Tiếng hát của những người tù cộng sản
Dưới gông cùm của bọn đế quốc, thực dân, các chiến sĩ cộng sản đã hiên ngang cất cao tiếng hát, vừa động viên tinh thần, vừa nêu cao ý chí cách mạng khiến quân thù khiếp sợ. “Hát” (và mở rộng hơn là “Văn nghệ”) đã trở thành một nội dung sinh hoạt, một phương thức đấu tranh của tù nhân ở các nhà tù khét tiếng: Phú Quốc, Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La. Tại Thái Nguyên, những người cộng sản cũng cất cao tiếng hát chống quân thù trong Nhà tù Chợ Chu và Căng Bá Vân.
Văn nghệ ở Nhà tù Chợ Chu và Căng Bá Vân
Nhà tù (còn gọi là Trại giam) Chợ Chu, nằm ở thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa), sát đồn lính khố xanh. Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Thái Nguyên giành được chính quyền và chấm dứt hoạt động của Nhà tù này. Vì vậy, tìm được một người đã từng hoạt động ở đây vẫn còn minh mẫn để kể lại hoạt động thời kỳ đó là điều không thể. Chúng ta buộc phải “lần về” quá khứ qua những trang sử liệu còn lưu trữ. Và càng đọc kỹ, ta lại càng cảm nhận rõ hơn và thêm khâm phục tinh thần kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong gông tù đế quốc.
Cuốn “Từ điển Thái Nguyên” (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016) cho biết: Nhà tù Chợ Chu là một nhà tù cấp tỉnh do thực dân Pháp xây dựng năm 1913. Lúc mới xây dựng, Nhà tù có thể giam giữ từ 80 đến 100 người. Sau này, thực dân Pháp mở rộng, xây thêm các nhà giam, phòng giam, có thể giam giữ 200 người.
Hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Chợ Chu được ghi lại khá kỹ trong tài liệu “Trại giam Chợ Chu (1943 - 1945)” lưu tại Kho lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Khi đó, Chợ Chu là một thị trấn. Trại giam Chợ Chu làm trên sườn đồi, trước chỉ giam thường phạm. Khi chính quyền thực dân Pháp phát xít hóa, bắt hàng loạt chính trị phạm, thiếu chỗ giam, chúng đã dùng nơi đây giam giữ những người án trí chính trị. Tháng 6/1943, thực dân Pháp chuyển gần 100 tù chính trị từ nhà tù Sơn La về (trong đó có 6 đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương) rồi chuyển số tù chính trị cũ ở Chợ Chu xuống Căng Bá Vân (xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, nay là TP. Sông Công).
Trại giam Chợ Chu thực chất cũng là một loại nhà tù theo kiểu nhà binh. Nhưng lúc này, trước tình hình thế giới và trong nước, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, tướng Đờ Gôn - người đứng đầu Chính phủ lâm thời Pháp - cũng muốn “liên minh” để lợi dụng ta chống Nhật, cho nên chúng phần nào nới rộng chế độ đối xử với tù chính trị để gây “thiện cảm” với ta. Đây là một sự nhượng bộ, nhưng đồng thời cũng là âm mưu mới của địch nhằm đối phó với tình hình mới đang biến chuyển bất lợi cho chúng.
Khi các đảng viên cộng sản chuyển khỏi Nhà tù Sơn La về Chợ Chu, Chi bộ Nhà tù Sơn La chỉ định thành lập một chi bộ của những người tù này gồm 6 đồng chí. Về trại giam Chợ Chu, chi bộ dần dần phát triển lên 15 đảng viên. Tiêu chuẩn kết nạp rất chặt chẽ. Có đồng chí, khi ở ngoài đã là tỉnh ủy viên, xứ ủy viên, vào đây phải trải qua thử thách, thấy đủ tiêu chuẩn mới kết nạp. Chi bộ hoạt động rất bí mật, cứ ba tháng họp một lần, đồng thời lãnh đạo các tổ chức công khai trong trại giam (như Ban Ngoại giao, Ban Trật tự, Ban Kinh tế v.v.). Về chức năng nhiệm vụ của tất cả các “Ban” nói trên đều được quy định rõ ràng, có nội quy, điều lệ cụ thể. Kỷ luật đặt ra rất nghiêm minh.
Ban Khánh tiết lo việc giải trí cho anh em như tổ chức vui tết, biểu diễn văn nghệ... Những vở kịch “Phút thiêng liêng”, “Hận phong khê”, “Tên thủ phạm”, “Kinh Kha”... và một số vở kịch khác tự biên tự diễn có tác dụng tuyên truyền khá tốt. Vào dịp tết nguyên đán (năm 1944), anh em dành hẳn một gian nhà làm phòng trang trí. Nhân dân thị trấn nhiều người vào xem và cùng ăn tết. Mối liên hệ với nhân dân giữ được chặt chẽ. Việc tuyên truyền nhân dân tiến hành thuận lợi. Binh lính cũng thích đến xem ta biểu diễn văn nghệ, họ ngày càng có cảm tình với ta.
Căng Bá Vân cũng là một nhà tù của thực dân Pháp, được xây dựng cuối năm 1941. Từ năm 1942, thực dân Pháp đưa tù nhân ở Căng Bắc Mê (Hà Giang) về đây, tổng số hơn 200 người, gồm cả những đảng viên cộng sản và những người yêu nước, với ý đồ làm cho họ chết dần chết mòn bởi khí hậu nơi rừng núi “lam sơn chướng khí”, kết hợp với lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ.
Thực hiện phương châm biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, các chiến sĩ cộng sản trong Căng Bá Vân vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo đấu tranh với bọn cai tù và các lực lượng phản động, giữ vững khí tiết, lập trường; tranh thủ mọi điều kiện để học tập, rèn luyện, tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng ra các vùng lân cận. Chi bộ Căng được thành lập gồm 10 đảng viên, các đảng viên đã biến nơi giam giữ thành trường học, tổ chức học tập chính trị, quân sự, biểu diễn văn nghệ chăm lo cải thiện đời sống, tuyên truyền giác ngộ binh lính và nhân dân địa phương. Tại Căng, tờ báo “Dòng Sông Công” đã ra đời phản ánh sinh hoạt nội bộ, bàn luận tình hình trong nước, thế giới.
Ông Đặng Dũng khi đó là một trong những thanh niên địa phương, được những người cộng sản trong chi bộ Căng giác ngộ, hằng ngày đi chăn trâu và chuyển thư từ, tài liệu từ Căng gửi ra, đặt vào gốc đa Đình Bá Vân. Trong hồi ký, vị Lão thành cách mạng viết: Chúng tôi cũng như nhân dân quanh vùng nhớ nhất ngày lễ Nôen năm 1943 do các anh trong Căng tổ chức. Các anh ấy đấu tranh buộc địch phải cho tổ chức vui ba ngày, đó là ba ngày hội lành mạnh, lôi kéo dân quanh vùng và ngay cả nhân dân thị xã Thái Nguyên cũng kéo đến xem. Các tiết mục vui có: tuồng, kịch, trò ảo thuật, thể dục, đấu võ và trưng bày các đồ thủ công tự tay các anh ấy làm ra như bàn, ghế, quân cờ, guốc và có cả vẽ truyền thần.
Ngày tết, anh em trang hoàng ở trại giam khá lộng lẫy; có cổng chào, có đài khánh tiết, có khẩu hiệu. Một đài kỷ niệm được làm ở giữa sân, có quả địa cầu to, nổi bật hình ảnh nước Nga Xô Viết bên cây đào hoa nở đỏ thắm, cạnh đó là khẩu hiệu viết tắt CMTC (cách mạng thành công). Anh em tổ chức liên hoan mừng xuân vui chơi trong ba ngày tết rất nhộn nhịp.
Để chào mừng Hồng quân Liên Xô liên tiếp chiến thắng phát xít Đức, và bước vào giai đoạn phản công, Xứ ủy chủ trương tổ chức những cuộc vui liên hoan lớn để tuyên truyền cách mạng. Tại Căng Bá Vân, anh em đã tổ chức triển lãm, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, mời nhân dân và binh lính đến xem. Chúa ngục, cai đội, chánh tổng, lý trưởng ở quanh Căng cũng có mặt trong những tối biểu diễn. Nhân dân xung quanh kéo nhau đến xem như trảy hội. Đồng bào ai nấy đều trầm trồ khen ngợi.
Tháng 11/1944, hoảng sợ trước phong trào cách mạng trong vùng ngày một dâng cao, nhất là từ sau cuộc vượt ngục thành công của 8 đảng viên trong Chi bộ Căng Bá Vân (22/8/1944), Thống sứ Bắc Kỳ ra quyết định giải tán Căng Bá Vân, sau đó thực dân Pháp đã đưa các tù chính trị về giam tại Căng Nghĩa Lộ (Yên Bái) và Sơn La. Hồi ký cách mạng của ông Đặng Dũng và một số người khác có ghi lại: Khi bị giải từ Bá Vân ra thị xã Thái Nguyên để đưa đi nơi khác, các anh vẫn rất hiên ngang, vừa đi vừa tuyên truyền, ca hát. Ông già, bà lão nhìn theo các anh với lòng bịn rịn, có cụ khóc lén lút. Mấy thanh niên chúng tôi cũng đứng xa xa trông theo bước các anh đi. Lòng chúng tôi vui vui, thấy rằng bọn đế quốc không đàn áp nổi ý chí bất khuất của các anh...
Đoàn tù từng đôi một, bị xích tay nhưng vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, vừa đi vừa hát các bài ca cách mạng. Đứng giữa ngã tư thị xã, một đồng chí tươi cười nói chuyện với nhân dân xúm xít gần chỗ tù tập trung. Đồng chí chào bà con ở lại và khuyên đồng bào hết sức ủng hộ cách mạng, ngày giải phóng quê hương, xứ sở không còn xa nữa. Những người lính áp giải tù, lưỡi lê tuốt trần, cũng đứng lặng nghe nói chuyện. Tên sĩ quan Pháp xộc đến đám đông, xì xồ quát tháo ầm ĩ, lúc đó những người lính mới giật mình, rối rít giục anh em tù cộng sản lên đường.
Đoàn tù đi đã xa, nhân dân vẫn đứng nhìn theo dõi. Từ xa còn vọng lại bài Quốc tế ca rất hùng tráng, hứa hẹn ngày vùng lên của các dân tộc bị áp bức. Ngày ấy không còn xa nữa...
Văn nghệ trong ký ức ông Đào An Thái
Ông Đào An Thái (1923 - 2018), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (sau này ông làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình), trong một “tâm thư” gửi người bạn chí cốt Hoàng Thế Thiện (nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên lâm thời, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…) đã ôn lại kỷ niệm những ngày hai người mới quen nhau trong Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Sơn La, rồi thoát ngục về Thái Nguyên, trong đó có rất nhiều câu chuyện thú vị về hoạt động văn nghệ của các tù nhân cộng sản.
Ông Thái cho biết: Khi đó là năm 1942. Ở khu tù chính trị tại Hỏa Lò, những người cộng sản bí mật tổ chức các lớp học, nhóm học cho tù nhân, như học tiếng Pháp do Hoàng Thế Thiện (khi đó vẫn lấy tên khai sinh là Lưu Văn Thi) phụ trách; học Điều lệ Việt Minh do tôi (khi đó vẫn lấy tên khai sinh là Vũ Duy Nhai) phụ trách;… và có cả nhóm học nhạc do Đỗ Nhuận làm thầy.
Về nhạc lý tôi cũng tạm được, nhưng khi đọc nốt nhạc “đồ, rê, mi, pha…” Đỗ Nhuận lại quát: đọc cái gì vậy, “jé, jé” chứ sao cứ “rê, rê”, đưa cái lưỡi lên một tý xem nào. Tôi không sao đúng được... Học nhạc không được, nhân có cái gáo dừa to, tôi đem cạo sạch trong ngoài nhẵn nhụi, lấy cán chổi làm cái cần, định làm cái nhị, nhờ mấy anh em viết thư về gia đình gửi vào cho dây, nhựa thông và nhắn xin các chị bên trại phụ nữ ít tóc dài. Tôi nói với Nhuận, hắn bảo sao lại nhị, làm vi-ô-lông chứ! Cầm cái gáo, Nhuận nói: đàn nhị thì độ mỏng của bầu phải đều, gáo xù xì thế này mà được sao? Tôi mài lại, rồi hỏi: nhìn thế này sao biết dày mỏng mà mài cho đều? Nhuận bảo: mắt không hay lấy tay mà sờ!... Hí hoáy mãi rồi cũng xong, kéo lên cũng kêu ra phết!
Thi bảo lấy cành bàng nhỏ, thẳng, thuôn rỗng ra rồi khoét sáo. Chúng tôi lại hì hục làm. Khi khoét lỗ, tôi cứ đục lỗ tròn, đưa cho Nhuận, hắn bảo làm lại. Lỗ sáo của người ta phải hình hạt chanh. Với mảnh tôn bằng đầu ngón tay, tôi mài thật nhọn để làm. Cuối cùng, Đỗ Nhuận cũng cười hì hì ưng ý!
Trong tù, anh em tù chính trị được tổ chức rất tốt, tự giác, chặt chẽ. Ngoài ca hát, ngâm bình thơ, còn diễn cả tuồng “Bao Công xử án Bàng Quý Phi”. Nghe tiếng đàn, cai ngục vào hỏi, Đỗ Nhuận lấy miếng giấy bóng để lên cái lược thổi toe toe, Thi vác cả thùng cơm bằng tôn ra gõ ầm ầm, “sếp ngục” tiu nghỉu quay ra…
Năm 1943, bọn thống trị Bắc Kỳ cho phân tán tù chính trị Hỏa Lò, đại bộ phận đi đày Sơn La, một bộ phận đi Côn Đảo. Đỗ Nhuận đi Sơn La chuyến trước, trên đường Nhuận sáng tác bài “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù, đoàn tù tha hương cất bước đi trên đường,…”. Tôi và Thi đi chuyến sau vào năm 1944, trên đường đi bị xích tay vào nhau. Đến giữa đoạn từ Hà Nội đến Hà Đông, tên mật thám bắt dừng đoàn xe lại và đánh chúng tôi vì trong phố chúng tôi đã hát vang bài ca cách mạng. Thi đẩy tôi nằm rạp vào lòng xe để Thi nhô ra che cho tôi. Chúng tôi hét lớn: “Phản đối đánh đập”, “Phản đối khủng bố”, “Ngồi lại không đi nữa”…
Đến Sơn La, Đỗ Nhuận nói với chúng tôi: ở đây có thợ mộc cừ, có gỗ lát, không cần đàn gáo của bọn mày nữa… Nhưng tao vẫn cảm ơn chúng mày! Chúng tôi cười ồ. Toàn ngục Sơn La lúc này không khí rất sôi động, tuy không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy như sắp thoát ngục đến nơi (do Nhật chuẩn bị đảo chính Pháp - tác giả chú thích).
Ông Lương Nhân (tức Nho), một cựu tù Sơn La, sau này là một trong những đảng viên của Căng Bá Vân còn cho biết thêm trong hồi ký: Có lần ở Sơn La ta diễn kịch. Mở màn, sân khấu xuất hiện tên vua mà hầu hết bọn Pháp sùng bái: Na-pô-lê-ông. Thế là tất cả bọn lính lê dương (Legion) và lính thường đều đứng nghiêm chào - tức là chào cộng sản - người đóng vua Pháp!
Sáng 10/3/1945, ăn Tết xong, các tù nhân còn đang dọn dẹp nhà, sân thì xảy ra “biến cố”. Không thấy lính vào dẫn tù đi làm. Anh em đang tụ tập thì được báo tin: Nhật hất cẳng Pháp hôm qua rồi! Sau nhiều lần điều đình giữa Công sứ Pháp với đại diện Nhà tù không thành, được tin chúng muốn chuyển tù nhân đi nơi khác, chi bộ chủ trương nhân dịp này tổ chức thoát ngục gọn, không đổ máu.
6 giờ sáng ngày 18/3/1945, đoàn tù cũng có Chúa ngục, lính áp giải, nhưng không xích tay, lên đường. Đi qua Mường La, Ít Oong, Tạ Bú, qua Mường Chiến,… nghe lao xao là đi Nghĩa Lộ. Dọc đường, Đỗ Nhuận lại rút cây sáo ra tấu vài bài. Qua Mường Chiến, lên đèo Khau Phạ, cứ lên hết đỉnh núi này lại thấy đỉnh núi khác trước mặt. Anh em có sáng kiến lấy đoạn nứa đục đi 1 đốt đổ đầy nước vào, vừa làm gậy chống, vừa làm bình nước rất hiệu quả. Đến 3 giờ chiều, đoàn đến một bản ở đỉnh đèo. Hai tên Pháp lấy ngựa của Thống lý Mèo quay trở lại Sơn La, số binh lính cũng bỏ đi hết. Thế là thoát ngục, tự do!
…Sau khi bắt liên lạc với tổ chức, một nhóm (trong đó có ông Thái và ông Thiện) được bố trí ở tạm một nhà dân thuộc thôn Nang Sa (nay thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ - tác giả chú thích), gần sông Thao. Tại đây, cả nhóm được chỉ đạo đổi tên để về hoạt động tại các địa phương. Lãnh đạo nhóm khi đó là đồng chí Cảnh lấy tên là Hoàn (vì thuận với cụm từ “hoàn cảnh”), sau này đồng chí Hoàn làm Bộ trưởng Bộ Công an; Thi quê Hải Phòng, nơi Lương Khánh Thiện làm Bí thư (bị Pháp bắt và tử hình năm 1941 tại thị xã Kiến An) nên lấy tên là Thiện; Hồng quê Bắc Giang nên lấy tên là Bắc, Nhai vốn dân Thái Bình nên lấy tên là Thái. Ba người: Bắc, Thiện, Thái được phân về hoạt động tại Thái Nguyên, nên được Nguyễn Vũ (Nguyễn Thế Hạng, Hạng Vũ - sau này là Tỉnh ủy viên tỉnh Thái Nguyên khóa 1) cũng tù cộng sản ở Sơn La ra, làm nhiệm vụ dẫn đường. Đầu tiên lên tàu hỏa về Bạch Hạc, đêm về Đông Anh, hôm sau qua đồn điền Chã, sang làng Vân Xuyên (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Rồi từ đó, đi lên Võ Nhai hoạt động cho đến ngày tỉnh Thái Nguyên giành chính quyền cách mạng (20/8/1945).
Lời kết
Bức tâm thư viết năm 1999, nghĩa là 4 năm sau khi ông Hoàng Thế Thiện qua đời, với một nỗi niềm “Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt” (Đưa người ngàn dặm, rốt cuộc cũng phải chia tay) được ông Đào An Thái viết kín 14 trang giấy A4, chữ rành rọt, đầy cảm xúc. Ông khẳng định: “Chúng tôi không lạc quan, không vui vẻ làm sao mà sống nổi. Và càng khổ, càng thấy tình đồng chí, đồng đội, tình bạn chân thành, gắn bó chặt chẽ hơn”. Nói với người bạn chí cốt đã đi xa, ông Thái như khẳng định với mình: “…ở chung với nhau thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ thấy gì: trung thành, tin tưởng Đảng, cách mạng, dũng cảm, kiên trì hoạt động thực hiện lý tưởng cộng sản”.
Nay, hai vị cán bộ cách mạng đều đã “gặp nhau nơi thế giới người hiền”. Và như bao nhà cách mạng tiền bối khác, dù đã đi xa, nhưng những trang hồi ức mà chúng ta đọc được vẫn còn thấm đẫm, lắng sâu một tinh thần bất tử của những người cộng sản: cất cao lời ca trước mũi súng quân thù.
Trần Thép
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...