Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:26 (GMT +7)

Vi Hồng với sự tiếp cận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo

VNTN - Nếu tính thời gian khoảng năm mươi năm trở lại đây thì Vi Hồng (1936 - 1997) là một nhà văn có một vị trí đặc biệt trong văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và Việt Bắc, Thái Nguyên nói riêng. Khi sinh thời và cả khi đã mất, văn chương Vi Hồng có sức ảnh hưởng khá lớn đối với nhiều cây bút là người dân tộc ở Việt Bắc. Những nhà văn tiêu biểu như Cao Duy Sơn (giải thưởng Asean), Hữu Tiến (Cao Bằng), Ma Trường Nguyên, Bùi Như Lan, GS Vũ Anh Tuấn (Thái Nguyên)… người ít, người nhiều, người trực tiếp, người gián tiếp nhưng sự nghiệp văn chương của họ đều có dấu ấn hoặc bóng dáng của nhà văn đàn anh này, ít nhất là trong những bước khởi đầu…

 

Cố nhà văn Vi Hồng

Về truyện ngắn, tuy có một số giải thưởng nhưng công bằng mà nói Vi Hồng không phải là nhà văn có nhiều thành công ở thể loại này. Gia tài văn chương của ông chủ yếu là tiểu thuyết với hơn hai mươi tác phẩm khá đồ sộ, trong đó có những cuốn đoạt giải thưởng lớn và được nhiều nhà phê bình đánh giá cao, độc giả chờ đón.

Tôi đồng ý với nhiều nhà nghiên cứu khi nhận định tác phẩm của Vi Hồng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phong cách, ngôn ngữ mang màu sắc dân gian miền núi… Đã có nhiều hội thảo, nhiều bài phê bình, tiểu luận nghiên cứu về Vi Hồng. Riêng cuốn Vi Hồng - tác phẩm và dư luận - Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên năm 2016 đã có tới hàng chục bài viết về anh khá công phu, kĩ lưỡng, đa dạng. Nhưng có lẽ, tất cả dường như vẫn chưa đủ để nói về một Vi Hồng như tôi được biết, được mục sở thị. Không phải là người làm công việc nghiên cứu nhưng tôi là một trong số rất ít bạn văn thân thiết, gần như đồng hành trọn vẹn cả một đời cầm bút cùng anh. Tôi biết, có những tâm sự, những “ẩn số” trong văn chương, trong cuộc đời mà không phải bất cứ ai Vi Hồng cũng giãi bày.

Đã nghe tên tuổi Vi Hồng từ nhiều năm trước đó, nhưng tận năm 1971 khi cùng đến tòa soạn tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) nhận giải truyện ngắn, tôi mới được gặp anh lần đầu. Tận bây giờ tôi vẫn nhớ lời nhận xét của nhà văn Vũ Tú Nam về truyện ngắn Cọn nước eng Nhàn:

- Đọc Cọn nước eng Nhàn của Vi Hồng, lúc đầu tưởng như không có gì, lại hơi nhạt nữa. Nhưng đọc kĩ mới thấy thấm đẫm phong vị dân gian, mà là dân gian Tày. Vi Hồng được giải lần này chính vì thế.

Một nhận xét nhỏ, tưởng như có thể quên ngay, không ngờ đối với Vi Hồng lại trở thành một hướng viết theo đuổi suốt một đời văn. Tất cả những tác phẩm dù ngắn, dù dài sau đó của Vi Hồng dường như đều được bắt đầu từ vùng núi Hòa An, Cao Bằng quê anh, một miền quê tràn đầy huyền thoại và truyền thuyết. Chính chất dân gian ấy đã tạo nên đôi cánh rộng để những tác phẩm “tưởng như không có gì” của anh cất cánh bay cao.

Theo tôi, các tác phẩm của Vi Hồng có thể chia làm 2 giai đoạn (tất nhiên chỉ là tương đối). Giai đoạn đầu có thể tính từ tác phẩm đầu tay đến khoảng năm 1986. Như vậy, tiểu thuyết Vãi Đàng và Đất Bằng (xuất bản năm 1980) là hai tác phẩm tuy được đánh giá cao, nhưng vẫn được xếp ở giai đoạn đầu. Vì đó là những tác phẩm “thuần túy Vi Hồng”, chưa có ý thức cách tân như giai đoạn sáng tác sau.

Giai đoạn II có thể được tính từ khoảng 1986 đến khi ông qua đời. Tại sao lại có cách phân chia như vậy?

Vào những năm đầu của thập kỉ 80, thế kỉ XX, sau khi Vi Hồng cùng nhà văn Tô Hoài đi dự Hội nghị Nhà văn Á - Phi và làm việc dài ngày tại một số nước châu Âu, châu Á, châu Phi trở về, tôi là một trong số rất ít người được ông tâm sự nhiều về ý tưởng thay đổi trong sáng tác. Anh nói với tôi về chủ nghĩa siêu thực, về văn chương hiện sinh của A. Camus, Jean Paul Sartre, lí thuyết tảng băng trôi, kĩ thuật viết bỏ sót, độc thoại nội tâm của Hemingway, khuynh hướng tự truyện ở Pháp…. và đặc biệt về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Mỹ Latinh. Tuy chỉ là những bước nhận dạng chập chững đầu tiên nhưng cả tôi và anh đều có những tháng ngày trò chuyện rất lí thú về tiểu thuyết phương Tây, Mỹ Latinh. Ngày ấy, đất nước ta chưa mở cửa ra thế giới, những người cầm bút ít hoặc không có điều kiện ra nước ngoài, không được tiếp xúc với văn hóa Âu, Mỹ như tôi và anh thì đây chính là những tiếp nhận ban đầu vô cùng quí giá. Tôi biết, từ đó, Vi Hồng luôn âm thầm tìm đọc và theo dõi kĩ lưỡng các tác phẩm của Mỹ Latinh như Sự tráo trở của phương pháp của Carpentier, Trăm năm cô đơn của Marquez… Tôi hiểu, anh đang muốn làm một điều gì đó để đổi mới trong sáng tác văn chương. Và, đây đó, rải rác trong những tác phẩm được anh viết và xuất bản khoảng mười năm sau đó, từ 1986 (cũng là thời kì Đổi mới của đất nước) đến những năm cuối của thế kỉ XX đã le lói những dấu hiệu đổi mới về bút pháp và thi pháp. Cách xếp giai đoạn sáng tác này của anh vào giai đoạn thứ 2 xuất phát từ lí do như vậy.

 

Có thể, những tác phẩm sau 1986 của Vi Hồng chưa nói được điều gì, chưa hề có những dấu hiệu khả quan trong cách tân mà anh và độc giả mong muốn nhưng rõ ràng đó vẫn là những tác phẩm mang ý thức tiếp nhận và sáng tạo theo khuynh hướng huyền ảo - lối huyền ảo gần gũi với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Mỹ Latinh.

Trong một loạt tiểu thuyết của Vi Hồng ra đời sau thời kì Đổi mới như: Gã ngược đời (1990), Vào hang (1990), Người trong ống (1990), Người làm mồi bẫy hổ (1990), Ái tình và kẻ hành khất (1993), Phụ tình (1994), Tháng năm biết nói (1994, in lại 2008), Đi tìm giầu sang (1995), Đường về với mẹ chữ (1998)… tuy cũng chưa có câu trả lời cụ thể về sự thành bại của anh trên con đường cách tân theo hướng mới nhưng đã ít nhiều để lại những dấu ấn ban đầu, thậm chí chỉ là sự thể hiện qua một vài tình tiết nhỏ… nhưng đều bộc lộ một lối viết bắt đầu “khác trước” của Vi Hồng.

Theo tôi, ngoài một số tiểu thuyết của Vi Hồng nêu trên thì ở truyện kí Đường về với mẹ chữ (cũng có người gọi là truyện vừa) mang dấu vết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hơn cả.

Đường về với mẹ chữ mô tả lại hành trình gian nan, nguy hiểm nhưng đầy chí khí của chính tác giả cùng với một nhóm học sinh của tỉnh Cao Bằng đến với “mẹ chữ”- trường cấp III Lương Ngọc Quyến, tỉnh Thái Nguyên vào những năm đầu của thập kỉ 50, thế kỉ XX.

Tập truyện kí này cũng có thể coi như một tự truyện vì ở đấy đậm đặc hình bóng cuộc đời của chính tác giả, hay nói cách khác, tác giả là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong lời phi lộ, tác giả cũng đã viết một cách rõ ràng “Những con người, sự việc cùng những thiếu thốn, gian khổ nhọc nhằn, hiểm nguy trên con đường xuyên rừng rậm, đèo cao, suối sâu mấy trăm cây số để đi học trong truyện kí này là có thật… Cả bảy người cùng nhau vượt mấy trăm cây số đi về với “mẹ chữ” Lương Ngọc Quyến ngày ấy nay đều còn sống, khoẻ mạnh, tỉnh táo…” PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh, từng là học trò và là bạn viết của Vi Hồng có một đánh giá đáng chú ý: “Đường về với mẹ chữ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Vi Hồng”. Đúng vậy! Những nhà nghiên cứu, phê bình rất dễ dàng nhận ra các tác phẩm của Vi Hồng, từ một truyện ngắn hơn nghìn chữ đến những tiểu thuyết năm, bảy trăm trang, đều tuân thủ một lối viết - có thể nói đã trở thành phong cách, mà một nhà phê bình văn học đã gọi đó là phong cách hiện đại hóa dân gian. Phong cách này được thể hiện từ việc lựa chọn đề tài, chủ đề, cảm quan văn hóa, tư tưởng - nghệ thuật đến việc tạo dựng không gian, thời gian, mô tả thiên nhiên, nhân vật, tâm lí, phong tục, ngôn ngữ và đặc biệt là sự vay mượn các truyền thuyết… Ngẫm nghĩ kĩ, thấy mệnh đề hiện đại hóa dân gian gắn với Vi Hồng có vẻ ít nhiều gần gũi với bản chất của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

Đường về với mẹ chữ là một truyện kí, nghĩa là không triệt để hư cấu, nếu với một tác giả không “thủy chung” với niềm tin sáng tạo thì chắc chắn khó giữ nổi lối viết mà trước đó đã chọn. Vậy mà ngược lại, với tác phẩm này, một lần nữa Vi Hồng đã tỏa sáng bằng chính phong cách sáng tác hiện đại hóa dân gian vốn luôn thường trực trong ý thức sáng tác của mình. Có lẽ chính bởi vì thế mà với tác phẩm bình dị như vậy ông đã đoạt giải nhất trong cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1997, và năm 2012, tác phẩm này lại tiếp tục được nhận Giải thưởng Nhà nước.

Ngày ấy, có một số độc giả và vài nhà phê bình nhận định Vi Hồng đã lạm dụng một cách thái quá biện pháp ngoa dụ, cũng là một biện pháp đặc trưng rất hay được các nhà văn người dân tộc thiểu số sử dụng. Trong Đường về với mẹ chữ có một tình tiết từng làm xôn xao dư luận khen, chê một thời. Đó là tình tiết Vi Hồng tả đàn rết hổ. Cuốn sách chỉ khoảng sáu mươi trang mà có tới hơn năm trang nhà văn say sưa tả cảnh đàn rết hổ trong rừng. Thử nêu một đoạn: “…Rết hổ kéo đàn kéo lũ hành quân qua rừng, qua núi, tiếng vang ào ào như một trận mưa rào… Một con rết hổ to bằng mái chèo, dài bằng sải tay, có hàng trăm rết nhỏ đi theo…”. Quả là khó tin. Ở đâu chưa rõ chứ ở việt Nam (dù trong rừng sâu núi thẳm) cũng không thể có chuyện như vậy được. Những tình tiết phi lí, mang đầy vẻ huyền ảo như thế không phải không gây ra sự phản ứng. Tuy nhiên, mặt khác, có lẽ cũng nên công bằng hơn khi đánh giá về điều này. Trước hết, chúng ta đều biết, văn chương của Vi Hồng được bước ra từ nguồn văn hóa dân gian Tày. Người Tày (đặc biệt là Tày cổ) thường quan sát tự nhiên bằng con mắt và cảm thức khác người Kinh. Đó là cái nhìn nguyên sơ, gần gũi với cổ tích, truyền thuyết. Chúng ta cũng lại từng biết, nhiều tác phẩm của Vi Hồng giống như sự thoát thai từ văn học dân gian. Vì vậy, cái sự “nói quá, nói đại” lên như thế, với ông, có thể nên đồng cảm. Thêm nữa, phải chăng đó chính là những dấu hiệu mà Vi Hồng nhằm hướng cách tân theo phương pháp huyền ảo Mỹ Latinh. Như chúng ta đã biết, phóng đại, cường điệu chính là những thủ pháp chủ yếu mà các nhà văn Mỹ Latinh sử dụng trong cuộc đấu tranh, cải tạo hiện thực bằng nghệ thuật. Những nhà văn này không bao giờ có cảm giác đắn đo, e ngại khi đưa những chi tiết phi lý, hoang đường vào tác phẩm của mình.

Chưa ai dám khẳng định một cách chắc chắn điều này. Tuy nhiên, những con rết hổ mà Vi Hồng đưa vào Đường về với mẹ chữ đã làm cho nhiều độc giả liên tưởng đến những con vật quái dị, ruồi, nhện khổng lồ, những ông già có cánh... là các hiện tượng, các yếu tố siêu nhiên đã được các nhà văn huyền ảo Mỹ Latinh xếp đặt một cách bình thường, không có sự cách biệt bên cạnh các hiện tượng, các yếu tố thực của đời sống, được mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của chúng cùng với hiện thực. Đó chính là điểm khác biệt giữa huyền ảo hậu hiện đại với huyền ảo cổ điển.

Cho dù còn nhiều tranh luận, nhưng có một điều không thể chối cãi là mỗi khi bàn đến tác phẩm Đường về với mẹ chữ, người ta có thể quên đi nhiều tình tiết, nhiều hình ảnh nhưng cái đàn rết hổ ghê rợn kia chưa bao giờ tuột khỏi tâm trí người đọc, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi. Không thể nói khác, đó chính là sự thành công của nhà văn.

Tất nhiên sẽ là vội vàng và võ đoán nếu nói Vi Hồng đã có thành tựu trong khuynh hướng sáng tác mà ông mơ ước. Nếu có thu hái được một phần nho nhỏ nào thì nó vẫn chủ yếu dừng lại ở sự tự phát và chưa có sự hoàn thiện. Nhưng chúng ta đều biết, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh là một cuộc hôn phối ngoạn mục giữa chủ nghĩa siêu thực với kho tàng dân gian đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết của người da đỏ, mà Marquez từng gọi là “tiền thực tại”. Theo Ocampo, một nhà lí luận văn học của Mexico, thì chủ nghĩa hiện thực huyền ảo được phát triển trực tiếp từ chủ nghĩa siêu thực Pháp.

Nói cách khác, chủ nghĩa siêu thực Pháp là cánh cửa cho sự xuất hiện chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Xin dẫn thêm một phát biểu của Ocampo để rõ thêm về luận điểm này: “cả chủ nghĩa siêu thực lẫn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đều nảy sinh trên mảnh đất (chủ nghĩa siêu thực - HTG) của nó, đều là biểu hiện tính hiện thực của sự tồn tại con người. Khác nhau ở chỗ, chủ nghĩa siêu thực phù hợp với cái vô thức của cá nhân và tư tưởng Freud còn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì phù hợp với cái vô thức của tập thể và tư tưởng triết học Jung”. Những năm tháng ấy, dù Vi Hồng là một cán bộ giảng dạy đại học nhưng tôi tin rằng sự tiếp cận của anh với chủ nghĩa siêu thực, với các vấn đề của tâm lí học hiện đại do Freud và K. Jung đề xướng - một trong những xuất phát điểm cho sự hình thành chủ nghĩa siêu thực, nếu có, cũng chưa thể đầy đủ. Dù là vậy, việc xuất hiện những dấu vết ban đầu của lối viết này trong tác phẩm của Vi Hồng vẫn là điều có thể xảy ra. Tôi nghĩ, là một người đắm chìm trong nguồn mạch dân gian, là một sinh linh của miền rừng cao núi thẳm với những truyền thuyết đầy kì ảo, Vi Hồng đã có lựa chọn chính xác một con đường cho ngòi bút của mình. Chỉ tiếc rằng, do nhiều hạn chế (ý thức hệ, môi trường, những khó khăn về vật chất, sức khỏe…) đã để lại cho nhà văn một chuyến đi chưa tới đích. Nếu như nhà lí luận văn học Trần Đình Sử đã từng nói: “văn học Việt Nam nên học theo văn học châu Mỹ Latinh”, thì rõ ràng đây là một chuyến đò bị lỡ rất đáng tiếc của nhà văn Vi Hồng và có thể cũng là của một số nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các cây bút miền núi.

Khảo sát một số nhà văn Việt Nam thế kỉ XXI nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã thấy có sự ảnh hưởng khá rõ nét phương pháp hiện thực huyền ảo. Đó là các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Đặng Thân, Đỗ Ngọc Thạch, đặc biệt là trường hợp tác phẩm “Lời nguyền hai trăm năm” của nhà văn Khôi Vũ (NXB Thanh Niên 1989) giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, từng được các nhà phê bình khen ngợi đã sử dụng khá nhuần nhuyễn bút pháp hiện thực huyền ảo, và chính bản thân nhà văn cũng từng phát biểu: “tôi thử Việt Nam hóa phong cách Mĩ Latinh”. Chỉ có điều, nhìn chung, việc sử dụng các yếu tố huyền ảo trong truyền thuyết, huyền thoại của các nhà văn Việt Nam không triệt để để có thể trở thành một khuynh hướng, một trào lưu rõ rệt về phương pháp hiện thực huyền ảo như các nhà văn Châu Mỹ Latinh. Nhưng mặt khác, cũng rất đáng suy nghĩ khi có người đã đề xuất đặt tên cho khuynh hướng này là “thi pháp hiện thực huyền ảo Việt tính”. Thiết nghĩ, nếu Vi Hồng có đủ điều kiện để thành công trong ý định cách tân của mình thì chắc chắn anh sẽ có những đóng góp cho văn học Việt Nam một hương sắc mới.

Những năm tháng cuối đời, Vi Hồng thường tâm sự cùng tôi, anh cho rằng, thời hiện tại chưa hiểu hết tác phẩm của anh. Tôi từng được chứng kiến những lời Vi Hồng căn dặn chị Thúy Đèm, người vợ yêu quí của anh về sự lưu giữ và tái bản các tác phẩm sau khi anh ra đi vĩnh viễn. Có lẽ đó là niềm tin và cũng là hi vọng (dù khá mong manh) đối với những sản phẩm nghệ thuật mà anh đã dày công vun đắp. Điều này, thiết nghĩ rất cần sự đồng cảm, trước hết là của độc giả yêu quí và các bạn văn trân trọng Vi Hồng.

HỒ THỦY GIANG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy