Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:25 (GMT +7)

Văn Thành Lê và cơ hội được tắm nhiều lần trên dòng – sông – tuổi – thơ

Bìa tác phẩm "Bên suối bịt tai nghe gió"

Trẻ em có thế giới cảm nhận, suy nghĩ riêng khác với người lớn, vì thế, mỗi nhà văn khi viết về thiếu nhi phải cực kì tinh tế, nhạy cảm để hóa thân, nắm bắt được vẻ đẹp tâm hồn trẻ. Viết “hồn nhiên” quá thì truyện kể không đảm bảo được tính thẩm mĩ và ý nghĩa giáo dục. Viết mà “cứng” quá, từng trải quá cũng dễ đánh mất cái trong trẻo, thơ ngây vốn có của trẻ thơ. Đành rằng, người lớn viết cho thiếu nhi, hẳn nhiên không thể không có bóng dáng, tiếng nói, suy ngẫm của người lớn, nhưng những kinh nghiệm, trải nghiệm và kể cả sự tưởng tượng cũng phải đảm bảo sự hợp nhất với lứa tuổi trẻ thơ. Bài học được gửi gắm trong mỗi câu chuyện phải uyển chuyển, tự nhiên mới tạo hứng thú, phù hợp với tư duy, cách nhìn của trẻ. Càng rút ngắn các “vân tay” của người lớn trên văn bản trẻ thơ thì tác phẩm càng chân thực và lôi cuốn. Bởi lẽ, trẻ con đều nghịch ngợm, ham chơi, ham khám phá, tìm hiểu và có lối nghĩ vô tư, thơ ngây, trong veo. Cảm quan yêu ghét cũng hết sức giản đơn, chủ tâm không đến từ sự ác ý. Văn học về thiếu nhi của Văn Thành Lê đã ít nhiều rút ngắn các hạn chế này. Cái nhìn, nhãn quan trẻ thơ được anh soi chiếu qua “Ông mặt trời và mùi hương của mẹ”[1], “Nam nhi, đại trượng phu”[2], “Trên đồi, mở mắt và mơ”[3] và “Bên suối, bịt tai nghe gió”[4]. Không khó để thấy cá tính hài hước, hóm hỉnh và một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương, cội nguồn ẩn giấu trong các tập sách. Đó đã là thành công của anh. Và thành công hơn nữa khi có sự nối tiếp bài bản giữa hai tập sách “Trên đồi, mở mắt và mơ” và “Bên suối, bịt tai nghe gió”. Chính trò chơi, sự tưởng tượng của ấu thơ đã khéo kéo khoảng cách, đảm bảo sự nhập vai chỉn chu giữa đứa trẻ - ấu thơ với đứa trẻ - người lớn trong anh. Nên, đọc hai tập sách này, người đọc cứ cảm tưởng mình là những đứa trẻ, đang chơi, đang phá phách, đang bộc lộ sở thích khám phá, đang tận hưởng kì nghỉ hè quá đã,...

1. Những góc nhìn ấu thơ

Mở đầu “Bên suối, bịt tai, nghe gió”, Thành - nhân vật xưng tớ trong truyện đã khéo léo nhắc nhở bạn đọc đọc “Trên đồi, mở mắt và mơ” để biết thêm những chuyện mà đồng bọn của Thành đã quậy tung trời trong kì nghỉ hè ở quê nội. Thành cũng nhắc lại những người bạn của mình với các biệt danh, đặc điểm riêng. “Bên suối, bịt tai, nghe gió” có nhiều chuyện nối tiếp kì nghỉ hè năm ngoái của Thành như lời hứa đưa nhiều sách báo về cho đồng bọn; chuyện chú lợn còi, chú Khang, bác cả Phú,... Duy chỉ khác ở “Bên suối, bịt tai nghe gió” là có sự chuyển giao người cầm cuốn từ điển, người cầm cuốn từ điển lần này là em Bống. Đây là cách Văn Thành Lê tạo điểm nhìn khác biệt và khát khao muốn nhân rộng tình yêu tiếng Việt. Đứng ở điểm nhìn của Thành, nhân vật kể truyện xưng tớ, người đọc được hòa mình như đi theo bước chân của nhân vật, như tự mình kể lại câu chuyện, như được tìm về, sống lại quãng ấu thơ đầy xúc động, chân thật.

Trong “Trên đồi, mở mắt và mơ” và “Bên suối, bịt tai nghe gió” không chỉ có sự đan lồng hai nhân vật như thường thấy ở các truyện thiếu nhi: nhân vật kể chuyện xưng tôi/tớ - là hiện thân nhân vật trẻ thơ của tác giả và nhân vật người lớn là tác giả đang ngẫm ngợi, nhìn về trẻ thơ mà còn được anh phân rã cái tôi của mình ra thành nhiều người: Thành, Lê, Văn. Đây là điểm riêng khác của Văn Thành Lê và cũng là điểm để anh thỏa sức bộc lộ cái tôi ấu thơ dí dỏm, tinh nghịch của mình. Điểm nhìn trẻ thơ qua lăng kính của ba nhân vật làm cho kì nghỉ hè của bọn trẻ thêm phần kì thú. Vậy, chẳng phải anh bí tên mà theo tôi đây là cách phơi trải tâm hồn mình, hóa thân vào nhân vật sâu hơn, chặt hơn. Tuổi thơ của tớ - Thành, thằng Văn, thằng Lê cũng là tuổi thơ của Văn Thành Lê và của người tiếp nhận, do đó, điểm nhìn này không đơn độc mà còn tạo được sự gắn kết, sự trùng nhau về nhu cầu gìn giữ tâm hồn nhi nhiên. Nói như vậy, dù biết rằng sự quay về ấu thơ của Văn Thành Lê chỉ là quá trình “lại giống” nhưng nó đủ sức neo vào người đọc tính khả thể, sự tin cậy.

Tác phẩm "Trên đồi mở mắt và mơ"

Văn Thành Lê không đi sâu vào miêu tả đặc điểm ngoại hình, tính cách của nhân vật mà chỉ nhấn mạnh một đặc điểm nổi bật nào đó để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Tính cách của bọn trẻ được bộc lộ thông qua lời nói, hành động, lối ứng xử. Thế giới tuổi thơ của “Trên đồi, mở mắt và mơ” và “Bên suối, bịt tai nghe gió” được tạo dựng bởi hai kì nghỉ hè đầy thú vị, bổ ích của bọn trẻ ở làng quê. Trong truyện, bạn đọc biết đến cậu bé Thành lúc nào cũng kè kè bên mình cuốn từ điển, ưa đọc sách, ưa khám phá và rất hài hước; thằng Lê với dáng tròn tròn, là thủ lĩnh của cả hội nhưng rất nhát gan; thằng Văn nói lắp “bền bỉ”, quyết nói lắp đến già nhưng có tài làm thơ; Điệp điệu, khi khóc vẫn điệu, nhưng rất ra dáng cô giáo; Bống còn nhỏ nhưng đã biết tra từ điển, thích tìm hiểu... Đặt mình trong điểm nhìn của Thành, Văn Thành Lê tái hiện thế giới xung quanh theo cảm quan của trẻ, với những câu chuyện, trò chơi phổ biến của tuổi thơ mà bất kì ai cũng đã từng chứng kiến, trải qua như chuyện cái bảng tin ở đình làng, đoàn lô tô với nhiều tiết mục hấp dẫn, trò chơi đám ma, làm cô giáo, cô dâu chú rể,… Trong đó có những trò chơi khờ dại, những suy nghĩ ngây ngô, chênh với thực tiễn, phi logic, phản ánh đúng đặc điểm vô tư, vô lo của bọn trẻ, nhưng buộc người lớn phải ngẫm ngợi, suy xét lại chính mình. Những tưởng tượng thú vị, nhiều khi đi ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống nhưng đó là thứ cảm xúc đẹp, có ý nghĩa sàng lọc và tái tạo tâm hồn. Những khao khát điều kì diệu ấy luôn vẫy gọi tâm hồn về phía thánh thiện, tích cực. Văn Thành Lê còn đưa vào câu chuyện những đề tài người lớn nhưng được soi chiếu từ góc nhìn trẻ như chuyện đám ma. Anh đã khéo đưa chuyện bọn trẻ chơi trò đám ma giả trước rồi đến đám ma cá và cuối cùng là đám ma thật của bác cả Phú. Bên cạnh những câu chuyện trong sáng, hồn nhiên cũng phải có những câu chuyện buồn thương, mất mát để bọn trẻ hiểu những mặt khác của cuộc sống, dù muốn hay không bất kì ai cũng phải chấp nhận và đón nhận. Lúc này, những khuấy động của tâm hồn sẽ cho các em những thấu cảm hơn về tình yêu giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên.

Đan xen với câu chuyện nghỉ hè của bọn trẻ là câu chuyện của gia đình, của người thân, của xóm làng. Các câu chuyện của người lớn qua chuyện bà đi chợ gặp bà con lối xóm, chuyện chú Khang và cô Lâm, chuyện bác cả Phú, chú Quân và em Linh,… đều cho bọn trẻ biết được giá trị của tình yêu, sự quan tâm lẫn nhau. Người lớn là tấm gương để bọn trẻ soi vào và tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm riêng, làm giàu tình cảm hơn với muôn loài. Đồng thời, họ là những người cho bọn trẻ những bài học kinh nghiệm bổ ích xuất phát từ cái nhìn yêu thương, lắng nghe, chia sẻ. Có nhiều bài học được Văn Thành Lê đưa vào truyện của mình như bài học về việc nhân rộng tình yêu đọc sách, bài học về sự khổ luyện, bài học về tình yêu thương và sự chân thành, bài học về tổ tiên, gốc tích, bài học về sự quý trọng bản thân... Bài học anh gửi gắm trong các câu chuyện không xuất phát từ sự giáo huấn, sắp/áp đặt. Bài học vừa nhẹ nhàng, gần gũi, tức thời và hợp lí, vừa cho thấy các nhân vật người lớn trong truyện của anh hầu hết đều rất tâm lí, quan tâm từng cử chỉ, suy nghĩ của trẻ. Không gian mà Văn Thành Lê chọn lựa “tái sinh” tuổi thơ là gia đình với những người thân yêu, trường lớp với lũ bạn tinh nghịch, làng quê với cánh đồng, con suối, núi đồi. Gia đình và xã hội giúp các em hình thành nhân cách, xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp. Đối với môi trường gia đình, nơi đó những đứa trẻ được yêu thương, đùm bọc. Từ ông bà đến cha mẹ, cô chú đều hết mực quan tâm, cưng chiều. Nhưng sự cưng chiều trong chừng mực cho phép, giúp trẻ được làm điều chúng thích và hiểu vì sao chúng được làm như thế và làm như thế thì có ý nghĩa gì. Với tâm sinh lí của trẻ, tình yêu thương của người lớn phải biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động, cử chỉ, chứ không đơn giản chỉ là lời giáo dục, dạy dỗ suông, cứng nhắc. Các lời giải thích, hành động quan tâm của người lớn luôn phù hợp với tâm lí của trẻ. Thành bị ốm được ông bà, cô Lâm chăm sóc tận tình. Ngay cả mẹ ở phố cũng điện thoại hỏi liên tục, nếu ốm nặng thì phải về nhà. Việc mẹ “ra giá” nếu không đỡ bệnh phải quay về phố gấp khiến Thành dũng cảm, cố gắng ăn hết tô cháo hành tăm. Đối với người lớn, ốm một chút để xem mình quan trọng như thế nào, nhưng đối với trẻ con, ốm thì đồng nghĩa với việc không được đi chơi, thế nên lời “ra giá” của mẹ cũng là lời đánh vào tâm lí ham chơi của trẻ để trẻ tự cố gắng nhanh chóng bình phục. Do vậy, trong các câu chuyện của trẻ, bao giờ Văn Thành Lê cũng khéo cài cắm các bài học. Các bài học đưa vào một cách tự nhiên, chủ yếu là thông qua cái nhìn phản biện của bọn trẻ. Ở những đoạn cần dẫn dắt bài học dành cho trẻ, anh thường lồng vào lời của người lớn nói với bọn trẻ hoặc lời của bọn trẻ nhớ lại lời dạy dỗ, nhắc nhở của người lớn. Nhưng không gian ấy vẫn là của bọn trẻ, nơi chúng bày tỏ, thổ lộ niềm vui được chơi, thích gì thì làm nấy và kể cả việc thỏa mãn ước mơ của mình. Vì chỉ khi thực sự được chơi, được tham dự tuyệt đối vào trò chơi, bọn trẻ mới bộc lộ sự tinh khôi, nhí nhảnh, thơ ngây của mình. Mọi quy ước, khuôn phép của người lớn đều được ngắm soi, nhìn nhận lại từ sự tráo vai này. Và trong vai trò tráo/đổi vai, người lớn có cơ hội thấu hiểu hơn thế giới lung linh, tiếng nói, tâm hồn và khát khao của bọn trẻ.

Ngoài những người thân, bạn bè thì loài vật, cây cối, đồ vật cũng trở thành những người bạn của bọn trẻ. Trong tư duy của trẻ, muôn loài đều như con người, có yêu thương, giận hờn và tiếng nói. Tiếng nói của các loài được thể hiện qua lăng kính, tư duy, trí tưởng tượng của trẻ. Tâm hồn của bọn trẻ rất đỗi mong manh, nhạy cảm nên chúng thường nhìn bằng cái nhìn trìu mến, chân thành. Bọn trẻ xem những gì có mặt xung quanh mình đều là những người bạn. Chúng trò chuyện và bộc lộ sự quan tâm, yêu thương, săn sóc theo cách của mình. Trong mắt bọn trẻ, vạn vật đều có tiếng nói, có linh hồn, biết vui biết buồn. Văn Thành Lê để bọn trẻ tự bày trò, tự bộc lộ, tự quan sát, tự rung động, tự xúc cảm, chứ không bị can thiệp theo nguyên tắc, nên tính vô tư, hồn nhiên được bộc bạch thoải mái, đúng điểm nhìn của chúng. Chuyện bọn trẻ làm đám tang cho ba con cá cũng để lại nhiều bài học, chúng biết cách yêu thương muôn loài và nỗi buồn không thể buồn hơn khi con vật mà mình yêu thương không còn. Tuy nhiên, sự nhạy cảm, sự tưởng tượng và niềm hứng thú giao tiếp, hòa nhập với muôn loài của bọn trẻ, nhất là đoạn nói chuyện với chú lợn còi, đoạn ở trên đồi, đoạn ở bên suối,… cũng cho người lớn những giây phút ngắm nhìn, phán xét chính mình. Cảm quan của bọn trẻ ở đây chí ít cũng đã đánh vào tâm lí của người lớn, dấy lên nỗi niềm thương yêu và nhu cầu cần thiết phải thấu hiểu tiếng nói của muôn loài. Khi người lớn không chi phối điểm nhìn của trẻ, biết trân trọng, nâng niu ước mơ của trẻ, người lớn mới thấy trí tưởng tượng độc đáo và quyền năng thổ lộ riêng của trái tim trẻ. Cái nhìn nhạy cảm, trái ngược của trẻ sẽ làm cuộc sống trở nên sinh động hơn, tươi vui hơn. Tuy nhiên, để trẻ giữ tâm hồn nhi nhiên, có thêm kinh nghiệm sống, bồi đắp hơn về mặt nhận thức, người lớn cũng phải có những định hướng phù hợp, mọi uốn nắn phải chừng mực.

Chúng ta dễ nhận thấy sự gặp gỡ thú vị, đồng nhất giữa tâm hồn trẻ thơ với thiên nhiên, đó là bản chất vô ưu, thanh sạch, thuần khiết. Văn Thành Lê luôn ý thức được điều này nên các trang viết của anh không ít lần đề cập đến sự hài hòa giữa trẻ với thiên nhiên. Trẻ em cần có sự gần gũi, những cuộc trải nghiệm với thiên nhiên, vì đó là nơi vừa giúp trẻ trưởng thành vừa nuôi dưỡng vẻ đẹp ấu thơ. Những khoảng lặng lắng vào thiên nhiên của bọn trẻ khi nằm giữa bãi cỏ mênh mông ở lưng chừng đồi mà mơ về ngôi nhà đang bay, trèo lên cầu vồng ngủ một giấc, làm chú bộ đội, làm phi công, làm họa sĩ,... là những khoảng lặng đẹp nhất để người lớn hiểu hơn khát vọng của bọn trẻ, giúp bọn trẻ hiện thực hóa khát vọng ấy, đồng thời chính bản thân người lớn cũng được hành trình trở về những năm tháng hồn nhiên, đáng yêu. Chỉ có không gian của làng quê mới cho bọn trẻ những khoảng lặng của tâm hồn để mơ, để ước ao, để đằm thật sâu vào thiên nhiên. Các cảm giác này không bao giờ giống nhau, hun đúc trong lòng bọn trẻ những khao khát về với làng, yêu làng và cũng nhân thêm tình yêu cuộc sống: “Cả hội bám vào những - quả - ước - mơ của mình, lửng lơ bay lên, vào thăm thẳm trời xanh” [3; tr.81]. Khám phá bản chất tự nhiên của trẻ trong tự nhiên của thiên nhiên, Văn Thành Lê bộc lộ tấm lòng yêu mến, thiết tha đối với bầu trời ấu thơ, bầu trời một đi không trở lại và một tình yêu sâu nặng với quê, với thiên nhiên.

2. Khoảng trời ấu thơ riêng

Chìa khóa quay về miền nguồn hẳn nhiên không đơn giản chỉ ghi lại, kể lại, nhập cuộc với những gì đã xảy ra mà Văn Thành Lê phải xử lí thật tinh tế câu chuyện anh đã hóa thân, để người đọc, dù ở lứa tuổi nào, cũng thấy mình đang tắm táp, đang cựa quẫy trong đó. Nghĩa là, Văn Thành Lê dành tấm vé về ấu thơ cho cu Đâng, Nam, Thành và bọn trẻ thì cũng phải dành tấm vé cho những người đọc khác, kể cả chính mình. Để có được cuộc hành hương ấu thơ hấp dụ, lôi cuốn đòi hỏi Văn Thành Lê phải khéo hợp nhất về mọi mặt như vấn đề xử lí không gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu, cấu trúc, nhân vật, nội dung,…

Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với câu chuyện ấu thơ. Cách dẫn dắt truyện tự nhiên, khéo léo cài cắm thông tin, kiến thức, giúp các em nhận ra bài học và cách vận dụng bài học cho bản thân. Anh sử dụng nhiều ngôn ngữ đối thoại vì ở lứa tuổi này, bọn trẻ đa phần nói nhiều, thích nói ra điều đang nghĩ và rất tò mò, muốn tìm hiểu. Những cuộc đối thoại của bọn trẻ thường rất sôi nổi, hồn nhiên, trong sáng. Mỗi bạn mỗi tính nhưng chúng đều hòa đồng, yêu thương nhau, không một chút tự ái, nếu có giận thì giận một lúc, lúc sau lao vào trò chơi khác chúng lại quên ngay. Bởi thế bọn trẻ trong truyện của Văn Thành Lê khi nào cũng vui vẻ, hồn nhiên, thơ ngây chứ không suy nghĩ nhiều, trăn trở như người lớn. Những cuộc đối thoại của trẻ bao giờ cũng tạo ra các tình tiết bất ngờ, nhất là các cuộc đối thoại với người lớn. Trẻ rất nghiêm túc, minh bạch, thật thà trong mọi chuyện. Cho nên, những điểm chênh, lệch, trái ngược, bật ra từ sự hồn nhiên, tinh khôi, không hề có sự sắp đặt của trẻ không chỉ tạo ra chất hài hước, hấp dẫn người đọc mà thậm chí như là sự giễu nhại lối sống, suy nghĩ của người lớn. Mọi sự dàn xếp, chủ ý của người lớn đã bị bọn trẻ “lật tẩy” một cách bất ngờ. Dù người lớn có chấp nhận hay không chấp nhận lời của bọn trẻ nhưng ít ra tự bản thân người lớn đã có những nghi hoặc về bản thân trước cái “lỗi” đầy đáng yêu của chúng.

Viết cho trẻ, càng hạn chế kiểu bình luận ngoại đề càng tốt, nếu không sự xâm nhập ý thức của người lớn quá nhiều, tạo cảm giác răn dạy cứng nhắc.

Văn Thành Lê hạn chế điểm này bằng cách trao kiểu bình luận ngoại đề cho nhân vật người kể chuyện trẻ em nên bài học đưa vào thường nằm ngay trong lời nói, hành động, thái độ của chúng. Trẻ tự bộc lộ, tự nhớ lại những lời căn dặn của người lớn hoặc tự nói lên suy nghĩ của mình trước một vấn đề nào đó. Pha xử lí những điểm “già trước tuổi” bao giờ cũng được Văn Thành Lê vin vào cuốn từ điển, vào lời của ông bà, cha mẹ, cô chú,… Đưa chi tiết cuốn từ điển vào “Trên đồi, mở mắt và mơ” và “Bên suối, bịt tai nghe gió”, cho thấy dụng ý ban đầu của Văn Thành Lê, giúp anh mềm hóa những điểm cứng nhắc, những đoạn thể hiện bài học, những đoạn bọn trẻ có vẻ chững chạc hơn so với độ tuổi của chúng. Vì vậy, người đọc dường như ít thấy sự nhúng tay quấy rối nội tâm nhân vật của tác giả. Những sinh động nội tâm được phát lộ qua sự quan sát của trẻ. Cùng lắm là sự xuất hiện lời văn nửa trực tiếp, lời của tác giả nhập cuộc, hòa điệu với lời của trẻ, hay nói cách khác, luận suy mang dáng dấp trẻ con - người lớn như đoạn nói về môi trường; đoạn bọn trẻ biết được tình cảm giữa cô Lâm và chú Khang; đoạn nói về tình cảm của chú Quân với cô Lâm nhưng không được cô Lâm để ý. Chính vì vậy, mạch văn của Văn Thành Lê rất sát, gần gũi với tâm lí trẻ, đảm bảo sự hồn nhiên, chứ không có cảm giác lên giọng, giúp người đọc như đang sống cùng, chơi cùng trẻ.

Tính ngô nghê được anh khai thác triệt để, hầu như ở chuyện nào, trò chơi nào của bọn trẻ cũng được bộc lộ, một mặt phản ánh đúng tâm sinh lí mặt khác cho người đọc cái phì cười tự nhiên. Lối tư duy, lập luận đầy bất ngờ, thả đúng điểm này còn cho thấy một Văn Thành Lê lúc nào cũng bông đùa, tếu táo, biết tạo sự riêng khác cho truyện kể và phong cách, cá tính của mình. Khi chú Khang nói con người phải biết cách yêu thương những gì xung quanh mình, Thành liến thoắng ngay: “Như chú yêu cô Lâm ấy ạ?”. “Chú và cô Lâm là Người yêu người sống để yêu nhau, còn chú đang nói là mình yêu con vật và cây cối” [3; tr.106-107]. Có khi anh để chúng tự bộc bạch những câu hỏi, suy nghĩ rất hồn nhiên: “Chẳng biết thạch sùng có bao giờ ốm không? Hay quãng đời của chúng không đủ dài nên không có thời gian để ốm?” [3; tr.88]; “trước giờ chúng tớ cứ nghĩ nhà văn là phải già lắm, thậm chí là... chết rồi” [4; tr.22]. Hay từ câu nói quen thuộc của người lớn “nhờ trời nên vẫn khỏe”, Thành nhanh nhạy “Trời ở xa tít thì nhờ kiểu gì?” [3; tr.20]. Có nhiều đoạn anh so sánh, dẫn dắt tếu táo mà gợi nhiều suy nghĩ: “Nhiều đứa đã ghen tị, thèm chảy nước dãi khi không có quê là một làng nào đó để về. Nhiều đứa bạn không có quê để về, nhưng sách thì có thể về” [4; tr.22]. Bố Thành nói: “Thành được làm nên từ mồ hôi và nước mắt”. Thành suy ra chuyện thằng Văn làm thơ, ngcông oài chuyện ham đọc sách, ham viết còn vì lí do “thơ được làm ra từ muỗi đốt, kiến cắn và những cái mông đỏ au” [4; tr.73]. Cái hài hước vừa đánh thức những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của bọn trẻ, vừa lật lại các vấn đề một cách nhẹ bẫng mà độc đáo, nghiêm túc mà khôi hài, khiến người lớn như vỡ òa ngạc nhiên, nhận ra chính mình rõ hơn. Như vậy, thế giới trẻ thơ của Văn Thành Lê đa phần lấy tiếng nói, xúc cảm của các em làm nền tảng. Mỗi đứa trẻ đều có chính kiến, có hành động, thái độ riêng trước các sự việc, hiện tượng. Đời sống trở nên muôn màu muôn vẻ, lung linh dưới góc nhìn tươi mới, đáng yêu của các em. Văn Thành Lê dùng suy nghĩ non nớt, liên tưởng dễ thương, lạ lùng của bọn trẻ để lí giải những điều đang xảy ra xung quanh cũng cho người đọc những suy ngẫm, phải xét đoán lại những việc mà mình đã từng trải qua. Người lớn nhìn nhận mọi việc theo thực tiễn. Bọn trẻ lại nhìn nhận mọi việc theo trí tưởng tượng, nên cái nhìn của chúng luôn tạo sự mới mẻ, khác lạ với người lớn. Và bọn trẻ luôn có niềm tin vào cái thế giới mà chúng mộng tưởng, nghĩ ra.

Đọc những trang viết của Văn Thành Lê, người đọc luôn cảm giác nhẹ nhõm, vui tươi. Giọng kể của anh luôn ôm chứa chất hài hước, dí dỏm, tinh nghịch, không chỉ bộc lộ ở những cuộc đối thoại mà còn thông qua những đoạn bọn trẻ tự thổ lộ, bộc bạch suy nghĩ của chúng. Như đoạn nghe bà kể chuyện chú lợn lười ăn phải tiêm vào mông ba mũi mới ăn, Thành hồn nhiên: “Nghe bà kể lại mà tớ nhói... cả mông. Chả trách, đợt đó tớ hắt xì hơi liên tục” [4; tr.29]. Đoạn Thành cho rằng thằng Lê đoạt ngôi thủ lĩnh, gan dạ và lì nhất hội nhưng “cũng có lúc đầu không điều khiển được chim, tè ra cả quần” [3; tr.20]. Đoạn bọn trẻ xem đoàn lô tô biểu diễn, chi tiết “sợ vãi cả ra quần”: “chim không tọt lên cổ cũng đái ướt ra cả sân khấu chứ không chỉ ướt quần” [4; tr.94]. Tự thân mỗi đứa trẻ trong truyện của anh đã mang đến một kho sống động về đời sống. Để thế giới tuổi thơ thêm phần thú vị, vui tươi, anh còn đưa lời bài hát vào các tập sách như “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”, “ồ sao bé không lắc”, “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”,… Lối trích dẫn này không chỉ có trong truyện viết về thiếu nhi mà đã xuất hiện trong truyện của tuổi mới lớn, truyện của người lớn và kể cả trong văn phong phê bình. Nó thể hiện sự vận động hoạt bát trong lối viết mà không phải người viết nào cũng tạo ra được. Nhờ thế, những câu chuyện buồn hay những câu chuyện có hơi hướm buồn, dưới góc nhìn của anh đều trở nên lạc quan. Mà chất vui tươi, yêu đời lại là yếu tố cần thiết để người viết khai thác thành công sân chơi thiếu nhi. Sự chuyển đổi về ngoại hình sau kì nghỉ hè được tớ - Thành nghĩ ngay đến câu hát “nay da em nâu tươi màu suy nghĩ” [3; tr.14]. Vận dụng điểm trùng về mặt ngữ âm trong tiếng Việt, Văn Thành Lê đã diễn tả được sự hài hước đầy đáng yêu của bọn trẻ. Những lời đối đáp, suy nghĩ kịp thời ấy vừa thể hiện lối ứng xử khá nhanh, láu lỉnh của bọn trẻ vừa cho người đọc cảm giác trải nghiệm ấu thơ ngay trên trang sách. Song hành với lát cắt bài hát, anh còn đưa vào truyện những bài thơ. Một số bài thơ anh đưa vào sách như “Gió”, “Mùa hè”, “Ông đau chân”,… đều góp phần làm rõ hơn thế giới tâm hồn, cuộc sống xung quanh qua đôi mắt trẻ, khơi gợi, đánh thức những tình cảm tốt đẹp và tâm hồn yêu thơ văn của trẻ. Anh còn đưa thành ngữ, tục ngữ như lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, ngu như lợn, thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ, dao sắc không gọt được chuôi, vững như kiềng ba chân,… vào các tập truyện để gia tăng nguồn kiến thức và cũng là phương tiện làm cho câu văn thêm tự nhiên, sống động. Nhưng dưới bàn tay của anh, đa phần chúng chỉ dùng như là cái cớ để anh phản chiếu góc nhìn ngây ngô, hoàn toàn tự nhiên của trẻ: “Ông nội từng giải thích, khi nói hay làm gì mà người khác không đủ trí khôn để hiểu thì chẳng khác nào đàn gảy tai trâu. Không biết tiếng mõ trâu vào tai tớ có như đàn gảy tai trâu không nữa?” [3; tr.46]. Hoặc đoạn: “Bố tớ hay bảo lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Vậy mà không hiểu sao, chẳng cần lâu ngày, mới vài phút, lửa đã không chỉ bén mà còn cháy, lại còn cháy to, lan sang cả đống rơm” [3; tr.61]. Sự giễu ở đây không xuất phát từ sự châm biếm, cợt nhả mà xuất phát từ cái nhìn chân thực, giàu tình thương của anh đối với trẻ, muốn khắc họa tình cảm, thái độ hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu của trẻ. Các liên văn bản mà anh đưa vào trong truyện đã trở thành trò chơi, đậm dấu ấn sáng tạo của anh. Cái duyên hóm hỉnh trong lối kể sản sinh ra những kết cấu tương phản, tương ứng đầy đắc địa.

Bên cạnh đó, sự liên thông về tính triết lí, bài học ngay ở nhan đề cũng là một điểm nhấn trong sáng tạo của Văn Thành Lê. Anh đặt nhan đề các truyện rất hay: “Tên làng sẽ đi khắp thế giới”, “Ốm nặng thì phải về nhà”, “Đồ ăn xóa tan ngăn cách”, “Tình yêu khiến người ta thay đổi?”, “Thời gian có cánh có chân”, “Yêu thương hóa giải mọi chuyện”, “Tình yêu gọi tên một người”,… Nhan đề vừa tạo sức hút với người đọc vừa phát huy sự tác động của nó đến khả năng xâu chuỗi giá trị các bài học trong các truyện. Văn Thành Lê còn vận dụng kiểu lặp âm, nói lái, ngắt câu/chữ gây sự chú ý, tạo sự vui vẻ cho người đọc như lặp âm: “Cười trừ và đỏ nhừ cả má” [3; tr.36], nói lái “Mùi đi với Hợi là mời cả hụi vui luôn” [4; tr.37], ngắt trật khớp “Gia đình hai con vợ/ chồng hạnh phúc” [4; tr.57]… Khi những từ ngữ bị anh đẩy xa khỏi bản nguyên, căn gốc của nó, chúng có khả năng khai mở nghĩa mới, lạ hóa, trào lộng mọi vấn đề được nhắc đến. Tiếng cười góp phần làm cho câu chuyện của bọn trẻ trở nên nhẹ nhàng và tươi tắn hơn.

Viết cho thiếu nhi dễ hay khó? Riêng “Trên đồi, mở mắt và mơ” đã in lần thứ 6 với sự đầu tư trọng điểm, công phu về mĩ thuật dành cho tác phẩm có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả qua thời gian. Còn Bên suối, bịt tai nghe gió mới phát hành vài tháng đã có quyết định in lần thứ 2, dù giữa đại dịch COVID-19, chứng thực sự quan tâm từ phía độc giả, khước từ quan niệm xem văn học thiếu nhi là “chiếu dưới”, là “thiếu và yếu” và cũng là ao ước của bất kì một cây bút nào viết về mảng văn học thiếu nhi. Nhưng ở Văn Thành Lê bao giờ cũng là sự khiêm tốn, chừng mực, là ý thức không ngừng cật vấn, đối thoại, tự nghi hoặc chính mình. Bởi vậy, anh không hề đi lạc đường mà đang đi rất cẩn trọng, rất vững. Thế giới tuổi thơ được anh đánh thức bằng quyền năng nhi nhiên của trái tim, bằng tình yêu quê, thiên nhiên và con người, kèm theo đó là lối viết hài hước, rất duyên, đảm bảo được yếu tố vui tươi, hấp dẫn, hứng thú, có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật tự sự, nên mỗi người đọc dù ở lứa tuổi nào đều có được tấm vé trở về tuổi thơ.

Hoàng Thụy Anh

Tháng 8/2021

-------------------

Tài liệu tham khảo:

[1]. Văn Thành Lê, Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Nxb Trẻ, 2011.

[2]. Văn Thành Lê, Nam nhi, đại trượng phu, Nxb Trẻ, 2016.

[3]. Văn Thành Lê, Trên đồi, mở mắt và mơ (tái bản), Nxb Kim Đồng, 2021.

[4]. Văn Thành Lê, Bên suối, bịt tai nghe gió, Nxb Kim Đồng, 2020.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy