Thơ Nôm Nguyễn Trãi: “thi dĩ ngôn chí” hay “thi ngôn chí”?
Quốc âm thi tập - kiệt tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi
Trước đại thi hào Nguyễn Du với tuyệt phẩm Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), đã không ít tác gia văn học Việt Nam sáng tác văn chương bằng chữ Nôm, với thể loại phong phú, như: Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), Trần Nhân Tông, Lý Đạo Tái (tức Huyền Quang), Mạc Đĩnh Chi với phú Nôm; Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm với thơ Nôm… Nổi bật trong số đó là khai quốc công thần nhà Lê, Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi tinh thông Hán học, nhưng bên trong một trí thức Nho gia ấy vẫn là một người con đất Việt với nỗi lòng canh cánh lưu truyền linh hồn dân tộc. Nhiều người biết đến Ức Trai với những áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, hay tập văn chính luận dùng “tâm công” làm tôn chỉ đánh giặc Quân trung từ mệnh tập, và người ta cũng biết đến Nguyễn Trãi như một người con đậm chất Đại Việt trong Quốc âm thi tập. “Quốc âm”, đúng với tên gọi của nó, đã thể hiện được tiếng nói của nhân dân nước ta thông qua đại biểu là Nguyễn Trãi.
Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm nằm trong những tác phẩm văn học chữ Nôm ra đời sớm nhất hiện còn lưu giữ được. Toàn bộ thi tập có tổng cộng 254 bài thơ chia thành các đề mục và các môn loại như sau: Thủ vĩ ngâm (1 bài), Ngôn chí (21 bài), Mạn thuật (14), Trần tình (9 bài), Thuật hứng (25 bài), Tự thán (41 bài), Tự thuật (11 bài), Tức sự (4 bài), Tự giới (1 bài), Bảo kính cảnh giới (61 bài), Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác (1 bài), Giới sắc (1 bài), Giới nộ (1 bài), Huấn nam tử (1 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài).
Khác với thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi miêu tả cuộc sống bình dị của con người Việt Nam, với những thi liệu dân dã thân quen như: lảnh mồng tơi, bè rau muống, ao sen, con vện… bằng thứ ngôn ngữ giản dị, thân thuộc. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên đã nhận định “Thi pháp thơ ông tuy vẫn chứa đựng những cái cao cả của đạo lý Nho gia; song nó đích thực là thơ Việt Nam, mang hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam.”(*)
Phân định quan niệm “thi ngôn chí” và “thi dĩ ngôn chí”
Xét về xuất xứ, hai cụm từ “thi ngôn chí” và “thi dĩ ngôn chí” có những điểm tương đồng khi đều có nguồn gốc từ kinh điển Nho gia.
Cụm từ “thi ngôn chí” xuất phát sớm nhất trong thiên Nghiêu điển, sách Thượng thư: “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn, thanh y vĩnh, luật hòa thanh, bát âm khắc giai, vô tướng đoạt luân, thần nhân dĩ hòa”. Có thể hiểu là thơ nói chí hướng, ca ngâm vịnh lời, thanh theo giọng ngâm, luật để hòa thanh, bát âm hài hòa, không chen lẫn lộn xộn. Thần và người do đó đều hòa hợp.
Cụm từ “thi dĩ ngôn chí” xuất hiện sớm nhất trong một thư tịch cổ khác của Trung Quốc, Tả truyện. Trong phần Tương Công nhị thập thất niên, sách Tả Truyện, có kể về một bữa yến tiệc thời Xuân Thu được tổ chức ở Thùy Long do Trịnh Giản Công nước Trịnh mời Triệu Vũ nước Tấn đến dự. Trong bữa tiệc, Trịnh Giản Công có bảy người tùy tùng hộ giá là: Tử Triển, Bá Hữu (Lương Tiêu), Tử Tây (Công Tôn Hạ), Tử Sản, Tử Đại Thúc (Du Cát), Ấn Đoạn và Công Tôn Đoạn. Triệu Vũ nhân đó mời bảy vị trên mỗi vị đọc một bài thơ để xem chí hướng. Họ lần lượt trích những bài thơ nổi tiếng trong Kinh Thi để đọc. Khi bữa tiệc kết thúc, Triệu Vũ nói với người tùy tùng của mình: “Bá Hữu tương vi lục hĩ! Thi dĩ ngôn chí, chí vu kì thượng, nhi công oán chi, dĩ vi tân vinh, kỳ năng cửu hồ? Hạnh nhi hậu vong.” Nghĩa là Bá Hữu e rằng sẽ bị giết. Thơ là biểu đạt tâm ý của một người. Ông ta dám đem những lời miệt thị vua của ông ta biểu thị một cách công nhiên trước mặt quan khách, để lấy lòng người khác. Ông ta như vậy, làm sao sống lâu được? Chỉ e rằng không bao lâu sẽ bị tai họa thiệt thân.
Từ hai trích đoạn trên, có thể thấy trong cụm từ “Thi dĩ ngôn chí” trích xuất từ Tả truyện, “Thi” được dùng để chỉ Kinh Thi, tập đại thành của thi ca Trung Hoa, không phải thơ ca nói chung, còn “chí” là hoài bão, tâm tư của người đọc Kinh Thi. Người đọc mượn Kinh Thi để biểu đạt tâm tư, tình cảm của mình. Như thế có nghĩa là sản phẩm được tiếp nhận và người đọc dùng nó để biểu đạt nội tâm. Ở cụm “thi ngôn chí” thì chữ “thi” có nội hàm rộng hơn, lúc này biểu thị thi ca nói chung và chữ “chí” ở đây biểu đạt tâm tư, hoài bão cũng như cảm xúc, tình cảm của người sáng tác. Tuy nhiên, về sau ranh giới của hai quan niệm này dần bị xóa mờ và thu hẹp khiến cho sự phân định không còn rạch ròi, điều đó dẫn đến sự tương đồng trong sử dụng.
Như vậy, qua phân tích sơ lược về hoàn cảnh xuất xứ của hai cụm từ “thi ngôn chí” và “thi dĩ ngôn chí”, có thể thấy khi đánh giá về trước tác (đặc biệt là thơ) của Nguyễn Trãi nói riêng và các thi nhân khác nói chung, chúng ta nên dùng cụm từ “thi ngôn chí”.
Nội dung “thi ngôn chí” trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là một trí thức Nho gia tiêu biểu của một thời đại trong lịch sử Việt Nam, do đó không khó hiểu khi ông mang trong mình hoài bão “xuất thế” cứu đời. Ông từng ước mình được như cánh chim bằng ở biển Bắc, hoặc ước mình có thể vượt qua hàng ngàn con sóng để thỏa chí nam nhi. Bất cứ một nho sinh nào cũng đều hy vọng mình đỗ đạt làm quan, cống hiến cho triều đình để phò vua giúp nước. Nguyễn Trãi với tài năng của một “thanh niên phương dự ái nho lâm” (thuở thanh xuân từng được tiếng thơm trong rừng nho học) sớm đã đỗ đạt và làm quan trong triều nhà Hồ. Tuy nhiên họ Hồ lại không thể giúp ông thực hiện được hoài bão, hay nói cách khác, sự tồn tại ngắn ngủi của triều Hồ không đủ để Nguyễn Trãi kịp thi triển tài năng kinh bang tế thế. Chỉ khi gặp được Lê Lợi ở Lỗi Giang, Nguyễn Trãi mới thực sự gặp chân chúa, và cũng kể từ đây những tinh hoa trí tuệ của một trí thức mới được dịp dùng đến. Ông phò trợ Lê Lợi đánh đuổi thành công giặc Minh xâm lược.
Khi chiến tranh kết thúc, nhà nước mới được kiến lập, hơn bao giờ hết Nguyễn Trãi muốn được thi hành tài năng, trí tuệ của ông phò vua giúp nước. Ông từng ước mình được như Chu Công Đán nhà Chu phò trợ Chu Thành Vương làm nên nghiệp lớn. Tuy nhiên, những ước vọng đó của ông sớm bị ngăn trở khi ông bị hàm oan và phải chịu cảnh “thanh chức”, có chức vị nhưng không có quyền hạn. Dù vậy, tâm trí Nguyễn Trãi vẫn hướng về dân về nước. Ông viết:
Còn có một lòng âu việc nước,
Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung.
(Thuật hứng bài số 23)
Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách,
Đam dân mựa nỡ mất lòng dân.
(Bảo kính cảnh giới bài số 57)
Trong hoàn cảnh không được thi hành đạo để cứu dân giúp đời, Nguyễn Trãi ngậm ngùi gọi khát vọng từng ấp ôm là “chí cũ”.
Quân tử hãy lăm bền chí cũ,
Chẳng âu ngặt, chẳng âu già.
(Ngôn chí bài số 17)
Thân xưa hương hỏa chăng còn ước,
Chí cũ công danh đã phỉ nguyền.
(Thuật hứng bài số 8)
Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo,
Chí cũ công danh vẫn rã keo.
(Mạn thuật bài số 10)
Cầu hiền chí cũ mong cho được,
Bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan.
(Bảo kính cảnh giới bài số 17)
“Chí” trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi đôi khi thể hiện ở sự bất đắc chí, chưa báo đền được quốc gia, cũng như chưa làm tròn được đạo hiếu. Đây là điều ông băn khoăn day dứt suốt trong những ngày tháng nhàn thân. Có thể điểm qua một số câu thơ như:
Bui có một niềm chăng nỡ trễ,
Đạo làm con với đạo làm tôi.
(Ngôn chí bài số 1)
Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
Tình phụ cơm trời áo cha.
(Ngôn chí bài số 7)
Liêm, cần tiết cả tua hằng nắm,
Trung, hiếu niềm xưa mựa nữa rời.
(Ngôn chí bài số 9)
Nợ quân thân chưa báo được,
Hài hoa còn bợn dặm thanh vân.
(Ngôn chí bài số 11)
Để bày tỏ “chí”, biểu đạt cho quan niệm “thi ngôn chí”, Nguyễn Trãi đã sáng tác một chùm thơ mang tên Ngôn chí với tổng cộng 21 bài. Nội dung chủ yếu trong chùm thơ Ngôn chí ấy là bộc lộ tâm sự của một nhà Nho không quên hoài bão, không quên giữ trọn đạo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông quan niệm “thanh chức” hay nhàn thân chỉ là những hoàn cảnh nhất thời, chỉ có trọn vẹn đạo thánh hiền mới làm nên nhân cách của một con người. Chính điều đó làm nên nhân cách quân tử trong con người Nguyễn Trãi.
Sự tinh tế của Nguyễn Trãi khi nói về chí trong chùm thơ 21 bài Ngôn chí là bên ngoài miêu tả được cuộc sống bình yên nơi thôn dã nhưng bên trong lại ẩn chứa tình cảm, nỗi u hoài của một bậc chính nhân quân tử ôm ấp hoài bão lớn. Có thể ban ngày ông nghe tiếng chim kêu, ngắm hoa nở, nhìn cuộc sống bình dị diễn ra hoặc ban đêm ông uống trà, ngắm trăng nhưng không phút nào ông nguôi món nợ quân thân, món nợ mà tâm niệm ông chưa hề trả nổi. Trước đây, Phạm Ngũ Lão thời Trần từng “thẹn” vì món nợ công danh chưa trả nổi “nam nhi vị liễu công danh trái, tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” (Thuật hoài), thì đến Nguyễn Trãi khát vọng nam nhi vương món nợ công danh còn đó. Dường như món nợ này là nợ chung của những bậc đại trượng phu trên cõi đời, một khi món nợ đó chưa được báo đền thì trang nam nhi ấy còn vương vấn, băn khoăn, thậm chí không muốn kết thúc kiếp sống. Nguyễn Trãi từng viết:
Cốt lạnh hồn thanh chăng khứng hóa,
Âu còn nợ chúa cùng cha.
(Thuật hứng bài số 9)
Có lẽ, buồn nhất ở một trí thức Nho học là giữa lúc đang hừng hực khí thế phò vua giúp đời lại gặp phải thực tại không cho phép, giữa lúc muốn bận việc quan lại phải sống trong cảnh “thanh quan”, chức vị còn đó nhưng tài năng chẳng được dùng. Mặc dù thanh nhàn đã muốn làm bạn với trúc, mai, vượn, hạc, làm anh em với mây, làm láng giềng với núi nhưng trong tâm ông vẫn nhớ đến bạn cũ vườn Nho, những người cũng mang trong mình bao hoài bão như ông.
Suy cho cùng, chỉ có quan điểm văn chương thể hiện chí lớn kẻ sĩ mới là quan điểm đúng đắn. Những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ sau Nguyễn Trãi như Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm và học trò của ông, như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh… đều có ý thức lấy văn chương làm một phương tiện cao quý để phục vụ cuộc sống vì dân, vì nước.
Thơ Nguyễn Trãi thường không bị bó buộc vào những câu thúc của một nhà nho lý tưởng. Mặc dù ông trí tuệ, mẫn tiệp nhưng trong sáng tác văn học nghệ thuật ông lại thể hiện bằng sự sôi nổi, nhiệt tình của một trái tim nghệ sĩ đầy say mê và nhiệt huyết. Với ông, cái đẹp của đạo đức Nho gia không nằm ở khuôn phép cứng nhắc, cái đẹp vẫn nằm trong ý thức cá nhân, trong tâm tưởng mỗi người, do đó không có khuôn mẫu nhất định của cái đẹp. Làm thơ cũng là một cách để tu dưỡng nhân cách, đạo đức, lý tưởng đó.
(*): Mai Quốc Liên chủ biên (2014), Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.15
Nguyễn Trung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...