Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Thị xã Thái Nguyên: Những ngày sôi sục Cách mạng Tháng Tám

VNTN - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra cách đây đã 75 năm, nhưng hào khí và tinh thần sôi sục của cuộc cách mạng dường như vẫn vẹn nguyên khi đọc lại những trang lịch sử. Tìm về cội nguồn, ôn lại truyền thống để mỗi chúng ta thêm tự hào về tinh thần cách mạng của cha ông, biết trân trọng những thành quả ấy, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.  

Vài nét về bối cảnh

Tháng 6/1940, nước Pháp đầu hàng phát xít Đức. Nhân cơ hội này, phát xít Nhật cho quân xâm lược Đông Dương (9/1940). Trong khi chờ đợi cuộc “đại thắng” của Đức tại châu Âu, Nhật tạm thời duy trì hệ thống bảo hộ của Pháp tại Đông Dương. Nhưng ngày 9/5/1945, chiến thắng của Liên Xô đã buộc phát xít Đức đầu hàng Đồng minh. Ở châu Á, ngày 13/8/1945, phát xít Nhật cũng tuyên bố đầu hàng. Chớp lấy thời cơ, đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra bản Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14 - 15/8/1945, Hội nghị Đảng toàn quốc họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, công bố thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp đó, ngày 16/8, Đại hội quốc dân họp, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Căn cứ vào Chỉ thị của Đảng, từ ngày 14/8 nhiều địa phương đã chủ động khởi nghĩa giành chính quyền.

Một số đồng chí Giải phóng quân sau khi cướp chính quyền ở Thái Nguyên (8/1945). Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Một số đồng chí Giải phóng quân sau khi cướp chính quyền ở Thái Nguyên (8/1945). Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Giai đoạn này, Việt Minh (một hình thức tổ chức hoạt động của Đảng ta khi đó) đã lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa, buộc chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim (tay sai của Nhật) phải bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương cho Việt Minh, buộc Bảo Đại phải thoái vị. Việc chuyển giao quyền lực được thực hiện cơ bản trong hòa bình, ít có đụng độ dù xảy ra tranh chấp với lực lượng Nhật.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Hỷ, tác giả biên soạn phần Mở đầu và Chương I bản thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Hỷ (1945 - 2020): Thị xã Thái Nguyên khi đó là tỉnh lỵ (trung tâm hành chính) của tỉnh Thái Nguyên, nhưng diện tích rất nhỏ, bao gồm một phần diện tích của các phường: Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng ngày nay và bị bao bọc bởi huyện Đồng Hỷ. Nhìn trên bản đồ, phía bắc Thị xã được giới hạn bởi sông Cầu, từ đầu cầu Gia Bẩy kéo dài ra phía sau Chợ Thái (bên kia sông là xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ). Giới hạn phía nam cũng chỉ đến khu vực cầu Bóng Tối kéo sang phía Trung tâm Y tế thành phố hiện nay, giáp xã Thái Ninh, huyện Đồng Hỷ (nơi có đồn điền Gia Sàng). Phía tây giáp xã Phù Liễn, huyện Đồng Hỷ (nơi có đồn điền Kepler). Phía đông giáp xã Đồng Mỗ, huyện Đồng Hỷ.

Lúc này, địch trong thị xã đóng thành hai cụm, một cụm lính Nhật và một cụm lính bảo an. Quân Nhật khoảng 120 tên, do một tên quan tư chỉ huy, trong số đó có từ 60 đến 70 tên đóng tại Trại lính khố xanh cũ và Dinh Công sứ Pháp trên đồi cao (địa điểm của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày nay), có công sự kiên cố. Số còn lại đóng ở các điểm lẻ trong những ngôi nhà gạch lớn, có cấu trúc kiên cố như nhà Gôchiê, Ty Liêm phóng, kho gạo và đồn điền Gia Sàng. Khoảng hơn 400 lính bảo an với hơn một trăm lính cơ, cảnh sát đóng ở Trại lính Tây cũ, bảo vệ Dinh Tỉnh trưởng, Huyện Trưởng Đồng Hỷ. Với vị trí và đặc điểm như vậy, cuộc tấn công và nổi dậy xóa bỏ chính quyền Nhật chủ yếu được tiến hành từ các địa phương giáp ranh rồi tiến vào thị xã, đặc biệt là từ hướng Đồng Hỷ và Phú Bình.

Những dòng hồi ức

Hồi ký của đồng chí Đặng Dũng, cán bộ Lão thành cách mạng, nguyên Trưởng ty Thương nghiệp tỉnh Bắc Thái (lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên) ghi khá rõ về khí thế cách mạng trong ngày 19/8/1945 tại các xã Tân Cương, Bình Định, Bá Xuyên (thuộc huyện Đồng Hỷ). Hồi ký viết: Đến tháng 8/1945 thì hầu hết các xã ở huyện Đồng Hỷ đã thành lực lượng của Việt Minh. Mọi nhà đêm đi ngủ không cần đóng cổng; các vụ chửi bới nhau vì mất trộm gà, trộm chó hầu như không còn nữa. Những ngày đi giành chính quyền đã đến. Nhân dân vượt lụt lội, đón bộ đội về đánh Thái Nguyên. Cả đêm 19/8/1945 không một người nào chợp mắt. Từ 1 giờ sáng ngày 20/8, từ Thịnh Đán vào thị xã, bộ đội đi, cụ già đi, thanh niên đi, các chị và các em thiếu nhi cũng đi! Tất cả mọi người vượt qua suối lũ, lội bì bõm qua ruộng lụt tiến ra thị xã Thái Nguyên. Có anh mang dao găm, có cụ mang đòn càn, cũng có người chỉ có hai bàn tay trắng. Ai nấy sẵn sàng hy sinh tất cả để làm hậu thuẫn cho quân ta bắn nhau với Nhật giành chính quyền về tay, góp phần cùng toàn dân viết nên trang sử mới của dân tộc!

Hồi ký của đồng chí Hoàng Thế Thiện, cán bộ Lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Ban Tỉnh ủy lâm thời (thành lập tối 19/8/1945) cho biết khá chi tiết về lực lượng địa phương tham gia giải phóng thị xã từ hướng Đồng Bẩm (Đồng Hỷ). Hồi ký viết: Trong khi phong trào đang sôi nổi như vậy, một buổi chiều tôi nhận được thư của nhóm thanh niên (anh Xuyên và Công) báo tin cho biết các đài phát thanh thế giới đã phát đi tin phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, nhân dân thị xã đang sục sôi cách mạng, chờ đón Quân Giải phóng. Nhận được thư này, một mặt tôi viết thư cho đồng chí Sơn Ủy ban tỉnh, một mặt tôi và đồng chí Bắc đi gấp về đồn điền Đồng Bẩm bắt liên lạc với nhóm thanh niên và nắm tình hình. Dọc đường tôi cho một đồng chí cầm thư đi gặp ngay Trung đội Giải phóng của đồng chí Bằng báo tin Nhật đầu hàng và yêu cầu đồng chí Bằng cho trung đội (gọi tắt là “B”) này hành quân về phía thị xã liên lạc với tôi ở đồn điền Đồng Bẩm. Tôi đặt rất nhiều hy vọng vào B này để có thể đại diện cho Quân Giải phóng tiến vào thị xã (B này lúc đó có cả súng máy và được trang bị tương đối khá). Tôi cũng cho liên lạc đi tập hợp ngay các lực lượng tự vệ vũ trang các xã (lúc đó được trang bị súng trường Remington 1917 tước của bảo an xã) thành một B và lệnh cho về Đồng Bẩm gặp tôi. Đêm hôm đó tôi đến đồn điền Đồng Bẩm đã thấy anh em thanh niên chuẩn bị truyền đơn, kế hoạch để sáng mai tiến vào thị xã. Chúng tôi nắm tình hình và ngay đêm đó quyết định huy động tất cả lực lượng quần chúng các xã cùng với Trung đội tự vệ vũ trang 3 giờ ngày mai mang cờ, mang khẩu hiệu tiến vào thị xã. Nếu B của đồng chí Bằng về kịp, B này sẽ dẫn đầu cuộc biểu tình. Đêm đó chúng tôi làm việc quên mệt, đến sáng sớm thì lực lượng tập hợp đã khá nhiều, ước 5 - 6 trăm người đứng thành đội ngũ. Nông dân các xã vác giáo, câu liêm, gậy. Trung đội đi đầu là một B tự vệ có đầy đủ súng trường với một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn. Đợi đến 5 giờ sáng không thấy B đồng chí Bằng, chúng tôi ra lệnh xuất phát. Khi đoàn người vũ trang này qua cầu Gia Bẩy thì một cảnh tượng hết sức cảm động hiện ra trước mắt chúng tôi: Nhân dân thị xã đủ mọi tầng lớp trẻ già trai gái mang cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh đứng đón chúng tôi ở cầu Gia Bẩy. Lúc đó tôi nhìn thấy cả một nhóm đồng bào công giáo có những ông cha cố dẫn đầu giương cờ đỏ sao vàng, nửa cầm cờ giáo hội. Và khi đoàn người vũ trang mà chúng tôi tiến qua, nhân dân thị xã lập tức thành hàng ngũ gia nhập cuộc biểu tình làm cho đoàn biểu tình dài đến hơn 1 cây số. Chúng tôi vừa đi vừa hô khẩu hiệu: đả đảo phát xít Nhật, ủng hộ Việt Minh...

Tôi và Sắc chạy đi chạy lại điều khiển cuộc biểu tình. Đến một ngã tư, nhân có xác những đồng bào ta bị chết đói đặt trên một xe bò, tôi cho lệnh đoàn biểu tình dừng lại, trèo lên cột điện tố cáo tội ác quân phát xít, kêu gọi đồng bào thị xã Thái Nguyên căm thù và vùng lên tiêu diệt phát xít Nhật. Khi đến cuối đoàn biểu tình, tôi ngạc nhiên thấy có cả mấy quan lại mặc áo thụng xanh và áo gấm, đeo bài ngà đi theo đoàn biểu tình. Thấy tôi họ xin được phép đi trong đoàn biểu tình. Tôi hỏi họ vì sao? Họ trả lời: Họ nhận được điện của Khâm sai Bắc Kỳ là phải ủng hộ Việt Minh. Tôi vừa buồn cười vừa thú vị và đồng ý cho họ đi theo sau đoàn biểu tình. Đến đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng treo khắp các cửa nhà, trên gác cao, trên cột điện, trên cây. Sau khi đoàn biểu tình đã kéo qua các phố, tôi cho lệnh giải tán, điều lực lượng vũ trang về đóng ở đồn điền Đồng Bẩm để chờ tin tức và chủ trương của Ủy ban tỉnh. Lúc đó tình hình thị xã như sau: bọn Nhật đóng ở Tòa sứ không động tĩnh gì cả; Trại lính bảo an sẵn sàng nghe lệnh Việt Minh. Tôi cử một số thanh niên đến gặp người chỉ huy bảo an nói họ không được hành động gì, chờ lệnh cách mạng và bảo họ đưa cho ta một số súng.

Bản đồ thị xã Thái Nguyên năm 1945. Tư liệu do nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm cung cấp.
Bản đồ thị xã Thái Nguyên năm 1945. Tư liệu do nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm cung cấp.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nghiên, đồng bào thị xã đã bắt giam hầu hết bọn Việt gian thân Nhật và một số người tình nghi nhốt vào Nhà Đèn. Tôi có đến thăm và nói với họ: Việt Minh rất công minh, ai có tội sẽ bị trừng trị, ai không có tội sẽ được tha, ai ăn năn hối cải sẽ khoan hồng. Tôi còn nhớ lúc đó không biết gọi đám người này là gì, tôi nghĩ ra bèn dùng hai tiếng “đồng bào” để nói với họ.

…Gần sáng các đồng chí ở trạm gác cầu Gia Bẩy hớt hơ hớt hải chạy về báo cho tôi biết anh em đã bị một lực lượng Quân Giải phóng đến tước súng và trạm gác được thay thế bằng một trạm gác khác của lực lượng Quân Giải phóng. Đó là bộ đội của đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Tân Cương kéo về đêm 19/8 và 20/8 đã bố trí bao vây thị xã để tấn công quân Nhật. Tôi vội vã đi ngay vào thị xã. Đến trạm gác tôi được đưa đến gặp Ban chỉ huy Chi đội Quân Giải phóng. Ở đây tôi gặp một đồng chí quen và được đưa thẳng đến gặp đồng chí Trần Đăng Ninh (trước đây tôi có bị giam chung ở Hỏa Lò với đồng chí Ninh và đồng chí Ninh đã có lần ghé châu Võ Nhai chỉ thị công tác cho chúng tôi). Đồng chí Ninh bảo tôi đưa lực lượng võ trang sáp nhập với đội Quân Giải phóng của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) và về chỗ đồng chí Ninh nhận công tác. Ở đây, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức đoàn thể nhân dân và chính quyền thị xã; trước mắt tổ chức nhân dân thị xã ủng hộ và đảm bảo ăn uống cho Quân Giải phóng tấn công quân Nhật. Cùng công tác với tôi có nữ đồng chí Tâm trước đây phụ trách Căng Bá Vân và vùng Tân Cương huyện Đồng Hỷ.

Tôi và đồng chí Tâm tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc: Thanh niên, Phụ nữ, Công nhân Việt Nam Cứu quốc và dựa vào các đoàn thể này để huy động nhân, vật lực giúp Quân Giải phóng tấn công quân Nhật (lấy tin tức, làm chướng ngại vật trong thị xã, tổ chức tiếp tế, cứu thương...).

Sục sôi khí thế cách mạng

Theo các cuốn sách lịch sử ghi lại: Thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, 14 giờ 30 ngày 16/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân trong đó có một bộ phận bộ đội Việt - Mỹ, dưới cây đa Tân Trào (Tuyên Quang) làm lễ xuất phát, hướng về Thái Nguyên. Trong những ngày này các châu, huyện trong tỉnh cũng được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa đưa lực lượng của địa phương phối hợp với Quân Giải phóng đánh chiếm thị xã Thái Nguyên.

Trong Khu Giải phóng (thành lập ngày 4/6/1945), thị xã Thái Nguyên là một đô thị có nhiều đồn trại, nhà ở kiên cố và có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, từ đầu tháng 4/1945, quân Nhật đã biến thị xã Thái Nguyên thành cứ điểm mạnh, án ngữ cửa ngõ phía nam Khu Giải phóng, ngăn làn sóng cách mạng từ Việt Bắc tràn xuống trung châu.

Đồng Hỷ là huyện bao bọc xung quanh thị xã, vì vậy, Đảng bộ và nhân dân huyện Đồng Hỷ đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Hỷ (1930 -1995) xuất bản năm 1997 cho biết: Tại xã Đồng Bẩm, phân đội võ trang tuyên truyền do Đảng bộ huyện Võ Nhai điều về từ trước đã kịp thời phát động quần chúng nổi dậy. Khoảng 5 giờ sáng ngày 19/8, đông đảo quần chúng nhân dân xã Đồng Bẩm được trang bị bằng vũ khí thô sơ, do một trung đội Tự vệ chiến đấu dẫn đầu tiến hành xuống đường thị uy. Đoàn người băng qua cầu Gia Bẩy, tiến vào trung tâm thị xã Thái Nguyên, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh và Chính quyền cách mạng.

Trong tập hồi ức “Những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Văn học, 1977), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có một đội tuyên truyền xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang”.

Trụ sở Việt Nam Giải phóng quân sau khi giành chính quyền tại Thái Nguyên tháng 8/1945, sau khi quân Nhật đầu hàng quân ta (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Trụ sở Việt Nam Giải phóng quân sau khi giành chính quyền tại Thái Nguyên tháng 8/1945, sau khi quân Nhật đầu hàng quân ta (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Tập I (1936 - 1965), 13 giờ ngày 19/8/1945, bộ đội Giải phóng đã có mặt đông đủ ở làng Thịnh Đán (nay thuộc phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên). Bộ chỉ huy trận đánh có hai đồng chí: Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh. Giúp việc có các đồng chí: Phan Mỹ, Nguyên Chính, Châu Ký và Hùng Việt.

2 giờ chiều ngày 19/8, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại sân vận động thị xã gồm hàng ngàn người tham dự. Đồng chí Hoàng Thế Thiện, Chỉ huy trưởng Đội Võ trang tuyên truyền quyết định biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng. Đi đầu là Đội Võ trang tuyên truyền. Đồng bào vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo bọn bù nhìn tay sai”, “Ủng hộ Việt Minh”. Không khí cách mạng hừng hực. Đoàn biểu tình rầm rộ kéo qua các phố, kéo theo cả trí thức, quan lại tham gia. Quân Nhật trong thị xã “án binh bất động”. Cuộc biểu dương lực lượng kết thúc khoảng 17 giờ. Ngay sau đó, Đội Tự vệ trừ gian thị xã lùng bắt gần 40 tên tay sai thân Nhật và xử bắn tên vệ sĩ của Cung Đình Vận. Sở chỉ huy của ta đặt tại đình Hàng Phố. Trong khi Quân Giải phóng đang bao vây áp sát quân Nhật thì đại đội tự vệ Phú Bình đã đánh chiếm đồn điền Gia Sàng và tiến vào thị xã.

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, Tập I (1930 - 1975) do Thành ủy Thái Nguyên xuất bản năm 1991 viết: Khoảng 3 giờ sáng ngày 20/8, Quân Giải phóng và lực lượng tự vệ huyện Đồng Hỷ, có đông đảo nhân dân làm hậu thuẫn, từ Thịnh Đán tiến ra tỉnh lỵ Thái Nguyên. Đến 5 giờ sáng, Quân Giải phóng chiếm lĩnh các vị trí, bao vây thị xã. Nhà Đèn (nơi đặt máy phát cung cấp điện cho thị xã, nằm tại khu vực trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông hiện nay - tác giả chú thích) được đặt làm trụ sở của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang và Ủy ban Khởi nghĩa.

Theo kế hoạch tác chiến, 2 đại đội Quân Giải phóng được trang bị đầy đủ vũ khí, tiến công Trại lính khố xanh và Trại lính Pháp cũ. Lực lượng còn lại (gồm một đại đội và một trung đội Quân Giải phóng cùng lực lượng tự vệ các châu, phủ, huyện) được phân công tiêu diệt các vị trí lẻ của Nhật…

5 giờ 30 phút ngày 20/8, Bộ chỉ huy Quân Giải phóng gửi tối hậu thư cho tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng. Tiếp được tối hậu thư, Bùi Huy Lượng chần chừ không trả lời. Đúng 8 giờ 30 phút, theo lệnh của chỉ huy, Quân Giải phóng và các lực lượng vũ trang nhất loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của giặc Nhật. Thị xã Thái Nguyên rung chuyển trong tiếng nổ và tiếng reo hò vang dội của quân và dân ta. Một số tên Nhật bị tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Sau nửa giờ nổ súng, ta dùng loa kêu gọi lính Nhật đầu hàng, đồng thời tiếp tục siết chặt vòng vây nơi chúng cố thủ. Hai tên Nhật vác cờ trắng ra gặp đại diện của ta. Ủy ban Khởi nghĩa gửi cho chúng Tối hậu thư, yêu cầu quân Nhật phải nộp vũ khí và hạn đến 14 giờ trong ngày phải trả lời. Phát xít Nhật ngoan cố, không chịu thực hiện yêu cầu của ta. Quân ta tiếp tục tấn công, nổ súng trong hai giờ liền.

Trung đội trưởng Lương Thịnh dẫn đầu một trung đội Giải phóng quân tấn công vào Dinh Tỉnh trưởng (trong Dinh có một trung đội lính bảo an bảo vệ), bắt tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng, tên chỉ huy bảo an và toàn bộ trung đội của y; ta buộc Bùi Huy Lượng phải trao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa, đồng thời buộc tên chỉ huy bảo an ra lệnh cho tất cả binh lính đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí cho Quân Giải phóng. Hầu hết lính bảo an do Quản Khiêm chỉ huy tuân theo lệnh của Quân Giải phóng giao nộp toàn bộ súng đạn và gần 600 súng trường, một số súng máy và đạn dược. Hơn 400 lính bảo an tập hợp nghe Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng giải thích đường lối cứu nước và chính sách khoan hồng của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Hơn 60 anh em binh sĩ tự nguyện tham gia Quân Giải phóng, đánh địch. Trong số này có 7 người đã anh dũng hy sinh khi tiến công vào đồn Nhật. Phần lớn còn lại xin về quê được cấp tiền ăn và giấy đi đường.

Trên thực tế, từ ngày 20/8/1945, cùng với thị xã Thái Nguyên, ta đã làm chủ toàn bộ địa phận huyện Đồng Hỷ. Ngày 23/8/1945, thực hiện chỉ thị của Trung ương, đại bộ phận Quân Giải phóng ở thị xã Thái Nguyên rút về Hà Nội. Ngày 26/8/1945, phái viên Nhật từ Hà Nội lên Thái Nguyên chấp nhận mọi yêu cầu của ta. Tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn giải phóng.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy