Trận địa C4 – một thời và mãi mãi
Với vị trí địa lý độc đáo, phía đông là con Sông Cầu án ngữ bao bọc, phía tây ôm trọn trong lòng Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, phía nam là cây cầu đường sắt Trần Quốc Bình, phía bắc là cầu Ba Đa (đập Thác Huống), phường Cam Giá (trước đây là xã) có một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng thủ quân sự chiến lược của thành phố Thái Nguyên thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và cả ngày nay. Bên cạnh các lực lượng chiến đấu tại chỗ như dân quân xã, tự vệ của Công ty Gang thép Thái Nguyên và các đơn vị khác, còn có các cơ sở, doanh trại, trận địa của nhiều đơn vị bộ đội chính quy, đóng quân, trực tiếp chiến đấu. Không ít máu xương đã đổ xuống đất này. Một trong những địa điểm đó, là mảnh đất nằm ở vùng giữa trung tâm xã khi xưa, gắn liền với cái tên “Trận địa C4”.
Khu vực trận địa C4 nay là vườn đào và nhà dân
Rất nhiều đơn vị quân đội (cả trong nước và quốc tế) thay nhau đến đóng quân, huấn luyện và chiến đấu ở đây trong mấy cuộc chiến. Mỗi thời kỳ, địa điểm này có một tên gọi khác nhau, nhưng với những người dân nơi này, họ quen gọi với cái tên ngắn gọn: “C4”.
C4 vốn là tên ban đầu của một đơn vị cấp đại đội - Đại đội 4 - bộ đội phòng không, về đứng chân ở đây, khi các đơn vị hùng hậu từ Điện Biên Phủ trở về xây dựng Khu Gang thép ngay sau hòa bình lập lại. Thời gian đầu, họ là đơn vị phối kết hợp với các lực lượng vũ trang địa phương, cùng bảo vệ cuộc sống của nhân dân sau hòa bình, và bảo vệ công trường xây dựng Khu Gang thép.
Rồi đến chiến tranh chống lại không quân của đế quốc Mỹ đánh phá vào Gang thép (lần đầu, năm 1965), một đơn vị quân đội phòng không Trung Quốc sang làm nhiệm vụ, tạm thế chân các đơn vị của ta và đóng quân ở vị trí này. Nhiều trận chiến đấu đã diễn ra tại mảnh đất đó.
Có lẽ do thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, nên thương vong là điều không thể tránh khỏi. Khác với cách đánh của ta, bộ đội Trung Quốc khi có máy bay Mỹ đến bổ nhào ném bom thì họ lại chui xuống hầm. Máy bay bay đi họ mới bắn đuổi theo. Cách đánh này không hiệu quả, trận địa bị lộ và bị ném bom trúng trận địa (chuyện này tôi chỉ kể sơ qua, bởi, đã có các nhà nghiên cứu quân sự chuyên sâu). Dẫu vậy, nó vẫn là những dấu ấn không thể quên bởi gắn liền với lịch sử kháng chiến huy hoàng của vùng đất Thái Nguyên.
Ngày ấy tôi còn rất bé, nhưng kỷ niệm vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi tới tận bây giờ...
Bố tôi là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Giá suốt mấy chục năm, xuyên suốt mấy cuộc chiến tranh. Nhiệm vụ của ông và các đồng nghiệp không khác gì nhiệm vụ của những người lính, cũng tay súng, túi thuốc cứu thương thời chiến trên vai, xông pha trong đạn lửa, khói bom, cấp cứu kịp thời những người dân bị thương và thương binh.
Trong một trận chiến thảm khốc, C4 bị trúng bom. Thương binh và liệt sĩ khá nhiều, riêng thương binh mang vào nằm chật một hội trường. Bố tôi đã tích cực cùng mọi người cứu chữa. Ấn tượng tôi nhớ mãi, khi những người lính Trung Quốc bị thương nặng, đòi uống nước, bố tôi đã quát lên với một anh lớn hơn tôi vài tuổi (anh tên Thái, giờ vẫn sống cùng gia đình gần nhà tôi) là không được cho uống nước, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Dẫu lịch sử trải qua nhiều giai đoạn, và có những khúc cua khác nhau, thì giai đoạn chiến tranh ấy, những người lính Trung Quốc đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mảnh đất này, với nhân dân chúng tôi là những kỷ niệm đẹp, có mối quan hệ thân thiện, gắn kết giữa quân đội và nhân dân địa phương. Ngoài giờ huấn luyện và chiến đấu, họ giúp nhân dân địa phương đào mương, đắp đường. Những bài hát của họ, chúng tôi chả hiểu gì, nhưng vẫn còn thuộc; những đoạn đường, con mương ấy, dấu ấn vẫn còn tồn tại đến ngày nay...
Do hệ thống giáo dục thời bấy giờ chưa có các lớp mẫu giáo, nên cái thằng bốn, năm tuổi là tôi lúc ấy, thường hay theo mẹ đến lớp, xem dạy học và nhặt cành khô bên đồi cây các cụ cạnh đó làm củi giúp mẹ. Lớp học thời chiến khi thì tận dụng một gian nhà kho của Hợp tác xã, khi thì mấy gian nhà mượn tạm của bộ đội.
Trong một buổi chiều giông bão mịt mù, sấm chớp nát trời, mưa tầm tã không ngớt, dạt trong bão dông, tôi lạc vào trong đơn vị của những người lính Trung Quốc ấy. Mẹ tôi sau khi tan buổi học cũng về nhà trong ùng oằng sấm chớp (nhà tôi cách đó chỉ chừng non cây số). Tôi được những người lính Trung Quốc bế vào trong doanh trại cho ăn cơm rang, bánh ngọt, uống nước ngọt siro, lau khô người cho tôi, rồi sau đó hai người lính bế tôi về nhà. Dù không biết tiếng, nhưng chúng tôi rất hiểu nhau qua cử chỉ, ánh mắt và hành động. Tôi nhớ mãi hình ảnh ấy đến tận bây giờ, họ cũng có phiên dịch, nhưng tiếng nói rất khó nghe, dù vậy tôi vẫn nhớ rõ họ hỏi: "tiêng lá día?" (tôi hiểu họ hỏi: tên là gì?). Tôi trả lời: "Trọng", họ hỏi tiếp: "nha ớ đầu?" (tôi hiểu: "nhà ở đâu?"). Tôi chỉ tay về hướng nhà mình. Hai người lính được phân công, mặc áo mưa trùm kín, bế tôi, đưa về nhà, trong lúc trời vẫn vần vũ mưa bão, sấm chớp, bóng tối đang sầm sập bủa vây, khi cây cối gẫy đổ ngổn ngang.
Tôi chỉ tay cho họ đi theo con đường về nhà, lẽ ra có thể đi đường vòng để tránh cây đổ, nhưng cái thằng tôi khi đó chỉ sợ họ đi sai đường, không về được nhà, nên cứ đúng đường mà chỉ. Họ đã biết hướng nhà, và đi tránh bụi tre vừa đổ, nhưng tôi chỉ quay vòng lại cho đúng đường… thế là họ lại vòng lại, đi đúng theo hướng chỉ tay của tôi, và chui qua cả bụi tre vừa đổ... Mẹ tôi khi còn sống cũng luôn nhớ và nhắc lại mãi chuyện này. Khi ấy bà đang lo lắng không biết tìm tôi ở đâu, thì hai ông lính xuất hiện, bế tôi lướt thướt từ trong màn mưa bão chui ra, trao lại cho bà thằng con bé bỏng. Bà chỉ biết nước mắt lưng tròng vì xúc động và biết ơn, miệng luôn nói hai từ cảm ơn.
Sau ngày những người lính Trung Quốc về nước, các đơn vị khác của quân đội ta lần lượt về đây, thay nhau bảo vệ mảnh đất này. Các cuộc diễn tập phối kết hợp đánh quân đổ bộ giữa bộ đội và dân quân địa phương, những ngày giữa cuộc chiến không quân lần thứ hai diễn ra ngay tại những ụ pháo phòng không ấy. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, những đứa trẻ mới lớn như chúng tôi phải dắt díu nhau đi sơ tán bên Huống Thượng, quê mẹ tôi, phía bên kia sông Cầu. Từ trong những căn hầm kèo nơi sơ tán, chúng tôi thắt ruột khi nghe và như nhận rõ những tràng đạn gầm lên, khạc lửa vào mặt kẻ thù, từ những họng súng cao xạ bên nhà. Nơi đó có mẹ tôi cùng các thày cô giáo đầu đội mũ rơm, tả tơi áo quần, lo bảo vệ trường lớp. Nơi ấy có cha tôi, tay súng, vai túi thuốc phòng không, cùng các đồng nghiệp và lãnh đạo, dân quân địa phương, lăn lộn trong lửa đạn mưa bom...
Sau đó ít lâu, trận địa này còn thêm lần nữa sống động trong những tháng ngày sau sự kiện 17 tháng 2 năm 1979. Những cỗ pháo cao xạ năm xưa lại trở về, ngày đêm trực chiến, những khẩu lệnh quen thuộc lại vang lên ngày đêm dõng dạc...
Bình yên trở lại, những người lính dần rút đi, những mái nhà cuối cùng trong khu doanh trại anh dũng một thời, mang danh C4, cũng dần nhường chỗ cho những thảm xanh của cây keo, cây đào. Có chỗ đã được cấp quyền sở hữu cho dân, nhưng những nơi trọng yếu khi xưa là sở chỉ huy, trận địa chính thì vẫn trong địa giới quân sự, mãi mãi là địa chỉ đỏ, dấu mốc cho bất cứ ai là con dân xứ này, dẫu có đi đâu, khi trở về, nhìn vào mà nhớ về những tháng năm hào hùng, những máu xương của thế hệ trước, tưới xuống cho màu xanh vĩnh hằng hôm nay.
Nguyễn Minh Trọng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...