
Góc biếm họa số 5 (2025)

Đi lễ đầu năm cầu sức khỏe, may mắn, bình an… là nét văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của đông đảo người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng tổ chức lễ hội, cầu cúng khá lộn xộn, xô bồ cùng cung cách ứng xử, hành lễ chưa văn minh, chưa đẹp của những người đi lễ và khách du xuân.
Ngày nghỉ cuối tuần, cơ quan tôi tổ chức một chuyến du xuân, đi lễ chùa đầu năm vừa là để mọi người tìm được sự thanh thản, thư thái vừa là để gặp gỡ, chia tay hai cán bộ về hưu trước tuổi.
Sau khi đoàn dâng hương xong, mỗi người tự tìm cho mình không gian ngắm cảnh riêng. Ngôi chùa chúng tôi đến thăm thật đẹp, cổ kính, thu hút khá đông người đến chiêm bái. Tôi ngồi trên chiếc ghế đá kê cạnh cổng chùa, ngắm nhìn từng dòng người vào lễ chùa. Bỗng một chiếc xe máy từ đâu lao tới phanh gấp trước mặt khiến tôi hơi bị giật mình. Người cầm lái là một phụ nữ mặc váy ngắn, dáng người thon thả, trang điểm có phần hơi đậm. Ngồi sau là một người đàn bà phốp pháp. Hai người dắt nhau bước vào trong. Tiếng gót giày lộc cộc nện xuống nền gạch chát chúa làm mọi người dồn sự chú ý về phía hai vị khách lạ. Tuy vào sau nhưng hai cô không chịu ngồi sau mà chen lên tận gần ban thờ khấn vái. Người phụ nữ mặc váy giơ tay lên cao rồi khấu đầu sát xuống nền gạch, để hở ra cặp đùi trắng. Hai cô bắt đầu thi nhau khấn cầu nỉ non, cách xa vài mét vẫn có thể nghe tiếng khấn cầu tiền tài, danh vọng, tình yêu. Khấn xong, hai cô tưng tửng đi ra ngoài sân chùa ngồi nói chuyện ồn ào về ái tình, tiền bạc. Một vài bác lớn tuổi đi qua góp ý nhỏ nhẹ thì nhận được cái hất hàm rồi vùng vằng bỏ đi đến là vô duyên của hai cô gái trẻ.
Thực tế, đây không chỉ là lần đầu tôi chứng kiến cảnh này. Cửa thiền là nơi thanh tịnh để các phật tử đến tu tập, chiêm bái. Đến đây, mọi người phải giữ tâm trong sạch, gạt bỏ mọi ưu phiền, tham, sân, si. Ấy vậy mà nhiều người lại đến chùa để cầu tài, cầu lộc, phu quý, phụ vinh; khi hành lễ thì coi trọng mâm cao cỗ đầy; cầu khấn nặng về câu chữ với quan niệm khấn càng hay, lễ càng hậu thì sẽ sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Đi lễ chùa là một nét đẹp trong phong tục của người dân đất Việt. Vì vậy, mọi người khi đến cửa thiền cũng cần ứng xử có văn hóa, nhất là trong cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử sao cho nhã nhặn để giữ cho thiền môn được thanh tịnh tôn nghiêm. Tôi nhớ, khi còn nhỏ, mỗi khi đi cùng bà nội lên chùa lễ Phật, ra đình lễ Thánh, bà thường dặn phải ăn mặc gọn gẽ, chỉnh tề; lên chùa, lên đình không được nghịch ngợm, hò hét, nói to… Lễ vật được bà chuẩn bị cẩn thận từ trước Tết. Trong chiếc làn nhỏ bà xách trên tay có trầu cau tươi xanh được hái từ vườn nhà; chai rượu trắng nhỏ được nút chặt bằng lá chuối khô; gói kẹo nhỏ; một vài thẻ nhang thơm… Đình làng, chùa làng ngày Tết đông, nhưng không ồn ã, không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Người làng gặp nhau tươi cười, nhỏ nhẹ hỏi chào. Được theo bà đi lễ ngày Tết, còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được sự trang nghiêm, linh thiêng khi tới cửa chùa, cửa đình.
Giữ nếp xưa, từ khi trưởng thành, năm nào cũng vậy, vào ngày đầu năm mới, tôi thường sắp xếp thời gian lên chùa, lên đình cầu an, cầu may. Khi thì đi cùng gia đình, khi thì cùng cơ quan. Bà tôi đã thành người thiên cổ từ lâu nhưng lời bà dạy được tôi truyền lại cho các con từ nhỏ. Giờ, những ngày đầu năm mới người đi lễ chùa, lễ đình, lễ đền đông hơn trước kia nhiều. Có nhiều bạn trẻ đi chùa nhưng mặc váy ngắn, áo ngắn; có bạn lại mặc đồ ren mỏng nhìn rất phản cảm, không phù hợp khi tới những nơi thờ tự trang nghiêm. Có người vào chùa, vào đình, vào đền cầu khấn cứ oang oang, làm ảnh hưởng tới những người đi lễ xung quanh...
Thực tế, ở một số địa phương, công tác quản lý vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả, khoa học. Thiết nghĩ, bên cạnh ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, của những người đi lễ, du xuân, cần sự chủ động vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt quy định của pháp luật trong việc tổ chức hoạt động phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát, có biện pháp chế tài, xử lý những vi phạm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đi lễ cầu may, cầu an là nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đông đảo người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi lễ mọi người cũng cần tìm hiểu để tỉnh táo, hiểu biết khi thực hiện chuyện cầu, chuyện lễ. Chuyện trang phục, chuyện giao tiếp ứng xử nơi cửa đền, cửa Phật sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, tránh tình trạng quá đà, xô bồ ồn ã, sa vào các hủ tục mê tín dị đoan. Có như vậy, đi lễ đầu năm mới thực sự đem lại cho mỗi người cảm giác thư thái, bình an, vui vẻ, tin tưởng vào những điều tốt đẹp và may mắn sẽ tới.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...