Trở lại
Nếu như trước tết người ta nói nhiều đến "trở về" thì sau tết là thời điểm để người người "trở lại". “Trở về” mang theo hạnh phúc ấm áp của giây phút gia đình sum vầy, đoàn tụ, nhưng sự "trở lại" mới thực sự đánh dấu bước cựa quậy của sự sống mùa xuân. Có “trở lại” thì cuộc sống mới tiếp diễn, phát triển, để một ngày kia, lại hân hoan "trở về".
Dù ít được nhắc đến hơn, nhưng “trở lại” thật nhiều ý nghĩa. Năm nay, ý nghĩa ấy lại mở rộng thêm mấy tầng. Trước hết, chúng ta đang trở lại lịch sinh hoạt của đời thường sau gần một tháng hân hoan cùng tết. Thay bằng thói quen nhẩm ngày theo lịch âm, người người lại nhớ đến dương lịch thân thuộc. Thay bằng thói quen ngủ nướng mấy “ngày mồng”, lại đặt báo thức lúc 6h sáng để trẻ em, người lớn lên đường. Thay bằng những niềm nở, kiêng cữ, quần gấm áo hoa, cuộc sống hàng ngày trở lại với những bộn bề lo lắng, tất bật áo cơm, nơi người ta được “quyền” bon chen, nợ nần, cãi cọ mà chẳng lo ai giông, ai sái… Hết tết rồi!
Mùa xuân Nhâm Dần 2022 đánh dấu sự trở lại trường học của học sinh, sinh viên - sự kiện của ngành nhưng cũng là của toàn xã hội bởi gần như bất cứ gia đình nào cũng có trẻ em, thiếu niên, thanh niên trong độ tuổi đi học. Trường học mở cửa tất cả các cấp mang đến cho toàn xã hội một nhịp sống mới - nhịp sống vốn dĩ quen thuộc nhưng đã bị gác lại một thời gian quá dài, khiến tự nhiên, người ta thấy hân hoan và bỡ ngỡ. Ở các nước phương tây, các trường quốc tế, học sinh đã quen với ngày hội mang tên: “Back to School” với ý nghĩa chào đón các bạn nhỏ quay lại trường học sau những kì nghỉ dài vui vẻ. Năm nay, học sinh, phụ huynh cả nước được trải nghiệm không khí “Back to School” dù “kì ở nhà” trước đó không mấy vui vẻ và sự trở lại vẫn còn mang theo ít nhiều lấn cấn, âu lo. Bên cạnh sự trở lại của trường học, một số lĩnh vực không thật sự thiết yếu trong hoàn cảnh dịch bệnh cũng bắt đầu được nới lỏng. Những phòng vé, khu vui chơi, điểm du lịch dần mở cửa sau chuỗi ngày ảm đảm. Trên mạng xã hội, người ta bắt đầu đăng bài, “up” ảnh với chủ đề: “Xách ba lô lên và đi” như bao mùa xuân trước.
Học sinh trở lại trường học với nhiều náo nức lẫn lo âu. Lần đầu tiên trong lịch sử, giáo viên phổ thông phải duy trì đồng thời cả hai hình thức giảng dạy: trực tiếp và trực tuyến, để đảm bảo không có học trò nào bị lỡ tiến độ vì dịch bệnh. Ảnh: Cô giáo Đỗ Chinh, trường THCS Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên
Nếu như trong các làn sóng COVID-19 lần trước, sự trở lại của cuộc sống đi cùng với bước thoái trào của dịch bệnh, thì lần này, cuộc sống và dịch bệnh đang bước đồng hành. Sau những chuỗi ngày hoành hành trên đất phương Nam, COVID-19 trở lại miền Bắc. Sự trở lại ấy chẳng ai mong chờ, nhưng nó hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Nửa tháng nay, ở Thái Nguyên và các tỉnh miền Bắc, bà con lại nghe loa phường, lại chăm chú theo dõi thông tin về “số ca”, lại rầm rộ bán mua khẩu trang, sát khuẩn, gừng chanh, bồ kết… Dịch lại căng rồi!
Sự trở lại, dù chủ động hay bị động, thì người trong cuộc vẫn cần đón nhận nó với tâm lí vững vàng. Trở lại nhịp lao động sau tết, điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là việc khắc phục trạng thái uể oải gắn với tâm lí "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Hàng ngàn năm nay, người Việt Nam đã sáng tạo, tiếp thu, kế thừa nhiều phong tục mang ý nghĩa “khởi động” cho mùa lao động mới. Nào khai bút, mở hàng, xuất hành, khai ấn, mở cửa rừng, tịch điền… đầu năm. Khởi động là vậy, nhưng quá nửa tháng Giêng, vẫn mãi dùng dằng “hết tết đi rồi tết lại”, vẫn nấn ná vấn vương “còn mồng là còn tết”. “Đầu xuôi đuôi lọt” - sự hanh thông trong công việc đầu năm là điều ai cũng mong muốn, song muốn có thành quả viên mãn, cần lắm tâm lí bình thường, khẩn trương “bắt tay vào việc”.
Đưa học sinh trở lại trường học là điều cấp thiết, cũng là mong muốn của đại bộ phận nhân dân. Nhưng giữa lúc học trò và dịch bệnh cùng nhau trở lại, nhịp sống mới sẽ đến cùng vô vàn rủi ro. Trong hoàn cảnh ấy, không thể kì vọng mọi hoạt động giáo dục đều diễn ra theo thông lệ. Dẫu vậy, vẫn mong muốn một thời khóa biểu được “bình thường” hết sức có thể, tránh hiện tượng “dạy cố, học dồn, thi gấp” để “đề phòng dịch bùng phát”. Thời gian trước, học sinh một số nơi phải học dồn các môn được cho là “môn chính”. Lịch học nặng nề với toàn Toán, Văn, Anh, Lí, Hóa (khối kiến thức nghệ thuật, khoa học xã hội, thể chất… duy trì hình thức online hay bị lược bớt thời gian) khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi; lâu dài tạo ra sự mất cân bằng về kiến thức, kỹ năng hay tâm lí coi nhẹ một bộ phận kiến thức vốn dĩ rất cần thiết.
Với sự trở lại của làn sóng COVID, cần tránh tâm thế “bão hòa”. Suy nghĩ “Covid không còn đáng sợ, chỉ như cảm cúm thông thường”, “Đã tiêm đủ liều thì cứ bình tĩnh”, “Bây giờ ở đâu cũng có F0, F1 nên xác định chung sống”… mang ý nghĩa tích cực, lạc quan hay chủ quan, liều lĩnh còn phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể, với những ranh giới mong manh mà rủi ro được đo bằng sức khỏe, mạng sống. Và vì thế, với sự trở lại đặc biệt này, xin đừng “bình thường hóa dịch bệnh”.
Đón năm mới với những điều bình thường và bình thường mới đang trở lại!.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...