Tờ “Le Paria – Người cùng khổ” và những bí mật của một tờ báo cách mạng (Kỳ: III)
Kỳ III – NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ NGÒI BÚT CHÂM BIẾM SÂU SẮC
VNTN- Điển hình trong văn phong báo chí của nhà báo Nguyễn Ái Quốc là lối viết châm biếm sắc sảo, một lối viết mà không phải ký giả nào cũng có được. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc dù trên tờ Le Paria hay tờ Đồng Bào, tờ Nhân Đạo hay bất cứ một tờ báo nào khác, đều chứng minh văn phong hài hước đẳng cấp của một nhà báo. Nhưng đằng sau sự hài hước đó là cả một nghệ thuật châm biếm đạt đến độ bậc thầy.
Với bài viết “Động vật học” đăng trên số 2 số ra tháng năm năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện cho độc giả thấy một cách xuất sắc ngòi bút châm biếm của mình.
““Càng học nhiều thì càng biết ít”, đó là câu tục ngữ Á châu, khác với những câu tục ngữ tầm phào khác, câu tục ngữ này có giá trị toàn cầu.
Vậy mà ngài Joseph Caillot, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, chỉ tương đối tồi, nói như Einstein, người mà sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, có trong tay hàng triệu, hàng tỷ bạc, viết sách vở, rồi một buổi sáng nọ, ông vò đầu và gãi điên cuồng - không phải là vò tóc, vì ông ta không có sợi tóc nào cả - mà gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu rồi sẽ đi tới đâu? Nước Pháp rồi sẽ đi tới đâu? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải đáp được, trừ phi…
Này ngài Chủ tịch, xin ngài cho tôi biết đôi chân của châu Âu và nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói cho ngài biết châu Âu và nước Pháp sẽ đi tới đâu!.
Darwin, học giả Darwin, đã biết rằng con ngươi của con ếch vùng Auvergne tròn hơn con ngươi của con ếch vùng Nottingham, và rằng đuôi của con bồ câu Mexique có nhiều hơn đuôi của con bồ câu Thụy Điển ba sợi lông, nhưng ông ta lại hoàn toàn mù tịt về sự tồn tại của một loài động vật khá đông đúc và được biết rõ ở thời đại của chúng ta, và đó là loài - cả về số lượng và chất lượng - được xếp vào hàng đầu tiên trong thế giới động vật. Bởi vì loài động vật này rất đáng được lưu ý, vậy nên chúng ta hãy thử giới thiệu chúng với những người bạn của tờ Người cùng khổ.”
(“Động vật học” – Le Paria số 2, tháng 5/1922)
Tinh tế và sâu sắc đến từng chi tiết, Nguyễn Ái Quốc đã dùng chính hình ảnh và những lời nói của Joseph Caillot, cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương với chức Thủ tướng bây giờ), với chiếc đầu hói đặc trưng của những người được coi như người có tri thức đã từng hỏi “Châu Âu rồi sẽ đi đến đâu? Nước Pháp rồi sẽ đi đến đâu” để đặt vấn đề. Và sau đó Nguyễn Ái Quốc đã đáp trả một cách sâu cay câu hỏi của J. Caillot “Hãy nói cho tôi biết đôi chân của Châu Âu và nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói cho ngài biết châu Âu và nước Pháp đi tới đâu”. Hóa ra châu Âu và nước Pháp từ hồi nào tới giờ vẫn chỉ là loài động vật bò sát chưa kịp tiến hóa hết, loài động vật chuyên sống dựa vào những loài khác. Nhưng đó không phải là loài động vật duy nhất trong bài báo này. Một bài báo đặc biệt phải nói về những điều đặc biệt, đặc biệt đến nỗi ngay như nhà bác học về thuyết tiến hóa Darwin, người tưởng như biết hết những bí mật của thế giới động vật cũng hoàn toàn “mù tịt”. Loài đó là loài gì mà chúng đặc biệt đến thế?
“Những nghiên cứu nghiêm túc cho phép chúng ta khẳng định nguồn gốc của loài động vật này có từ rất xa xưa, thậm chí còn lâu đời hơn cả loài người. Cấu trúc hình thể của chúng rất kỳ lạ: ở mọi loại động vật, sự sản sinh ra lông lá thường ở đuôi, lông tơ của loài này mọc ở đầu chứ không phải mọc ở cổ như chiếc bờm ngựa. Chúng có thể mịn màng như len, hung hung đỏ hay duỗi thẳng, đen tùy vào điều kiện thời tiết nơi loài vật sinh sống. Hoạt động thời tiết cũng ảnh hưởng rất lớn đến màu da, chúng có thể từ da vàng đến đen và rất hiếm khi trắng. Mặc cho những sự kỳ quặc, cấu trúc hình thể của chúng đôi khi khá thân thiện. Chúng là loài động vật hai chân. Nhưng, theo như một vài quan sát tại một vài địa hạt châu Á, đôi khi chúng trở lại thành loài bốn chân (1). Một cách chung chung, chúng có thể được xếp vào loài hai tay. Đặc điểm này cho phép chúng phát triển thành số đông và sống trên một diện tích dàn trải trên bề mặt địa cầu, đó là một điều kiện thuận lợi cho phép chúng có được nguồn lương thực đa dạng. Chúng có thể là loài ăn thịt, loài ăn cỏ, loài ăn lúa và thậm chí cả loài tiêu dùng ngân sách. Một điều cần chú ý, khi một cá nhân đạt đến trình độ ăn ngân sách thì coi như chúng đã trở thành loài thoái hoá bởi chúng đã đánh mất hoàn toàn đặc tính đạo đức của giống loài.
Đặc tính thông minh dễ bắt chước rất phát triển ở loài vật này và chúng không hề hời hợt như loài khỉ hay loài vẹt, bởi chúng ta có thể thừa nhận trình bắt chước của chúng đạt đến độ hoàn hảo, đôi khi chúng còn vượt qua cả đối tượng bị bắt chước.
Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài vật nuôi. Một khi đã bị thuần dưỡng, thì tự chúng sẽ để cho người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê. Đó là một việc cực khả thi: nếu người ta bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh như một đồng vàng hay một cây thánh giá, thì nó liền trở nên hoàn toàn ngoan ngoãn, lúc đó người ta có thể sai nó làm bất cứ việc gì và bảo đi đâu cũng được… và các con khác cứ việc theo nó một cách… khờ khạo, nếu có thể nói như thế.
Các nhà khoa học của Hội động vật đế quốc Anh (B.I.Z.A- British Imperial Zoological Association) vừa phát hiện thêm loài động vật sống trên bờ Ấn Độ Dương và trên bờ xứ Libi, vùng biển Đỏ, với những tiến hoá rất rõ rệt: loài vật mới này không chịu để người ta bắt một cách dễ dàng, và không dễ để bị thuần dưỡng. Hiện tượng mới này không khỏi gây lo ngại cho các giới công nghiệp và khoa học trên thế giới và đặc biệt là cho những giới nhà giàu, vì, tuy loài vật đó không dành để ăn thịt vì không thể ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại trở thành những thứ không thể thiếu để giúp những chiếc máy nhồi thịt (2) hoạt động”.
Nói tóm lại, loài động vật mới phát hiện này được biết đến dưới tên gọi chung là Bản địa tại các thuộc địa (Coloniae Indigena), nhưng tùy theo từng địa hạt, người ta gọi chúng bằng những cái tên khác đi: người An Nam, người Madagascar, người Algéria, người Ấn Độ…".
Bằng phương pháp giải phẫu hình thể, loài động vật đặc biệt ấy hiện ra với đủ những đặc tính cho phép chúng ta nhận dạng và định danh chúng. Chúng có thể là bất cứ “loài” nào, chúng có mặt ở khắp nơi, chúng mang đặc tính của những loài vật cam chịu, chúng rất thông minh nhưng chúng quá sợ sệt nên dễ thuần dưỡng và vì thế chúng để mặc nhiên cho người ta dắt mũi thậm chí là biến thành phế liệu giúp cho nền kinh tế tư bản hoạt động và phát triển. Đọc đến đây thì bất cứ độc giả nào cũng có thể hình dung loài động vật đặc biệt đó là ai. Chúng chẳng thể là ai khác, chúng chính là hiện thân của những người bản địa (3).
Sẽ thật hời hợt nếu ai đó nói rằng việc so sánh người bản địa với loài động vật là một sự xúc phạm bởi trong bài báo này, đó không hề là một sự xúc phạm, đó là cả một nghệ thuật châm biếm mà chỉ những ký giả xuất sắc, những người viết bằng cả trái tim mới có thể so sánh hay đến thế. So sánh để chỉ ra những tật xấu và điểm yếu của những người đang bị bóc lột, chỉ ra cho họ thấy nếu cứ chấp nhận để bị “dắt mũi” thì cuộc sống của họ cũng sẽ chẳng khác nào cuộc sống của loài động vật dù sở hữu trí thông minh mà không phải loài nào cũng có được, từ đó giúp họ nhìn ra bản chất thực sự cuộc sống mà họ đang phải gánh chịu.
“Tái bút: Chúng tôi vừa nhận được từ đồng nghiệp, nhà tự nhiên học De Partout (4), tin về một chủng hiếm có với đặc tính gần gũi với hiện tượng động vật mà chúng tôi vừa nghiên cứu. Chủng mới này có tên, theo như đồng nghiệp của chúng tôi: Loài Vô Sản. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu hiện tượng mới của Vô Sản của De Partout trong thời gian tới”.
Chỉ ra hiện thực đời sống mà những người bản địa đang là những nạn nhân, Nguyễn Ái Quốc cũng không thể không nói với họ, thời cơ đang tới, một cơ hội đang xuất hiện, hãy nắm lấy. Vẫn bằng giọng điệu trào phúng, Nguyễn Ái Quốc nói về một loài động vật mới được phát hiện, “loài Vô Sản của De Partout". Loài động vật này rất có thể chính là cứu cánh của những người bản địa. Và trên thực tế thì ai cũng biết “loài Vô Sản” được nói đến ở đây chính là những người dân của các nước thuộc địa đang dần tỉnh ngộ và hợp sức nhau trong cuộc chiến chống đế quốc, một phương pháp ẩn dụ hữu hiệu hợp với lô gic của bài báo. Muốn thay đổi, muốn đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thì bất kể là loài nào cũng phải tiến hóa.
“Động vật học” không phải là bài báo duy nhất mà nhà báo Nguyễn Ái Quốc dùng ngòi bút châm biếm của mình để phác họa lại hình ảnh xã hội thực dân. Trong bài “Gu đặc biệt” in trên số 5, số ra tháng tám năm 1922, giọng văn châm biếm của Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lại thể hiện được cái nhìn sâu sắc của một nhà báo được xếp ở hàng bậc thầy trong nghệ thuật trào phúng.
“Gu đặc biệt” được viết nhân dịp chuyến công du của đức ngài Khải Định tại Pháp nhân dịp cuộc triển lãm Thuộc Địa tại Marseille từ tháng Tư đến tháng Mười một năm 1922. Đây là cuộc triển làm lần thứ năm sau Rouen (1896), Rochefort-sur-Mer (1898), Marseille (1906), Paris (1907). Cuộc triển lãm nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu “khai hóa” của đế quốc Pháp tại các thuộc địa với mục đích “bịt mắt” người dân Pháp để che đậy những hành động thực dân bẩn thỉu mà họ đang làm tại các nước Thuộc địa.
“Từ lúc đặt chân đến Paris, đức ngài Khải Định trở thành đối tượng chú ý của những cô gái làm ngành. Đức ngài đã nhận được từ các cô rất nhiều thư nóng bỏng kèm với những bức ảnh gợi cảm. Nhưng ngài Khải Định là một người khôn ngoan. Ngài ném tất cả, cả thư và ảnh, vào giỏ, từ chối trả lời mọi đề nghị dành cho ngài.
Được hỏi về chuyện này, ngài Albert Sarraut đã trả lời câu hỏi của một người phụ nữ khá xinh đẹp:
- Đức ngài là người có gu đặc biệt.
Người phụ nữ tỏ ra khá ngạc nhiên và muốn hỏi cụ thể hơn nhưng ngài Bộ trưởng Bộ Thuộc địa chỉ lắc đầu:
- Đức ngài chỉ thích đọc sách. Ông ta nói.
Người phụ nữ hỏi tiếp:
- Ngài ấy đang đọc gì lúc này?
- Platon, ngài Albert Sarraut trả lời.
(Nghe ngóng (5))
Vâng, chuyện đức ngài Khải Định là một người khôn ngoan, chúng tôi chẳng có gì phải nghi ngờ. Nhưng sự khôn ngoan không loại trừ phép lịch sự, chúng tôi tự cho phép mình thưa với đức ngài với tất cả lòng tôn kính rằng hành động của ngài, dù rất cao thượng, vẫn thiếu đi tính ga lăng. Chỉ cần nghĩ đến việc những người phụ nữ đầy dũng cảm này, những người bị mê hoặc bởi cuộc sống Hoàng gia lại bị coi thường một cách cao thượng, họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để trút mọi sự tức giận lên đức ngài, cũng đủ khiến người ta run lên. Quý ngài bộ trưởng là một diễn giả hoạt ngôn. Ông ta biết sử dụng ngôn từ. Do vậy câu trả lời của ông ta dành cho người phụ nữ xinh đẹp thật trừu tượng. Ông ta muốn nói gì khi dùng từ “gu đặc biệt”? Có phải, một cách ngẫu nhiên, trình học thức và mỹ thuật của đức ngài đã giúp đức ngài gặp gỡ một họa sĩ và một nhà thơ nổi tiếng ngay khi vừa tới Paris? Người ta đặt cho đức ngài câu hỏi nhưng câu trả lời lại là của một người khác. Sau khi người phụ nữ xinh đẹp muốn tìm hiểu sâu hơn về đức ngài, ngài Bộ trưởng đã lắc đầu từ chối, kẻ diễn giả hoạt ngôn tiếp tục: Dù là trong cuốn Théétète (6) có thé (7), giống như Victor Hugo đã từng nói, chúng tôi không tin đức ngài đọc các tác phẩm của Aristote cũng bởi đức ngài vẫn cần đến người phiên dịch để diễn đạt bằng tiếng Pháp (và cả tiếng Hy Lạp). Đó là lý do tại sao, khi ngài bộ trưởng nói, đức ngài đang đọc Platon, ông ta đã không thể nói hết câu. Rất có thể ông ta muốn nói đó là người Platon… nique (8).
Amicus Plato, sed magis amica veritas (9)
Còn đây là câu trả lời của chúng tôi:
“Platon yêu quý, Đức ngài thích được nhìn thấy””.
Lời văn vẫn rất trang trọng khi viết về đức ngài Khải Định đương triều của nhà Nguyễn, nhưng ai cũng có thể nhận ra sự mỉa mai sâu cay dành cho đức ngài. Với cương vị là bậc bề trên của vương quốc An Nam, đức vua khôn ngoan của chúng ta lại thiếu đi cả phép lịch sự tối thiểu. Cũng có thể không hẳn là vậy, đơn giản là vì đức vua thông thái của chúng ta, người giỏi cả văn lẫn nghệ thuật, không nói được tiếng Pháp, thứ tiếng của nước mẹ đại Pháp, nước đang mang danh bảo hộ An Nam. Đức ngài của An Nam chỉ đang nói một thứ tiếng Pháp tựa như tiếng bồi. Ngài ấy thậm chí còn không có quyền lên tiếng để trả lời cho câu hỏi của một cô gái làng chơi, loại người bị xã hội liệt vào hàng thấp kém nhất. Ngài ấy thậm chí còn chẳng thể hiểu nổi những bức thư của gái làng chơi.
Để miệt thị sâu hơn, Nguyễn Ái Quốc dùng lại từ của ngài Sarraut, người “phát ngôn” của đức ngài, và thêm vào đó chút suy nghĩ khôi hài “Platon… nique”. Đây là cách chơi chữ mà chỉ những người Pháp gốc, am tường về ngôn ngữ mới có thể sử dụng một cách tự nhiên và sâu sắc đến nhường đó. Platon, nhà triết lý, một người sáng suốt. Từ Platon sang “Platonique”, ý tứ đã thay đổi rất nhiều nhưng ngắt nó làm đôi thì quả là cao tay, chỉ có thể là nhà báo Nguyễn Ái Quốc mới nghĩ đến và sử dụng nó ở một vị trí đắt đến thế. Cách sử dụng từ đắt giá này vừa để mỉa mai vai trò bù nhìn của Khải Định vừa là để tố cáo sự thiếu tôn trọng, phép lịch sự của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và cũng qua đó cho chúng ta thấy, ngay cả đến Đức ngài còn có thể trở thành con rối trong tay của thực dân thì những người bản địa trong mắt họ chỉ là những loài động vật đi bằng hai chân và biết sử dụng đôi tay.
Hơn một trăm năm đã trôi qua nhưng khi cầm lại tờ Le Paria – Người cùng khổ, dù là nhà báo lão thành hay những nhà văn nức danh, không ai không phải ngả mũ trước giọng văn châm biếm sâu cay thuộc hàng bậc thầy của nhà báo Nguyễn Ái Quốc, người ngay từ những ngày đầu của phong trào chống đế quốc đã biết nắm bắt được tầm quan trọng của báo giới và khai thác chúng một cách hiệu quả nhất.
Quyên GAVOYE
--------------
(1) Theo nguyên chú của tác giả là “loài quan lại đứng theo tư thế Salamalek
(2) Theo giải thích của Le Paria: máy nhồi thịt (les machines à boudins) dùng để ám chỉ giới tư bản.
(3) Bản địa là danh từ dùng để chỉ người dân tại các nước thuộc địa.
(4) De Partout là cách chơi chữ, De Partout có nghĩa “Khắp nơi”.
(5) Được viết dưới dạng như một đoạn trích từ một tư liệu nào đó, mà ở đây tư liệu được lấy tên “Nghe ngóng”.
(6) Théétète là cuộc đối thoại của Platon về khoa học và định nghĩa của khoa học. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên trong loạt ba cuộc đối thoại (với Nhà ngụy biện và Chính trị gia), hoặc bốn cuộc đối thoại nếu tính cả Nhà hiền triết.
(7) “Thé” trong tiếng Việt có nghĩa là chè.
(8) Platon… nique. Đây là cách chơi chữ, từ platonique (ý chỉ người sống bằng lý tưởng, không có bất cứ một khái niệm vật chất hay thể xác nào khác, một kẻ thuần khiết). Nhưng khi cắt thành Platon (nhà triết học) và nique (đến từ động từ niquer): chơi đểu ai, quan hệ xác thịt…
(9) Đây là một câu tục ngữ La tinh có nghĩa là: “Platon thật quý giá với tôi, nhưng sự thật còn quý giá hơn”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...