Thơ như một cách lấp đầy hữu thể
VNTN - Lưu Quang Vũ thành công ở nhiều thể loại. Tuy vậy, thơ mới thật sự là tâm hồn Vũ, mê đắm lẫn hoài nghi, mặc cảm và kiêu hãnh; bóng tối đêm đen và chân trời biếc. Từ những vần thơ thuở tuổi hai mươi đến những di cảo, thi giới của Lưu Quang Vũ va quệt những vệt màu khác. Trầm tư về đất nước, quê hương, thế sự và bản thể, thơ Lưu Quang Vũ cứ bùng nhùng ngổn ngang tâm trạng. Có lúc nhà thơ không tránh khỏi mặc cảm bị ruồng bỏ- “Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh/ Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao?” (Anh đã mất chi, anh đã được gì?). Cuộc đời mỏng mà ước vọng thì đầy, khao khát hiến dâng mà đa phần là cô đơn trống trải, Lưu Quang Vũ tìm đến thơ như một cách thức “lấp đầy hữu thể”. Những con chữ xô dạt theo mạch cảm xúc khiến thơ ông có “độ dư” (Jacobson)- một trong những độ dư nghệ thuật đó là diễn ngôn cái chết. Cảm hứng về cái bi ôm trùm thơ Lưu Quang Vũ khi viết về những năm tháng chiến tranh và cả khi đất nước không còn tiếng súng. Cái chết - tri nhận về mặt khuất của chiến tranh Viết về chiến tranh lúc tuổi hai mươi, như mọi chàng trai trẻ vác ba lô vào chiến trường, thơ Lưu Quang Vũ ánh lên cái nhìn hồn hậu về đất nước, quê hương:“Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu/ Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước/ Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước/ Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa” (Vườn trong phố). Cũng tuổi hai mươi, bên cạnh những vần thơ trong trẻo lấp lánh nắng hoa, Lưu Quang Vũ sớm nhìn chiến tranh từ nhiều phía. Nhà-thơ-tuổi-hai-mươi đã “nói to” lên những mặt sau cuộc chiến, hình ảnh thơ trần trụi chẳng cần uyển ngữ - “Máu ướt đẫm bàn tay khi tôi nâng xác bạn/Anh ấy chết cho Hà Nội của tôi” (Tháng 5 - 1975). Bi hứng trong thơ Lưu Quang Vũ chính là cái chết gắn liền với thanh tân thiếu nữ, trong sự nhìn lại đầy ẩn ức - “Hơi thở của hòa bình/trên thân xác những cô gái tắm/trên nạng gỗ vẹo xiêu lừ đừ súng đạn/trên cồn cào nỗi nhớ người thân” (Những đám mây ban sớm). Lưu Quang Vũ là một trong những nhà thơ sớm nhìn thấy “chiến tranh có khuôn mặt phụ nữ”. Tình yêu và phấp phỏng chia xa, khát khao và ẩn ức, ám ảnh tính dục song hành cùng ám ảnh về cái chết. Viết về những cái chết hối hả trong khoảnh khắc giao thời, vượt qua những rào cản diễn ngôn, nhà thơ đã chạm đến nỗi đau sinh thái nữ quyền- “Nằm xóng xoài cô gái nước da nâu/ Hoa cúc xuyên qua miệng/ Em trụi trần dưới vòm cây tối đen” (Bây giờ). Hoa xuất hiện nhiều trên những trang thơ làm nên cái mềm mại, đắm say của thơ Lưu Quang Vũ, nhưng màu-vàng-cúc-thiếu-nữ bỗng nhiên lạc lõng đến chơi vơi giữa ầm ào bom đạn, trên trần truồng thanh tân. Sự kết hòa giữa thiên nhiên và vẻ đẹp nữ tính, bên cạnh hủy diệt sinh thái và tàn phá xuân thì mãi mãi vẫn còn một màu hoa rực vàng ở lại- “Một chùm hoa hái vội đặt trên mồ/…Vẫn còn đó một màu hoa gay gắt/Cái màu hoa cô độc/Nở âm thầm trong giá buốt heo may” (Hoa vàng ở lại). Hoa-trên-mồ phá vỡ ảo vọng về cái đẹp vĩnh hằng, nhưng lại gợi cái đẹp phục sinh từ nỗi bi ai. Lưu Quang Vũ hồi ức về chiến cuộc từ những trầm cảm nội tâm. Bên cạnh những câu thơ đồng điệu sử thi, cảm thức lạc lõng đã sớm chi phối cái nhìn thế hệ. Có lúc nhà thơ thở hắt ra nỗi buồn của tâm trạng chông chênh thế hệ trong cuộc hiện tồn: “Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông”. Năm tháng dần qua, song chấn thương để lại là những vết cắt ngang dọc trong tâm hồn đầy hoài niệm của một nhà thơ giàu tình yêu, thừa nhiệt huyết nhưng luôn dằn vặt bởi tâm lí đứng bên lề cuộc chiến. Lưu Quang Vũ đã nhìn, nghiền ngẫm chiến tranh vừa với nhãn quan của người trong cuộc, vừa với mặc cảm của một nhà thơ đứng xa những gian khổ của dân tộc. Phải chăng những mâu thuẫn giằng xé thành mặc cảm khiến “tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh”, khiến “có lúc ngỡ mình không còn chịu nổi” là vậy? Những bài thơ của Lưu Quang Vũ đã đi trước thời đại, dẫu có lúc làm nên nỗi thống khổ đời ông. Vật vã sống/kiếm sống, khát vọng dồn hết vào thơ. Thơ như một kênh xả để Lưu Quang Vũ trút lòng. Ở đó cái tôi nghệ sĩ bộc lộ hết mình. Tuổi trẻ thống khổ của Lưu Quang Vũ không kìm hãm nổi xung năng sáng tạo của nhà thơ. Cái tôi xã hội vừa đồng nhất vừa đối kháng với cái tôi nghệ sĩ khiến phức cảm và kiêu hãnh chồng chéo trong thơ ông. Từ những xác người ngã xuống, Lưu Quang Vũ ngẫm về mình, về thơ, không như những tuyên ngôn nghệ thuật mà từ khát vọng. Có vẻ như mặc cảm đứng ngoài lặn vào bên trong, thăng hoa thành những câu thơ đầy trăn trở- “Những dòng thơ giằng xé giầy vò/Là mây trắng của một đời cay cực”. Những vần thơ ra đời trong khao khát lẫn hoài nghi, trong hối hả của tồn sinh và dự phóng vẫn lấp lóe niềm kiêu hãnh về sứ mệnh của thi ca - về tự do và sáng tạo: Anh hãy đập vào ngực mình giục giã/hãy nổi gió cho cánh người rộng mở/và mai sau sẽ có những nhà thơ/đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ/họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa/không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ/bởi vô biên là khát vọng của con người. (Những đám mây ban sớm) Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa/Những tình yêu những ước vọng thiết tha/Dẫu bay đi không một lời đáp lại/Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối/Dẫu đường dài xa ngái/Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi. (Nói với mình và các bạn) Cái chết- tri nhận về phận người Những bài thơ viết trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần của Lưu Quang Vũ có “độ dư” của nỗi cô đơn- “Nỗi cô đơn hoàn toàn, nỗi cô đơn khủng khiếp”; “Nỗi cô đơn đen ngòm như miệng vực”; “Mỗi con người như một vật thể cô đơn”; “Anh bỏ hồ trong, bỏ vườn cây mát/Tìm chân trời nhưng chỉ thấy cô đơn”; …Khủng khiếp nhất với Lưu Quang Vũ là cô đơn sáng tạo, dẫn đến mặc cảm bị bỏ rơi, khi “những bài thơ anh viết ra/chỉ một mình anh đọc” (Nếu đó là tội lỗi). Theo quan niệm của các nhà hiện sinh, “tình trạng bị bỏ rơi đồng hành cùng sự lo âu và tuyệt vọng” (Sartre). Mặc cảm sống thừa, mặc cảm thơ mình như “cuốn sách xếp lầm trang” của một người thơ luôn trăn trở vì đất nước, quê hương đã làm nên giọng điệu bi thương, hoài niệm. Trong nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ hơi thở hiện sinh thấp thoáng sau những câu thơ triết lí phận người. Cảm thức cô đơn, hoài nghi, lo âu, những trạng thái lưu đày tâm tưởng, những nghiệm suy … khiến cho những “dằn vặt cuộc đời anh” mang ý nghĩa phổ quát về thân phận con người. Nỗi buồn này, tiếng thơ trầm thống kia có thể chỉ là tiếng nói của riêng Lưu Quang Vũ nhưng cùng hằng số khi con người tri nhận phi lí hiện tồn. Tôi là tôi, tôi cũng là phi tôi, là người khác, tôi “tồn tại hay không tồn tại”? Câu hỏi bản thể - một ẩn số hiện sinh, vô thức dội về trong thơ Lưu Quang Vũ, chứng tỏ có lúc nhà thơ chạm đỉnh hoài nghi: Bài hát trong một cuốn phim cũ Thức dậy giữa đêm dài Thằng người bé nhỏ Đứng trước mịt mùng sóng vỗ Ta là ai Ta đến làm gì ? (Bài hát trong một cuốn phim cũ) Ta là ai? Ta đến làm gì? Câu hỏi nhân vị trở thành câu hỏi lớn, ám ảnh, nhức nhối, làm đau những trang thơ của một thời tuổi trẻ- “Đêm nay, tôi chẳng biết lối về/Phía nào cũng hàng rào trước mặt” (Thơ gửi người tình cuối cùng). Ta là ai/Ta đến làm gì? Khi Lưu Quang Vũ viết về Marcel Marceau, nhà nghệ sĩ kịch câm người Pháp nổi tiếng thế giới, có thể nói, đằng sau những cười/khóc, mặt nạ/mặt người đó là cái bóng âm (shadow), cái tôi ẩn khuất của nhà thơ- “Anh có nhớ con người đùa bỡn/với cái mặt nạ cười/rồi không sao cởi được/đau đớn mệt nhoài kiệt sức/tuyệt vọng ôm vai, cái mặt vẫn cười” (Những chiếc lá rơi). Soi gương, đối bóng là motif phổ biến mã hóa nỗi đơn côi cùng cực khi mình-đối-diện-với-chính-mình (“Giật mình hai mắt trũng sâu, Người trong gương ấy còn đau hơn mình”- Hoàng Nhuận Cầm; “Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng”, “Tôi gập người trên bóng tôi”- Hoàng Phủ Ngọc Tường). Với Lưu Quang Vũ, không chỉ là đối ảnh, soi chiếu mà cái bóng âm đó lẩn khuất, hóa thân, thay dạng ở những “mặt hề, mặt nạ, con rối, người điên” - biểu tượng cho muôn mặt khổ đau, cho những trạng thái tâm lí dồn nén, va đập: “Con gấu đói đi hai chân lộn ngược/Anh hề buồn thổi sáo mắt rưng rưng”(Giấc mộng đêm); “Anh hề xiếc đã già/Không làm ai cười nữa”(Bài hát trong một cuốn phim cũ); “Cái tuổi trẻ ồn ào mà cơ cực của ta/…Như anh điên trước quán tóc bù xù/Cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta”; “Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ”(Quán cà phê ngoại ô). Truy tìm bản thể- trầm uất và trầm luân- căn tính của hiện sinh đã in dạng ẩn hình trong nhiều vần thơ Lưu Quang Vũ. Cái tôi không ở chốn này, cũng chẳng ở chốn kia; có hối hả đi tìm mình cũng chỉ thấy rỗng, mất và hư vô- “Bây giờ anh trong suốt như không khí/Như gió hoang không hình không giới hạn/Không nhà không chốn nghỉ không tên/Không gương mặt nụ cười để hiện trước em” (Anh chẳng còn gì nữa). Sự hiện tồn của con người là lạc lõng, dư thừa, trống rỗng trong một thế giới “quá đầy”. Quá đầy hóa rỗng không. Vắng tênh giữa chật chội. Trên phương diện kí hiệu ngôn ngữ, những từ “trống rỗng”, “không”…xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ khá dày. Mặc cảm về trống rỗng hiện tồn vẽ thành chân dung tôi/phi tôi/đám đông: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/Như một chiếc lá khô/ Như một chồng gạch vụn/Một tấm gương chẳng biết soi gì/Một đáy giếng cạn không/một hốc mắt đen sì/Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/Thành phố đầy bụi bặm/Những mặt người lì nhẵn chen nhau (Có những lúc). “Sống trong chết, chết từ sống” (Freud). Từ phương diện triết học, sống và chết, tồn tại và hư vô, là vấn đề luôn ám ảnh trong tâm thức nhân loại. Tri nhận về hữu hạn đời người chi phối cái nhìn nghệ thuật của thi nhân. “Con người hình dung kết cục dành cho mình, đó là cái chết” (E. Fromm). Sự sống trong cái nhìn hiện sinh là hành trình tiệm cận cái chết. Dự cảm về cái chết chứng tỏ con người cảm thức được mình không trước những bất ổn- không hiện hữu, không chốn dung thân, không tên, không bóng, không cả một gương mặt biểu hiện người: “Và nếu chết là mọi điều đều hết/…Ôi nếu phải tan thành bụi cát/Thành hư vô, không khí trời, không ánh sáng/Chỉ rỗng không, câm lặng, vô hình/Sẽ ở đâu, bài hát ấy của anh” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…). Nhà thơ không chỉ triết lí về cái chết mà còn đón nhận nó trong những khoảnh khắc đơn độc tột cùng. Diễn ngôn sống chết của Lưu Quang Vũ có lúc nhẹ nhàng, bởi từ bỏ chốn này là để trở về chốn khác an nhiên- “Em đã biết bao lần anh toan từ bỏ/Cuộc đời kia cho thanh thản nhẹ nhàng”; “Ta sẽ trở về/Nơi mình sinh ra/Bóng tối trùm lên đất thẳm”; “Đường xa lắm mà đời người thật ngắn”…Lưu Quang Vũ viết nhiều và viết hay về những con đường, trong đó con đường tiệm cận cái chết lặp đi lặp lại gợi những ngẫm suy thân phận: Cả cuộc đời là ở sân ga/Trước chuyến đi vô tận/Cuộc lên đường tối tăm đơn độc/Người ta chết có một mình/Đó là điều buồn nhất/Ở bên nhau, trước khi tàu đến/Ở bên nhau, tấm vé đã nằm trong túi (Lời cuối) “Chim sâm cầm đã/không chết” Có một thời, Lưu Quang Vũ tri nhận sự hiện tồn của mình như ngọn gió mong manh, cùng lắm cũng chỉ thổi mù mịt đời mình, chẳng thể làm được trận cuồng phong. Và… “chưa chi chiều đã tắt” (S. Quasimodo) Nắng đã tắt dần trên lá im/Chiều đã xẫm màu xanh trong mắt tối Đường đã hết trước biển cao vời vợi/Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn Gió đã dừng nơi cuối chót không gian/Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm Người đã sống hết tận cùng năm tháng/Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên. (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…) Diễn ngôn cái chết lấp đầy trên những dòng thơ tình yêu, thiên nhiên, chiến tranh lẫn phận người; không chỉ là cái chết về thân xác mà là những ý niệm siêu hình, được mã hóa thành biểu tượng. Trong “rừng biểu tượng” thơ Lưu Quang Vũ, màu đen, đêm, bóng tối… trở thành tín hiệu của nỗi ám ảnh.Tính kí hiệu của ngôn ngữ biểu đạt tối đa những phức cảm tâm hồn với nhiều hình ảnh ám gợi- “Đêm tan tành như khối thủy tinh đen”; “Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ”; “Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực”; “Một chiếc bè trôi giữa dòng sông đen/Chiếc bè không người đi lừng lững trong đêm”; “Đi suốt tuổi thơ tôi trống trải/Đêm tối đen chiều hoang buồn tủi”; “Em trụi trần dưới vòm cây tối đen/Ngực đồi trăng ướt đẫm”; “Nỗi tủi nhục đen sì/Mỗi cành cây trên vệt máu bầm đen trên nụ cười thỏa mãn”… Nhưng không chỉ có đêm đen và bóng tối trong thơ Vũ. Điều đáng nói là niềm tin yêu vẫn ánh lên trong từng bài thơ viết về đêm tối- dẫu có khi chỉ từ những cơn mơ: “Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ/Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi/Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời/Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy” (Bầy ong trong đêm sâu). Điều mỏng mảnh khơi dậy niềm tin trong nhà thơ là tình yêu vĩnh cửu. Niềm tin đó được mã hóa thành hệ biểu tượng mặt trời, lửa, ánh sáng, màu xanh, cánh diều trắng, cánh buồm đỏ thắm… lấp lóe trong những vần thơ “đen”, ánh lên giữa bóng tối hư vô: “Tôi phải đốt lên một cái gì/Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm”(Có những lúc); “Chiến tranh, khổ nghèo, cái chết/Vượt lên những vách tường chật hẹp/Một chân trời xanh biếc lúc hoàng hôn” (Một thành phố khác một bờ bến khác). Khát khao sáng tạo, dễ hiểu vì sao Lưu Quang Vũ thường viết về những cánh buồm- cánh buồm thuở hai mươi và cánh buồm chấp chới giữa những ngày gần như cùng cực và bế tắc: “Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm/ Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc/Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất/Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi” (Vườn trong phố); “Cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả/Những nhịp cầu/Nối hạt cát với ngôi sao” (Mây trắng của đời tôi). Cái đắm đuối trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn bàng bạc, hòa quyện với giọng buồn thương- “Những quyển sách tôi vứt dưới ngăn bàn/Có giấc mộng về cánh buồm đỏ thắm”… Như là định mệnh. Hối hả sống. Hối hả viết. Trong Lưu Quang Vũ vẫn phấp phỏng, mơ hồ về một điều gì đó. Dự cảm về cái chết lưu dấu trong nhiều vần thơ (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…), qua những vở kịch còn chưa ráo mực (Mùa hạ cuối cùng, Chim sâm cầm đã chết). Trong lựa chọn hiện tồn, nhà thơ đã chiến thắng thời gian bằng cái viết- “Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang…”; “Thời gian - đó là chiều dầy những trang ta viết”. Bất chấp tất cả, còn lại cái tên Lưu Quang Vũ. Đặc biệt những vần thơ nổi gió của ông, sẽ mãi là “những bông hoa không chết bao giờ”.
* Tiến sỹ Đại học Huế Lê Thị Hường*0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...