Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024
02:11 (GMT +7)

Về địa danh “Lam Kiều” trong Truyện Kiều

VNTN - Đã không dưới hai lần, thi hào Nguyễn Du nhắc đến địa danh Lam Kiều 藍橋 (cầu Lam) trong tác phẩm trứ danh Truyện Kiều. Có thể kể đến những câu như:

Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều

Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang

(Câu 265 - 266)

Chày sương chưa nện cầu Lam

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

(Câu 457 - 458)

Rằng mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường

(Câu 643 - 644)

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Vậy địa danh Lam Kiều (cầu Lam) có gốc tích cụ thể ra sao? Đã có một vài học giả như Đào Duy Anh, Lê Văn Hòe, Bùi Khánh Diễn… giải thích về địa danh này cũng như đưa ra điển tích liên quan đến địa danh, từ đó trở thành một ngữ liệu văn học. Trên cơ sở này, người viết xin được tổng hợp những thông tin chi tiết về Lam Kiều (cầu Lam) như sau:

Trước hết Lam Kiều là một địa danh của Trung Quốc (nay thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây). Tên gọi này được sử dụng như một ngữ liên văn học và bản thân nó gắn liền với một điển tích. Chuyện kể rằng vào khoảng niên hiệu Trường Khánh 長慶 thời Đường có vị Tú tài tên Bùi Hàng 裴航 dạo chơi ở Ngạc Chử 鄂渚, nằm mộng thấy bài thơ:

Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,

Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều tiện thị thần tiên quật,

Hà tất khi khu thướng Ngọc Thanh?

Tạm dịch:

Uống một chén quỳnh tương nảy ra trăm cảm xúc,

Thuốc tiên giã xong sẽ thấy được nàng Vân Anh.

Lam Kiều chính là nơi ở của thần tiên rồi,

Cần gì phải vất vả leo lên đến cung Ngọc Thanh?

Bùi Hàng quay về, đi ngang qua trạm dừng chân ở Lam Kiều, gặp một bà lão đang dệt vải gai, liền đến xin nước uống. Bà lão gọi cô con gái là Vân Anh 雲英 mang nước ra, Bùi Hàng uống vào cảm thấy ngọt như nước quỳnh tương. Lại thấy Vân Anh dung mạo tuyệt trần, nhân đó muốn cưới làm vợ. Bà lão bảo rằng:

- Hôm qua có vị thần tiên cho một ít thuốc, cần phải có chày cối bằng ngọc để giã. Chàng muốn cưới Vân Anh, phải dùng chày cối ngọc làm sính lễ, giã thuốc một trăm ngày mới được.

Bùi Hàng cuối cùng tìm được chày cối bằng ngọc mà thỏ ngọc trên cung trăng dùng, cưới Vân Anh làm vợ, hai vợ chồng vào núi Ngọc Phong 玉峰 sau đó thành tiên mà đi mất.

Từ đó “Lam Kiều” hay “Lam Kiều ước” (hẹn ước ở Lam Kiều) trở thành một điển tích để nói đến nơi gặp gỡ, ước hẹn của những đôi tình nhân tài sắc và hướng đến một tương lai đôi lứa đẹp như chuyện thần tiên.

Trở lại với những câu thơ sử dụng điển “Lam Kiều” của Nguyễn Du, có thể hiểu địa danh này trong từng câu cụ thể như sau: Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang, Lam Kiều ở đây là nơi Thúy Kiều và Kim Trọng cùng hẹn ước; Chày sương chưa nện cầu Lam, cầu Lam vẫn là nơi hẹn ước của Kim - Kiều, tuy nhiên còn gắn với “chày sương chưa nện”, tức thuốc tiên chưa thành, đôi lứa chưa đủ điều kiện để thành vợ chồng; Rằng mua ngọc đến Lam Kiều, Lam Kiều ở đây là nơi Mã Giám Sinh hứa hẹn cho Vương Thúy Kiều một tương lai hạnh phúc ấm êm.

NHƯ CHÂU

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy