Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
15:44 (GMT +7)

Tỉnh Thái Nguyên qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn

Như vậy là đã trải qua 190 năm kể từ ngày vua Minh Mệnh ban dụ cho thành lập tỉnh thành Thái Nguyên, một chặng đường dài gần hai thế kỷ. Nhân sự kiện này chúng ta cùng nhau “ôn cố tri tân” để hướng về quá khứ với một lòng thành kính nhằm tri ân với tiền nhân đã có công với vùng đất này.

Thái Nguyên là một tỉnh được đánh giá là có nhiều núi khe hiểm trở trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dân thưa đất hẹp. Để có được một Thái Nguyên phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay, bao tầng lớp con dân của tỉnh đã đổ mồ hôi, công sức, máu xương để bảo vệ, gìn giữ và dựng xây. Những dấu ấn của tiền nhân xưa còn được lưu giữ trong các bộ sách chính sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn về quá trình thành lập tỉnh Thái Nguyên trong công cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn khắp cả nước năm 1831 - 1832.

Thái Nguyên qua ghi chép trong chính sử triều Nguyễn

Theo sách Đại Nam thực lục ghi chép rằng, vào năm 1831 vua Minh Mệnh ban dụ cho bề tôi: “Dựng các trấn làm bình phong và đặt các quan chức để cai trị, là chính sách lớn của triều đình, mà gặp việc phải châm chước sửa đổi là cốt cho thích hợp với công cuộc kinh lý. Nhà nước ta gây nền ở cõi Nam, các trấn hạt đều đặt viên chức chuyên giữ việc chăn nuôi dân. Đến lúc Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta thu về một mối có cả nước Việt. Bắc Thành, 11 trấn, đất rộng, việc nhiều, lúc trong nước bình định hẳn rồi, chỉ giao cho viên quan to chuyên trông coi và chia đặt ra các tào giúp việc. Công việc các trấn đều thuộc về đấy cả. Đó chỉ là lúc bắt đầu quyền nghi tạm đặt. Thánh minh lo xa vẫn muốn sửa đổi lại, nhưng lúc mới khai sáng còn chưa kịp làm. Ta nay kính nối phúc xưa, mong theo chí trước, nghĩ rằng: các địa phương ấy, các việc quân, dân, kiện tụng, tiền lương, thuế khóa, thực là bề bộn. Cần phải chiểu theo địa hạt chia người coi giữ cho có chuyên trách, cho chí các hạt Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoa, Ninh Bình về phía bắc kinh kỳ cũng nên sửa đổi một thể và chia đặt ra quy tắc. Như thế thì quan chức không đến nỗi quá bộn, công việc cũng được thỏa thuận, tiện nghi, mới có thể không để tệ về sau, giữ mãi được phúc tốt ức muôn năm vô cùng. Lũ ngươi nên hết lòng bàn kỹ để tâu lên”.

Trang tài liệu bản in từ mộc bản bài thơ ngự chế của vua Minh Mệnh viết về Thái Nguyên.

Qua lời dụ này có thể nhận thấy sự bất cập của việc duy trì các trấn, dẫn đến các việc quá nhiều bề bộn khó lòng giải quyết ổn thỏa. Do đó việc chia tách từ trấn thành tỉnh là việc cần phải làm. Cuối cùng tỉnh Thái Nguyên nằm trong đợt chia tách tỉnh đầu tiên từ Quảng Trị trở ra phía Bắc. Lúc này tỉnh Thái Nguyên thống trị 2 phủ là Thông Hóa, Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Động Hỷ; 2 châu là Bạch Thông, Định Châu.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về hình thể của Thái Nguyên lúc đó như sau: Đông tây cách nhau 294 dặm, nam bắc cách nhau 241 dặm. Phía Đông đến địa giới các huyện Yên Thế và Hữu Lũng tỉnh Bắc Ninh. Phía Tây đến địa giới các huyện Châu Hóa, Vĩnh Điện tỉnh Tuyên Quang và địa giới huyện Sơn Dương tỉnh Sơn Tây. Phía Nam đến địa giới huyện Yên Lãng tỉnh Sơn Tây và địa giới các huyện Hiệp Hòa, Kim Anh, Thiên Phúc tỉnh Bắc Ninh. Phía Bắc đến các huyện Văn Quan, Thất Khê tỉnh Lạng Sơn và địa giới Thạch An, Thạch Lâm tỉnh Cao Bằng. Phía Đông Nam đến địa giới tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Sơn Tây; phía Tây Nam đến địa giới tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Sơn Tây; phía Đông Bắc đến địa giới tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Lạng Sơn. Phía Tây Bắc đến địa giới tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Cao Bằng. Từ tỉnh lỵ đi về phía Nam đến kinh thành 1.542 dặm…

Vua Minh Mệnh đối với nhân dân tỉnh Thái Nguyên qua những vần thơ ngự chế

Đối với tỉnh Thái Nguyên thời Nguyễn nói chung và thời vua Minh Mệnh nói riêng, không chỉ chính sử mới có những ghi chép về việc thành lập tỉnh. Mà ngay cả chính nhà vua Minh Mệnh cũng tự sáng tác thơ để ca ngợi Thái Nguyên. Đọc trong toàn bộ thi tập của vua Minh Mệnh thì tỉnh Thái Nguyên được vua nhiều lần nhắc đến trong thơ. Đặc biệt là đối với việc nông được mùa, được mưa, giá lúa gạo giảm, căn cứ vào tình hình của địa phương báo lên thì nhà vua vui mừng làm thơ ghi lại việc đó, một là để vui mừng, hai là để an ủi bản thân.

茲據北城潘文璻續奏宣光諒山高平太原興化廣安等鎮均節次得雨情形詩以誌慰. Tư cứ Bắc Thành Phan Văn Thúy tục tấu Tuyên Quang, Lạng Sơn Cao Bằng, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng An đẳng trấn, quân tiết thứ đắc vũ tình hình, thi dĩ chí úy. (Nay căn cứ lời tấu của Phan Văn Thúy trấn thủ Bắc Thành các trấn Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng An lần lượt được mưa, làm thơ để ghi lại mà an ủi).

茲據北城潘文璻奏報城轄之山南山西北寧興化高平宣光諒山太原廣安等鎮並懷德府田禾秋收分數詩以誌事. Tư cứ Bắc Thành Phan Văn Thúy tấu báo thành hạt chi Sơn Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng An đẳng trấn, Hoài Đức phủ điền hòa thu thu phần sổ, thi dĩ chí sự. (Nay căn cứ lời tấu của Phan Văn Thúy trấn thủ Bắc Thành các trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng An và phủ Hoài Đức về việc lúa mùa thu được mùa, làm thơ để ghi lại việc này).

節次據北寧廣安海陽河內興安南定山西太原諒山慶和平定諸督撫布按奏報米價減平詩以誌慰. Tiết thứ cứ Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Sơn Tây, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bình Định, chư đốc phủ bố án tấu báo mễ giá giảm bình, thi dĩ chí úy. (Lần lượt căn cứ vào lời tâu của Tổng đốc, Bố chánh, Án sát các trấn Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Sơn Tây, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bình Định tỉnh về việc giá lúa gạo đã giảm, làm thơ để ghi lại mà an ủi).

茲始據護理山興宣總督關防黃文站太原布政使阮敦素奏報得雨情形詩以誌喜. Tư thủy cứ Hộ lí Sơn Hưng Tuyên, Tổng đốc Quan phòng Hoàng Văn Trạm, Thái Nguyên Bố chánh sứ Nguyễn Đôn Tố, tấu báo đắc vũ tình hình, thi dĩ chí hỉ. (Nay mới căn cứ vào lời tấu của Hộ lí Sơn Hưng Tuyên, Tổng đốc Quan phòng Hoàng Văn Trạm, Thái Nguyên Bố chánh sứ Nguyễn Đôn Tố về tình hình được mưa, làm thơ để ghi lại việc vui này).

Bài thơ có tiêu đề Thái Nguyên trấn được in trong Ngự chế thi sơ tập quyển thứ 9, tờ số 25 - 26, mặc dù chỉ có 4 câu nhưng đã bao quát được những công việc mà Thái Nguyên đã đạt được. Trong đó có việc dẹp yên ổn người Man, người Dao, biên thùy được củng cố yên bình. Ngoài ra thuế khóa thì giảm nhẹ cho dân nên nhân dân tránh được mệt nhọc vất vả. Hơn nữa cuối bài thơ là lời chú của vua Minh Mệnh về việc toàn hạt Thái Nguyên được mùa lớn. Nhân dân làng xóm yên ổn thanh bình, biên cương cũng được củng cố vững chắc, đất nước.

Thái Nguyên trấn

Khống ngự Man Dao định viễn thùy,

Phú khinh sự giản miễn dân bì.

Kim phùng toàn hạt giai trúng nẫm,

Lư lí an điềm phủ ngưỡng tư.

Dịch nghĩa:

Trấn Thái Nguyên

Dẹp yên người Man, người Dao biên cương yên ổn,

Thuế má công việc giảm nhẹ tránh được cho dân khỏi mệt nhọc.

Ngày nay gặp cảnh toàn hạt được mùa lớn,

Xóm làng yên ổn ngưỡng trông nhà nào cũng có vốn liếng.

Theo lời tấu của Trấn thủ Thái Nguyên là Nguyễn Văn Cẩn và Thự hiệp trấn Trần Thiên Tải, Thự tham hiệp Lê Văn Lễ thì vụ thu năm nay toàn hạt 9 huyện và 2 châu như: Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Động Hỷ, Văn Lãng, Bạch Thông, Định Châu đều được mùa lớn, hạt này ở miền thượng du của Bắc Thành dân Man ít sinh sự, thuế má giảm nhẹ, toàn hạt đều vui mừng được mùa, làng xóm, nhà nhà đều có của ăn của để vui vẻ, nếu như quan địa phương mà hết lòng dạy dỗ cho dân, người dân yên ổn thì biên cương cũng sẽ vững bền, đất nước thanh bình.

Trong bài thơ về Thái Nguyên vua Minh Mệnh lại viết rằng:

Thái Nguyên là vùng đất hẹp không có nhiều đất,

Ngày nay cũng được chịu ơn được mùa lớn.

Giá lúa gạo so với trước cũng giảm đi nhiều,

Ăn cơm vỗ bụng ca tụng lòng nhân đức của trời.

Mặc dù là tỉnh xa kinh kỳ, tuy nhiên với sự quan tâm của vua Minh Mệnh đối với mảnh đất và con người Thái Nguyên cũng không ít. Đó cũng là niềm mong đợi của người Thái Nguyên xưa đối với người đứng đầu đất nước, hy vọng để cho người dân có cuộc sống no đủ.

Theo lời chú trong bài thơ về Thái Nguyên do vua Minh Mệnh viết sau khi nghe tấu từ địa phương gửi lên. Căn cứ theo lời tấu của Bố chánh sứ Thái Nguyên là Lê Trường Danh thì toàn tỉnh Thái Nguyên có 11 châu huyện, duy chỉ có 2 huyện là Phổ Yên và Bình Tuyền có trồng được lúa mùa vụ hè. Nay đã đến thời kỳ lúa chín bèn sai người đi đến thăm và đều khen là mười phần được mùa lớn, còn ruộng mùa thu sắp tới cũng bõ công trồng trọt, việc nông cũng được thuận tiện. Lời tâu nói là đất đai Thái Nguyên nhiều núi rừng. Cho nên vụ mùa hè ít trồng lúa, lại thường không được mùa. Nay cùng được nhiều lúa thành thực là rất khó đạt được. Về giá lúa gạo của tỉnh ấy so với các tỉnh lớn khác cảm thấy giá hơi cao. Gần đây tỉnh liên tục được mùa đến nỗi giá gạo cũng theo đó mà giảm xuống rẻ hơn. Những nhà nghèo đất hẹp không thể không ca tụng trời cao nhân từ.

Làng quê Phổ Yên. Ảnh: Khắc Thiện

Qua những ghi chép và đánh giá của chính sử triều Nguyễn cũng như những ghi chép trong thơ văn của nhà vua Minh Mệnh, phần nào người đọc hình dung về một tỉnh Thái Nguyên thế kỷ thứ 19 với biết bao những khó khăn, đất đai ít ỏi, đa phần là đồi núi, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả của một tỉnh xa kinh kỳ.

Đọc lại sách xưa, tìm về cội nguồn, tri viễn báo bổn để cảm nhận những âm thanh của quá khứ với thực tiễn của hiện tại, đó là sợi dây để gắn kết đời xưa với đời nay để không phụ những tấm lòng cha ông đã gửi vào thiên cổ.

Nguyễn Huy Khuyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy