Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:35 (GMT +7)

“Sợi chỉ hồng” và sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc

VNTN - Nằm trong khu vực có nhiều thành phần dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Sán Dìu, Trường THCS Trại Cau (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có 78/282 học sinh là con em dân tộc Sán Dìu, chiếm 27,6% số học sinh toàn Trường. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 10,3% có khả năng giao tiếp bằng tiếng Sán Dìu. Hầu hết các em chỉ nghe được cơ bản nhưng chưa thể dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp trong gia đình. Và cứ thế tiếng Sán Dìu dần mai một từ trong ý thức của thế hệ trẻ. Xuất phát từ mong muốn giữ gìn tiếng nói, giữ lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này, Câu lạc bộ (CLB) “Sợi chỉ hồng” do cô trò Trường THCS Trại Cau thành lập đã góp phần gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ ngày bị mai một.

Khi mới thành lập, qua những giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, CLB giúp học sinh tiếp cận với ngôn ngữ dân tộc thông qua các video sưu tầm những điệu hát Soọng cô; dựng những cuộc hội thoại nhỏ để các em cảm nhận sự gần gũi. Kết quả của hoạt động này khá khả quan, bởi hầu hết học sinh Sán Dìu đều tự hào về điệu hát Soọng cô của dân tộc mình, các em hào hứng muốn học tiếng để có thể giao tiếp với người lớn trong nhà và được hát. Các cô giáo đã liên hệ với nghệ nhân tại CLB hát Soọng cô xóm Trại Cau để đưa thành viên “Sợi chỉ hồng” đến nghe hát và học ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Sán Dìu. Cô giáo Ngô Thu Giang (giáo viên Tổ Xã hội - THCS Trại Cau) chia sẻ: có những hôm mưa to, đường trơn trượt, bùn níu xe, cô trò vẫn quyết cuốc bộ đến để được nghe các nghệ nhân trò chuyện và hát.

Học sinh chăm chú nghe các nghệ nhân hát Soọng cô

Sinh ra trong gia đình có cụ nội là một nghệ nhân hát Soọng cô, ban đầu Diệp Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 6A, trường THCS Trại Cau dường như không có hứng thú với làn điệu dân ca này. Trong gia đình Hằng, tiếng Sán Dìu không phải là ngôn ngữ được sử dụng giao tiếp hàng ngày. Hỏi chuyện, Hằng ngại ngùng đáp: Ở lớp em và các bạn dân tộc Sán Dìu khác thường bị các bạn gọi là Trại Đất, em cảm thấy xấu hổ và chỉ dùng tiếng phổ thông để giao tiếp. Ở nhà, bố mẹ cũng nói chuyện với em bằng tiếng Kinh, nhiều khi thấy cụ nói chuyện với ông bà, bố mẹ bằng tiếng dân tộc em thấy ngượng, không quen. Tham gia CLB được 3 tháng, Hằng đã biết hát khá nhiều điệu Soọng cô. “Tò mò muốn tìm hiểu điệu hát của dân tộc mình nên em đã tham gia CLB. Chúng em phải học thuộc lời bằng tiếng Sán Dìu rồi mới luyện giọng. Không chỉ dạy hát sao cho đúng giọng, chúng em còn được nghe các cụ giảng giải ý nghĩa từng câu hát” - Hằng hứng thú chia sẻ.

Thành lập và hoạt động được hơn nửa năm nay, “Sợi chỉ hồng” thực sự tạo ra sức hút. Trong giờ sinh hoạt, nhiều phụ huynh, người già trong xóm, xã sử dụng thành thạo là tiếng Sán Dìu đã nhiệt tình đến giao lưu và chỉnh sửa cách phát âm cho các em, bổ sung thêm kiến thức về nét văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu. Chia sẻ những khó khăn trong việc giúp các em nghe, hiểu và nói được tiếng dân tộc mình, cô Giang bộc bạch: “Ban đầu do chưa được giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ thường xuyên nên các em thấy lạ lẫm, chán nản và thậm chí thấy buồn cười. Lúc đó chúng tôi phải tích cực tuyên truyền và sáng tạo thêm nhiều hoạt động khác để thu hút, động viên các em. Đặc biệt, sử dụng phương pháp dạy tiếng cho các em theo kiểu “bình dân học vụ”, bạn biết nhiều dạy cho bạn biết ít hoặc chưa biết”. Đến nay, nhiều thành viên CLB đã chủ động tìm hiểu, tham gia hoạt động trải nghiệm; có thể hát một số làn điệu Soọng cô và trở thành những tình nguyện viên tích cực tuyên truyền ý thức gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu.

Với những gì CLB Sợi chỉ hồng đã làm được, bà Hoàng Thị Thu Ninh - Hiệu trưởng Trường THCS Trại Cau cho biết, nhà trường dự kiến sẽ nhân rộng mô hình CLB “Sợi chỉ hồng” với các em học sinh dân tộc Dao và dân tộc Nùng. Hoạt động không chỉ là tạo sân chơi bồi đắp đời sống tinh thần, mà còn giáo dục cho các em về trách nhiệm của những chủ nhân tương lai trong việc lưu truyền và gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

“Sợi chỉ hồng” với sự khởi đầu đầy hứng khởi đã giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi và trau dồi ngôn ngữ. Những điệu hát Soọng cô đang được một lớp người trẻ tiếp nhận, quy mô nhỏ nhưng đã nhen lên sức sống mới cho Soọng cô, nhen lên hi vọng về sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa của dân tộc trong lòng người trẻ hôm nay.

Linh Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục