Văn hóa biển từ ngàn xưa: khẳng định chủ quyền biển đảo
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) - người tham gia nhiều cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các di chỉ Cù Lao Chàm, văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo cho biết: “Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng. Người Sa Huỳnh, tiền Sa Huỳnh cũng thế, nếu không có thì sao có những sự giống nhau giữa Philippines với Việt Nam về đồ gốm, khuyên tai hai đầu thú và lối chôn cất”.
Trước Nhà giàn DK 1/15 Ảnh: Quang Khải
Hiện nay, tộc người Minangkabau ở Indonesia theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam và Indonesia là có nguồn gốc từ người Việt. Người Minangkabau cũng có tục nhuộm răng và có nhiều thói quen sinh hoạt tương đồng với người Việt như “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời trầu cau. Vì sao có sự kỳ lạ này? Đó là do một bộ phận người Việt cổ đã vượt Biển Đông để đi chiếm lĩnh vùng đất mới, mở mang lãnh thổ cư trú và phát triển giống nòi của dân tộc mình.
Do đó mà suy ra Việt Nam với 54 dân tộc anh em đã chiếm lĩnh ngang dọc Biển Đông từ rất lâu. Bởi thế dân gian Việt Nam mới có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Lễ hội biển cũng xuất hiện khắp mọi nơi trên cả nước Việt Nam, nơi có 3200km đường bờ biển giáp với Biển Đông. Một số lễ hội tiêu biểu là: Hội lễ Bạch Đằng (Quảng Ninh), Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi); Hội lễ Yến Sào (Nha Trang, Khánh Hòa); Lễ Cúng biển Mỹ Long (Sóc Trăng) và các lễ hội Cầu Ngư, Nghinh Ông nhiều tỉnh thành khác.
Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà trở lên phía bắc châu Á, hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa từ khởi nguyên. Bởi vùng nam sông Trường Giang là thuộc lãnh thổ của Bách Việt. Bách Việt có nghĩa là “một trăm nước Việt”. Đây mới chính là chủ nhân của nền văn hóa vùng sông Trường Giang xuống phía nam. Vùng này hiện nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây. Ở Quảng Tây có khu tự trị Choang. Người thuộc tộc Việt ở đây vẫn giữ được sắc thái riêng như tục ăn trầu. Thời Quang Trung, vua đã đòi vua Càn Long nhà Thanh cho đất (thực ra là hai tỉnh Lưỡng Quảng) để đóng đô và được Càn Long cho “đất Quảng Tây để đóng đô”. Nhưng Quang Trung còn có “hoài bão” lấy cả đất Quảng Đông, là vùng đất trực tiếp giáp ranh Biển Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam trong đó. Sách Gia Khánh Đông Nam Tỉnh Hải Ký của Trung Quốc chép: Quang Trung “nhóm họp quân vong mệnh ở duyên hải, cấp cho binh thuyền, phong chức tước” thường đợi đến mùa hè nắng ráo kéo sang vùng Triết Giang, Phúc Kiến do thám, quấy phá: “mùa thu rút về, tông tích khôn lường, gây họa lớn cho tỉnh Quảng Đông”. Song cái chết đột ngột của vua Quang Trung và sự tan ra nhanh chóng của nhà Tây Sơn trước thế lực Nguyễn Ánh đã làm việc này bị không được trở thành hiện thực.
Ở trên lãnh thổ Việt Nam vào thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên đã từng tồn tại vương quốc cổ đại Phù Nam, một cường quốc thương mại biển ở Đông Nam Á, khống chế “con đường hương liệu” khu vực bằng sức mạnh quân sự. Vương quốc này còn gắn liền với nền Văn hóa Óc Eo (An Giang, Việt Nam) với những cảng biển trên Biển Đông vô cùng ấn tượng như cảng biển Óc Eo (An Giang), cảng Nền Chùa (Kiên Giang) cùng các thương điếm từ Óc Eo qua Đá Nổi đến Phú Long (Sa Đéc), Gò Thành (Vĩnh Long)… Từ địa bàn chính là đồng bằng sông Cửu Long, sau khi chinh phạt thu phục 10 nước chư hầu, Vương quốc Phù Nam kiểm soát một vùng rộng lớn từ Nha Trang đến thung lũng Mê Nam, gồm một phần đảo Mã Lai và vùng ven vịnh Thái Lan và cả Chân Lạp (Khơ me cổ hay Campuchia ngày nay). Từ giữa thế kỷ thứ III - IV, Phù Nam chinh phục quân sự vùng Bắc bán đảo Mã Lai nhằm đảm bảo kiểm soát giao thương trên Biển Đông - Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, những đội thương thuyền đã góp phần rất lớn trong việc nắm ưu thế vận chuyển hàng hóa trên biển Đông của vương quốc Phù Nam. Những con tàu Phù Nam đủ lớn để chở 600-700 người với 40-50 mái chèo. Tàu dài 20 bộ (48m), nổi cao lên mặt nước khoảng 3 bộ, có 4 cột buồm với các cánh buồm nằm nghiêng rộng khoảng 10 bộ. Nhờ có những chiếc thương thuyền với trọng tải và thiết kế vững chãi như thế, các chuyến tàu của Phù Nam đủ sức vượt biển giao thương với các cảng quế ở Hội An, Hải Phòng, rồi đợi đến mùa gió Đông Bắc lại đến các quần đảo gia vị trong biển Celebes, Moluccas và Bandas (thuộc Indonesia ngày nay) và sau đó quay trở lại quần đảo Trường Sa. Tại đây các sản vật, nhất là hương liệu và gia vị được đưa lên tàu hàng xuất khẩu đến Trung Hoa, Nhật Bản. Như vậy, quần đảo Trường Sa đã trở thành trạm trung chuyển trên con đường thương mại biển của Phù Nam.
Vào thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, cứ vào tháng 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải (hoạt động khu vực phía Nam đến tận biển Hà Tiên) lại xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân (Huế).
Theo Thomas Bowyear, một nhà buôn người Anh đến Đàng Trong trong các năm 1695 - 1696, thì lực lượng thủy quân ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có đến 200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo; 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo. Nhờ vào lực lượng thủy quân hùng mạnh này mà quân đội của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An, ở gần Huế) vào năm 1644. Đủ thấy sức mạnh của người Việt trên Biển Đông vượt hẳn so với các quốc gia khác.
Việc làm chủ Biển Đông không những được Nhà nước mà còn được nhân dân coi trọng. Chẳng hạn, vào ngày 15 tháng giêng năm 1776, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) là Hà Liễu đã làm đơn trình bày rõ xin lập lại hai đội Trường Sa và Quế Hương để “ứng chiến” với kẻ xâm phạm: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cũng thuế quan đem phụng nạp”.
Theo TS. Nguyễn Nhã, trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) cũng đã nhờ anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Khi lên ngôi, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ viết: “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Đến năm 1816, sau một loạt chuyến thăm dò Hoàng Sa, vua Gia Long đã “long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong” (theo bài viết của giám mục Taberd). Chaigneau, một cận thần của vua Gia Long cũng đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine” rằng: “Đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”. Sau đó, cùng với đội Hoàng Sa, vua Gia Long đã “thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...