Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
03:07 (GMT +7)

Tờ “Le Paria – Người cùng khổ” và những bí mật của một tờ báo cách mạng

Kỳ I- SỰ RA ĐỜI VÀ NHỮNG THĂNG TRẦM

VNTN- Đứng trước những thách thức khó có thể vượt qua đối với một tờ báo non trẻ thuộc sở hữu của nhóm người bản địa, bất cứ ai cũng tin rằng “Le Paria” sớm muộn sẽ phá sản.

Bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 5
Bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 5

Tờ báo Le Paria - Người cùng khổ xuất hiện vào tháng 4/1922, một trong những tờ báo cách mạng đầu tiên của phong trào chống đế quốc và thực dân trên toàn thế giới. Với nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của các nước thuộc địa Pháp, tờ Paria đã gây không ít tiếng vang trên trường quốc tế không chỉ bởi đó là một tờ báo có xuất thân cộng sản mà nó còn gây sự tò mò với thân thế của người tổng biên tập, một trong những gương mặt điển hình của phong trào chống đế quốc, Nguyễn Ái Quốc. Cũng bởi lý do đó mà hoàn cảnh ra đời của báo, hẳn đó không còn là điều bí mật với nhiều người.

Trong bối cảnh của một nền kinh tế khó khăn và thiếu nhân lực trầm trọng của nước Pháp sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ I, chính phủ Pháp lúc bấy giờ càng ra sức bóc lột các nước thuộc địa cả về nhân sự lẫn kinh tế. Trong cuộc viếng thăm công trường của cuộc triển lãm Thuộc Địa tại Marseille vào tháng 5 năm 1921, Albert Sarraut, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã phát biểu:

 “Các nước thuộc địa phải thành lập một một quân đội bản địa với 300 nghìn người để giảm tải nghĩa vụ quân sự cho nước Pháp. Các thuộc địa phải cung cấp cho nước Pháp toàn bộ nguyên liệu được khai thác trên lãnh thổ của họ. Các nước thuộc địa phải cung cấp tiền bạc cho nước Mẹ (1) để giảm tải chi phí thực dân tốn kém cho nước Pháp”.

(Trích “Vấn đề cơ bản ở Marseille” in trên báo “Pháp – Đông Dương”, số ra ngày 2/5/1921)

Không chỉ dừng lại ở lời nói, đế quốc Pháp đã kịp thời hành động theo đúng “lý tưởng” đề ra của ngài A. Sarraut.

“Huy động những nhóm người da màu chưa bao giờ là khó. Những kẻ “tự nguyện” bản địa, được thêm vào những chiếc xích đeo, và bị áp giải đến tận cảng biển nơi những chuyến tàu sẽ đưa họ đi. Họ chỉ nghe được những lời khen ngợi của đám lính và họ chỉ đọc được những lời dối trá của báo chí các bộ”.

(Xuất ngũ những nhóm lính thuộc địa – Le Paria, số 2, tháng 5/1922)

Cũng giữa những vấn đề cấp bách đó, vào tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội diễn ra ở thành phố Tours, Đảng Cộng sản Pháp (PCF) chính thức được hình thành và trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản với mục đích ban đầu là “Tố cáo một cách không thương tiếc tất cả những năng lực của các nhà thực dân của đất nước họ tại các thuộc địa. Trợ giúp, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động, tất cả các phong trào giải phóng tại các thuộc địa. Yêu cầu trục xuất về Đại lục (2) những tên thực dân. Tạo dựng cho tầng lớp lao động tại Pháp tư tưởng đoàn kết, tương ái cùng với những người dân lao động tại các nước thuộc địa và những đất nước bị đàn áp đồng thời nuôi dưỡng cho họ tư tưởng đấu tranh chống lại tất cả mọi hình thức áp bức nhân dân các thuộc địa”.

Trong những ngày diễn ra Đại hội, một người thanh niên đến từ Đông Dương đã phát biểu. Người đó nói về công cuộc áp bức, bóc lột đang ngày ngày diễn ra ở vùng đất Đông Dương xa xôi - mà rất nhiều trong số những người ngồi đây còn chưa biết chính xác nó nằm ở đâu, về việc đầu độc dân bản địa bằng rượu và thuốc phiện của đế quốc Pháp, về việc Đông Dương là nơi nhà tù nhiều hơn là trường học, nơi tự do ngôn luận không tồn tại... Cuối bài phát biểu, người đó nhấn mạnh: “Đảng phải làm công tác tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tại tất cả các thuộc địa”. Người thanh niên với dáng gầy gò và đôi mắt sáng ấy, khi có sự chen ngang gây ồn ào của những đại biểu, đã không ngần ngại cầu khiến: “Im lặng, hỡi các nghị sĩ!” Người thanh niên ấy, sau Đại hội Tours đã được trường chính trị thế giới biết đến dưới bí danh Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Tours tháng 12/1920. Ảnh tư liệu nước ngoài
Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Tours tháng 12/1920. Ảnh tư liệu nước ngoài

Từ đại hội này, PCF đã thành lập một tổ chức dành cho những người bản địa đang sinh sống tại Pháp với tên gọi “L’Union intercoloniale” (IUC - Liên hiệp quốc tế thuộc địa), sau đổi thành Ủy ban Liên hiệp Quốc tế Thuộc địa mà một trong những người sáng lập không phải là ai khác, chính là Nguyễn Ái Quốc. Lần tìm trong tập hồ sơ Nguyễn Tất Thành, bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (ANOM - Archives Nationales d’Outre Mer), bản sao chép báo cáo của cơ quan tình báo và bảo an của Chính phủ toàn quyền Đông Dương ghi nhận:

“Nhóm Xã hội có nguồn gốc Thuộc địa (Liên Hiệp Quốc Tế Thuộc Địa) tại số 8 đường Hoàng Tử đã hợp nhất với nhóm Ủy Ban Nghiên Cứu Thuộc Địa số 2 đường Racine và đổi thành tên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Tế Thuộc Địa đặt trụ sở thường trực tại một văn phòng chật chội của hợp tác xã tiêu dùng đóng tại số 8 đại lộ Arago.

Ngài Monnerville (3), thư ký của hội sống tại số 9 đường Velette và những thành viên chính của hội: Bloncourt trú tại số 10bis đại lộ Port Royal; Stéfany trú tại số 9 đường Claude Bernard, Nguyễn Ái Quốc trú tại số 9 hẻm Comptoint, Sarotte trú tại số 2 tòa nhà Chapelle…”

(Ghi chép của mật thám Désiré ngày 8/4/1922)

Từ cuộc họp lần này, việc sáng lập ra tờ Le Paria được giao lại cho Liên hiệp Quốc tế Thuộc địa.

“Ngày 16 tháng hai năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được từ Monnerville, thư ký của Ủy ban Liên hiệp Quốc tế Thuộc Địa giấy triệu tập để tham gia vào cuộc họp được tổ chức vào ngày 19 tháng sau tại số 28 đại lộ Arago – Chương trình nghị sự: Tạo dựng tờ báo.

Quốc và Phan Văn Trường đã tham dự vào cuộc họp này”.

(Báo cáo của cơ quan tình báo và bảo an, ngày 8/3/1922)

Tờ báo mà cơ quan tình báo muốn nói đến ở đây chính là tờ Le Paria. Rất nhanh, hai tháng sau cuộc họp nói trên, Le Paria đã cho ra đời số báo đầu tiên dưới sự chỉ đạo về mặt nội dung của Samuel Stéfany (4) và tổng quản lý hành chính, J. B Nerat. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp - tờ báo Le Paria trở thành người phát ngôn của các dân tộc thuộc địa, điều này được thể hiện ngay dưới tiêu đề của nó: “Tribune des populations des colonies” (Diễn đàn nhân dân các thuộc địa). Với tư tưởng chính trị này, Le Paria chủ trương hướng tới những đồng bào tại các dân tộc thuộc địa bằng lời kêu gọi: “Compatriotes des colonies, Le Paria est votre journal; Lisez-le et faites-le lire” (Đồng hương các thuộc địa, Người cùng khổ là tờ báo của các bạn; Hãy đọc nó và hãy để người khác đọc). Sau hai năm hoạt động, tiêu đề này được chuyển thành “Tribune du Prolérariat Colonial” (Diễn đàn giai cấp vô sản thuộc địa), theo đó thì đối tượng “độc giả” cũng mở rộng: “Coloniaux! Le Paria est votre journal. Lisez-le et faites-le lire” (Các ngài thực dân, Người cùng khổ là tờ báo của các ngài. Hãy đọc nó và để người khác cùng đọc).

Tồn tại từ tháng 4/1922 đến tháng 10/1925 và “tái xuất” 1 số trong năm 1926 trước khi biến mất hoàn toàn, Le Paria đã cho ra đời tổng cộng 37 số báo (trong đó có vài số báo kép. Nếu tính một các chính xác, rất nhiều tháng Le Paria đã không được xuất bản). Hiện nay trên tổng số 37 số, Trung tâm Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) chỉ còn giữ 22 số.

Le Paria số 35
Le Paria số 35

Việc xuất bản ngắt quãng cùng với sự biến mất nhanh chóng của một tờ báo giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng các nước thuộc địa được lý giải từ nhiều lý do.

Lý do quan trọng và trước tiên phải kể đến là tài chính. Dù là tờ báo sinh ra từ những dự án của PCF nhưng nó đã không nhận được sự giúp đỡ tài chính từ PCF cũng bởi lúc đó PCF vẫn còn là một tổ chức non trẻ. Thiếu kinh phí hoạt động đã khiến việc duy trì tờ báo trở thành một thách thức lớn đối với ban biên tập. Vài tháng sau sự ra đời số báo đầu tiên, một cuộc khủng hoảng lớn đã khiến tờ báo gặp khó khăn phải đứng trước nguy cơ phá sản.

“Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Ái và Bloncourt (5) đã họp theo lời triệu tập của Bloncourt tại nhà ông này ở đại lộ Port Royal vào tối thứ sáu ngày 23 tháng này.

Hadjali đã gửi thư xin lỗi vì không thể tham gia.

Bloncourt mong muốn cảnh báo các đồng chí của mình nâng cao cảnh giác với tổng biên tập tờ “Le Paria”, Stéfany. Theo ông ta, người này đã gian lận quỹ báo thông qua việc ăn chặn tiền của các bài quảng cáo.

Ông ta cũng đề nghị Nguyễn Ái Quốc đảm nhận những chức vụ hiện thời thay cho Stéfany và trong tương lai họ sẽ bỏ quảng cáo, giảm số lượng báo in từ 2000 bản xuống còn 1000 bản rồi từ từ sẽ chuyển báo thành một tờ tin đơn giản, điều này sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí một cách đáng kể.

Trước đó họ đã thương lượng với nhà in về số báo tháng ba, báo sẽ được giao vào cuối tuần tuần này. Trong tương lai, tòa soạn sẽ chỉ trả tiền cho nhà in sau khi đã nhận báo. Về số nợ còn lại, vào khoảng 1300 phờ răng, họ sẽ trả góp theo tháng.

Ký tên: De Villier

Stéfany đã được đại diện tổ chức thông báo về những quyết định trên”.

(Báo cáo mật thám của De Villier ngày 27/3/1923)

Đây chính là lý do khiến nhiều người hiểu lầm rằng Nguyễn Ái Quốc đã đẩy S. Stéfany ra để trở thành Tổng Biên tập. Trên thực tế, Le Paria đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài Nguyễn Ái Quốc để duy trì sự tồn tại dù lúc đó Nguyễn Ái Quốc đã mang rất nhiều trọng trách khác. Dù muốn dù không, vì sự sống còn của tờ báo, Nguyễn Ái Quốc không thể từ chối  trách nhiệm được giao.

“Hôm qua, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được một tờ giấy có dán tem trị giá 2 phờ răng với nội dung thông báo như sau:

Áp dụng điều lệ 7 và 8 của đạo luật ngày 29 tháng bảy năm 1881, tôi, Sarrotte (Henri Georges), sinh tại Trinité ngày 9 tháng hai năm 1877, nhân viên thương mại trú tại số 3 đường Marrché des Patriarches (quận 5) có toàn quyền công dân và chính trị tuyên bố, tờ báo tháng “Người cùng khổ” diễn đàn của nhân dân các dân tộc thuộc địa sẽ có sự chuyển đổi với các điều kiện sau:

1° Quản lý: Henri, Georges Sarrotte(6) trú tại Paris ở số 3 đường Marrché des Partriarches thay cho Nérat

2° Nhà in: Ngài Berlond nhà in số 24 đường Trường Học (quận 5) ở Paris thay cho Emancipatrice.

Viết tại Paris ngày 1 tháng năm 1923

Ký tên: G. Sarrotte

Bản thông báo này nhằm mục đích để chuyển tới văn phòng công tố viên”.

(Ghi chép của mật thám Désiré ngày 3/5/1923)

Dù sự chỉ định này chỉ là trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế dù với cương vị Tổng Biên tập hay chỉ đơn giản là thành viên của Ban Biên tập, Nguyễn Ái Quốc là một trong những cây bút chủ đạo của Le Paria. Gần như số nào cũng có bài của Nguyễn Ái Quốc, có những số Nguyễn Ái Quốc viết tới hơn một bài báo. Với ý chí: “bằng mọi giá phải để tờ báo sống sót, việc biến mất của tờ báo lúc này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức và đặc biệt là phong trào tuyên truyền đang ở giai đoạn cấp bách hơn lúc nào hết, giai cấp vô sản thế giới đang vùng dậy chống lại giai cấp tư bản bóc lột” (trích lời của Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo của mật thám De Villier ngày 7/4/1923), tờ Le Paria đã được vực dậy và tiếp tục sứ mệnh của mình.

Quang cảnh Đại hội Tours. Ảnh tư liệu nước ngoài
Quang cảnh Đại hội Tours. Ảnh tư liệu nước ngoài

Một lý do khác khiến Le Paria bị suy yếu chính là sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân. Dưới tiêu đề “Cuộc tẩy chay báo Le Paria của cơ quan hành chính bưu điện” có đăng lại bài viết trên báo Đông Dương, trong đó viết:

“Chúng tôi biết chắc chắn rằng cơ quan bưu chính đã nhận lệnh giữ lại và không chuyển tiếp dưới bất cứ lý do nào bất cứ thứ gì dù là thư, là bưu thiếp… những giấy tờ được gửi đến cho tờ báo mới được xuất bản ở Paris “Le Paria”, và những giấy tờ gửi đi từ tòa báo này. Cần phải nói rằng ngành bưu chính không phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động này, bởi những mệnh lệnh đến từ cấp cao, nhưng chỉ riêng chuyện này cũng đáng để công chúng lưu tâm…

Rõ ràng rằng một văn phòng đen tồn tại và rằng thư tín của chúng ta không hề được bảo mật tại Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Đó là một hành động xấu xa mà chúng ta đang phải không ngừng chiến đấu để chống lại”.

(Le Paria, số 6 - 7, tháng 10/1922)

Đứng trước những thách thức khó có thể vượt qua đối với một tờ báo non trẻ thuộc sở hữu của nhóm người bản địa, bất cứ ai cũng tin rằng Le Paria sớm muộn sẽ phá sản. Nhưng trái với dự đoán, Le Paria vẫn tồn tại cho đến năm 1925, tức là hai năm sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Paris đến Mát-xcơ-va.

(Còn nữa….)

Quyên GAVOYE

Kỳ II

---------

(1) Ý chỉ nước Pháp đế quốc.

(2) Đại lục (La métropole) là danh từ chỉ nước Pháp trừ các lãnh thổ thuộc địa. Ngày nay danh từ này dùng để chỉ nước Pháp trừ các lãnh thổ hải ngoại.

(3) Monnerville Piere (1895 – 1970) tại Cayenne (Guyanne), bác sĩ, và từng là Thị trưởng thành phố Morne-a-l’Eau (Guadeloupe), được bầu vào Quốc hội Lập hiến ngày 2 tháng 1 năm 1956 (nhóm xã hội chủ nghĩa), được bầu lại vào ngày 30 tháng 11 năm 1958 và ngày 25 tháng 11 năm 1962.

(4) S. Stéfany (1890 – 1939), người Madagascar, giảng viên, luật sư; thành viên của Liên đoàn Nhân quyền, nhà cách mạng với tư tưởng chống thực dân, đảng viên Cộng sản và sau này là đảng viên Đảng Xã Hội. Ông chính là người gây dựng phong trào chống thực dân tại Madagascar. Cùng với Nguyễn Ái Quốc, S. Stéfany đã tham dự Đại hội Tours vào tháng 12/1920 và trở thành một trong những đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đầu tiên. Với vai trò này, S. Stéfany cùng Nguyễn Ái Quốc và một vài đồng chí khác đứng ra sáng lập Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa, Stéfany giữ vai trò Phó Tổng Thư ký. Tiếp sau đó, họ cùng nhau tham gia vào Liên hiệp Quốc tế Cộng sản.

(5) Bloncourt Max hay còn gọi Bloncourt Marie, Edmond, CLAINVILLE Max (1887- ???) sinh tại Pointe-à-Pitre ở Guadeloupe, luật sư tại Tòa phúc thẩm Paris, nhà hoạt động cho Liên minh Nhân quyền; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa, người đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa. Năm 1924, ông tham gia vào việc thành lập Ủy ban Thuộc địa trung ương bao gồm cả Nguyễn Ái Quốc, người phụ trách các vấn đề liên quan đến Đông Dương. Stephany Samuel phụ trách các vấn đề Madagascar, Monnerville Louis phụ trách các vấn đề của Martinique...

Là người gần gũi với Nguyễn Ái Quốc, họ cùng là những cây bút chủ chốt của tờ Le Paria. Năm 1922, ông đi dự đại hội của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức tại Paris.

(6) Sarotte Henri, Charles (bí danh Sarotte) (1877-???) ở La Trinité (Martinique), đảng viên Đảng Xã hội, đảng viên Đảng Cộng sản, Thư ký Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa được thành lập vào tháng 6 năm 1921, người mang tư tưởng ôn hòa. Bị thương trong Thế chiến thứ nhất, Henri Sarotte trở về hoạt động hòa bình và trở thành Thư ký hành chính của Hiệp hội Cựu chiến binh Cộng hòa (ARAC), thành viên của Ủy ban Quốc tế thứ III. Rất nổi tiếng ở quận 18 thành phố Paris, Sarotte tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, là một trong những người sáng lập hợp tác xã “Mua bán dân dã của quận XVIII”. Ông cũng là thành viên của Ủy ban Thống kê trực thuộc Ủy ban Công đoàn cách mạng (CSR).

Tháng 12 năm 1920, ông được cử đi dự Đại hội Công đoàn cách mạng ở Đức diễn ra vào đầu năm 1921. Là một trong những thành viên sáng lập Ủy ban Nghiên cứu Quốc tế Thuộc địa, Henri Sarotte còn là thư ký của nhóm cộng sản Goutte-d’Or và thành viên ban biên tập tờ báo Le Paria.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy