Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
13:15 (GMT +7)

Văn trẻ mùa này: Những âm thanh bơi sải mở ra

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức định kỳ 5 năm/ lần sẽ được diễn ra trong thời gian tới. Đây là lần thứ 10, ngày hội điểm danh, vinh danh lực lượng viết văn trẻ cả nước được tiến hành (lần gần nhất là vào năm 2016 tại Hà Nội).

Nhiều người đã tỏ ra bi quan khi thi thoảng lại đưa ra cảm thán, rằng văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng văn chương… Xem ra sự bi quan này là hệ quả của thói quan liêu; nghĩa là họ không đọc, không quan sát nhưng vẫn cứ… phán như đúng rồi.

Sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ là thưa mỏng vắng thiếu. Bằng chứng là, trước mỗi kỳ hội nghị, ban tổ chức phải rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời. Không phải do danh sách quá thiếu so với số lượng dự trù, mà ngược lại, những gương mặt sáng giá trên mọi miền đất nước được đề cử qua nhiều kênh khác nhau là quá đông. Chẳng hạn, kỳ hội nghị lần thứ 10 này, người trẻ (sinh năm 1986 trở lại đây) xứng đáng được mời thì có nhiều, trong khi số lượng đại biểu trẻ chính thức đáng tiếc là chỉ giới hạn khoảng 120 người. Có nghĩa, những người trẻ hữu duyên có mặt nơi hội nghị này chỉ là những đại biểu, mang tính đại diện, chứ chưa phải là tất cả những người trẻ lặng lẽ tự nguyện dấn thân làm "phu chữ" (chữ của nhà thơ Lê Đạt) trên cánh đồng văn chương vừa phì nhiêu màu mỡ vừa xơ vữa cỗi cằn. Họ như những lớp sóng, vừa nối vừa gối lên nhau, nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn chương nước nhà.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Không cần phải làm cuộc tổng kiểm kê 5 năm, chỉ cần một cái nhìn lướt vào những người viết trẻ có đầu sách nổi bật xuất bản gần đây (từ tháng 10/2020 đến thời điểm hiện tại) cũng đủ hình dung về sự hiện diện của lực lượng trẻ và bút lực của họ.

Về văn xuôi: Nguyễn Dương Quỳnh với Thiên cầu ma thuật (tập 1), Phả Nguyện - Kẻ săn chuột, Mai Thanh Nga - Lũ chim chích chọn cành khô, Đinh Thành Trung - Bí mật của bóng tối, Triệu Hoàng Giang - Nghiệp rừng, Vũ Thị Huyền Trang - Đô thị ảo, Nơi không có hoa đào, Cánh sóng mùa xuânBố tôi, Đào Quốc Minh - Người tù không số, Trần Minh Hợp - Gương mặt bán dạo, Phùng Bạch Chúc - Chạm vào khoảng cách, Hoàng Yến - Thượng Dương, Hoàng Công Danh - Con tin Stockholm, Hà Ngọc - Dế gọi mùa yêu, Lục Hường - Nguyên khí ngàn đời, Hà Minh Trang - Người trên mây, Nguyễn Anh Dũng - Làm chủ số phận, Huy Hải - Tìm nhau trong thành phố, Mỹ Duyên - Bức tường vỡ, Chu Thanh Hương - Phận liễu, Hoàng Thị Thu Hương - Ký ức mưa, Đinh Phương - Nắng Thổ Tang, Hà Hương Sơn - 15 năm, Trọng Huy - Góc phần tư - nỗi buồn nuôi ta khôn lớn, Phát Dương - Mở mắt mà mơ, Lê Vi Thủy - Rừng gió, Nguyễn Luân - Mây tía ngang trời, Nguyễn Chí Lợi - Hai trăm cây số phía bắc Sài Gòn, Phạm Giai Quỳnh - Của thần và của người, Trác Diễm - Mưa chuyển mùaCây đời, Fan Việt - Ai rồi cũng sẽ bình yên...

Về thơ: Nguyễn Thị Thúy Hạnh với Văn học vết thâm, Nam Thi - Cô độc nên thơ, Lê Tuyết Lan - Vết bầm giấc mơ, Khét - Ở đậu trong nhau, Vũ Nguyên - Thế nhân tình, Vân Phi - Ngày mắc cạn, Lữ Mai - Chư Tan Kra mây trắng, Nguyễn Hải Yến - Đôi mắt của bầu trời, Phương Đặng - Con người, Phúc Phơi Phới - Sướng ca, Hương Giang - Bài thánh ca cho Anh, Lê Đỗ Lan Anh - Ký tự trôi, Trương Công Tưởng - Đợi những vắng xa, Lý Hữu Lương - Yao, Lê Ngọc Dũng - Lưng lửng hồn, Nguyễn Thị Kim Nhung - Từ phía sương buông, Hà Hương Sơn - Cuộc hành hương của giấc mơ, Nguyễn Đức Hậu - Mưa về cố quốc, Lưu Minh Hải - Ký họa hồn tôi

Về nghiên cứu phê bình: Văn Thành Lê với Lần đường theo bóng, Võ Quốc Việt - Hạt phù sa sông nước Cửu Long

Về văn học dịch: Nguyễn Bình với phiên bản Anh ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lê Hải Đoàn với phiên bản Việt ngữ bộ truyện tranh dân gian Nga gồm 12 cuốn, Nông Thị Ngọc Hiên với phiên bản Việt ngữ tập truyện ngắn hay nước Úc…

Không thể quán chiếu hết không gian văn trẻ, nhưng cái nhìn lướt trên đây cho thấy tính chất nhiều màu lắm vẻ, mức độ bao sân chiếm sóng của người trẻ: loại hình từ phi hư cấu đến hư cấu; thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình chân dung đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược; bút pháp từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại; đề tài từ lịch sử đến hiện thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ hiện thực đến ngoài hiện thực…

Trên bức tranh văn trẻ nhiều đường rậm nét ấy, điểm nhấn ấn tượng là cuộc hăm hở “đi tìm mặt” (chữ của nhà thơ Hoàng Hưng) của những chủ thể nội lực, cá tính, tự tôn lược phổ cá nhân giữa tổng phổ tha nhân.

Ở đậu trong nhau của Khét đầy lên niềm nỗi của một kẻ lạc người lạc quê, tự gả bán mình cho cuộc lang thang, đôi chân lỡ vận hồn tên tứ chiếng, tứa máu để lớn khôn giữa tiếng vỡ cuồng mê. Tạ ơn những đặc ân buồn lầm lũi, hò hẹn với mênh mông, cọng rơm đi hoang kháng cự lẽ thường mặc định đời rạ rơm sống trong nước và chết trong lửa. Có đi mới đến, mà đến được hay không không quan trọng bằng được đi. Đi để tiếp nạp, để lắng lọc, để biết quý hơi thở mình, để điêu khắc mình thơm mẩy những mùa thơ. Thơ là cách mà người thơ phát sóng hồn mình dò gặp tri âm, để được thản trí bình tâm ở đậu trong nhau, dẫu chỉ là thoảng khắc, giữa cuộc thế rạc rài.

Hà Hương Sơn hứng khởi trình xuất Cuộc hành hương của giấc mơ. Như từng chiếc lá ngậm từng hạt sương/ vào chính nó, giấc mơ không phải biệt lập đối lập mà là một phần tất yếu sinh động của hiện thực, can dự cơi nới bổ khuyết hóa giải cái chật hẹp hụt lẹm nghẽn rối của tồn tại người. Giấc mơ đưa chủ thể thơ đến tận cùng biên giới, đúng hơn là vượt thoát an toàn mọi biên giới, để xác lập nhân vị trong một thế giới đại đồng, nơi vũ trụ chìm vào vũ trụ, tương liên tương thông cộng sinh bình đẳng. Em hiển diện dày đặc bề mặt văn bản không khỏa lấp được hình ảnh anh với cuộc hành hương đơn độc rực rỡ nỗi buồn. Và, trong cuộc hành hương mai này/ anh mãi bình yên. Vẻ đẹp trinh nguyên thánh khiết của giấc-mơ-thơ cho người thơ sức mạnh để bước tiếp trên con đường dài. Ra thế giới bên ngoài hay vào thế giới bên trong, suy cho cùng, cũng là cuộc hành hương tìm về bản ngã

Với Yao, Lý Hữu Lương kháng cự lại công thức nông nhàm ngợi ca những dáng váy hay hát về những loài hoa nơi thơ ca của/về dân tộc thiểu số, xác quyết làm con chim nhỏ làng tôi/ cất giọng vang sâu xa rừng thẳm, để hát về cuộc thiên di của những người vừa đi vừa khócnỗi khổ trên vai tộc người. Thi tập cũng là cách chủ thể trừu xuất một định nghĩa về dân tộc mình, một dân tộc nhỏ trên đầu ngàn trái núi lớn, nơi hợp quần của những con người có bốn mùa/ một mùa trời/ một mùa đất/ một mùa đói/ một mùa đi. Mặc dù danh xưng nhà thơ không có trong từ điển tộc người, nhưng đứa con của tộc người được trời ban lộc chữ cứ nhẫn nại viết, để biết mình thuộc những vốn xưa còn sót, để giữ hồn cốt tổ tông, để làm mắt của đêm/ thăm thẳm ánh nhìn vuột biên ánh sáng, để vẽ màu tự do ngân ngấn trong mắt người làng, để mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi, để truy tìm và truy vấn về phả hệ, về “khởi sinh của cô độc” (tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Paul Auster)...

Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thúy Hạnh như là một cách tái định nghĩa về thế giới, về con người cá nhân, về thơ. Theo đó, thế giới này, tự khởi thủy, đã mang đầy thương tích. Mỗi con người, với tất cả ý nghĩa hiện sinh của nó, đều là nhân vật đa chấn. Và thơ chính là cái há miệng của vết thương khó cầm, là chữ chảy ra từ vết rách chưa liền, cũng là một phương cách khâu vết rách và xoa vết thâm. Thơ trong tập thơ này là cách chủ thể thơ đạp tung chật hẹp, để xới hành trình khác, để mặc một thế giới khác. Vừa hành xác, vừa hành lạc. Khoái cảm bình phương: khoái cảm được sáng tạo kiểu thơ hàm ngôn kín nghĩa thách thức cái đọc, nhân với khoái cảm được cầm tay những người lạ mặt, tức lớp người đọc mới. Cuộc tìm tiếng của thơ là không hồi kết. Mỗi cuộc tìm là những âm thanh bơi sải mở ra. Mở ra tiếng nói nàytiếng nói khác. Khai phóng những khả thể sống và những khả thể thơ.

Dẫu vẫn biết trẻ là phải "sinh sự" để có được "sự sinh", như người chữ Lê Đạt từng phát biểu, tuy nhiên, văn trẻ mùa này không ồn ào khuấy đảo gây hấn như những mùa trước, mà lặng lẽ bung trổ phá cách theo cách của mình với “đầy đủ cá tính, tận lực mà không hỗn loạn” (chữ của Irot Armstrong Richards). Họ ý thức, rằng cách tân trước hết phải là "cách" chính cái tôi chủ thể sáng tạo, là phải "tân" từ bên trong. Họ xác quyết trình hiện mình bằng tác phẩm, chứ không bằng bất cứ một "tệp đính kèm" ngoài văn chương nào.

Trẻ là một tài sản. Nói đến người trẻ là nói đến mới mẻ khỏe khoắn trẻ trung, nhiệt hứng năng động sáng tạo, lập trường cái mới cái khác, tín hiệu chuyển dịch của ý thức tư duy văn chương thời đại... Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro từng nói, rằng nếu xem xét một cách khách quan toàn bộ văn nghiệp của mỗi nhà văn, hay nhìn lướt qua một lexicon và lên một danh mục, ta sẽ thấy trong vòng 200 năm qua, đa phần những tác phẩm quan trọng nhất đều do những người rất trẻ tuổi viết ra; nếu anh muốn viết tiểu thuyết, và anh đã bước vào tuổi 30, thì đây là thời điểm đã đến lúc bắt đầu.

Suy cho cùng, chẳng ai ngẫu nhiên lựa chọn lập thân bằng văn chương. Mỗi cái viết đều là sản phẩm của một thôi thúc nội tại, phát xuất từ một chấn thương nào đó nơi chủ thể. Hay nói cách khác, văn học tự bản chất là “văn học vết thâm”. Với người viết, đặc biệt là người trẻ, viết là xoa dịu, là cứu rỗi, là “cô độc nên thơ”. Hãy đi bên cạnh họ. Đừng sợ họ vượt mình. Cũng đừng khuyên họ vượt mình. Hãy chúc họ trường sức để có thể tự vượt lên chính họ, để sớm tìm được khuôn mặt và giọng nói của họ. Đó là cuộc tìm kiếm vĩ đại nhất trong cuộc hiện sinh này.

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy