Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:02 (GMT +7)

Văn học trẻ hôm nay: tiếp tục “lạ hóa một cuộc chơi”

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Đầu thế kỉ XXI, cùng với những nhà văn đã thành danh từ thập niên 90 của thế kỉ XX như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Y Ban,… nhiều nhà văn trẻ đã xuất hiện và khẳng định tên tuổi của một thế hệ nhà văn mới với nhiều cách tân, thể nghiệm. Họ, chủ yếu thuộc về thế hệ 6x, 7x, người trước, kẻ sau đã khiến văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI mang một diện mạo mới và chuyển từ hệ hình hiện đại sang hậu hiện đại. Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận,… những đại diện tiêu biểu của các nhà văn thế hệ 6x, được coi là đã gây nên những cơn chấn động bằng tiểu thuyết với Thoạt kì thủy, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Chinatown, Paris 11 tháng 8… trong khoảng 5 năm đầu tiên của thế kỉ mới.

5 năm tiếp sau đó, một thế hệ nhà văn trẻ hơn, thế hệ 7x với Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên… tiếp tục bổ sung lực lượng và cùng với các nhà văn 6x đang vào hồi sung sức, khẳng định thành tựu của văn xuôi Việt Nam thập niên đầu thế kỉ XXI. Chênh lệch không nhiều về tuổi tác, về thời gian lần đầu xuất hiện tác phẩm và thành danh trên văn đàn, các nhà văn 6x, 7x đã gặp gỡ nhau ở quan niệm “trò chơi hóa” văn học, mang lại những cách viết mới, lạ so với trước. Đây là lí do khiến tác giả bài viết này, trong một công trình nghiên cứu trước đây, đã khẳng định: văn xuôi, nhất là tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI là sự “lạ hóa một cuộc chơi”.

Đến nay, các nhà văn được “điểm danh” ở trên không còn là nhà văn trẻ. Một thế hệ những người viết trẻ mới đã xuất hiện và tiếp tục mang khát vọng dùng văn chương để suy tư về con người và xã hội theo cách của họ. So với mười lăm hay hai mươi năm trước, những mối bận tâm của người trẻ hôm nay có thể đã khác. Song, nhìn từ tư duy nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhiều cây bút, có thể nói, văn học trẻ hôm nay vẫn tiếp tục “lạ hóa một cuộc chơi”. Sự chơi bằng văn chương ấy là bằng chứng cho thấy khát vọng “làm mới” văn học đã được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Để người trẻ hôm nay có thể vẫn nói về cái quen thuộc, cái đã qua theo một cách riêng, và nhất là theo một cách đủ sức gây hứng thú vì cái “lạ” trong cách chơi ngôn ngữ, chơi cấu trúc.

Văn học Việt Nam tính từ đầu thế kỉ XXI đến nay đã có hơn hai thập kỉ để hội nhập thế giới và đạt được nhiều thành tựu. Trong hơn hai mươi năm ấy, văn xuôi Việt Nam là một dòng chảy không đứt đoạn với những cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ nhà văn trẻ. Văn học trẻ hôm nay, vì vậy, chỉ là một chặng trong hành trình hơn hai mươi năm đã qua và rất nhiều năm sắp tới. Khó có thể đòi hỏi các sáng tác ấy hoàn toàn khác trước và sẽ không giống những tác phẩm về sau. Cũng khó có thể rạch ròi về độ tuổi của các nhà văn và thời điểm ra đời của các tác phẩm được gọi là văn học trẻ. Để dễ chọn một lát cắt hòng nhận diện văn học trẻ hôm nay, bài viết này sẽ tập trung khảo sát các tác giả có tác phẩm xuất bản trên dưới năm năm trở lại đây, những tác giả tạm gọi là đã “có danh” ở địa hạt tiểu thuyết, truyện ngắn và chủ yếu thuộc về thế hệ 8x, 9x.

Văn học trẻ hôm nay - nhìn từ những hiện tượng “lạ”

Dấu hiệu để nhận biết sự xuất hiện của các nhà văn trẻ là những hiện tượng, những “ồn ào” văn học xung quanh họ. Bởi, người trẻ bao giờ cũng được chờ đợi; và cùng với sự kì vọng, đón nhận là cả những thận trọng, dè chừng. Điển hình cho sự “trình làng” gây được nhiều chú ý như thế là trường hợp Huỳnh Trọng Khang, sinh năm 1994, với Mộ phần tuổi trẻ (2016). Có không ít ý kiến chê cách viết “làm dáng” và chỉ ra những “hạt sạn” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn thuộc thế hệ 9x này. Tuy vậy, từ đề tài đến lối viết, có thể thấy một bút lực đầy đặn trong sáng tác của Huỳnh Trọng Khang, một chàng trai chỉ mới 20 tuổi khi “dám” dấn thân vào những câu chuyện của thời Việt Nam Cộng hòa, của một quá khứ gần vốn dễ gây nhiều tranh cãi và không hẳn đã thuận chiều trong tiếp nhận. Có lẽ Huỳnh Trọng Khang đã làm nóng “dư luận” như trường hợp của Nguyễn Thế Hoàng Linh với Chuyện của thiên tài từ hơn mười năm trước đó. Đáng mừng là Huỳnh Trọng Khang không để độc giả “quên” anh khi tiếp tục xuất bản tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ (2018), và gần đây là tập truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ (2021). Với sức viết như thế của một cây bút chưa đến 30 tuổi, độc giả có thể ghi nhận và chờ đợi những thành công tiếp theo của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang. Và từ trường hợp Huỳnh Trọng Khang, chúng tôi cho rằng, tiêu chí để một nhà văn trẻ được thừa nhận còn là khả năng đeo đuổi con đường văn chương dài lâu, với các tác phẩm tiếp tục được xuất bản sau lần trình làng tác phẩm đầu tay có đôi khi vẫn còn ít nhiều non nớt.

Gần như cùng thời điểm với Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy, sinh năm 1989, cũng là một cái tên gây được chú ý khi ra mắt tiểu thuyết Đàn bà hư ảo (2016). Từ tiêu đề đến nội dung và nghệ thuật trần thuật của tiểu thuyết, có vẻ như Đàn bà hư ảo khó có thể là sáng tác của một cô gái thuộc cuối thế hệ 8x, bởi sự già dặn và từng trải của tác giả ẩn trong từng câu chữ. Với những câu chuyện về giới nữ được lột tả trần trụi mà thẳm sâu đến tận cùng, Đàn bà hư ảo và ngay sau đó là Phúc âm cho một người (2017) ít nhiều đã khiến độc giả sửng sốt. Thế giới đàn bà trong các trang viết của Nguyễn Khắc Ngân Vy đã tạo ra những ám ảnh “giới” đặc biệt (dẫu đôi khi vượt ngưỡng), như Y Ban đã từng gây nên một cú sốc nhận thức qua diễn ngôn nữ giới với truyện ngắn Thư gửi mẹ Âu Cơ từ hơn hai mươi năm trước.

Gần đây, Lê Khải Việt cũng là một hiện tượng lạ gây xôn xao trong văn giới. Khác với Huỳng Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy, những người được đào tạo và hành nghề chữ nghĩa, Lê Khải Việt vốn ngoại đạo với văn chương ngay từ xuất phát điểm. Lê Khải Việt sinh năm 1983, tốt nghiệp luật kinh doanh quốc tế và từng hành nghề luật, kiểm toán trước khi “định danh” bằng văn chương qua tập truyện ngắn Chuyến bay tháng ba chỉ mới vừa được xuất bản năm 2021. Xem sử liệu như là đối tượng của văn học, truyện ngắn của Lê Khải Việt là một cú ngoái lui về quá khứ gần để sưu tập những chứng tích của chiến tranh: chiến tranh qua cái nhìn của một cựu binh Mỹ, chiến tranh từ kí ức của những thân phận di cư, chiến tranh trong những dằn vặt, ám ảnh của con người thời hậu chiến… Viết về chiến tranh để thấu hiểu, trải nghiệm cảm giác của người trong cuộc hơn là để phản ánh, đánh giá, Lê Khải Việt đã làm lạ một đề tài quen. Dẫu độ tuổi có phần “già” hơn so với nhiều nhà văn trẻ khác, dẫu chưa có nhiều thành tựu và tác phẩm đầu tay được ra mắt khi không còn thật trẻ như Huỳnh Trọng Khang và Nguyễn Khắc Ngân Vy, Lê Khải Việt vẫn là một trường hợp đáng chú ý nếu nhìn vào nội lực và niềm đam mê văn chương của anh thấm đẫm trên từng trang viết. Và như thế, độc giả hoàn toàn có quyền hi vọng vào “nhà văn trẻ” này cùng những dự án, những tác phẩm đang còn được ấp ủ của anh.

Ngoài ba trường hợp kể trên, văn học trẻ hôm nay còn được khẳng định bởi nhiều cây bút tiểu thuyết và truyện ngắn khác như Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Dương Quỳnh, Phạm Thu Hà, Tống Phước Bảo, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Lê Quang Trạng, Phan Đức Lộc… Trong số họ, không phải ai cũng trở thành “hiện tượng” hay tâm điểm của một giai đoạn văn học nào đó. Dẫu vậy, bằng những thành quả sáng tạo có đôi khi âm thầm, lặng lẽ, các nhà văn trẻ đã làm đầy thêm cho thành tựu chung của văn học đương đại, xác lập vị trí của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI trong tiến trình vận động của văn học dân tộc.

Văn học trẻ hôm nay - nhìn từ những lối viết “lạ”

Văn học trẻ thường được “để ý” bắt đầu từ các hiện tượng, các trường hợp “lạ” khi độc giả còn chưa kịp “quen” với cái tên tác giả, tác phẩm ấy. Tâm lý háo hức, chờ đợi dễ khiến cộng đồng vồ vập với các cây bút trẻ. Tuy vậy, cùng với sự kì vọng, đón nhận, độc giả và văn giới cũng thường hoài nghi và dè dặt với phần nhiều các tác giả, tác phẩm chưa kịp được thời gian kiểm chứng. Thêm vào đó, những “ồn ào” văn chương mang tính thời vụ cũng thường qua nhanh khi người đời vốn dễ quên, và luôn sẵn sàng quên để lại đón nhận các hiện tượng, các trường hợp đáng chú ý mới. Để tồn tại và xác lập “tên tuổi”, các nhà văn trẻ cần phải “lạ” từ tư duy nghệ thuật, từ lối viết. Đáng mừng là nhìn vào diện mạo văn học trẻ, có thể thấy rõ những lối viết “lạ” như thế. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy văn học trẻ hôm nay vẫn tiếp tục “lạ hóa một cuộc chơi”.

Nhà phê bình Hoài Nam trong bài viết Những người viết trẻ tự sự về quá khứ cho rằng: “Tự sự về quá khứ trong văn chương đương đại của những người viết trẻ hình như cũng báo hiệu vài điều gì đó đang chuyển động, mới mẻ và đầy hứa hẹn, ở cách họ đánh thức và tái cấu trúc quá khứ”. Đây là một phát hiện đúng và tinh tế khi nhận diện văn học trẻ hôm nay. Văn học trẻ hôm nay không mới về đề tài. Các nhà văn trẻ có thiên hướng chọn những cái đã qua, chọn quá khứ, chọn lịch sử để nghĩ tiếp và nghĩ mới. Cái mới và lạ của văn học trẻ là ở cách “đánh thức và tái cấu trúc quá khứ”. Nhiều tác giả đã tự mình làm một cuộc chơi mới bằng văn chương trên nền truyền thống. Và bằng những lối viết “lạ”, những con người trẻ tuổi ấy đã tạo nên những chuyển động mới cho văn học Việt Nam đương đại. Có thể thấy rõ điều này qua những tác phẩm viết về lịch sử, về chiến tranh của Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Hữu Nam, Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt, Đinh Phương,…

Sinh năm 1984 và đã có đến 5 tập truyện ngắn (không kể tản văn và nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi), Nguyễn Thị Kim Hòa là một cái tên đã được thừa nhận sau hơn mười năm sáng tác. Đánh giá về nữ nhà văn quê ở Ninh Thuận này, Nguyễn Bình Phương cho rằng chị “có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội”. Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014 và lời nhận xét của Nguyễn Bình Phương là một sự “bảo đảm” quan trọng để Nguyễn Thị Kim Hòa có chỗ đứng trong chiếu văn trẻ. Tuy vậy, tên tuổi của Nguyễn Thị Kim Hòa chỉ thực sự được xác lập khi chị cho ra mắt tập truyện ngắn dã sử Con chim phụng cuối cùng (2017). Với tập truyện này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã có một cuộc chơi lạ khi nhìn lịch sử từ cái nhìn nữ giới và bằng thân phận nữ giới. Đã có một lịch sử mang gương mặt đàn bà qua các nhân vật phụ nữ mang những số phận bi ai trong tập truyện ngắn được thêu dệt từ những giấc mơ huyễn hoặc của quá khứ này. Thật ra, hư cấu lịch sử, tưởng tượng về lịch sử vốn không mới. Cái mới và lạ của truyện ngắn dã sử Nguyễn Thị Kim Hòa là đưa diễn ngôn giới vào diễn ngôn lịch sử, truy bức đến tận cùng về “quyền” của phụ nữ trước những sóng gió lịch sử, bất kể họ là công nương hay nữ tướng, là phụ nữ Việt hay phụ nữ Chiêm, là con người của lịch sử hay chỉ là nhân vật của văn học lịch sử. Có thể nói, lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Thị Kim Hòa là lịch sử của những suy tư, của những người đàn bà chìm đắm, vật lộn trong các ý nghĩ, dù là nhân vật hay tác giả. Lối viết dòng ý thức cùng cái nhìn khác về lịch sử, về những con người đa diện bị lôi kéo vào guồng quay lịch sử…, đã “làm lạ” một cách tiếp cận lịch sử bằng văn chương.

Một tác giả tuy không còn trẻ song rất nên được nhắc đến khi đánh giá về mảng văn học đề tài lịch sử là Nguyễn Hữu Nam. Như trường hợp của Lê Anh Hoài, cùng thế hệ 6x với Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận,… song tham dự vào sân chơi văn chương muộn hơn, và thành danh cùng thời với những nhà văn 7x như Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang…, Nguyễn Hữu Nam cũng thuộc vào nhóm tuổi đời thế hệ trước, nhưng tuổi thành danh lại gắn với thế hệ sau. Sinh năm 1978, ra mắt tiểu thuyết đầu tay Thạch Thảo kì duyên vào năm 2006, có thể xem anh là nhà văn trẻ từ cách đây hơn 10 năm. Song, cái tên Nguyễn Hữu Nam được biết đến nhiều hơn phải kể từ tiểu thuyết Huyền Trân (2011), Uống trà cùng Trạng (2016) và thực sự gây ấn tượng từ tiểu thuyết Gốm (2018) và Vua Thành Thái (2021). Với cấu trúc văn bản gồm 12 phần, 12 mảnh ghép của những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến 12 gam màu/tông màu, 12 tuyệt tác gốm sứ, cùng với đó là 12 cái tôi đồ vật kể chuyện trong vai trò chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, thăng trầm văn hóa, Gốm là một tiểu thuyết lịch sử… lạ lùng so với các tiểu thuyết lịch sử truyền thống và cả tiểu thuyết tân lịch sử.Bởi lịch sử không là trục chính, dù tác giả đã xác lập ngay từ bìa sách rằng đây là tiểu thuyết lịch sử, dù chân dung của Hàm Nghi, Đồng Khánh cùng nhiều sự kiện lịch sử được tái hiện chân xác. Cũng như thế, bằng cách tháo tung lịch sử thành các mảnh ghép, bằng cách kể chuyện từ nhiều điểm nhìn, nhiều chủ thể trần thuật, và bằng cả cách đặt tên chương tinh gọn, đầy ám dụ, với Vua Thành Thái, một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh và trinh thám, Nguyễn Hữu Nam đã tạo ra một xu hướng tiểu thuyết ngắn ở mảng đề tài lịch sử và bước đầu thành công. Có thể nói, miệt mài với tiểu thuyết lịch sử cùng kĩ thuật viết càng về sau càng điêu luyện, Nguyễn Hữu Nam đã trình hiện một lối viết mới ở văn học đề tài lịch sử, góp thêm một hướng đi lạ và độc đáo trong các xu hướng văn học trẻ hôm nay. Có thể xem Nguyễn Hữu Nam là một nhà văn trẻ bởi anh còn nhiều tác phẩm khác sắp xuất hiện và vẫn còn tiếp tục đeo đuổi nghiệp viết với những háo hức thể nghiệm của một người… đang còn trẻ.

Các nhà văn trẻ hôm nay thường có xu hướng chọn một quá khứ gần khi “tự sự về quá khứ”. Không ưu tiên viết lại lịch sử thời Lý, Trần, Lê như các nhà văn lớp trước, Nguyễn Hữu Nam dành nhiều tâm huyết hơn cho các tác phẩm viết về nhà Nguyễn, đặc biệt là ở những giai đoạn thoái trào. Huỳnh Trọng Khang chọn tái hiện xã hội miền Nam tao loạn trước 1975 với những phận người nổi nênh trong chiến tranh và ưu tiên lí giải lịch sử từ những góc khuất. Từ cái nhìn của con người hậu chiến, Lê Khải Việt cũng tìm về quá khứ gần từ phía của những chấn thương tinh thần, của những truy vấn về chiến tranh từ những tàn tro quá khứ. Và vừa viết về một lịch sử gần, vừa tạo nên một môi trường “giả lịch sử”, với Nắng thổ tang (2021), nhà văn Đinh Phương, sinh năm 1989, trở thành một tên tuổi đáng chú ý của văn học trẻ, một trường hợp tiêu biểu của sự lạ hóa trong lối viết, dẫu những tác phẩm trước đó của anh, nhất là tiểu thuyết Nhụy khúc (2016), cũng rất đáng được ghi nhận.

Từ hai dấu mốc thời gian đặc biệt trong tác phẩm, năm 1930 với sự kiện mười ba lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng bị thực dân Pháp chặt đầu ở Yên Bái và năm 1954, một cuộc di dân lớn đã diễn ra theo chiều từ Bắc vào Nam, sau khi đất nước bị phân đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới; với Nắng thổ tang, Đinh Phương đã viết về một “lịch sử khác”, một lịch sử của những khoảng trống, những ảo ảnh hơn là lịch sử của những sự kiện nổi bật hơn cũng diễn ra vào thời gian đó. Và để nói đến một lịch sử bị vô danh hóa hay còn lẩn khuất trong sương mù của quá khứ, Đinh Phương đã chọn một lối viết lạ. Thủ pháp nhại và hình thức siêu hư cấu (truyện lồng truyện), được sử dụng để phơi bày cuộc li loạn với đầy rẫy những cái xấu, cái ác cùng những kiếp người bấp bênh, trôi dạt trong cuộc trốn chạy vào Nam. Những chồng lấn thời gian và sự đan bện chằng chịt của các mảnh vỡ trong kết cấu cũng khiến chuyện của hôm nay và hôm qua, của thời điểm này và thời điểm kia nhòe mờ. Lịch sử không thôi giằng níu người đang sống, dẫu là một lịch sử của giả định, phỏng đoán. Hình thức tự thuật với người đao phủ đóng vai trò kể chuyện về những chém giết đẫm máu trong lịch sử ở chương mở đầu tác phẩm cũng là một điểm “lạ” lôi kéo độc giả vào một thế giới hỗn độn, khó rạch ròi giữa sự thật và hư cấu ở nhân vật, và ở toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Có thể nói, với Nắng thổ tang, Đinh Phương đã làm một “cuộc chơi” lạ trong cách kể về các câu chuyện lịch sử gần. Và độc giả, thay vì tìm cách kiểm chứng mức độ chân thật của các sự kiện, nhân vật lịch sử, đành để những câu chuyện “giả lịch sử” ấy kéo đi, từ đó nhận ra những đắng đót đến tội nghiệp của lịch sử, của phận người.

Một vài trường hợp, một vài lối viết lạ của những Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy, Lê Khải Việt, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Hữu Nam hay Đinh Phương hẳn chưa đủ để làm nên thành tựu của văn học trẻ hôm nay. Tuy vậy, nhìn từ những hiện tượng đủ sức tạo nên dư luận, những tác phẩm được biết đến rộng rãi, và nhất là nhìn vào sự nở rộ văn học trẻ trong khoảng năm năm trở lại đây, có thể hoàn toàn yên tâm về triển vọng của các nhà văn trẻ và đang còn trẻ. Một chặng đường mới của văn học Việt Nam thế kỉ XXI đã được mở ra với thế hệ 8x đang hồi sung sức và thế hệ 9x hăm hở, giàu tiềm năng. Và chừng nào còn mang ý thức “lạ hóa một cuộc chơi”, các nhà văn trẻ sẽ còn tạo được những dấu ấn riêng, mới cho những thành tựu văn học sắp tới.

Thái Phan Vàng Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy