Về Là Ghè nghe kể chuyện Bác Hồ
Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa - Thái Nguyên - lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947 - 20/5/2017)
VNTN - Chiều tháng tư, chúng tôi về roõng Là Ghè (roõng- tiếng địa phương là khe hoặc thung nhỏ), xóm Vang, xã Liên Minh để nghe kể chuyện Bác Hồ. Trong những ngày cách mạng cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã từng ở nơi này.
1. Dù chỉ cách trung tâm xã hơn 1km, nhưng đường vào Khu di tích roõng Là Ghè khá hẹp, ô tô chưa thể vào được. 70 năm đã qua, những dấu vết một thời Bác và Chính phủ làm việc hầu như còn lại rất ít. Nếu không có bia Di tích lịch sử cấp tỉnh và cây đa lưu niệm do nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng năm 2005, thì chắc hẳn nhiều người không thể nhận ra.
Bà Thành, 85 tuổi, người gõ mõ cảnh giới cho Bác khi Người ở roõng Là Ghè giới thiệu: kia là nền lán nơi Bác ở, còn cái vũng này chính là đoạn suối Là Ghè, phía ruộng kia là mảnh vườn Bác trồng rau… Lặng đi giây lát, giọng bà Thành trầm xuống: “Đã lâu quá rồi, mọi thứ bị biến dạng nhiều, lán thì hỏng, suối Là Ghè cũng bị sạt lở…, hơn nữa lúc ấy kháng chiến, để đảm bảo an toàn bí mật “đi không dấu, nấu không khói” nên trước khi rút đi, những thứ cần thiết phục vụ sinh hoạt đều được mang theo, còn lại được đem chôn giấu hoặc tiêu hủy. Nhà tôi sau này còn giữ được hai quả tạ tay Bác tặng, sau cho Hợp tác xã mượn một quả để đánh kẻng, một quả giao lại cho ông Nguyễn Đình Tình, nguyên cán bộ phụ trách Phòng Văn hóa thông tin huyện Võ Nhai, rồi bị thất lạc mất…”. Nói đến đây mái tóc bạc của bà Thành bỗng rung rung, bà cúi mặt, giọng nghèn nghẹn như có lỗi.
Ông Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1957, hiện gia đình ở trên đất của khu di tích. Khi Bác về đây, dù lúc đó ông còn chưa ra đời nhưng sau này ông được bố và các vị cao niên trong xóm kể lại rằng, thời gian Bác ở đây rất bí mật, một đôi lần người dân thấy ông cụ thấp thoáng làm rau ở vườn nhưng cũng không biết đó là Bác Hồ. Gia đình ông Lương chuyển về khu đất roõng Là Ghè này ở và canh tác từ năm 1978, lúc đấy không hề có đường vào như bây giờ, chỉ có con đường mòn như lõng trâu đi, um tùm rậm rạp. Khoảng năm 1980 - 1981 trong một lần vỡ ruộng ông Lương phát hiện ra chiếc lò đun tro nứa ở cách bia di tích bây giờ khoảng vài mét, lò chôn dưới đất khoảng 50 cm bên cạnh có chiếc lọ sành bằng nắm tay, ông Lương cuốc phải đã vỡ nát và ông xác định nền lán Bác ở chính là ở vị trí đó.
Tuy thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại roõng Là Ghè không lâu nhưng đã được người dân đùm bọc, bảo vệ tuyệt đối an toàn và tạo điều kiện để Bác và cơ quan Trung ương làm việc. Võ Nhai là vậy, trong thời chiến cũng như thời bình vẫn luôn là mảnh đất cách mạng, phát huy truyền thống đó những người dân Tràng Xá, Liên Minh đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm cao cả trước dân tộc. Bà Thành, ông Lương và bao thế hệ những người dân nơi đây luôn tự hào ghi nhớ câu chuyện về Bác, về những phong trào đấu tranh cách mạng trong kháng chiến. Với họ, điều đó như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.
Những năm tháng Bác ở chiến khu Việt Bắc Tranh: Văn Thơ
2. Cuốn “Võ Nhai lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng kháng chiến chống xâm lược và xây dựng bảo vệ Tổ quốc” (1941 - 2000) của Ban Chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai ghi:
Vào cuối năm 1947, tại thị xã Cao Bằng, quân ta bắn rơi chiếc máy bay chở tên Tham mưu phó quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thu được một số tài liệu, thông tin quan trọng về kế hoạch triển khai lực lượng của địch. Thông tin bại lộ, hòng “đánh nhanh, thắng nhanh”, thực dân Pháp cho quân càn quét tại Chợ Chu - Định Hóa, nơi đặt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Trước tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội quyết định di chuyển từ ATK Định Hóa sang ATK Võ Nhai. Trước ngày di chuyển sang Võ Nhai, tại ATK Định Hóa ngày 15 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi bộ đội và quân du kích cùng toàn thể đồng bào đồng sức, đồng lòng đánh giặc.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đồng chí Chu Văn Tấn, Bí thư Khu ủy, Tư lệnh chiến khu I, người Võ Nhai trực tiếp dẫn đường đưa Bác từ ATK Định Hóa sang ATK Võ Nhai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn về xã Tràng Xá, nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II, ở và làm việc tại làng Vang, nay là xã Liên Minh. Bộ Tổng tham mưu phân thành hai bộ phận A và B. Ngày 20 tháng 10 năm 1947, bộ phận A cơ động hình thành Sở Chỉ huy phía trước di chuyển từ ATK Định Hóa sang phía đông đường quốc lộ 3 về ATK Võ Nhai; bộ phận B vẫn ở tại ATK Định Hóa làm nhiệm vụ duy trì liên lạc, chỉ đạo, chỉ huy chiến trường toàn quốc. Bộ phận A của Bộ Tổng tham mưu gồm Bộ Chỉ huy cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quốc hội…(Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp…) ở và làm việc tại các xã Tràng Xá, Dân Tiến. Hầu hết các xã Liên Minh, Tràng Xá, Dân Tiến lúc này đều có các cơ quan trung ương và bộ đội về ở.
Tài liệu lưu tại Ban quản lý di tích và danh thắng Thái Nguyên, có ghi lại lời kể vào ngày 18/10/2008, của ông Nguyễn Văn Đức, một trong những người đưa đường cho Bác:
Hôm Bác Hồ sang Võ Nhai, ông Đức đang làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện Võ Nhai. Giặc Pháp đánh lên Việt Bắc, anh em các phòng ban của huyện sơ tán vào Hố Đát sâu trong Cúc Đường. Vào lúc gần tối, đồng chí Chu Quốc Hưng - Chủ tịch huyện bảo ông sang gặp Bác Hồ. Khi đồng chí Hưng dẫn ông sang, Bác đã đi nằm. Bác mặc bộ quần áo nâu giản dị, vừa ốm dậy nên người rất gầy. Thấy ông tới, Bác mừng lắm, Bác hỏi, chú làm gì ở huyện? Ông Đức thưa, cháu phụ trách công tác dân vận. Rồi ông Đức báo cáo với Bác về công tác dân vận, về vận động quần chúng làm vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến, đoàn kết dân tộc… Bác khen tốt, rồi bảo ông Đức mai đưa Bác sang Lâu Hạ (Tràng Xá).
Trời đã vào đông lạnh, sương muối phủ trắng cánh đồng. 5h sáng hôm sau Bác lên đường. Bác trùm mũ len hở hai mắt, đội mũ bằng lá cọ kiểu người Tày Chợ Chu, mặc quần áo nâu chống gậy, dép cao su tháo ra úp hai đế vào nhau buộc sau túi vải con trong đựng máy chữ. Anh Nguyễn Mạnh Đàn, Trung đội trưởng bảo vệ Bác Hồ cưỡi con ngựa hồng của Bác chỉ huy đội bảo vệ Trung ương đi trước một đoạn, đi sau có độ chục người trong đó có Bác, anh Vũ Kỳ, Kháng, Chiến, Định, Lợi, Dũng, Trung, Tâm (bác sĩ), anh Đồng (nấu cơm cho Bác) cùng ông Đức. Mọi người đi hàng một từ La Hiên theo đường Văn Hán (Đồng Hỷ) vào Lâu Hạ. Đến đoạn Văn Hán đang mùa thu hoạch lúa, thấy bà con đang cặm cụi gặt dưới ruộng Bác chào hỏi thăm:
- Bà con đã muốn độc lập chưa?
Mải gặt lúa không biết đó là Bác mấy người dân trả lời với theo: “… Ai mà không muốn độc lập”.
- Thế thì tăng gia sản xuất cố lên nhé.
Buổi trưa hôm ấy đến thôn Nhâu, Bác dừng lại ăn cơm. Lúc đó ông Đức cũng vào nhà ông trưởng xóm nhờ nấu cơm ăn. Cơm đang nấu thì ông thấy anh Đồng (người nấu cơm cho Bác) chạy vào nói: Bác bảo anh ra ăn cơm với Bác. Ông Đức xin cáo từ vì đã nấu cơm rồi. Anh Đồng đi ra khoảng lúc sau lại quay vào bảo: Bác bảo anh phải ra ăn cơm với Bác, thế là ông Đức phải vâng lời. Ông Đức tới nơi thấy trên mâm cơm anh Đồng bê ra có hai bát canh, một bát mì gạo nấu với miếng thịt gà. Bác chỉ ăn hai lưng cơm, ăn xong bác bảo: Chú Đức, chú Kỳ xuống làng Vang mượn nhà cho Bác làm việc, nhưng nhớ không được nói Bác tới… Bác còn dặn thêm, các chú nên chọn nhà không nằm ở giữa làng cũng không nằm cạnh làng và mượn nhà độ 15 ngày, làm lán xong Bác lại trả…
Vâng lời bác ông Đức, ông Vũ Kỳ tới nhà ông Nguyễn Văn Đắc là đảng viên cốt cán ở đây, hiện làm trưởng xóm làng Vang mượn nhà. Ông Đức nói với ông Đắc, có một gia đình tản cư, anh cho họ ở nhờ khoảng nửa tháng, ông Đắc đồng ý ngay. Ngôi nhà sàn của ông Đắc rộng rãi nằm tựa vào sườn đồi bên cạnh là roõng Là Ghè (khe nước nhỏ chảy vào suối Khuân In). Nơi đây cây cối rậm rạp và tiếp ráp rừng, phía sau có lối thoát ra cánh rừng Khuân Mánh và đường đi sang Yên Thế Bắc Giang rất tiện cho việc bảo vệ phòng gian. Gia đình ông Đắc được chuyển lên ở nhờ nhà ông Thiện cách đó không xa.
Mượn nhà xong ông Đức ra đón Bác và mọi người vào. Trước lúc ông Đức quay về huyện, Bác đưa tiền cho ông Đức và mẫu áo nâu, Bác bảo ông may cho Bác một bộ để Bác tăng gia và nhớ phải may ống tay thật dài. Ông Đức thấy hơi lạ nhưng cũng không dám hỏi. Sau này ông Đức mới nghe kể, dù chuyển cơ quan Bác đều tăng gia trồng ngô, trồng bí, nuôi gà. Khi làm vườn Bác thả ống tay áo xuống để khỏi bị gai cào, cỏ cứa hoặc chống muỗi, dĩn đốt...
Ông Đắc cùng các anh làm cho Bác một cái lán tại Là Ghè, đúng như lời hứa của Bác, sau 7 ngày lán đã làm xong. Lán chia làm ba gian dài khoảng 10m, rộng trên 3m, sàn làm bằng thân cây vầu, lợp rơm đồng, phần mái hiên phía trước nhô dài là chỗ đứng trú mưa, đầu hồi lán có bếp nấu nhỏ… Anh Kỳ dặn ông Đắc: “Hôm nay anh đưa vợ con về nhà nhé, chúng tôi ra lán ở”.
3. Để bảo vệ an toàn cho cơ quan Trung ương cũng như nơi Bác ở làm việc, ngoài các đơn vị bộ đội còn có một trung đội bảo vệ Bác Hồ do anh Nguyễn Mạnh Đàn người miền Trung và Nguyễn Quốc Trị chỉ huy đóng ở thôn Nhâu.
Bà Thành kể: Nhà bà từ đó cũng thành trạm giao liên, nơi đón tiếp khách và liên hệ công việc. Ông Đắc - bố bà cùng anh Lợi làm cái mõ bằng gióng tre, treo lên cây dẻ vàng gần cửa roõng Là Ghè, cách nhà một đoạn. Có khách quan trọng đến ông Đắc gõ 3 tiếng mõ, anh Kỳ từ trên lán xuống thì khách mới được anh Kỳ dẫn vào gặp Bác. Nhiều lúc ông Đắc bận, việc gõ mõ được giao cho bà Thành. Bà Thành còn được dẫn các anh (cách gọi của dân với bộ phận bảo vệ giúp việc Bác) đi họp, đi tuyên truyền cho bà con về phòng gian bảo mật. Có lần tình cờ bà thấy ông cụ làm vườn, bà không nhìn rõ mặt chỉ thấy ông cụ mặc bộ quần áo nâu, râu dài, người gầy lắm.
Bà Thành và người dân lúc đó không biết ông cụ là Bác, chỉ gọi là ông cụ lạ mặt. Trong làng chỉ có ông Đắc biết là Bác và hay gặp Bác, Bác hỏi tình hình dân chúng ở đây như thế nào cháu báo cáo cho Bác… và Bác còn hay dặn dò ông: “Việc gì cũng phải học hỏi, bàn bạc với dân chúng và phải tin vào dân chúng, giữ lời hứa với dân, lời nói phải đi đôi với việc làm thì dân mới tin…”. Các “bộ đội tuyên truyền” như anh Định anh Vũ Kỳ thường tổ chức họp dân vào ban đêm dưới mái nhà tranh của lớp bình dân học vụ, các anh tuyên truyền phổ biến cho dân làng: “không biết, không nghe, không thấy”, phòng gian, bảo mật… giữ an toàn cho cơ quan trung ương, có gì nghi vấn hoặc phát hiện giặc dò la đánh phá thì bà con phải báo ngay. Bà con nên cất giấu đồ đạc, gạo muối vào rừng để phòng giặc đánh vào, các anh còn tổ chức cách học hát các bài hát về tình yêu đất nước cho thiếu niên nhi đồng… Trong thời gian ở đây, “Bộ đội tuyên truyền” được dân làng yêu thương chở che đùm bọc. Dù điều kiện kháng chiến, bận nhiều công to việc lớn Bác vẫn không quên tập luyện sức khỏe. Lúc giải lao, Bác cùng anh em tranh thủ trồng rau, vào buổi sáng sớm Bác cùng anh em tập thể dục, tập tạ tay…
Giữa tháng 11 - 1947, nắm được tình hình địch dò la được tin: “các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Chính phủ ta chuyển về Võ Nhai, nên có thể chúng sẽ táo bạo mở cuộc hành quân bao vây càn quét khu vực này”, các cơ quan Trung ương và Bác cùng anh em bảo vệ giúp việc đã rời làng Vang.
Nhớ lại cái buổi chia tay ấy bà Thành xúc động: Hôm đó khoảng mùng 2 (âm lịch), anh Kỳ không lên nhà bà như mọi khi, hình như anh đang phải chuẩn bị làm việc gì đó quan trọng, anh Định lên bảo với bà Nhân (mẹ bà Thành) nhờ chị và cháu gánh đồ chúng tôi mượn ra nhà nhé, Tây sẽ nhảy dù Võ Nhai, sẽ xuống Tràng Xá và La Hiên…, chúng tôi đi… Gia đình nên dỡ nhà mang gỗ đi giấu vì Tây sẽ đốt phá, đưa mọi người vào lán mà ở, chó và gà gáy phải thịt đi nhé… Anh Định bảo bà Thành: giao cho em vườn rau nhớ chăm sóc… Đến khoảng 1 giờ chiều, bà thấy các anh gánh dậu đồ đạc, đeo túi cùng ông cụ đi theo bờ ruộng về hướng bắc. Anh Kỳ gặp cô bé Thành nói: Thành ra anh bảo, anh tặng em hai lá thư của thiếu niên Thủ đô viết gửi Bác Hồ, 6 tờ báo, 2 men giấy và một cái nón thổ. Anh bắt tay tạm biệt với lời nhắn nhủ: chăm học, chăm học! Rồi các anh đi, bà Thành còn dõi mắt nhìn theo mãi.
Đúng như dự đoán theo phương án phòng ngừa của ta, sáng ngày 26 - 11- 1947, giặc Pháp huy động 11 máy bay ném bom bắn phá và thả gần 200 quả dù xuống đánh chiếm Tràng Xá, La Hiên, Đình Cả… hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Tuy vậy, lần này chúng lại thất bại…
4. Nghe bà Thành và người dân Liên Minh kể về Bác chúng tôi ai cũng xúc động. Điều trăn trở và cũng là mong muốn bấy lâu nay của cán bộ và người dân xã Liên Minh là Khu di tích vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Mong rằng sắp tới các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đầu tư phục dựng lại chiếc lán, nơi ở của Bác tại roõng Là Ghè cách đây 70 năm, hoặc có thể xây dựng tại đây một nhà truyền thống, để các thế hệ con cháu sau này đến thăm sẽ nhớ về Bác, nhớ về ATK Võ Nhai - một trong hai trung tâm căn cứ địa cách mạng đầu tiên của nước ta.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...