Ứng xử khi công khai thông tin dịch tễ
VNTN - Năm 2020 chắc hẳn sẽ đi vào lịch sử nhân loại với những ám ảnh đen tối của dịch bệnh, nhưng từ trong bóng tối ấy, chúng ta nhìn thấy rõ sự khác biệt trong tư duy, văn hóa của các khu vực, cộng đồng. Đối mặt với cùng một chủng virus, mỗi quốc gia, dân tộc lựa chọn một kịch bản ứng phó khác nhau, với nhiều quan điểm không đồng nhất từ góc độ chính trị xã hội, trong đó có việc cân bằng mối quan hệ giữa quyền cá nhân với an nguy của cộng đồng. Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt, đề cao yếu tố phòng dịch trên cơ sở hiểu rõ những hạn chế của chính mình về hạ tầng cơ sở y tế, về nguy cơ “vỡ trận” khi mất sự kiểm soát nguồn lây. Phương châm “thừa hơn thiếu”, “chậm mà chắc” ấy được người dân đồng tình ủng hộ, dẫu phải hy sinh nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa. Trong cuộc chiến với COVID-19, chúng ta đều hiểu, sự rạch ròi thông tin, công khai yếu tố dịch tễ của bệnh nhân và người nghi nhiễm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch có vai trò mấu chốt. Thực tế đã chứng minh, một sự quanh co, che đậy trong khai báo y tế, có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường, cho cộng đồng và bản thân người nhiễm. Những con số “17”, “34” một thời làm dậy sóng cộng đồng như minh chứng cho điều đó, dẫu sau tất cả, y bác sĩ vẫn cứu chữa cho họ tận tâm, cộng đồng vẫn vui mừng đón họ khỏi bệnh trở về và để câu chuyện cũ dần khép lại. Ở một phương diện khác, chúng ta cần thấy việc công khai thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển của người nhiễm và nghi nhiễm cần được thực hiện trên nền tảng của sự tôn trọng, tránh kỳ thị, đặc biệt với những người vì những yếu tố khách quan mà trở thành F0, F1, F2... Không khó để tìm trên mặt báo, các trang mạng xã hội những bài đăng mang tính miệt thị, giễu cợt lịch trình di chuyển của bệnh nhân: “Khiếp với lịch trình di chuyển của...”, “Choáng váng với lịch liên hoan của...”, “Hoảng hồn xem danh sách tiếp xúc gần...”, “Choáng trước tần suất “đi ăn”…” v.v.. Thiết nghĩ, báo chí, trước hết phải phản ánh cuộc sống một cách khoa học, khách quan, và việc dùng quá nhiều từ ngữ biểu cảm mang tính tiêu cực như những ví dụ trên đây là điều nên tiết chế. Đơn cử, trường hợp một bệnh nhân cao tuổi ở Hà Nội, khi công khai yếu tố dịch tễ, nhiều tờ báo dùng từ ngữ thiếu tôn trọng để chế giễu việc cụ ông đi ăn, đi uống nước với “cánh” bạn già (trong khi ở thời điểm đó, các dịch vụ ăn uống chưa bị hạn chế). Đáng nói hơn, thái độ “ngầm” sau những bài viết ấy là “mồi nhử” để một loạt trang điện tử và cộng đồng mạng đua nhau like, share, xuyên tạc, biến tấu thông tin bằng những lời dung tục, cay nghiệt: “chill lắm thế”, “cụ lại tiếp xúc gần với chị gái bán điện thoại rồi”, “vãi cả ăn”, “ăn nhiều giờ no đòn nhé”... Trước sự trở lại của làn sóng COVID thứ hai, dù không cần đến những lời nhắc nhở “hạn chế đi lại khi không thật cần thiết” trước mỗi cuộc điện thoại, người dân dường như đều tự ý thức giữ gìn, để lịch trình di chuyển và “danh sách tiếp xúc” đơn giản nhất có thể, khi điều không hay xảy ra. Tuy nhiên, với những “sự đã rồi”, việc khai báo y tế càng chi tiết thì rủi ro càng được hạn chế. Lo lắng trước mỗi trường hợp bệnh nhân và người nghi nhiễm có yếu tố dịch tễ phức tạp, song ở một phương diện khác, xã hội cần ghi nhận sự trung thực và nỗ lực của họ khi cố gắng nhớ lại thật chính xác nhật ký hàng chục ngày đi lại, gặp gỡ, sinh hoạt của mình. Đó không phải là điều dễ dàng và vì thế, xin đừng để họ “nhụt chí” khi nghĩ đến với những lời hạ nhục đang chờ sẵn để bủa vây!. THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...