
Góc biếm họa số 5 (2025)

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đang là chủ đề chính của nhiều gia đình, phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội. Đặc biệt, khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các nội dung, hình thức liên quan đến dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên, học sinh và các nhà quản lý giáo dục.
Ngồi làm việc cùng phòng một chị đồng nghiệp, thi thoảng tôi lại giật mình khi chị mở loa ngoài gọi camera về cho con gái nhắc nhở tắt ti vi ngồi vào học tập. Nói chuyện với con một thôi một hồi chị lại quay sang tôi như để thanh minh: Em thấy đấy, từ khi nhà trường dừng hoạt động dạy thêm, các cháu ở nhà dán mắt vào ti vi, chị cũng lo quá. Em biết có trung tâm dạy thêm nào để chị đăng ký cho cháu đi học chứ để ở nhà thế này, chẳng có ai quản lại thêm lo.
Tôi cũng có con đang học cấp 2 nhưng lại có quan điểm khác chị đồng nghiệp một chút. Trước đây nhà trường cũng có tổ chức dạy thêm ở trường, cô giáo chủ nhiệm gửi một tờ giấy đăng ký học thêm nhưng tôi đã chủ động liên hệ xin không cho cháu học tập. Tôi là một trong số ít phụ huynh chủ động xin không cho con học thêm ở nhà trường. Nhiều phụ huynh nhìn tôi ái ngại bảo cho cháu đi học cho hòa đồng và đỡ bị “phân biệt”. Thế nhưng qua hơn một kỳ học tập, tôi thấy cháu vẫn học bình thường trong tốp đầu của lớp nên cũng khá yên tâm.
Nghe tôi chia sẻ, chị đồng nghiệp ngạc nhiên bảo tôi chia sẻ bí quyết làm thế nào mà vừa đỡ tốn kém kinh phí mà cháu vẫn học giỏi thế. Thực ra, theo tôi, nếu có điều kiện cho học sinh đi học thêm là tốt. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là làm sao quản lý con, giúp con tự giác học tập. Nhiều người cho rằng việc học tập ngày nay chương trình nặng nên chỉ học chính khóa sẽ không đủ. Dù vậy, thời công nghệ số, các cháu hoàn toàn có thể học tập qua nhiều kênh khác nhau. Mỗi phụ huynh nên giám sát việc học tập của con mình, hướng dẫn các con học qua internet. Rất nhiều kiến thức bổ ích trên mạng nếu các con biết khai thác thì sẽ rất hiệu quả.
Không đi học thêm đồng nghĩa việc các em có nhiều thời gian hơn để tham gia các việc gia đình và rèn kĩ năng sống. Mới đây, con tôi kể về một bạn trong lớp buổi sáng đi học về muộn, về nhà ăn uống qua loa một mình do bố mẹ đi làm công ty cả ngày, chiều lại đi học thêm sớm trên trường, tối lại đi học thêm trung tâm bên ngoài… thành thử bạn ấy bị suy nhược cơ thể, có hôm đang học thì ngất xỉu ở trong lớp. Nghe con kể mà tôi thấy thương nhiều học sinh chạy đôn chạy đáo cho việc học thêm, chưa học hết ca này đã lo ca khác. Bố mẹ cũng ảnh hưởng công việc khi phải sắp xếp thời gian đưa đón con đi học thêm. Những bữa cơm gia đình thường xuyên bị xáo trộn vì lịch học thêm của con. Có hôm tận 10 giờ đêm các con mới học thêm về đến nhà và lăn ra ngủ…
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề nóng, gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý chạy theo thành tích của một số trường học, một số giáo viên và sự lo lắng của nhiều phụ huynh sợ con em mình không bằng chúng, bằng bạn. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế nêu trên, đồng thời, nhằm siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm tại các địa phương. Theo đó, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: học sinh yếu kém; học sinh giỏi; học sinh ôn thi cuối cấp và không thu phí. Ngoài ra, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Khi đó, phụ huynh sẽ giảm áp lực về tài chính, học sinh không phải đua nhau đi học thêm. Không dạy thêm trong nhà trường, sẽ giúp học sinh có nhiều thời gian tự học ở nhà. Thông tư có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành: Không dạy thêm đối với cấp tiểu học; dạy thêm trong nhà trường không được thu phí; không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh...
Thiết nghĩ, để quản lý tốt được việc học tập của các con, phụ huynh cần tạo cho con em thói quen tự học với tài liệu, phương tiện học tập, kết hợp hỗ trợ của giáo viên. Phụ huynh cũng thường xuyên kiểm tra việc học hành của con em, động viên đúng lúc, kịp thời lắng nghe những khó khăn, trắc trở, bức xúc và thận trọng giải quyết. Được vậy, việc học của các em nhẹ nhàng, không lãng phí thời gian, không tiêu tốn tiền bạc, không bào mòn hứng thú học tập do thường xuyên tham gia các lớp học thêm tràn lan. Nỗi lo lớn nhất của phụ huynh là con em mình có theo kịp chương trình không nếu không học thêm. Nhưng thực tế, nếu hệ thống giáo dục được tổ chức hợp lý, học sinh có thể tiếp thu tốt ngay trong giờ chính khóa mà không cần phụ thuộc vào học thêm.
Cho đến thời điểm này, các quy định của Thông tư 29 cơ bản nhận được sự đồng tình từ xã hội. Tuy nhiên, để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, các nhà trường, thầy cô và toàn xã hội cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Cơ quan chuyên môn cần tăng cường hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, tổ chức và cá nhân liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm và xử lý theo đúng thẩm quyền... để việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo lợi ích của học sinh, không có sự ép buộc và giữ gìn hình ảnh, sự tôn nghiêm của nhà giáo.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...