Thứ ba, ngày 14 tháng 01 năm 2025
17:55 (GMT +7)

Thần tượng “lệch chuẩn”

VNTN - Thường trong độ tuổi khoảng từ 15 đến 20, con người có một tâm lí thích tôn sùng một nhân vật nổi tiếng mà mình ngưỡng mộ. Người yêu âm nhạc thì yêu chuộng một ca sĩ nổi tiếng nào đó, yêu điện ảnh sẽ là diễn viên... Hâm mộ đến mức lúc nào trong tâm trí cũng in đậm hình ảnh và giọng hát, hành động của người đó. Nhiều ca sĩ tiếng tăm như Thu Hiền, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… từng để lại những hình ảnh đẹp trong lòng người nghe theo kiểu như vậy. Có một từ chung gọi hiện tượng đó là thần tượng. Điều này không hề sai. Nó không những kéo những người có tài năng sát gần người thưởng thức mà đối với một số người cùng chí hướng, sự phấn đấu trong nghề nghiệp còn là sự học hỏi, ảnh hưởng cần thiết. Thần tượng không chỉ đối với ca sĩ, nghệ sĩ mà còn ở nhiều ngành nghề khác, trong văn chương, chính trị, triết học, khoa học, kĩ thuật… Với những người chuyên viết lách, thì thần tượng có thể là Victor Hugo (nhà văn Pháp), Nam Cao (Việt Nam) chẳng hạn. Có lẽ vì coi đó là thần tượng nên người ta sẽ có thiên hướng ít nhiều đều mang bóng dáng của chủ nghĩa nhân đạo kiểu “Những người khốn khổ” hoặc Nam Cao. Như vậy, chắc chắn tâm lí thần tượng mang ý nghĩa tốt nhiều hơn dở. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở đó. Thời nay, nhiều khi tâm lí thần tượng bị bóp méo hoặc hiểu sai lệch. Trong đám đông biểu diễn ca nhạc hiện giờ xuất hiện một từ tiếng Anh (fan) bên cạnh từ thần tượng. Có lẽ hai khái niệm này cũng có những điểm giống nhau nhất định. Nhưng vẻ như khái niệm fan có tính xô bồ, đám đông hơn. Một khi ca sĩ của các fan nào đó xuất hiện thì ở bên dưới thường ồn ào, thậm chí là la hét “quên trời đất”. Mà có lẽ trong sự la hét ấy không ít những người a- dua. Bi đát hơn, đối với một số ít người còn có hiện tượng sùng bái một cách như bị mê hoặc (vì thế cũng xuất hiện thêm một từ là “fan cuồng”). Đã từng có chuyện khi một thần tượng qua đời thì có những fan tự tử chết theo. Thật kinh hãi. Như vậy, xét cho cùng đó không phải là tâm lí thần tượng đúng nghĩa. Thần tượng là sự ngưỡng mộ trong tâm, sự ghi khắc trong đời để có thể đam mê học hỏi, làm theo những điều tốt, chứ đâu như một kẻ cuồng tín. Tệ hại nhất là ngày nay bỗng còn thấy một tâm lí “thần tượng” vô cùng lệch lạc. Ví như vụ tôn sùng một nhân vật có tên là Khá “Bảnh”. Không ít các bạn trẻ tôn sùng Khá “Bảnh” chỉ vì anh ta có vẻ bề ngoài “coi được”. Và tai hại nhất là sự tung hô về những hành vi phá phách khác người, thậm chí là vô cùng thô lậu và phạm pháp của anh ta. Rất buồn và kinh ngạc khi có một vài thông tin trên mạng xã hội cho biết hôm Khá "Bảnh" bị dẫn giải vào và ra phiên tòa xét xử, nhiều thanh niên, học sinh đứng bên ngoài hàng rào lớn tiếng gọi, chụp ảnh, reo hò ngay trước mặt bị cáo và mọi người, giống như cảnh đón chào một thần tượng. Nếu Khá “Bảnh” đúng là đã trở thành thần tượng của một số đông nào đó thì chỉ có thể nói đạo đức và nhận thức của một số lớp trẻ hiện nay đã đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều luật gia và các nhà thi hành pháp luật đã phân tích rất chính xác, rằng hiện tượng Khá “Bảnh” là một thứ bất bình thường, là rác rưởi làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống lành mạnh mà xã hội ta đang hướng tới. Có điều, tuy “lệch chuẩn”, nhưng rõ ràng hiện tượng Khá “Bảnh” lại gãi đúng vào tâm lý muốn phá phách, muốn khác người hoặc “nổi loạn” của một số trong giới trẻ. Nghe nói, ở một số nước không phải không có những hiện tượng tương tự. Dù là sai trái nhưng một khi nó đã trở thành tâm lí đám đông thì không thể dùng các biện pháp cứng nhắc để giải quyết. Có lẽ điều cần nhất là phải có sự giáo dục từ gia đình, nhà trường. Đặc biệt là ở sự phân tích, lí giải hợp lí, hợp tình của những người có uy tín trong xã hội như các luật gia, các nhà văn hóa, các nhà quản lí xã hội, các bậc phụ huynh…, nhằm tạo được niềm tin và chân lí cho các em hiểu rõ thế nào là thần tượng thật sự và nó khác xa với loại “ngụy thần tượng” như thế nào để các em nhận thức lại. Thiết nghĩ, có sự “lệch chuẩn” nghiêm trọng nói trên, có phải lâu nay chúng ta đã để lại một lỗ hổng không nhỏ trong khi tạo dựng đất nước văn minh, văn hóa mà đây đó lại bỏ quên một tư tưởng vô cùng quan trọng: Văn hóa nghệ thuật là nền tảng của xã hội.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 6 tháng trước