Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:29 (GMT +7)

Từ một đề Văn nghĩ về những giá trị xã hội

  1. Một đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi

          Làm nóng diễn đàn những ngày qua là đề thi của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) trong Kì thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 tổ chức vào ngày 4/4/2019. Với thời gian 150 phút, thí sinh phải làm hai câu trong đó câu 1. (3,0 điểm) yêu cầu viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết:

          "Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá "bảnh", SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy "múa quạt", còn được dân mạng gọi với cái tên "VinaHey".

          Sau đó, Khá "bảnh" được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về "tình nghĩa giang hồ".

          Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thân dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.

          Dù được biết đến với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng, nhưng điều khó hiểu là Khá "bảnh" lại có một lượng "fan" hâm mộ rất hùng hậu. Trang Facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có hơn 2 triệu lượt đăng ký, con số khiến nhiều nghệ sĩ chân chính phải "chào thua". Mỗi clip của Khá "bảnh" đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với nhiều lượt tương tác, bình luận.

          Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, gần đây nhất, trong một vài hình ảnh đang lan truyền mạnh mẽ, Khá "bảnh" được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một ngôi sao khi xuất hiện gần một trường THPT ở thành phố Yên Bái”.

          (Theo Trương Huyền, VTC News, 21/3/2019 18:05 PM GMT+7).

          Muốn đánh giá về đề thi này, cần hiểu rõ về thể loại của đề thi.

          Câu 1 ở đề thi này là câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội. Ở thể loại nghị luận xã hội, học sinh được học hai dạng bài: nghị luận về tư tưởng đạo lí và nghị luận về hiện tượng đời sống. Câu 1 yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hiện tượng trong đời sống thuộc dạng đề 2.

          Ở dạng đề 2 người ra đề phải lựa chọn một hiện tượng trong đời sống xã hội (tốt nhất là trong hiện tại) để thí sinh bàn luận. Dạng đề này nghiễm nhiên loại trừ các hình tượng trong tác phẩm văn học dù hình tượng ấy có đặc biệt đến đâu và hướng tới những hiện tượng xã hội được dư luận quan tâm để lựa chọn.

          Tiếp theo, phải tùy thuộc vào mục đích của kì thi để lựa chọn hiện tượng xã hội cho phù hợp. Nếu như kì thi tốt nghiệp THPT chỉ yêu cầu thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống không quá phức tạp và thể hiện được thái độ, quan điểm rõ ràng, đúng đắn thì kì thi chọn học sinh giỏi lại đòi hỏi thí sinh phải bàn luận về một hiện tượng đời sống có độ phức tạp qua đó thể hiện được kĩ năng sử dụng nhiều thao tác lập luận quan trọng như bác bỏ, bình luận, so sánh,... cũng như thể hiện được độ sâu sắc trong quan điểm, nhận thức của mình về hiện tượng.

          Xin lấy đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ngày 2.6.2013 và đề thi chọn học sinh giỏi của trường Kiến Thụy ngày 4.4.2019 để minh họa về độ phù hợp.

Đề thi tốt nghiệp THPT ngày 2.6.2013 yêu cầu: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều ngày 30.4.2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Na, (học sinh lớp 12 T7, Trường THPT Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi (Theo Khánh Hoan, Thanh Niên Online, ngày 6.5.2013).

Nếu như hiện tượng được bàn luận trong đề tốt nghiệp trên thuộc "mặt phải" thì đề thi chọn học sinh giỏi nói trên thuộc "mặt trái" trong đời sống xã hội. Mà một hiện tượng thuộc "mặt trái" của xã hội thì luôn có tính phức tạp đòi hỏi tầm nhận thức và kĩ năng lập luận cao của thí sinh.

 

Đề văn của Hải Phòng đề cập hiện tượng Khá "Bảnh". (Nguồn: news.zing.vn)

 

          Ngoài ra khi đánh giá về đề thi, ngoài độ phù hợp với mục đích của kì thi cần xem xét hiệu quả, tác động của đề thi đối với đời sống xã hội nói chung và đối với học sinh nói riêng. Với những đề thi dạng như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013, tác động của nó tới xã hội là rất lớn. Dư luận thì ủng hộ còn tuyệt đại đa số thí sinh bàn luận và bày tỏ sự trân trọng, ca ngợi và coi em học sinh đó như một tấm gương sáng cho bản thân và thế hệ trẻ học tập. Với những đề thi dạng như đề thi học sinh giỏi nói trên, tác động của nó tới xã hội cũng rất lớn. Đề thi chỉ dành cho 12 thí sinh giỏi Văn khối 11 của trường Kiến Thụy nhưng khi được đưa lên mạng xã hội thì đánh thức từ các nhà giáo dục đến các nhà tâm lí xã hội; đánh thức từ nhà trường tới gia đình cũng như thế hệ học sinh hôm nay. Như vậy, cần cởi trói cho quan niệm về đề thi. Hãy coi hiện tượng tốt và hiện tượng xấu trong đời sống xã hội có cơ hội ngang nhau trong việc xuất hiện trong các đề thi.

          Đánh giá như vậy nhưng không có nghĩa là đề thi nói trên đã hoàn hảo mà ngược lại cần rút kinh nghiệm ở một số vấn đề như sau:

          Thứ nhất, bài viết đưa ra để học sinh xác định hiện tượng cần bàn luận đã thể hiện quá rõ thái độ, quan điểm của người viết qua cách dùng từ như: "Mới đây nhất, tên giang hồ này...", "Dù được biết đến... nhưng khó hiểu là...", "đón tiếp như một ngôi sao", "chào thua". Điều đó làm mất đi sự tự do trong nhận thức, suy nghĩ, đánh giá của thí sinh về hiện tượng trong khi làm bài.

          Thứ hai, đề thi yêu cầu học sinh viết một bài văn khoảng 400 chữ (chữ chứ không phải từ) tính ra chỉ khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ về hiện tượng đang làm nóng dư luận xã hội và khá phức tạp (mà chính người viết cho là "khó hiểu") thì với dung lượng như vậy không đảm bảo cho việc bàn luận một cách sâu sắc, thấu đáo về hiện tượng.

          Thứ ba, đề thi ra đời ở thời điểm sự kiện vừa xảy ra, dễ gây ra "hiệu quả ngược" với mong muốn của người ra đề về ý nghĩa giáo dục của đề thi. Vì những đối tượng thần tượng nhân vật này đa số có tầm nhận thức còn thấp, nên khi thấy thần tượng bị chỉ trích sẽ càng phản ứng theo chiều chống lại dư luận để bảo vệ thần tượng của mình. Thêm nữa vào đề thi, nhân vật càng trở nên nổi tiếng hơn. Nếu ra đề thi ở dạng này, hãy để sự việc hiện tượng có độ lùi cần thiết và cho học sinh được tìm hiểu kĩ lưỡng, được trao đổi phản biện cụ thể, thẳng thắn trong các tiết học, khi ấy đề thi sẽ có hiệu quả tích cực. Tốt nhất là hãy đưa các nhân vật dạng này vào các giờ học về nghị luận trước khi đưa vào đề thi.

  1. Từ đề thi nghĩ về giá trị trong đời sống xã hội hiện nay

          Việc đề thi gây ra những tranh luận căng thẳng làm nóng dư luận xã hội cũng như khiến cho Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hải Phòng phải lên tiếng chứng tỏ vấn đề mà nó đặt ra không chỉ gói gọn trong hiện tượng cần bàn luận mà mở rộng ra những vấn đề lớn có phạm vi toàn xã hội. Ở bài viết này chỉ xin nêu sơ lược một vài suy nghĩ theo quan điểm của cá nhân người viết từ đề thi trên.

          Thế kỉ XXI đã qua đi gần hai thập kỉ. Có những giá trị truyền thống của dân tộc khẳng định được sức sống trường tồn nhưng cũng có những giá trị đã trở nên lạc hậu, lỗi thời so với thời đại. Trong khi sự thay đổi của xã hội không phải tính bằng năm bằng tháng mà tính bằng phút bằng giây thì những giá trị của thời đại mới lại hình thành và hoàn thiện một cách chậm chạp. Ai là người đảm nhận trách nhiệm lớn lao này cho thời đại mới?

          Thời đại công nghệ thông tin khiến cho việc bước ra khỏi vòng tay của gia đình, nhà trường chỉ trong một cú click chuột. Cả một thế giới ảo mở ra tốt xấu lẫn lộn. Thế hệ trẻ (và đâu phải chỉ thế hệ trẻ) bị ném vào thế giới ảo với tất cả sự ngơ ngác, hiền lành trước những cơn bão táp của thời đại số. Những lầm lẫn, u mê đã diễn ra khi vỏ sò được đánh bóng như kim cương và cát bắt nắng lại tưởng là hạt vàng. Trong khi những đứa con đang lạc lối trên thế giới ảo thì cha mẹ của chúng còn đang vật lộn với miếng cơm manh áo nên vừa thiếu sự quan tâm vừa không đủ hiểu biết để quan tâm dạy dỗ. Còn thầy cô không phải ai cũng bắt kịp được với thời đại và bắt nhịp được với sự phát triển của học sinh nên cũng không có đủ hiểu biết, trải nghiệm về những thứ liên quan đến thế hệ trẻ hôm nay để giáo dục học sinh một cách có hiệu quả. Cũng như vậy báo chí - truyền thông không hoàn thành được sứ mệnh to lớn của mình đó là định hướng đúng cho dư luận, giúp con người nhận diện được thế nào được gọi là giá trị và tuyên truyền, định hướng con người đi theo những giá trị mới.

          Chưa bao giờ việc kinh doanh và kiếm lợi nhuận lại có thể đơn giản và dễ dàng như bây giờ. Những cỗ máy kiếm tiền như Youtube, Facebook,... quả thực chỉ là "máy móc" nên để cho tất cả những cái xấu xa, tệ hại vẫn có thể thu được tiền thậm chí là kiếm được những món tiền lớn. Kinh doanh trên thế giới ảo chỉ cần số lượt xem cao, tỉ lệ tương tác lớn là sẽ có quảng cáo sinh ra lợi nhuận cho dù tỉ lệ tương tác ấy chủ yếu là chửi bới, lăng mạ. Và cả những doanh nghiệp, công ti có sản phẩm quảng cáo trên mạng cũng không cần biết sản phẩm của mình được giới thiệu trong một không gian mạng sạch hay bẩn miễn là có số lượt người xem lớn.

          Sự phát triển trên thế giới ảo diễn ra với tốc độ chóng mặt và vô cùng tự do. Những người tử tế làm ra những sản phẩm tử tế không phải là ít và lượng người đăng kí theo dõi và tương tác cũng chiếm một tỉ lệ lớn. Thế nhưng vẫn còn một bộ phận giới trẻ bị cuốn vào những đối tượng xấu và tung hô những thứ không phải là giá trị. Cho dù số lượng ấy là một triệu hay vài triệu thì cũng khiến cho những người tử tế cảm thấy đau lòng khi không thể kéo họ về với đời sống lương thiện.

          Một trong những căn bệnh không có thuốc chữa của thời đại số đó là tâm lí đám đông. Với sự hiểu biết non nớt, với tâm lí quay cuồng theo số đông, nhiều người đã trở thành “con bệnh thụ động” trên các trang mạng xã hội và bị xỏ mũi. Những nút “thích”, “chia sẻ”, “thả tim” được nhấn không phải bằng nhận thức và cảm xúc mà bằng một động tác của một cái máy bị điều khiển bởi tâm lí đám đông vì thế làm cho thế giới ảo càng trở nên “ảo” hơn khiến cho chính họ còn không nhận ra đâu là giá trị.

          Vẫn biết theo quy luật của đời sống, giá trị sẽ mãi là giá trị còn những thứ giả danh rồi sẽ bị lột trần nhưng nếu như quãng thời gian nhận chân giá trị càng lớn thì sự mất mát của chúng ta càng nhiều! Đó chẳng phải là điều đau xót của tất cả chúng ta hay sao?.

Hoàng Tố Nga

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy