Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:32 (GMT +7)

Tâm thế người làm thơ lục bát*

VNTN - Thơ lục bát là đặc sản thi ca Việt, được coi là thể thơ truyền thống của dân tộc. Hiện nay, giới nghiên cứu văn học vẫn chưa minh định chính xác thời điểm ra đời của thơ lục bát ở nước ta. Gần đây, người ta đã phát hiện ra thơ lục bát của người Chăm - dân tộc chính của vương quốc Chiêm Thành thuở trước. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn như: Thơ lục bát người Việt có trước hay sau thơ lục bát người Chăm; Hai dòng thơ này có ảnh hưởng tác động tới nhau không; Quá trình tiếp biến và chuyển hóa diễn ra như thế nào… vẫn còn chưa rõ và tiếp tục được giới nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Một số đặc trưng nổi bật về phương diện cấu trúc nghệ thuật của thể lục bát có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Một câu thơ (có tác giả gọi là lời thơ) gồm hai dòng (một cặp), dòng đầu 6 chữ (tiếng), dòng sau 8 chữ. Nhịp điệu phổ biến của thơ lục bát là nhịp chẵn, ví dụ: 2/2/2, 2/4, 4/2, 2/4/2, 4/4, 2/6, 6/2, 2/2/4, 4/2/2. Thơ lục bát cũng có nhịp lẻ như: 1/5, 3/3, 5/3… và có cả sự kết hợp nhịp chẵn với nhịp lẻ trong một dòng thơ, ví dụ: 1/2/3, 1/2/5… nhưng những trường hợp này không nhiều, theo thống kê chỉ chiếm chưa đầy 10%; còn nhịp chẵn tới hơn 90%. Vần trong thơ lục bát bắt buộc là vần bằng, có hai loại: vần chân và vần lưng, được gieo vào các chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và 8 câu bát. Cũng có trường hợp lục bát biến thể, vần được gieo vào chữ thứ 4 câu bát. Tuy nhiên, những trường hợp này không đáng kể. Với đặc trưng nghệ thuật nổi trội ở nhịp chẵn và vần bằng, thơ lục bát thường có âm điệu du dương, ngọt ngào, đằm thắm. Tiết tấu thơ thường chậm, đều đều, không có nhiều biến hóa về giọng điệu. Lục bát phù hợp với đặc điểm tâm hồn người Việt - những cư dân nhiều nghìn năm gắn liền với nền văn minh lúa nước, kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp là chính, cuộc sống bình yên, êm đềm, tuần tự diễn ra từ ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác. Giọng điệu nhẹ nhàng, duyên dáng, đậm chất tâm tình của thơ lục bát rất có lợi thế trong kể chuyện, diễn ca cho nên lục bát là độc thể trong các Truyện Nôm và Diễn ca lịch sử. Còn trong việc thể hiện các cạnh khía tâm trạng con người như: nhớ nhung, thương yêu, khao khát lứa đôi, dằn vặt, hờn ghen, trách giận… có tính lặp đi lặp lại, thể lục bát cũng có nhiều lợi thế. Bởi vậy, thơ lục bát được người Việt Nam đặc biệt ưa thích, là thể thơ có số lượng người sáng tác chiếm tỷ lệ áp đảo. Nhiều thi sĩ bắt đầu con đường thơ của mình từ thể lục bát. Hiếm thấy nhà thơ nào trong cuộc đời sáng tạo của mình lại không có một vài bài lục bát. Rất nhiều thi sĩ hiện đại đã thành danh từ thể thơ này như: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Lâm Cẩn, Nguyễn Phúc Lộc Thành… Tất cả những điều đó khiến cho thơ lục bát đã trở thành một thể thơ phổ thông được hàng vạn người tham gia sáng tạo. Rất nhiều câu lạc bộ thơ lục bát đã được thành lập với số lượng hội viên ngày càng đông đảo. Ngay cả những câu lạc bộ thơ bình thường thì thể thơ lục bát vẫn chiếm vị thế áp đảo. Tôi có may mắn được đọc nhiều tập thơ của các câu lạc bộ thơ trong thành phố Thái Nguyên, được làm giám khảo nhiều cuộc thi thơ của Hội Văn học Nghệ thuật thành phố và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhận thấy các bài thơ lục bát thường chiếm tỷ lệ từ 70 đến trên 80%. Điều đó trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho thơ lục bát dần trở nên nhàm chán, thậm chí là nhạt nhẽo. Tất cả các nhà thơ chân chính và các nhà phê bình nghiên cứu văn học đều thừa nhận: Lục bát là thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Dễ làm vì bất cứ ai có tâm hồn thơ, nắm vững cấu trúc nghệ thuật của lục bát cũng đều có thể làm được. Khó hay vì đã có quá nhiều đỉnh cao về thể thơ này sừng sững trên thi đàn, tiêu biểu nhất là lục bát trong Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Do đó, người làm thơ lục bát nếu không có những kiếm tìm, sáng tạo mới; nếu không đọc nhiều, nghĩ nhiều, trăn trở tìm ra chữ mới, thi ảnh mới, cách diễn đạt mới thì chắc chắn sẽ thất bại, chỉ tạo ra được những thi phẩm tầm thường, nhàn nhạt mà thôi. Một điều cũng cần lưu tâm nữa là văn học nói chung và thơ lục bát nói riêng luôn có hai loại: lục bát đại chúng và lục bát nghệ thuật đích thực. Cả hai loại thơ này đều được viết từ trái tim, tâm hồn người sáng tạo nhưng mục đích và khát vọng có những điểm khác nhau căn bản. Lục bát đại chúng nói lên tiếng nói cộng đồng, đề cập đến những vấn đề chung, những nỗi niềm chung của xã hội. Lục bát đại chúng rất cần sự đồng cảm, chia sẻ của người khác, càng nhiều càng tốt. Vì vậy mà câu chữ, thi ảnh, cách biểu đạt thường bình dị, quen thuộc, gần gũi, rất ít có dị ngôn, quái từ, khiến người đọc hiểu ngay, cảm nhận được ngay nội dung tư tưởng của bài thơ. Do đó, lục bát đại chúng thường được viết dễ dãi, ít trăn trở, suy tư, vật vã để tìm chữ, tìm thi ảnh. Hầu hết đều được viết rất tự nhiên, rất nhanh trong cảm hứng thăng hoa của người sáng tạo. Đây là điều khiến cho đa phần lục bát đại chúng trở lên nhàm nhạt, giá trị nghệ thuật thấp, nhiều bài chẳng khác gì những lời nói thường được ghép vần… Tuy nhiên, đối với những tài năng nghệ thuật đặc sắc, lục bát đại chúng khi đạt đến đỉnh cao sẽ trở thành lục bát nghệ thuật đích thực, sống mãi với thời gian. Việt Bắc của Tố Hữu, Tre xanh của Nguyễn Duy, Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi… là những trường hợp tiêu biểu. Lục bát nghệ thuật đích thực lại hướng đến cái tôi cá nhân, chỉ tập trung biểu hiện dòng nội cảm của chủ thể sáng tạo. Người có thiên hướng sáng tác lục bát nghệ thuật đích thực nhiều khi bất chấp độc giả, không cần ai đồng cảm, tung hô. Do vậy, không ít nhà thơ rơi vào sự cầu kỳ, khó hiểu, thậm chí tắc tị. Nhiều câu chữ được dùng rất quái dị, có thể do chính họ tự sáng tạo ra, chưa từng có trong từ điển Tiếng Việt và trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nếu không cao tay, không có tài năng nghệ thuật lớn, loại lục bát này cũng bị bạn đọc xa lánh, phủ nhận. Tuy nhiên, nếu đạt đến một tầm vóc nào đấy, lục bát nghệ thuật đích thực sẽ trở thành những thi phẩm đặc sắc, được nhiều người đồng thuận và yêu quý. Nếu đạt đến đỉnh cao sẽ trở thành kiệt tác. Khi ấy, lục bát nghệ thuật đích thực trở nên bình dị, sống mãi trong tình yêu và nỗi nhớ của các thế hệ. Có một đặc điểm giao thoa kỳ diệu giữa lục bát đại chúng và lục bát nghệ thuật đích thực là khi đạt đến một tầm vóc sáng tạo nào đấy thì lục bát đại chúng sẽ trở thành lục bát nghệ thuật đích thực và lục bát nghệ thuật đích thực cũng sẽ trở thành lục bát đại chúng. Nghệ thuật chân chính dù là đại chúng hay đích thực khi đạt đến đỉnh cao cũng sẽ trở thành tác phẩm của nhân dân, trường tồn với thời gian. Tất cả đều phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo. Những tác giả có khuynh hướng viết lục bát đại chúng cần tránh dùng câu chữ, hình ảnh dễ dãi, quen thuộc, cố gắng trăn trở, suy tư, cân nhắc trong chọn chữ, đặt lời, tìm tòi cách diễn đạt mới. Các tác giả có khuynh hướng sáng tác lục bát nghệ thuật đích thực cũng cần cảnh giác với kiểu cách tân hóc hiểm, hoặc những tìm tòi quái dị, phi lý, quá cầu kỳ về câu chữ. Lục bát nghệ thuật đích thực đạt tới tầm cao không bao giờ là những thi phẩm tù mù, rối rắm, quái đản, đánh đố độc giả mà phải được nhiều người đồng thuận và yêu thích. Khi lục bát đại chúng đạt tới tầm cao sẽ trở thành lục bát nghệ thuật đích thực và khi lục bát nghệ thuật đích thực đạt tới tầm cao cũng sẽ trở nên bình dị. Trong đời sống thi ca dân tộc, cả hai loại lục bát này đều cần thiết và quan trọng như nhau. Tuy nhiên, nhiều người làm thơ lục bát đại chúng thường “dị ứng” và không chấp nhận lục bát nghệ thuật đích thực. Ngược lại, không ít người làm thơ lục bát nghệ thuật đích thực lại coi thường, chê bai, phủ nhận lục bát đại chúng. Điều đó dẫn đến sự xa cách và đố kỵ không đáng có giữa hai chủ thể làm thơ. Khoảng ba mươi năm trở lại đây, do cuộc sống có nhiều thay đổi lớn, kinh tế tăng trưởng liên tục, mức sống toàn dân được nâng cao, đô thị hóa chóng mặt, tốc độ sống diễn ra nhanh mạnh, gấp gáp hơn, xã hội cũng biến động và thay đổi với nhiều điều tốt đẹp cũng như nhiều hệ lụy mới. Bởi vậy, một nhu cầu tất yếu phải đổi mới văn học xuất hiện không chỉ ở các cấp quản lý văn nghệ mà còn ở ngay trong bản thân từng người sáng tạo. Nhiều nhà thơ đã tập trung tâm lực cách tân thể thơ lục bát truyền thống cả về nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện. Về phương diện hình thức, sự thay đổi lớn và dễ thấy nhất là các tác giả đã ngắt câu thơ lục bát thành nhiều dòng, tùy thuộc theo nhịp thơ và nội dung của nó. Một câu lục hoặc bát được ngắt làm hai dòng, ba dòng, thậm chí bốn dòng. Có tác giả ngắt câu viết thành các dòng khác nhau, lại có người xếp thành câu thơ bậc thang. Có tác giả vẫn viết hoa chữ đầu câu theo kiểu truyền thống, nhưng lại có tác giả không hề viết hoa… Điều này khiến cho thơ lục bát hiện nay phong phú và đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tinh thần của người Việt Nam thời hiện đại. Những tìm tòi hình thức ấy rất đáng được trân trọng mà nhiều người làm thơ cần học hỏi. Những tác giả chuyên viết lục bát kiểu này có khá nhiều, tiêu biểu như Nguyễn Lâm Cẩn, Nguyễn Phúc Lộc Thành... Bản thân tôi làm thơ lục bát không nhiều nhưng cũng đã thử bút ở cả hai loại lục bát đại chúng và lục bát nghệ thuật đích thực. Tuy nhiên, thành tựu đạt được không có gì đáng kể. Xin góp vài ý kiến từ những suy tư, trăn trở của mình. Rất mong nhận được những trao đổi, tranh luận và chỉ giáo.

* Tham luận tại Hội thảo “Thơ lục bát Thái Nguyên” do Chi hội Thơ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) và CLB thơ Lục bát Thái Nguyên phối hợp tổ chức, 05/7/2019

Võ Sa Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy