Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
20:00 (GMT +7)

Văn chương là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh

VNTN - Những gì sách vở đã nói về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của văn chương, dĩ nhiên không sai, nhưng nói mãi rồi lại thành sáo rỗng bởi sự xơ cứng, giáo điều hay máy móc (thậm chí hỗn loạn) của các nguyên lý, lý thuyết. Với những người quan tâm đến giá trị cốt lõi nhất của văn chương, vẫn còn nguyên ở đó lời chất vấn kiệt cùng, riết róng: Bản mệnh của văn chương là gì?

Nghĩ về bản mệnh của văn chương, tôi nhớ lại lời thầy tôi (TS. Chu Văn Sơn), rằng: “văn chương, xét đến cùng là sự cất tiếng của lòng Hiếu sinh”. Mà, “cốt lõi của lòng hiếu sinh là gì nếu không phải là Yêu và Thương”. Chỉ có yêu và thương mới mở rộng lòng người đến với đức hiếu sinh. Văn chương rời xa đức hiếu sinh, còn lại gì ngoài những tô vẽ rườm rà, vô nghĩa. Dưới cái nhìn tổng quát về văn hóa, văn chương là một phần tạo dựng thể hiện nhân tính, góp phần vào việc định hình văn hóa. Và, văn hóa là gì nếu không phải là sự diễn giải thành hình tượng giá trị người trên hành trình sống của mình.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Nhìn lại, cả kho tàng văn học dân gian, đấy là tiếng nói của người dân lao động khi đối diện với hoàn cảnh sống của mình. Lời ca, tiếng hát hay những câu chuyện kể, rốt cuộc cũng hướng đến việc phản ánh đời sống con người, với những cung bậc tình cảm yêu ghét vui buồn, những âu lo hay niềm hy vọng. Tính trường tồn của nó nằm trong chính nhịp đập của trái tim con người, qua bao nhiêu năm tháng: Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con (Ca dao). Lời ca dao da diết xoáy vào thân phận bấp bênh của kiếp người trong bước mưu sinh. Tận cùng, khi đối mặt cái chết, phẩm giá sạch trong và ý nghĩ về tương lai vẫn là điều con người gìn giữ và trao truyền. Đó là biểu hiện của lòng hiếu sinh, là lời của yêu - thương cất lên trong tuyệt vọng. Lòng hiếu sinh được xây dựng trên nền tảng của sự trao truyền ấy, như lửa ấm qua mỗi nhà, như máu chảy qua tim, làm rung lên những nhịp đập của sinh mệnh. Sự sống được đắp bồi, tiếp nối bằng yêu - thương, nâng con người lên khỏi trạng thái tự nhiên hoang dã và man dã.

Văn chương không thể rời xa đức hiếu sinh, dẫu nó nói về cái ác, cái xấu hay sự tàn nhẫn. Sau tất cả, mọi biểu đạt của nó phải hướng đến việc đánh thức tình yêu, lòng thương ở con người. Nếu không có “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân), Nguyễn Du sao có thể viết nên Truyện Kiều đau đớn, bi ai và sâu sắc đến thế về kiếp người tài hoa bạc mệnh. Nếu không thấm đẫm đức hiếu sinh, bài thơ Những điều trông thấy của Nguyễn Du sao có thể làm chúng ta xót xa đến vậy? Nỗi niềm vò võ canh chày của người cô phụ giữa đêm khuya sương lạnh trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn còn nhắc ta về bao cách ly loạn lạc. Yêu và thương con người, trân trọng giá trị của sinh mệnh, hướng đến những điều tốt đẹp cho con người đó là mục đích tối thượng của văn chương, bất kể thời đại nào.

Dân tộc Việt Nam đã đi qua biết bao cuộc chiến tranh. Những ám ảnh về giặc giã, sự hy sinh, những mất mát và đau thương đằng đẵng càng làm cho văn chương trên xứ sở này tha thiết đức hiếu sinh: Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Yêu và thương thắp lên ngọn lửa dẫn đường cho con người đi qua đầm lầy và bóng tối, vượt lên nỗi sợ hãi và cái chết: Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/…/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người (Nhớ - Nguyễn Đình Thi); Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một người nô lệ (Hôn - Phùng Quán). Đằng sau những áng văn chương hào hùng của một thời binh lửa, đó là ý chí bảo tồn một cuộc sống bình yên, là tình yêu thương và hy vọng không gì dập tắt nổi của biết bao thế hệ băng mình vào mũi tên hòn đạn: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim (Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật).

Yêu và Thương là cốt lõi của Hiếu sinh. Đó có thể là tình yêu đôi lứa, tình yêu thương nhân loại, lòng yêu nước, thương nước, lòng yêu thương sự sống của muôn loài... Nội hàm của hiếu sinh như thế đã thể hiện một cách đủ đầy mọi cung bậc, mọi phạm vi mà văn chương có thể lan tỏa đến. Chúng ta thương những kiếp người như Lão Hạc, thương cả Nam Cao trong kiếp Sống mòn. Chúng ta yêu những bờ tre gốc lúa, lại thương nước nhà những tháng năm oằn mình vì bom đạn. Chúng ta yêu một vành mũ tai bèo lại thương dáng mẹ già tóc trắng đợi con. Chúng ta yêu mây xanh lại thương những vòm trời bị ô nhiễm. Chúng ta yêu đại dương lại thương những vùng biển bị đầu độc. Chúng ta yêu rừng cây con suối lại thương những loài cầm thú đã mất đi nơi trú ngụ của mình. Chúng ta yêu nhau và nghĩ về ngày mai hạnh phúc lại thương những cuộc đời dở dang, bất hạnh. Văn chương viết về chiến tranh hay về hòa bình, viết về sinh thái tự nhiên hay xã hội loài người, viết về thân xác hay tinh thần, viết về quá khứ hay tương lai, tái hiện thực tại hay hoang đường kì ảo, mang cảm hứng hào hùng hay bi tráng, tôn nghiêm hay trào tiếu giễu nhại, nhấn mạnh cái xấu, cái ác hay hoan ca trên những điều kỳ vĩ, lớn lao… rốt cuộc phải tựa vào giá trị của con người, lấy sự sống của con người làm thước tấc. Khi Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ, hãy nghĩ rằng phía sau những câu chuyện tệ lậu kia là lời cảnh báo sâu sắc về thảm trạng đời sống của một con người tha thiết sống. Khi Nguyễn Minh Châu viết Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành ấy là những suy tư về thực tại sống của con người trong và sau chiến tranh. Khi Bảo Ninh viết Thân phận của tình yêu, chúng ta nhận ra sự sống đời thường đã bị thử thách nghiệt ngã đến thế nào dưới áp lực chiến tranh. Khi Nguyễn Nhật Ánh dành cuộc đời mình cho những trang viết tuổi thơ, chúng ta thêm yêu những năm tháng thanh xuân, tươi trẻ, hồn nhiên đầy mơ mộng của tuổi học trò. Khi Nguyễn Ngọc Tư viết Cánh đồng bất tận, người ta thấy thương phận người trôi nổi, thấy chông chênh những bước nhỏ lạc loài. Khi Dư Thị Hoàn khắc khoải ưu tư trên Lối nhỏ, khi Dương Kiều Minh viết Những thời đại thanh xuân, Nguyễn Quang Thiều viết Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Bình Phương viết Từ chết sang trời biếc, Vi Thùy Linh Khát những mùa tình làm dậy sóng thanh tân,… ấy là khi Yêu - Thương đã dâng dậy trong hồn người, cất tiếng về giá trị của sự sống. Lòng Hiếu sinh mở rộng tâm hồn con người về phía thiện, bảo vệ, nâng đỡ và gìn giữ nhân tính trong từng khoảnh khắc hiện sinh.

Sinh thời, TS Chu Văn Sơn vẫn thường tâm niệm, cái đẹp là cái sống. Bảo toàn và phát huy cái sống, ấy là hiếu sinh. Với hai phạm trù Yêu - Thương, ông cũng có sự biện biệt nhằm chỉ ra ranh giới của những trạng thái tinh thần. Nếu Yêu thường nghiêng về khía cạnh nhân văn thì Thương nghiêng về khía cạnh nhân đạo. Khi văn học viết về chiến tranh, về thiên tai, thảm họa, ở đó có yêu và thương nảy nở trên hoang tàn, chết chóc. Khi văn học viết về môi trường, ở đó có yêu và thương sự sống muôn loài. Khi văn học viết về đời sống thường nhật, giấu sau câu chữ, hình tượng, là ý niệm về sự sống, cái sống, sẽ tốt đẹp dần lên từ mỗi căn nhà, mỗi cuộc đời, mỗi thân phận.

Văn chương không bao giờ là sự tô vẽ, kiểu cách vô nghĩa. Giá trị đích thực của văn chương là cứu rỗi nhân tính, lay thức nhân tâm, kêu gọi lòng nhân ái, bảo tồn đời sống nhân sinh. Muốn thực hiện điều đó, ngay từ trong bản thể nhà văn, Yêu và Thương phải trở thành một năng lượng đủ đầy, thường trực và bền bỉ. Yêu sự sống, thương sự sống, sáng tạo vì các giá trị sinh tồn đưa văn chương thoát ra khỏi những hình thức viển vông, xa lạ. Những cách tân nhân danh lý thuyết này, trường phái nọ, dẫu hoàn toàn tự do, sớm muộn cũng sẽ phải nhận ra rằng, một ngày kia, tất cả sẽ được đặt dưới sự phán xét hiền minh của đức hiếu sinh, lòng yêu thương và trân trọng con người.

NGUYỄN THANH TÂM

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy