Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
11:22 (GMT +7)

Từ sai lệch đến vi phạm

VNTN - Không thể phủ nhận những tác động của mạng xã hội (MXH) trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin nhanh nhạy, lan tỏa hiệu ứng xã hội to lớn. Nhưng mọi thứ đều có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Và MXH cũng không ngoại lệ.

Xin không nói thêm về mặt tích cực của MXH trong câu chuyện này, mà chỉ có đôi lời bàn về mặt tiêu cực của nó, về những sai sót của cả người đăng tải lẫn người đọc, khiến sự việc bị méo mó, và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, xã hội của địa phương, đất nước.

Qua theo dõi trên Facebook - MXH đang thu hút đông đảo người dùng ở Việt Nam, ta thấy có hai dạng “tút” (status - trạng thái) đưa tin sai lệch. Một là, chủ tài khoản (nickname) không trực tiếp chứng kiến sự việc, chỉ dựa vào các thông tin cóp nhặt, sau đó suy diễn, bình luận thêm (thậm chí định hướng, dẫn dắt người đọc)… dẫn đến bài viết bị sai, hoặc lấp lửng theo kiểu “hiểu thế nào tùy bạn”, gieo rắc hoang mang, gây ra những tác động xấu cho cộng đồng mạng và xã hội. Hai là, những phần tử, tổ chức phản động lợi dụng, chúng bịa đặt trắng trợn hoặc nhào trộn thông tin theo kiểu “thêm mắm thêm muối”, “có ít xuýt ra nhiều”, lắp ghép hình ảnh, nội dung “đầu Ngô mình Sở”, “xào xáo” những chuyện cũ rích, chuyện của “người ta” rồi tung lên v.v. nhằm mục đích nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước.

Có thể điểm ra đây một số thông tin sai lệch kiểu này trong sự kiện lũ lụt ở miền Trung vừa qua.

Có người đăng video, clip trâu, bò, heo bị cuốn trôi,… nhưng thật ra là của đợt lũ xảy ra trước đây tại các địa phương Tứ Xuyên, An Huy, Trùng Khánh (Trung Quốc), có cả tiếng loa, chữ Trung Quốc trên các biển hiệu, song người đăng vẫn cho rằng đó là ở miền Trung. Hình ảnh bộ đội nằm sấp thay ván trên dây cầu treo cho dân đi qua, nếu nhìn kỹ sẽ thấy đây là đồng phục bộ binh Trung Quốc (họ đang tập trận) nhưng cũng được “vơ vào” miền Trung. Rồi bức hình người mẹ ôm con trong lớp bùn đất cũng bị “gán” với dòng nội dung: “Một gia đình 7 người thôn Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị không ai sống sót. Khi máy gạt và đội cứu hộ cào ra dưới lớp bùn đất, người mẹ vẫn đang ôm con với tư thế che chở của tình mẫu tử vô bờ”. Câu chuyện 7 người bị nạn (trong đó có một thai nhi) ở một gia đình thuộc thôn Húc là có thật nhưng không liên quan gì đến bức hình minh họa. Bức hình đó thực ra là một tác phẩm điêu khắc của nước ngoài, mô tả câu chuyện có thật xảy ra ở Trung Quốc, thậm chí còn nguyên cả dòng chữ bằng tiếng Trung ở dưới. Vậy mà bài đăng này vẫn đánh lừa được khá nhiều người xem, bình luận và chia sẻ. Cũng không ít tài khoản dùng cách này để “câu view”, tăng lượng tương tác nhằm kiếm tiền, như vụ Bùi Xuân Huấn cắt clip từ chương trình Chuyển động 24h của VTV trao quà từ thiện cứu trợ tại các tỉnh miền Trung, thay hình ảnh của mình vào đó rồi đăng lên fanpage Huấn “Hoa Hồng” để đánh bóng tên tuổi, đã bị công an xử lý…

Theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” thì hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân,…” sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Dù vô tình hay cố ý, nhưng nếu vi phạm pháp luật đều vẫn bị xử lý. Với mỗi người dùng MXH, hãy tỉnh táo và cẩn trọng khi tham gia, từ việc lựa chọn thông tin để đọc; rồi phải biết nghi ngờ và phân biệt tin giả, tin xấu độc, đừng “ngây thơ” tưởng rằng những gì mình đang nhìn thấy đều là sự thật; để từ đó không đăng/ chia sẻ/ bình luận (tán thành, ủng hộ) các tin bài dạng này nhằm tránh tự gây rắc rối cho mình. Với những bài trên website hoặc chia sẻ đường dẫn (link) tới website, cần quan sát thời gian đăng tải; biểu tượng (logo) của trang; thông tin; kiểm tra tên miền của trang (thông thường những trang “lá cải”, giả mạo thường không có địa chỉ và thông tin đăng ký cụ thể, sử dụng tên miền nước ngoài như .com, .org); kiểm tra kỹ nội dung để xác định đây là thông tin thật hay giả (tin giả thường hay bị sai chính tả, lỗi phông chữ, bố cục lộn xộn, hình ảnh, video bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung ngày tháng...). Ngoài ra, người dùng cũng nên tìm các tin, bài viết trên các trang báo chính thống, có nội dung tương tự để đối chiếu.

Khi tham gia vào “xa lộ internet” cũng giống như khi ra đường tham gia giao thông, mỗi người đều phải biết luật và tuân thủ nó để hạn chế cho mình những rủi ro không đáng có.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước