tưởng và sáng tạo nghệ thuật bằng công nghệ cao, nó sẽ tước đi vẻ đẹp tự nhiên, chân xác của các bức ảnh là sản phẩm từ những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ (Từ chuyện “con ruồi bay”). Vũ Kim Khoa cũng dành phần này cho những bài viết về các bậc thầy của làng nhiếp ảnh. Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh (Ngất ngưởng một tượng đài) hay những người thầy của nhiếp ảnh Thái Nguyên như các nghệ sĩ Văn Bảo, Mai Nam, Đỗ Huân, Vũ Nhật, Quang Phùng…Vũ Kim Khoa nhắc đến họ với thái độ thành kính và trân trọng những người mở đường cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Trân trọng họ cũng chính là cách anh trân trọng nghề và trân trọng chính bản thân mình.

Chủ đạo của Tiêu điểm thời gian nằm ở phần thứ hai của cuốn sách (có tiêu đề Mắt chữ). Đây là tập hợp những bài viết mà anh tâm đắc nhất về những bức ảnh của đồng nghiệp mà anh coi trọng và phát hiện. Cả thảy có 25 bài viết ngắn gọn mà khá công phu, cô đọng. Đây mới chính là phê bình ảnh - một khoảng thiếu vắng không nhỏ của nhiếp ảnh Việt Nam mà Vũ Kim Khoa đang nỗ lực khai mở. Mỗi bài viết là chân dung một bức ảnh. Mỗi bức ảnh lại có cuộc đời và số phận của nó. Có bức may mắn được yêu chiều từ lúc khai sinh, cũng có những bức long đong kiểu “hồng nhan bạc phận”.Vũ Kim Khoa đón nhận và trân quí những thành công của đồng nghiệp. Bằng sự hiểu biết khá sâu sắc về kĩ thuật nhiếp ảnh của một tay máy có đến ngót nghét 40 năm tuổi nghề; bằng sự trải nghiệm của một người nghệ sĩ đã từng lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, những đèo cao thung sâu để đi “câu” ảnh; bằng sự nhanh nhạy của cả cảm xúc và lí trí, cùng vốn chữ nghĩa và cách hành văn khá sinh động, đôi khi hóm hỉnh; với lối viết nhẩn nha, từ tốn như dáng điệu và phong thái của mình, Vũ Kim Khoa đã “sáng tạo lại” các bức ảnh nghệ thuật, cấp “vi sa” cho chúng để đến nhanh và gần hơn với công chúng. Anh mô tả tỉ mỉ từng chi tiết của bức ảnh như chính anh là người sáng tạo ra chúng, như chính anh là người bấm máy để khai sinh những khuôn hình ấy.

Có hai thứ như là điều kiện cần thiết để Vũ Kim Khoa có thể viết được Tiêu điểm thời gian, đó là kĩ thuật và sáng tạo. Nếu không có sự am hiểu sâu sắc kĩ thuật nhiếp ảnh thì không thể đánh giá được các bức ảnh theo những tiêu chí thẩm mĩ đặc thù, ví như ánh sáng và tốc độ, góc máy, độ nét và cả khả năng làm mờ nhòe tùy theo dụng ý nghệ thuật của người bấm máy, thì không thể diễn giải được nội dung bức ảnh, sự sáng tạo cũng như năng lực của người nghệ sĩ. Nếu không có khả năng cảm nhận và liên tưởng, đối sánh cùng vốn hiểu biết khá sâu rộng về nhiếp ảnh nghệ thuật, khả năng diễn đạt, biểu hiện vấn đề một cách rất văn chương, thì không thể thuyết phục được người đọc. Vũ Kim Khoa có cả hai thứ đó như một năng khiếu nghệ thuật được tạo nên bằng cả thiên bẩm lẫn những nỗ lực, đam mê nghiêm túc, đủ chừng mực để mô tả sự sáng tạo mà không “sáng tạo mới”, tức là không thêm thắt một cách khiên cưỡng, theo cảm quan riêng của cá nhân. Anh chỉ làm một việc thuần túy, đơn giản là “chỉ ra” cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của từng bức ảnh mà nó vốn có, và miêu tả nó bằng một giọng văn khá mượt mà, nhuần nhuyễn và rất duyên dáng. Duyên dáng ở cách lôi kéo, dẫn dụ người đọc từ cuộc đời vào nghệ thuật, rồi từ nghệ thuật mà ra cuộc đời.

Tả và bình là hai thủ pháp quen thuộc của Vũ Kim Khoa trong mỗi bài viết, nhưng không phải là tả và bình đơn giản, giống như người ta mô tả và đánh giá các chi tiết của một cỗ máy hay một công trình. Điểm nhìn của Vũ Kim Khoa đan cài giữa thực và ảo, giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái hiện hữu và cái khuất lấp. Chẳng hạn trong bài viết về bức ảnh Chuyến tàu ban mai của nhà nhiếp ảnh Quách Trường Giang, anh đã mô tả bức ảnh như thế này: “Trong ảnh là một phần của cây cầu già cỗi mà ai cũng biết nó đã oằn mình vượt cả thế kỉ dài, ghi dấu hàng trăm triệu những vết chân, hàng trăm vạn vệt lốp xe và những thanh ray lấp lóa bỏng rát vào trưa hè; lạnh tê tái vào những chiều đông… Cây cầu ở thời khắc hoang hoải vắng, tịnh không một bóng người, nó như chưa tỉnh hẳn bởi dư âm những nhọc nhằn của một ngày qua, tháng qua, nhiều năm qua…” và rồi anh bình: “Quách Trường Giang chụp cây cầu mà như đang chụp một kỉ niệm nằm sâu trong kí ức của mình… Và cái hay của bức ảnh có lẽ nằm ở việc nó đã tác động vào sự suy tưởng của người ta, gợi nên những động thái xuôi ngược cho tâm trạng người ngắm nó”. Tả và bình đều chạm đến ngưỡng của tài hoa văn chương bằng con mắt thẩm mĩ của một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Tiêu điểm thời gian có nhiều bài viết phong phú, đa dạng về thế giới nhiếp ảnh nghệ thuật. Từ bức ảnh Đua bò của John Hantono Pudjoko (Indonesia) được xếp thứ hạng cao nhất của triển lãm ảnh “Đất nước, con người Asean”, đến bức ảnh Niềm vui ngày hội của Trần Bảy (Lạng Sơn) không có thứ hạng nào trong liên hoan ảnh khu vực Miền núi phía Bắc. Một bên là sự ngưỡng mộ thán phục vì khả năng sáng tạo phần nào lấn lướt làm mờ nhòe đường biên giữa nhiếp ảnh và hội họa, một bên là sự băn khoăn, tiếc nuối cho một bức ảnh mà không phải ai cũng dễ nhận ra chân giá trị đích thực của nó. Khen để biết nhiếp ảnh của mình đang ở đâu so với khu vực, tiếc là để nhận ra cái khó của việc nhìn nhận, đánh giá tính “nghệ thuật” của một bức ảnh. Nhiếp ảnh nghệ thuật xưa nay là vậy, chỉ định giá cho đúng, cho công bằng, khách quan thôi cũng đã là việc quá khó khăn rồi.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, người vừa sáng tác vừa viết phê bình không có nhiều, cũng không có mấy người thật sự thành công từ cái việc “đi bằng hai chân” ấy. Vũ Kim Khoa ở trong số những người ít hơn của nhiếp ảnh nghệ thuật vừa sáng tác vừa viết phê bình ảnh. Những bài viết trong Tiêu điểm thời gian cho thấy anh có một kiến văn rộng, một sự hiểu biết khá rành rọt các trường phái, các xu hướng khác nhau trong sáng tác nhiếp ảnh. Anh trân trọng những đóng góp, dù nhỏ của các đồng nghiệp bằng cái nhìn đa chiều, bằng tâm thế của người sáng tác (nghệ sĩ), người thưởng thức (công chúng) và cả người đánh giá (giám khảo). Vũ Kim Khoa khá cầu kì trong việc lựa chọn nhan đề cho từng bài viết. Nhan đề đã khơi chạm đến đúng phần hồn cốt của tác phẩm, nhan đề gợi ra những liên tưởng sâu xa, nhan đề minh định các giá trị…Cũng vì thế, đọc xong từng bài viết của anh, rồi ngắm lại từng bức ảnh, ta thấy những bức ảnh ấy dường như sống động hơn, gần gũi hơn và cũng lung linh hơn.

Tôi gọi Vũ Kim Khoa là người “phiên dịch” cho các bức ảnh nghệ thuật.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy