Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:36 (GMT +7)

Vòng xoáy kiếp người – sau câu chữ là giông bão

(Đọc tiểu thuyết “Vòng xoáy kiếp người” của Tiết Minh Hà, Nxb. Hồng Đức, 2022)

Có những tác phẩm văn học làm ta thích thú bởi những sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật tự sự. Lại có tác phẩm trần thuật theo cách truyền thống, tưởng rất cũ mà vẫn khiến ta trào nước mắt, bởi thấy cuộc sống tươi ròng quanh ta được “xắn từng miếng” đặt vào tác phẩm tiểu thuyết. “Vòng xoáy kiếp người” thuộc loại thứ hai. Thì ra, đặt trên chuyện văn chương là chuyện phận người - đối tượng muôn thuở của văn chương nhân loại.

Bằng cách trần thuật truyền thống, tính tự truyện rõ nét, tác giả đã gửi một quãng đời quá nhiều bầm dập của mình vào nhân vật Thủy. Nếu chỉ “kể khổ than nghèo” thì đâu có gì để nhớ? Không! Phía sau những trang đời đen đặc đau thương kia là ánh sáng của nghị lực phi thường và lòng nhân ái. Chính hai nguồn sáng diệu kì ấy làm nên giá trị nhân văn cho tác phẩm, là hai sợi dây vô hình neo giữ niềm tin cho người đọc vào phần Thiện trong con người, dù đang rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng.

Một số trạng thái tâm lí nhân vật biểu hiện qua những chỉ dấu có tính điển hình

Đó là tiếng thở dài như dự báo về số phận sắp tới của Thủy: “Chị thở dài... Lại là tiếng thở dài. Không biết cái tiếng thở dài này nó gắn chặt vào chị từ khi nào mà càng ngày tiếng thở càng dài thượt ra”.

Đó là tiếng khóc uất ức của trẻ thơ: “Không phải tiếng khóc thông thường của cô bé con mới phạm lỗi bị mẹ đánh, mà đây là tiếng khóc kiểu bất phục khi bị đòn oan - là mong muốn được đón nhận một sự thương hại của nhà hàng xóm khi cô bé tập tễnh đi xin miếng giẻ để buộc cái chân bị rớm máu. Cũng chính vì bố mẹ bỏ nhau lúc cô bé còn chưa biết gì. Anh trai không ở gần, không có ai bênh vực nên nó muốn chiều nay, anh nó đi học qua, nhìn thấy cái chân đau của nó mà lại gần bên, ôm nó vào lòng và bảo “nín đi anh thương…” rồi nó lại thổn thức. Từng tiếng nấc cụt rơi vào sự cô đơn, vang lên những âm thanh “ức… ức” khô khốc”.

Còn đây là tiếng nấc sâu khi không còn nước mắt để khóc cho sự bầm dập của số phận: “Lâu lắm rồi, chị thường để nước mắt chảy vào trong, mong sao những giọt nước mắt ấy lấp đầy khoảng trống trong lòng chị”.

Đây là sự câm lặng gần như vô cảm khi nghe mẹ chị nói rằng: “ở đời cứ ăn không ăn hỏng là sinh ngang đẻ ngược thế đấy. Một cơn gió mùa đông hay một khay nước đá hắt vào người chị cũng không có cảm giác lạnh như lúc này. Chị hỏi anh mình trong tiếng nấc nghẹn ngào: “có phải là mẹ sinh ra em không anh?”…

Có ba nhân vật tiêu cực với ba bàn tay đen đúa bóp nghẹt thân phận Thủy.

Đó là mẹ đẻ của Thủy với sự ác nghiệt đến mức khủng khiếp. Đòn roi của bà làm thân xác Thủy đau lúc còn nhỏ. Sự ích kỉ và tàn nhẫn làm trái tim Thủy đau khi đã trưởng thành: “Mẹ nuôi con kể ngày tính tháng, bà lập một quyển sổ chi tiêu, từng đồng bà cũng ghi vào rồi tính lãi lên mấy chục triệu. Bà sợ mẹ con chị lại về nhờ vả lần nữa lên đã nhiều lần nói từ con”. Vậy mà khi mua được nhà sau bao bi kịch, Thủy vẫn chọn ở gần để chăm sóc mẹ lúc tuổi già. Nói đến từ nhân ái ở đây có lẽ là chưa đủ. Sự vị tha ấy như chạm đến cái Cao cả - một phạm trù của Mĩ học.

Bàn tay đen thứ hai là Nghĩa - chồng Thủy. Kẻ nghiện ngập ấy không chỉ đánh đập vợ một cách man rợ, mà còn đẩy Thủy đến con đường buôn bán thuốc phiện. Đấy mới là tội ác đáng ghê tởm nhất của hắn. Sau nhiều lần bị bầm dập đến thân tàn ma dại, vài người thấy cảnh của chị quá khổ đã xui chị ly hôn nhưng chị không muốn con mình lại dẫm lên bước chân của mình ngày bé, có bố mà không có mẹ nên sau một lần bỏ nhà đi mấy hôm, thấy anh ta tỏ ra ăn năn hối hận, chị lại nuốt những giọt nước mắt cơ cực vào trong vì các con. Chỉ cho đến khi nghe con trai nói: “Mẹ … mẹ đi đi, mẹ còn sống thì chúng con còn có mẹ, chứ mẹ cứ ở nhà, có ngày bố đánh chết mẹ thì anh em con biết trông cậy vào ai”. Chính bởi câu nói ngây thơ của con chị mới có quyết tâm định hướng cho cuộc đời mình.

Trong quãng đời sống với Nghĩa, trạng thái tâm lí của Thủy được miêu tả tinh tế, sâu sắc, đầy ám ảnh: “Từ nước mắt tuôn chảy như mưa đến nấc nghẹn thật sâu”; “Ánh nến màu đỏ lung linh khi nãy chợt tắt ngấm trong đôi mắt buồn trống rỗng. Thủy lặng lẽ quay mặt đi để giấu giọt nước mắt sắp tràn và giấu luôn cả sự coi thường kẻ vô ơn tráo trở đang hằn lên mi đỏ”. Đó là sự câm lặng gần như vô cảm.

Còn đây là biểu hiện niềm phẫn uất bị dồn nén tột cùng: “Đôi mắt khô khốc trừng trừng nhìn vào cặp mắt đỏ ngầu của anh ta thách thức. Từ trong đôi mắt ấy, như có một luồng gió lạnh thổi ra làm dập tắt hai đốm lửa đang hừng hực như muốn thiêu đốt người đối diện…”.

Từ lặng câm vô cảm đến vùng lên chống trả dữ dội, khi Nghĩa đánh đập bé Trường. Tấm lòng người mẹ khiến Thủy có thể chịu đau cho mình mà không thể ngồi nhìn con đau: “Chị vùng dậy, lao thẳng đến anh ta mà đấm mà đá miệng nói “mày đánh con tao thì hôm nay, tao với mày ngọc đá cùng tan”. Trạng thái vận động biến đổi trong tâm lí dẫn đến hành động của nhân vật Thủy đã được tác giả miêu tả thật chân thực và xúc động.

Bàn tay đen thứ ba khiến sự thống khổ của Thủy lên tới đỉnh điểm là Thụ. Xung đột giữa cái Thiện và cái Ác đã phát triển tới đỉnh điểm, đòi phải giải quyết bằng mọi giá. Thụ đã dùng thủ đoạn để Trường nghiện ma túy, nhằm biến em thành tay sai vận chuyển cái chết trắng. Nỗi đau trong Thủy lên tới cực điểm. “Trước mắt Thủy là một khung cảnh khiến chị phải rùng mình. Lảo đảo ngồi phịch xuống trước hiên nhà giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè mà mặt chị tái mét, chân tay run rẩy. Mồm chị lắp bắp gọi con trong tiếng hụt hơi… Chị bỗng thấy ghét cuộc đời này biết nhường nào. Từ bé chị hận người đã sinh ra mình, rồi hận người đã mười bảy năm gọi là chồng. Giờ lại càng hận hơn bao giờ hết… Những rặng tre sau nhà xào xạc bởi cơn gió bất chợt thổi vào nghe như một tiếng thở dài ai oán…”. Ngôn ngữ vô thanh gợi tả về mũi dùi nung đỏ vô hình xoáy mãi vào trái tim người Mẹ. “Tai chị như ù đi, tim như có vật gì nhọn đâm trúng. Chị lảo đảo ngã xuống rồi không biết gì nữa”.

Chẳng lẽ số phận Thủy mãi chìm trong bóng tối? Không! Những người tốt vẫn ở bên, giúp chị từ bóng tối tìm về với ánh sáng, trừng trị kẻ ác, để cái Thiện được nở hoa dưới mặt trời hạnh phúc.

Đó là anh Hợp - người tạo điều kiện, giúp em dâu có một phương tiện để chợ búa mưu sinh; là Trung tá công an Hoàng - người đã giúp chị một công việc lương thiện; rồi quản giáo Minh, người đã bí mật trả lại khoản tiền mà chị tưởng là phải đút lót mới được vào thăm nuôi con.

Trên đời vẫn còn có bao nhiêu người tốt. Chính họ đã giúp những con người như Thủy không trượt dài xuống vực thẳm tha hóa. Những phẩm chất tốt đẹp vốn có trong Thủy như than hồng. Những tấm lòng nhân ái bao dung kia như gió lành để tia lửa cháy lên thành ngọn lửa yêu tin và hạnh phúc. Cuối tác phẩm, nụ cười bình yên đã nở trên môi và trong tâm hồn Thủy sau bao giông bão: “Thủy mỉm cười trong ánh mắt dịu dàng: Sau những cơn giông bão bao giờ trời cũng trong xanh con ạ. Cả năm hoàng hôn đẹp nhất là vào mùa thu đấy, biết không?”.

Những chi tiết nghệ thuật làm nên thành công của tác phẩm

Dù cốt truyện không mới, nhưng văn phong đẫm cảm xúc cùng hàng loạt chi tiết nghệ thuật ám gợi là điểm mạnh của tiểu thuyết này. Có thể ví các chi tiết nghệ thuật ấy như những “chiếc đinh”, găm tác phẩm vào trí nhớ của bạn đọc.

Khi miêu tả cảnh nghèo đến tận cùng của gia đình Thủy, tác giả xây dựng một chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa hiện thực sâu sắc: “Trong ngõ phố, không ít người gọi đùa Thủy là chị Dậu. Nhưng Thủy làm sao mà bằng chị Dậu được. Chị đâu có đàn chó con, thậm chí cả cái nón mê đội đầu (…) cũng không. Có chăng, điểm giống nhau giữa hai người phụ nữ đó là cái tiền đồ dày đặc như màn đêm thăm thẳm phía trước…”.

Để khắc họa thân phận khổ đau tận cùng của Thủy cũng như sự tàn bạo của Nghĩa, tác giả đã xây dựng một chi tiết nghệ thuật độc đáo:

“Bỗng phập! Con dao nhọn từ tay Nghĩa phi ra cắm vào cánh tủ, cách chỗ Thủy chỉ khoảng gang tay. Chị vẫn kệ, không thay đổi tư thế ngồi. Anh ta đi đến rút con dao quay lại chỗ cũ phi tiếp. Chị vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Đủ mười ba lần tiếng “phập” vang lên, nét mặt Thủy vẫn vô hồn, ánh mắt vẫn cạn khô, không cảm xúc.

Nghĩa tiến đến gần chị, đưa mũi dao nâng cằm chị lên:

- Mày không sợ chết à?

Chị cười, một nụ cười lạnh:

- Đời ai chả phải một lần chết. Chết sớm cũng như thoát nợ…”

Nhưng trong bóng đêm bi kịch của cuộc đời Thủy, chúng ta vẫn bắt gặp những tia sáng ấm áp, đó là lòng tốt, sự cao thượng của một số nhân vật tích cực. Đó chính là âm hưởng lạc quan của tác phẩm, bởi cuối cùng thì ánh sáng vẫn chiến thắng bóng tối. Nhân vật trung tá công an Hoàng là một con người như thế: “Nhìn trung tá Hoàng, Trường bỗng thấy như vừa được truyền sang người nó một nguồn năng lượng mạnh mẽ (…). Trường thổ lộ cho trung tá Hoàng và mẹ nó nỗi lo âm thầm mấy hôm nay về chuyện lão Thụ định hại bé Bông và Thủy. Trung tá Hoàng chăm chú nghe và ghi chép từng lời của Trường rồi nói: - Mẹ con cháu không phải lo về chuyện này. Bác tin rằng, kẻ ác, kẻ có tội nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị…”.

Còn rất nhiều chi tiết nghệ thuật đắt giá xuất hiện khi tác giả miêu tả không gian bãi vàng - nơi Thủy theo chồng lên buôn bán. Bên cạnh sự hỗn loạn, độc ác, lừa lọc vẫn có tình người ấm áp như tình cảm giữa Thủy với cháu bé có tên Tâm mắt nhung, lòng nghĩa hiệp của Hùng chim sẻ…

Tiểu thuyết “Vòng xoáy kiếp người” là tiểu thuyết đầu tay của Tiết Minh Hà, vì thế, đôi chỗ vụng về là không tránh khỏi. Như đã nói ở trên, cuốn sách mang tính tự truyện nên tác giả nhiều khi rơi vào kể lể hơi dài dòng. Người đọc không, hoặc ít thấy tác giả sử dụng nghệ thuật “biến ảo” không gian, thời gian, là những điều rất cần trong các thể tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Các chi tiết nghệ thuật trong “Vòng xoáy kiếp người” có được điểm mạnh là rất gần gũi và chân thực (thậm chí đôi khi xác thực) nhưng còn nghèo nàn những chi tiết mang tính biểu tượng để có thể nâng tác phẩm lên một tầm cao hơn.

Thật đáng quý khi nghe chị tâm sự: “Viết tiểu thuyết này, tôi mong muốn người đọc nói chung, chị em phụ nữ nói riêng không mất niềm tin vào những điều tốt đẹp, dù rơi vào hoàn cảnh bi kịch đen tối đến đâu. Văn chương là cây gậy chống để chúng ta vững lòng đi tiếp trên đường đời vốn nhiều giông bão…”. Thì ra, cao hơn văn chương là cuộc sống, lấy văn chương làm phương tiện nghệ thuật để nâng đỡ con người, nuôi dưỡng mầm thiện và nghị lực mạnh mẽ cho những mảnh đời không may mắn, đó chẳng phải là sứ mệnh cao quý nhất của văn chương hay sao?!

Hành trình sáng tạo của Tiết Minh Hà mới chỉ bắt đầu. Tôi tin rằng, với vốn sống, tài năng chớm hé và trái tim nhân ái, chị sẽ còn đi xa hơn, thành công hơn nếu tiếp tục đam mê với sáng tác.

Nguyễn Đức Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy