Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:38 (GMT +7)

“Văn hóa dã hòa” trong văn xuôi Bùi Thị Như Lan

Khi cuộc sống thuộc về thiên nhiên

Kết thúc những chuyến đi sang Brésil, nơi Claude Lévi-Strauss điền dã và gặp những bộ lạc Nam Mỹ, ông viết như một sự cảnh báo rằng loài người đang “bước vào thời kỳ độc canh, nó chuẩn bị sản sinh ra nền văn minh với số lượng lớn, giống như trồng củ cải…”[1]. Bởi thế, hòa vào thiên nhiên là một cách để những nhà văn dân tộc thiểu số như Bùi Thị Như Lan mang đến cho văn hóa đương đại sự đa dạng. Chị coi văn chương là một cuộc dạo chơi với thái độ trân trọng, nâng niu; thậm chí sự nhiệt thành, say mê ấy còn dần dần cảm hóa được việc ngăn cấm của người mẹ. Hành trình nhiều cơ duyên đến và ở lại với văn chương đã ngày càng khẳng định một ý thức riết róng của Bùi Thị Như Lan về trọng trách “nói hộ đồng bào dân tộc tôi” qua những sáng tác.

 
 
 
Nhà văn Bùi Thị Như Lan 
 

 

 

 

Những câu chuyện nối dài mùa trăng

Văn xuôi Bùi Thị Như Lan gần như không một truyện nào không có những bối cảnh mà thiên nhiên, phong tục trở thành một nhân vật đồng hành cùng con người. Khi nhân vật hạnh phúc, thiên nhiên reo vui. Khi nhân vật khổ đau, thiên nhiên than khóc. Tập trung khai thác nhiều hơn cả trong những sáng tác của chị là nỗi khổ đau của con người, lúc ấy thiên nhiên đất trời xuất hiện song hành như san sẻ cùng. Và có lẽ cũng theo mạch xây dựng thông điệp ấy, ở nhiều câu chuyện, con người vượt lên được số phận, chịu đựng được những đọa đày chính bởi đã có thiên nhiên đất trời để trải lòng, để cuốn đi phiền muộn. Cũng như tiếng kèn lá của người trai bản dài mãi theo những mùa trăng vấn vít cảm xúc của người phụ nữ, nhân vật của Bùi Thị Như Lan luôn nặng lòng với thiên nhiên. Đó là điều mà chúng tôi muốn gọi là tính dã hòa trong lựa chọn chủ đề.

Tiểu thuyết Chuyện tình Phia Bjooc là câu chuyện tình nơi núi Hoa có rừng mác cọt rộng lớn, thâm u, hùng vĩ. Trục chính của việc kể là mối tình Ri - Hợp: sự mong ngóng đầu tác phẩm và cuộc trở về khép lại một hành trình kể, nhưng mở ra những suy tư về cuộc sống. Thực chất, câu chuyện được trải dài trải rộng và bề bộn, không chỉ gói gọn một hành trình một đời người, một mối tình mà là của ba thế hệ, từ chuyện của bố mẹ Ngần, chuyện kết tồng của Ngần và Xa, chuyện Ngần lấy Phái, sinh ra Hợp, rồi nuôi con một mình trong tủi cực khi Phái hi sinh ngoài mặt trận; cùng với đó còn đan xen chuyện của thế hệ sau này với Ri, Rinh, Hợp, Sần… Mở đầu là hình ảnh rừng mác cọt sau nhà được miêu tả chi tiết cùng nỗi niềm của Ri. Neo vào điểm tựa ấy, lần lượt những nỗi đau cứ thế được kể ra cho vơi bớt. Việc tìm đến thiên nhiên để xây dựng trở thành một nhân vật đóng vai trò quan trọng của mạch kể phần nào cho thấy quan niệm vạn vật hữu linh của người đồng bào thiểu số. Cũng với tinh thần đó, trong hầu hết những truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan, sắc màu, hình ảnh, chuyển động của núi rừng, của cuộc sống miền núi luôn nhẹ nhàng, khoáng đạt, nên thơ. Vẻ đẹp của núi rừng thân thuộc: “Tháng chín, mặt trời đánh lửa trên đỉnh núi Khau Khiên, chia nắng xuống rừng, đuổi sương trên mặt lá”[2] (Mùa hoa gắm); những thiết tha về sản vật quê nhà trong Huyết chè; trong khi đó Hoa dẻ trắng lại mang đến một tuyên ngôn dung dị “Bao đời nay, cây dẻ mọc đến đâu thì chân người bản đi đến đấy”[3] (Hoa dẻ trắng)… Văn xuôi của Bùi Thị Như Lan đã tạo ra được một không gian sinh thái tự nhiên để đặt con người vào đó. Và điều đặc biệt trong những sáng tác đó, sự đối lập giữa cái nhỏ bé, quẩn quanh của không gian hẹp (như ngôi nhà) với cái rộng lớn khoáng đạt của núi rừng như tô đậm nguồn sức mạnh trợ lực sẻ chia, tiếp sức cho con người; đồng thời con người gắn bó, có trách nhiệm gìn giữ nó. Những phân tích này gợi nhắc đến Nguyễn Thị Tịnh Thy khi hệ thống những đặc trưng của văn học sinh thái có khẳng định, “xây dựng ý thức về nơi chốn, văn học sinh thái giúp con người quan tâm và gần gũi với nơi mình sống, xem đó là nơi trú ngụ của tâm hồn để từ đó hình thành ý thức trách nhiệm”[4]. Chúng tôi gọi đặc trưng trong chủ đề truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan là nếp sống dã hòa của những con người đã hát điệu sli, điệu lượn vùng Việt Bắc từ bao đời nay.

Nhân vật được khai thác nhiều nhất trong sáng tác của Bùi Thị Như Lan là những người phụ nữ đẹp, đôn hậu và đặc biệt được tô đậm ở phẩm chất chịu thương chịu khó, hy sinh vì gia đình. Bởi thế, dù cuộc sống đẩy con người vào những tình thế tréo ngoe, cùng cực, những mối quan hệ chằng chịt thì cuối cùng họ vẫn tìm ra được những ngã rẽ, lối thoát để buông bỏ. Nhà văn khai thác cái trớ trêu của những số phận, những nỗi bất hạnh mà dường như khó có thể san sẻ bởi không phải họ xấu, họ cố tình “gây chuyện” mà họ ở vào những tình thế tội nghiệp: Seo Mỷ (Mỷ gù) trong Hoa mía, Sang trong Lời sli trôi trong trăng (có người em sinh đôi tên là Sao)…

Tình huống người chồng ra trận, người vợ ở nhà nuôi con trong khổ đau, tủi hờn thường được Bùi Thị Như Lan xây dựng để gửi gắm những thông điệp. Nếu như Mùa hoa gắm xây dựng một tình huống quen thuộc là chồng ra trận để lại giọt máu, con trai (tên Sáng) lớn lên thi đỗ Học viện Chính trị, rồi cùng thủ trưởng (người bạn chiến đấu của cha) tìm lại được hài cốt mang về; thì Chim Noộc Phầy lại bắt đầu câu chuyện bằng một nỗi buồn (như cách vào đề quen thuộc của văn xuôi Bùi Thị Như Lan). Người vợ dù nhận tin chồng hy sinh nhưng vẫn nuôi niềm tin là anh sẽ trở về nên ngày đêm mong ngóng. Người chồng đi bộ đội khi nghe gia đình báo tin vợ có thai thì nghĩ cô ăn ở hai lòng, dù bị thương cũng không muốn gia đình biết. Câu chuyện tuy có những tiểu tiết chưa thực sự thuyết phục nhưng cách viết cuốn hút người đọc bởi những so sánh rất thú vị. Ở đó cho thấy lối viết đầy say mê cảm tính, và chính sự không tỉnh táo trong giải quyết tình huống truyện ấy lại mang đến một ngầm ẩn phía sau. Phải chăng việc không đẩy lên tận cùng để truy nguyên cơn cớ vì sao người chồng một mực không báo tin về gia đình là một cách nhà văn “giải vây”, “mềm hóa”, “bào chữa” cho một vài tình huống vốn dĩ không còn xa lạ với người lính khi đi chiến trận… Tuy thế, dừng lại phân tích sâu hơn tình huống truyện của Chim Noộc Phầy sẽ thấy có một vài điểm đáng suy ngẫm. Ở thông điệp truyền tải, truyện không chỉ nhấn vào sự bao dung của người phụ nữ đến mức oan ức cũng chẳng có ý định tìm lại công bằng cho bản thân. Người phụ nữ ấy được xây dựng tạo một cảm giác chân thực, từ việc có thai với chồng rồi chịu sự ghẻ lạnh của nhà chồng. Thái độ sống đó không đơn giản là chịu đựng, nhẫn nhịn như cách mà con người thành phố hiện đại có thể không chấp nhận. Theo chúng tôi, đó đúng hơn là một sự lựa chọn mang tính văn hóa đầy hồn hậu của những con người đã bao đời gắn bó sâu nặng với thiên nhiên, hòa mình vào cái nhịp điệu trầm lặng, mênh mông và bao dung của núi rừng. Điều ấy là một thứ văn hóa dã hòa như Rousseau từng đề cao khi nói tới quan hệ giữa con người với thiên nhiên, hãy “để thiên nhiên làm toàn bộ mọi điều trong những lo toan mà thiên nhiên ưa một mình, và bỏ mặc ngay khi con người định xen vào”[5]. Cái ẩn sâu dưới những tình tiết truyện chính là một tuyên ngôn, một thái độ. Nhà văn đối diện với những số phận đó, có xót xa, có thương cảm nhưng không đẩy người phụ nữ đó đi đến những bước phản kháng làm rõ trắng đen. Phải chăng khi sống trong một khoảng không gian rộng lớn của tự nhiên, đối diện với chính cái bao dung sâu thẳm của thiên tính nữ, thì những bất công kia của đời sống cũng trở nên nhỏ bé mà thôi?

Việc tập trung khai thác sâu đề tài người lính, người phụ nữ miền núi như thế cho thấy điểm mạnh đặc biệt của ngòi bút Bùi Thị Như Lan: Ngàn sao rực rỡ dung dị thân quen với đề tài người lính nơi chiến trường, có mất mát, có gắn bó ân tình của những người ở lại. Tiểu thuyết Chuyện tình Phia Bjooc: xây dựng những mối quan hệ chằng chịt với tuyến nhân vật phản diện mà trung tâm là Khùng (sau này là chủ tịch xã). Câu chuyện chủ yếu là của đời sống mộc mạc khi còn chiến tranh nhưng xoáy vào những thương tổn: bà Xa mất trí nhớ một thời gian, Hợp sống thực vật, sau này trở về trên chiếc xe lăn, Phái hy sinh để lại Ngần và những đứa con chịu nhiều ấm ức vì toan tính nhỏ nhen của Khùng… Hình như tất cả đều chân thật như những nguyên mẫu bởi nó có sự gần gụi đến kì lạ với mỗi số phận, mỗi con người quanh ta. Thành công hơn cả có lẽ là hình ảnh người vợ lính trong Núi đợi, Mùa hoa gắm. Ở đó, tính nữ được bộc lộ rõ rệt với tận cùng của sự mộc mạc, chân chất của lính, cái bền bỉ của phụ nữ… Tuy thế, đẹp như Seo Mây trong Hoa mía, đảm đang như người mẹ trong Núi đợi nhưng tất cả đều không thoát khỏi cái đọa đày của số phận. Dẫu vậy, họ nhẹ nhàng mà không yếu đuối, thậm chí kiên cường chống chọi với nghịch cảnh. GS. Trần Quốc Vượng cho rằng mẫu hình chung của triết lý sống (sống = sống với) của người Việt Nam nói chung và thế ứng xử Việt Nam là hòa điệu với thiên nhiên và hài hòa với xã hội. Thêm vào đó, ông còn đặt ra một mệnh đề “nguyên lý mẹ của văn hóa Việt Nam”[6]. Những câu chuyện cùng một motif ấy cho thấy vị thế của đàn ông trong truyện của Như Lan. Họ vẫn hiện diện trong nỗi nhớ mong, thường trực trong cuộc sống của những người vợ, người thân, nhưng thực chất là vô hình, bởi việc họ trở về hay không, còn sống hay đã chết cũng không thể nào đánh gục, thậm chỉ chẳng thể lay chuyển nổi sự kiên định, không thay đổi được vai trò gồng gánh và đương đầu với tất cả mọi biến cố bất hạnh của người phụ nữ.

Phẩm chất dã hòa trong lối viết

Tính dã hòa ấy trong những tác phẩm Bùi Thị Như Lan không chỉ biểu hiện ở việc viết nhiều về thiên nhiên, mà còn biểu hiện ở phong cách viết tự nhiên, lấy thiên nhiên làm thước đo, chuẩn mực. Việc đo toàn bộ không gian thời gian và diễn biến số phận con người bằng tự nhiên cho thấy điều đó. Nó tạo ra một hệ sinh thái của những con người đã và đang sống với tự nhiên. Nói như cách của Ngô Đức Thịnh, đấy là việc “ưa lấy các hiện tượng tự nhiên làm hệ quy chiếu cho con người”[7]. Điều này thể hiện một triết lý giản dị: một cuộc sống hồn hậu, giản đơn, con người ý thức về những lẽ tự nhiên của cuộc sống. Nhờ thế họ đối mặt được với cái nghiệt ngã của chiến tranh, cảm giác nhẹ nhàng hơn bởi cuộc sống có vui có buồn, có chiến tranh thì ra trận chiến đấu, có mất mát thì tìm cách bù đắp, tổn thương thì tìm cách chữa lành, bất công thì tìm cách vượt qua để sống an nhiên…

Cũng như thiên nhiên giao hòa làm một với những thân phận, vùng văn hóa ấy đi vào đời sống con người khó phân tách. Mỗi nhịp sống đều ẩn chứa những linh thiêng, hé lộ những tập tục giản dị mà gắn bó máu thịt được trao truyền qua bao đời. Có lẽ, những số phận éo le đó vượt lên nghịch cảnh để mà sống, mà bao dung cho hết thảy không chỉ bởi sự hồn hậu tự tâm, mà còn bởi sức mạnh từ cội nguồn văn hóa.

Được nuôi trong chiếc nôi của văn hóa dân tộc Tày, văn xuôi của Bùi Thị Như Lan thấm đẫm hồn cốt văn hóa tộc người và tràn ra một cách tự nhiên trong từng câu chữ: nếu như Giao thừa bồng bềnh mây bay là những xúc cảm của người lính khi tết đến, thì Đêm cuối năm khai thác sâu tâm sự của một người đi làm vú nuôi cho gia đình giàu có dưới phố, tết đến quyết định về với con nhỏ, mẹ chồng già yếu dù có bị chủ nợ nửa tháng tiền lương. Từ một đề tài quen thuộc như thế, Bùi Thị Như Lan thể hiện tình cảm, thái độ về phong tục quê hương, về giá trị của truyền thống, và đôi khi lồng vào đó những vấn đề để cùng day dứt, suy tư. Tiếng sáo sang xuân vẫn trong chủ đề dung dị về những con người nơi núi rừng: tình yêu trai gái được vun đắp từ hội Xuân phục sinh, tập tục đẹp, nhưng ở đó còn có một câu chuyện phần nào là do hủ tục gây nên. Những lời đồn thổi khiển thay đổi cuộc sống con người qua tình huống thầy giáo Binh nhận đứa trẻ tay có 6 ngón làm con nuôi, vì không chịu được áp lực từ những lời đàm tiếu và muốn giữ cho đứa bé một cuộc sống bình yên, thầy quyết định trở về xuôi sinh sống. Khác với sự dung dị khi khai thác tập tục quê hương, Hoa dẻ trắng tập trung phản ánh sự đổi thay của cuộc sống mới khi xây dựng hình ảnh nhân vật Thỏa – người cháu học dưới tỉnh, 7 năm không về quê, lập gia đình với con gái chủ tịch tỉnh, mục đích lúc quay lại quê hương là để lập doanh nghiệp khai thác đá, cào núi Phia Đẻng. Sự đổi thay của cuộc sống hiện đại, của những cái đầu toan tính vẫn được thuật lại bằng chất giọng nhẹ nhàng: “Tiếng nổ lớn khiến đất trời rung lắc dữ dội. Rừng dẻ rùng rùng chuyển động ngả nghiêng. Cối đã hóa biến bụi đỏ chói rạng, òa ập xuống sông Nậm Đeng sôi réo. Giữa bầu trời rực đỏ, năm cây dẻ đang kỳ hoa nở trắng, bật gốc bay lên trời cao. Những cánh hoa lả tả rơi lưng chừng, chuyển màu đỏ tươi, nhỏ máu loang sẫm vạt sông. Mưa đỏ. Mưa như trút huyết hồng trong mùa đông lạnh giá. Nhòa ướt, đỏ sẫm…” (Hoa dẻ trắng).

Việc lựa chọn tập trung vào phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương vùng cao Việt Bắc là một sự lựa chọn hợp sở trường, phát huy được thế mạnh của ngòi bút Bùi Thị Như Lan. Có cha là bộ đội kháng chiến chống Mỹ, lại được nuôi dưỡng bằng những lời hát “lượn khắp” “lượn cọi” của bà, của mẹ từ nhỏ, không ngạc nhiên khi chị luôn có những phát hiện thú vị từ hình ảnh những người lính miền núi, những người vợ bộ đội. Do thế, Bùi Thị Như Lan dù không thử sức ở nhiều đề tài, dù xoay quanh những câu chuyện của “ngành nghề mình” nhưng cái nhìn cho thấy một sự liên thông đa chiều kích, thấy được ở đó cả sự hy sinh mất mát, sự khó nhọc của cuộc sinh tồn nơi núi cao và cả những biến động như vũ bão của nền kinh tế thị trường. Nghiệp quân ngũ neo giữ cho văn xuôi Bùi Thị Như Lan một sự điềm đạm, chậm rãi và chắc chắn; thiên tính nữ bổ sung thêm một cái nhìn sâu và đằm thắm hơn. Chủ đề hầu như không có gì mới, khai thác những chuyện tình éo le, số phận con người trong và sau chiến tranh nhưng văn xuôi Bùi Thị Như Lan cho thấy một cái nhìn sâu về những điều quen thuộc. Dưới chân núi Phja Khao là câu chuyện với rất ít nhân vật, tình tiết đôi khi dài dòng khi kể về một gia đình với motif cũ: gia đình ly tán vì một niềm tin mù quáng của dân bản khi cho rằng Hoa là nguyên nhân gây ra hạn hán (cô là người xuôi lên lập trạm thu mua cây rừng cho xí nghiệp nấu thuốc chữa bệnh). Hoa trốn bản đi để không bị tế thần rừng, bỏ lại thương binh ké Pản nuôi con trai và chờ đợi mòn mỏi. Trong khi đó, Sau sau với kết cấu linh hoạt, sự chuyển biến ngôi kể liên tục và những tình tiết được hồi tưởng, suy tư, những bí mật dần dần được hé lộ, người đàn ông tìm được đứa con trai chính là chiến sĩ công an đang điều tra vụ án. Lối viết của nhà văn gợi cảm giác câu chuyện như một tiếng thở dài, dường như cũng bị mê hoặc bởi giọng kể khiến người đọc có chung một nỗi canh cánh, băn khoăn, thấp thỏm cùng sự đau đáu của nhân vật. Ở cả hai tác phẩm đó, không khí miền núi đậm đặc từ cách kể, ngôn ngữ, và dường như chỉ có lựa chọn nhịp kể chậm buồn ấy mới giúp độc giả chậm rãi thấm thía được sự dung dị, tình nghĩa của một đời sống quẩn quanh mà không có cách nào rực rỡ lên nổi.

Motif là đơn vị cực tiểu của tác phẩm và bền vững qua những biến đổi. Theo quan niệm của Propp đối với nghiên cứu văn học dân gian, “motif chỉ có thể được nghiên cứu trong hệ thống cốt truyện, các cốt truyện chỉ có thể được nghiên cứu chỉ trong các mối liên hệ giữa chúng với nhau”[8]. Những biến đổi trong truyện, mà các nhà Hình thức Nga như Tomasevsky, Veselopski, rồi sau này Lotman, gọi là biến cố giữ một vai trò quan trọng của một câu chuyện. Bùi Thị Như Lan đã tạo dựng được một thứ ký hiệu ngữ nghĩa – như một “công thức” hữu hiệu hoạt động theo cách lặp đi lặp lại và mỗi lần xuất hiện lại như đào sâu hơn về một ý nghĩa tổng thể. Cùng với cách xây dựng motif, lối viết nương theo nhịp điệu của tâm trạng trong rất nhiều đoạn kể dễ gây liên tưởng tới loại hình trữ tình dân gian Tày[9]; và dường như cái đích hướng đến là phản ánh thế giới nội tâm của con người bằng cảm giác, ý nghĩ, nhấn mạnh tới biểu lộ tình cảm nhiều hơn là yếu tố tự sự.

Lời sli bay cao hay việc xác lập một vị thế

Từ bản năng của một người viết nữ, Bùi Thị Như Lan thể hiện sự tinh tế của ngòi bút khi nhìn ra được sự chất phác, mộc mạc, hồn hậu và lựa chọn một cách biểu đạt phù hợp tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao. Giống như điệu sli, điệu lượn của người Tày, lối viết của chị bay trên núi rừng Việt Bắc mà không lẫn vào vào những điệu khèn, điệu páo dung... Sự trầm ấm của chất giọng không lên gân ngợi ca, sự nên thơ của ngôn từ, đã mang tất cả những số phận kia nhẹ nhàng đi qua nỗi đau. Có hai cách vận hành truyện thường trở đi trở lại trong truyện của chị: thứ nhất là kiểu nhân vật trở về sau bao ly tán, tìm về cội nguồn để tự chữa lành. Thứ hai là kiểu nhân vật mất tích, để lại hoang mang cho người yêu, người thân nhưng cuối cùng cũng trở về xóa đi những bí ẩn, minh định cho tất cả những khúc mắc và ấm ức. Và ở cả hai cách vận hành ấy, nỗi đau cứ bàng bạc trong từng lời văn, hay đúng hơn là chất giọng trầm buồn đầy bao dung tạo ra một sức ám ảnh cho người đọc. Có những khi miên man kể, trải lòng, có những khi số phận éo le khó tỏ bày như “khúc quanh của con suối trước nhà”, như “bụi cây giang ken dày giấu những điều bí ẩn” (Tiếng kèn Pílè). Những miêu tả của chị đầy dẫn dụ: “Cho đến ngày rằm tháng giêng, cách đây mười mấy cái tết. Khi hương rượu ngô nồng nàn gọi trăng về chơi với người bản, cha dâng lễ xin đất trời, tổ tiên cho hai anh em bước qua tuổi trẻ con để làm thằng trai trưởng thành. Hương trầm được thắp lên ban thờ, cha chắp tay trước ngực, tiếng cha lầm rầm khe khẽ linh thiêng và huyền bí. Trên bầu trời ăm ắp gió xuân, trong màn sương dày đặc, không biết từ đâu đó giữa đỉnh núi Pụ Pàn, trăng nhẹ nhàng, khoan thai tỏa muôn vàn màu bạc xuống núi rừng, ánh trăng dang rộng vòng tay, tràn trề huyền ảo ôm lấy mái nhà sàn của cha con Siển”. Những người lính sau chiến tranh mang trên mình những thương tích, nhưng những thân phận ở hậu phương cũng khổ đau không kém. Họ là những người phụ nữ vừa có tài vừa có sắc nhưng lại bất hạnh trong tình yêu, chịu nhiều buồn tủi nhưng không gợi ra sự đáng thương mà lúc nào cũng khiến người ta trân trọng. Hình ảnh người mẹ qua cái nhìn của đứa con trong Núi đợi: "Từ hôm chú Hài về, đêm nào mẹ cũng ngồi ở cầu thang nhìn xuống Khau Luông chờ đợi… Đôi mắt mẹ đỏ như quả dâu da trong khe núi, hai bờ vai ướt đẫm sương đêm. Mẹ tôi gày rộc đi mắt mẹ thẫn thờ nhìn xa xăm, dưới đôi mắt mẹ có nhiều vết chân của con chim trên rừng….”. Câu chuyện xoáy sâu vào nỗi mong ngóng nhưng người ra trận vĩnh viễn không trở về. Người vợ nhờ người chú em tên Hài mặc quân phục để mẹ chồng yên lòng nhắm mắt khi tin người con trai đi chiến đấu đã bình an trở về. Câu chuyện được dẫn dắt bởi giọng kể của đứa con trai mong nhớ bố:

+ Bố tôi đi qua một tuần trăng thì em Thào Phén ở trong bụng mẹ ra ngoài chơi. Em bé xíu, da đỏ như quả sang trên núi. Từ hôm ấy, tôi được làm anh.

+ Thấm thoắt, bố tôi xa nhà đã hơn ba mùa thu lúa trên nương.

+ Được đi học, tôi đã biết dùng cái chữ kể chuyện ở nhà để bố nghe. Nhưng, chữ chất cao trong vở mà không biết ở đâu để gửi đi. Trong bụng tôi nhớ bố cồn cào như tiếng réo của dòng nước ở ngọn thác Pu Đí[10].

Giai đoạn sau của chặng đường sáng tác, những truyện ngắn như Vòng vía, Hoa dẻ trắng… vẫn cho thấy một thế đứng của chị, một điểm tựa vững chãi trong lòng dân tộc mà kể với chất giọng nhất quán bởi sự giản dị, hồn hậu của một phụ nữ, đặc biệt lại là một người lính.

Lựa chọn giọng kể trầm buồn cùng với ngôn ngữ đẹp, ý nhị, đặc biệt ở những trang viết về thiên nhiên, văn xuôi Bùi Thị Như Lan cho thấy một chất thơ bay bổng: “Khi mơ, lúc tỉnh dậy nhập nhòa, ta như trôi vào miền xa lắc, ăm ắp sương trắng, mây trắng và tràn ngập hoa trắng. Một màu trắng tinh khôi, thanh lặng, tĩnh tại, mơ hồ. Nơi ấy đồng đội ta khoác trên mình bộ quân phục xanh lá loang màu máu, đậm khói súng vẫy gọi ta…”[11] (Ngàn sao rực rỡ); Hoa sưa đỏ gây ám ảnh với nhân vật thượng úy Thàng hy sinh khi chiến đấu với bọn gỗ tặc, câu chuyện là nỗi đau đớn của người vợ mất chồng, con mất cha: “Anh bay bổng trong miền sương trắng cổ tích. Trôi bồng bềnh giữa ngàn vạn hoa sưa đỏ. Những đóa hoa sưa kết thành lá cờ thắm đỏ, bay trên người anh. Quanh lá cờ, đàn chim Nộc Chích nhiều vô kể, sải cánh nâng lá cờ lên cao, cao mãi ngược chiều gió thổi, ngược chiều thời gian… Thàng bay trên dòng sông mênh mang thời thơ ấu, vươn tới cõi xa xăm ngoài tư duy. Anh lướt nhẹ trên những nếp sàn nhà sum vầy đầm ấm trong bản làng non cao, trong đó có ngôi nhà sàn năm gian của gia đình anh. Anh như thấy hiển hiện rõ gương mặt đẹp nhưng buồn đến nao lòng, đong đầy nước mắt của vợ anh đang ôm bé Bình thơ trẻ, ngơ ngác… chơi vơi giữa đất trời muôn vàn bụi sương tinh khôi, vô biên, cuồn cuộn trôi…”[12] (Hoa sưa đỏ). Điều đặc biệt là dù viết về những câu chuyện buồn, thậm chí khiến con người ta đau khổ nhưng vẫn được kể bằng một giọng bao dung, đôi lúc tưởng như chỉ là lời tâm tình một cách nhẹ nhàng bình thản: Lời sli bay cao (câu chuyện về người mẹ bỏ con, bố đi bộ đội về nuôi con một mình); Mưa giông (khổ đau về sự chia lìa giữa người trai vùng mỏ và cô sinh viên văn khoa); Hoa mía (câu chuyện éo le khi người em vợ Seo Mỷ có tình cảm với Sùng Chứ; sau cái chết oan uổng của người vợ - Seo Mây, ông không thôi dằn vặt bản thân)… Nếu như Lời sli bay cao nhiều đối thoại phù hợp với sự vận động bề bộn của các chi tiết thì Hoa mía lại giàu suy tư, những đoạn kể chủ yếu để xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, làm nổi rõ những day dứt, những nỗi niềm.

Đắm đuối với một mảng đề tài không dễ viết và cần nhiều đào sâu tìm tòi - dân tộc miền núi gắn với chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, Bùi Thị Như Lan cho thấy cái nhìn riêng độc đáo. Sau hơn 20 năm đồng hành cùng với văn chương, chị đã tích lũy cho mình một gia tài đáng kể bằng những tác phẩm và được ghi nhận xứng đáng qua những giải thưởng. Công việc làm báo nên phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều; và trải nghiệm phong phú ấy giúp cho chị có thêm những chất liệu thú vị. Bởi thế, văn xuôi Bùi Thị Như Lan tuy không có những nguyên mẫu nhưng từ những quan sát tỉ mỉ cộng với cái nhìn và phân tích sắc sảo, những số phận được “gom nhặt” trở thành mẫu số chung quen thuộc có thể dễ dàng bắt gặp quanh ta. Tất cả những điều đó khiến cho văn xuôi Bùi Thị Như Lan dễ tìm được sự đồng cảm và tạo được vị trí vững vàng riêng trong diện mạo văn học dân tộc thiểu số.

[1] C. Lévi-Strauss, Nhiệt đới buồn, Nxb. Tri thức, 2009 (Ngô Bình Lâm dịch), tr.29.

[2] Văn xuôi trẻ những cây bút quân đội, Nxb. Phụ nữ, 2017; tr.178.

[3] Bùi Thị Như Lan, Hoa dẻ trắng, Nxb. Quân đội nhân dân, 2022; tr.162

[4] Nguyễn Thị Tịnh Thy, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, Tái bản có bổ sung và chỉnh sửa, Nxb. Khoa học xã hội, 2017, tr.95.

[5] J. Rousseau, Emile hay là về giáo dục, Nxb. Tri thức, 2008, tr.163.

[6] Xem thêm: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn học, 2003; tr.541.

[7] Ngô Đức Thịnh, Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2006; tr. 428.

[8] Propp, Tuyển tập V.IA. Propp, Nxb. Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2003; tr.187.

[9] Dân tộc Tày có hệ thống văn học dân gian rất phong phú, phản ánh những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, như các truyền thuyết giải thích nguồn gốc của vũ trụ, sự ra đời của loài người, sự tích các loài vật, các hiện tượng thiên nhiên, các vị thần linh. Điểm đặc biệt đáng chú ý trong văn học dân gian Tày là kho tàng truyện thơa Nôm (được ghi bằng chữ Nôm Tày, khuyết danh) như: Khảm hải, Nam Kim Thị Đan, Quảng Tân Ngọc Lương, Thạch Sanh, Tần Châu... Những câu chuyện được kể này phản ánh tư duy và lối diễn đạt riêng của người Tày, với các đặc trưng như: giàu hình ảnh, lối nói vừa mộc mạc vừa bài bản lớp lang, giọng điệu trữ tình…

[10] Văn xuôi trẻ những cây bút quân đội, Sđd; tr.142,143,146.

[11] Hoa dẻ trắng, Nxb. Quân đội nhân dân, 2022; tr.29.

[12] Hoa dẻ trắng, Sđd; tr.63.

Đỗ Thị Thu Huyền

(Viện Văn học)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy