Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:36 (GMT +7)

“Thơ Thái Nguyên: Những trao đổi về lý luận và thực hành sáng tạo”

VNTN - Với mong muốn xây dựng chuyên đề sinh hoạt chuyên môn thiết thực, hữu ích, trang bị những tri thức và hiểu biết cần thiết cho người làm thơ và yêu thơ của tỉnh nhà, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lớp tập huấn chuyên môn chuyên ngành Thơ. Chương trình diễn ra từ ngày 20 - 23/6/2020, dành cho hơn 30 học viên, với sự trao đổi chia sẻ của các nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

1. Nhằm hệ thống lại những tri thức, hiểu biết mang tính nền tảng cho người sáng tác, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã có những phân tích sâu sắc về các vấn đề cơ bản như: thời đại, triết học, mỹ học, văn hóa, chủ thể, nền tảng tinh thần… Đồng thời, các nội dung trao đổi cũng phác dựng lại một cách hình dung tổng thể về tiến trình lịch sử thơ ca Việt Nam, tùy theo các tiêu chí tiếp cận như: thời kỳ lịch sử; phương pháp sáng tác và cảm quan hiện thực thẩm mỹ; hình thức và phương thức biểu đạt; hình thức tồn tại và không gian sinh tồn; ý thức hệ giá trị v.v…

Đi vào các khía cạnh trực tiếp của thơ ca, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh một số vấn đề cốt lõi cần quan tâm: mô hình kiến tạo - sáng tạo và sự vận động của tư duy thơ; ngôn ngữ thơ; cách tân thơ...

Điều nhận được sự chờ đợi, quan tâm, mong muốn trao đổi nhất là vấn đề cách tân thơ đã được nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm phân tích kỹ lưỡng. Theo đó, mục tiêu của cách tân thơ là sáng tạo nên cái mới có giá trị, cái gốc của cách tân thơ là sự thay đổi cảm niệm triết học về thực tại và sự thay đổi quan niệm mỹ học về thể loại. Kết quả của cách tân thơ phải thể hiện bằng cái “Khác” - mà cụ thể là khác về không gian, khác về ngôn ngữ, khác về văn hóa, khác về thi pháp, khác về chủ thể. Yếu tố “Khác” được đặc biệt đi sâu làm rõ, với sự tác động và sự phân biệt về các khía cạnh như: bản thể (sinh học, bản năng, chủng tộc, nhân hình); tha nhân; thiên nhiên; cộng đồng; lịch sử; văn hóa; mỹ học hay một vài khía cạnh khác nữa.

 

Ảnh: Trần Tác

Trên nền tảng các vấn đề mang tính lý luận, các nội dung trao đổi tiếp tục đi vào các vấn đề lớn đang hiện hữu và cần quan tâm trong đời sống văn chương nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng của nước nhà hiện nay. Các vấn đề đáng chú ý được đặt ra như: hoàn cảnh và khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại; một số tác giả đương đại nổi bật; sự thiếu vắng triết học [và cả tiếng cười]; sự khủng hoảng các giá trị và lực lượng tinh hoa v.v...

Những tri thức bao quát sâu rộng đã được diễn giải một cách bài bản, hệ thống, logic, với cách trình bày mạch lạc, dễ hiểu, giúp sự tiếp nhận khá thuận tiện. Chỉ trong một thời lượng hạn chế, nhưng khả năng chọn lọc và dồn nén của diễn giả đã đem đến một lượng tri thức phong phú, thiết thực, hữu ích cho những người sáng tác và yêu thơ.

2. Trong phần nội dung trao đổi về các vấn đề thực tiễn sáng tạo thơ ca, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đã có những chia sẻ sâu sắc và sinh động. Nhiều vấn đề mà người viết thơ thường gặp phải và đặt ra nhiều băn khoăn đã được tập trung trao đổi như: yếu tính cốt lõi của thơ; cách xử lý kỹ thuật trong thơ; mối quan hệ giữa thơ truyền thống và thơ cách tân; mối quan hệ giữa cái tôi cá nhân thi sĩ với sự tiếp nhận của bạn đọc; việc xác định thơ tinh hoa và thơ đại chúng; ứng xử trước sự khác biệt về quan điểm trong thơ ca v.v...

Những phân tích và trao đổi cho thấy, đời sống thơ ca hôm nay tồn tại đa quan niệm về yếu tính của thơ cũng như về sự hay/dở và mới/cũ của thơ, đồng thời với nó là sự đa tâm thế trong tiếp nhận thơ cách tân.

Vấn đề được nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhấn mạnh là đòi hỏi lành mạnh tất yếu về một tâm thế đọc tương thích trước thơ cách tân đương đại: “Cái gì đã bị đông cứng và không còn vừa khuôn với cảm thức thẩm mỹ mới, thì cần phải được phủ định và vượt qua. Thơ cần đa chiều đa diện đa thanh nhất, nói được nhiều nhất cảm giác sống của con người hiện đại”.

Các vấn đề được thảo luận với tinh thần đối thoại cởi mở và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cách tiếp cận, mỗi góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất nhau ở quan điểm: Đời sống thơ ca tồn tại nhiều khuynh hướng song hành, mỗi người viết đều có lựa chọn của mình, vấn đề quan trọng là phải luôn hướng đến mục tiêu sáng tạo hơn - hay hơn trong sự lựa chọn của mình. Sự thẳng thắn và tôn trọng trong quá trình trao đổi của diễn giả không chỉ thuyết phục những người làm thơ phải biết cởi mở đón nhận và chấp nhận cái khác, cái mới, mà còn thôi thúc họ tự mình không ngừng hướng đến sáng tạo cái mới, cái khác.

3. Những nội dung của lớp tập huấn chuyên môn kỳ này đã đem lại hiệu ứng rất tích cực với sự đón nhận và phản hồi từ phía các học viên tham dự. Tác động và hiệu quả của các nội dung trao đổi được thể hiện khá cụ thể trong chùm tác phẩm báo cáo kết quả sau lớp tập huấn, với một số bài thơ được đánh giá là có sự vận động trong quan niệm thẩm mỹ và cách biểu đạt, sự nâng cao khá rõ về chất lượng.

Tác giả Trần Vạn (Hội viên Chi hội Thơ - Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ những cảm nhận về sự lý thú bổ ích của lớp tập huấn: “Những người làm thơ ở cái tuổi 60 như chúng tôi thường bị yếu tố truyền thống ngấm vào da thịt, khó thay đổi. Lần này, tập trung nghe giảng viên trình bày, tôi cảm nhận được nhiều hơn về thơ ca đương đại, từ đó hiểu rằng mỗi người cần luôn tự vận động, từng bước làm mới chính mình. Những nội dung được trao đổi lần này thực sự là bổ ích”.

Tác giả Minh Hằng (hội viên Chi hội Văn xuôi - Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) sau khi tham dự lớp tập huấn đã có những chia sẻ đầy hứng khởi: “Tôi thích làm thơ, và làm thơ đã lâu, nhưng chưa lần nào được tiếp cận với lý luận về thơ có hệ thống, mạch lạc và dễ hiểu như thế. Tôi hiểu mình đang làm thơ kiểu gì và cũng hiểu đang cảm thơ kiểu gì. Tôi mong muốn Hội có thêm những chương trình như thế”.

Chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của lớp tập huấn, TS. Nguyễn Kiến Thọ, Chi hội trưởng Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Thông qua những trao đổi về lý luận, về trải nghiệm thực hành thơ của các nhà phê bình thơ có uy tín đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chúng tôi hy vọng trang bị thêm những tri thức và hiểu biết cần thiết cho người làm thơ và yêu thơ ở Thái Nguyên. Với sự gặp gỡ giữa người làm lý luận phê bình với người sáng tác, giữa sáng tạo với tiếp nhận, hy vọng các tác giả Thái Nguyên chúng ta sẽ rút ra nhiều điều bổ ích, nhận diện được mình và hình dung tiếp cận được đời sống thơ ca hiện nay của đất nước, từ đó sự sáng tạo của chúng ta sẽ dần tiệm cận hơn với mặt bằng chung của thơ ca đương đại”.

Cũng theo TS. Nguyễn Kiến Thọ, từ kết quả này, trong thời gian tới Chi hội Thơ sẽ thống nhất triển khai kế hoạch hoạt động theo hướng thiết thực, chú trọng các sinh hoạt chuyên môn, để tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng sáng tác cho các hội viên. Đây cũng là gợi ý để Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng và triển khai những hoạt động chuyên môn tiếp theo, với hướng làm đi vào chiều sâu và hiệu quả.

MINH KHUÊ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy