Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:20 (GMT +7)

Quê hương như một ngôn ngữ (1)

LTS: Tác giả Nguyễn Đức Tùng sinh năm 1957 tại Quảng Trị; lớn lên và đi học ở Quảng Trị và Huế; hiện là bác sĩ định cư tại Canada; viết thơ, viết văn, làm nghiên cứu phê bình văn học. Một số công trình chính: Thơ đến từ đâu; Thơ cần thiết cho ai; Đối thoại văn chương; 40 năm thơ Việt hải ngoại .v.v..

Nhân dịp kỉ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4, vừa qua tác giả Nguyễn Đức Tùng gửi đến Văn nghệ Thái Nguyên bài nghiên cứu phê bình về các vấn đề thơ ca người Việt hải ngoại - như một góc nhìn từ người trong cuộc. VNTN trân trọng cảm ơn tác giả và xin giới thiệu cùng bạn đọc.

“Tháng Mười năm 1861, trong nội chiến Hoa kỳ, bác sĩ Alfred Lewis Castleman, sĩ quan quân y trung đoàn Năm, lữ đoàn Wisconsin tình nguyện, tường trình tổn thất nhân mạng đầu tiên của đơn vị. Không phải vì súng đạn kẻ thù. Ông viết: người lính bất hạnh này đã chết vì nhớ nhà, phát điên vì nhớ vợ con. Ông viết tiếp: trong quân đội, những tổn thất vì lòng hoài niệm rất hay gặp".

(New York Times, Susan J. Matt article 19 Apr 2012)

April is the cruelest month, breeding

lilacs out of the dead land, mixing

memory and desire, stirring

dull roots with spring rain

Tháng tư là tháng ác ôn

Đinh hương nở tím bồn chồn đất hoang

Mưa xuân, ký ức, mơ màng

Cùng lay rễ cứng bàng hoàng bật lên

(T.S. Eliot trong The Waste Land).

Thơ khởi đi từ nhiều nguồn cội. Một trong những nguồn cội ấy là ký ức, cái đầu tiên, giờ phút đầu tiên. Đầu tiên là thời gian. Một dân tộc, một cộng đồng, không có ký ức tạo nên một trạng thái như giấc ngủ. Giấc ngủ về đêm không thuộc về con người, không ở trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Một dân tộc tìm cách chối bỏ một phần ký ức của nó, như kẻ tiêu hủy các trang nhật ký chiến trường, vì bất kỳ lý do gì, là một dân tộc đang căm hận, sợ hãi và, vì vậy, đang tổn thương. Như trong tình trạng chiến tranh. Ký ức nối kết các phần khác nhau của số phận, các mảnh cắt rời của sự thật bị khuất lấp, tạo dựng mái nhà chung.

Minh họa: Đào Tuấn

Ký ức có hai chức năng: giữ gìn quá khứ và khôi phục chúng.

Sau đó là lòng hoài niệm. Cảm xúc về quá khứ, nơi chốn hay thời kỳ, gắn bó với hạnh phúc. Người ta càng thất bại, càng khổ đau, hoài niệm càng lớn. Nhìn chung, mặc dù có thể không đúng trong những trường hợp cá nhân riêng lẻ, sau một cuộc chiến tranh, bên thua cuộc sẽ thương xót dĩ vãng đẹp đẽ của mình nhiều hơn là phía thắng cuộc cũng làm như thế đối với dĩ vãng của họ. Đó là sự cân bằng tâm lý và công bằng tâm lý. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, một số nhà nghiên cứu và phê bình vẫn nhìn văn học hải ngoại như một nền văn học của lòng hoài niệm và có thế thôi.

Thật ra, hoài niệm chỉ là một trong nhiều khuynh hướng, thậm chí không phải là khuynh hướng quan trọng nhất, của văn học hải ngoại hiện nay. Đó là khả năng của hiện tại tìm kiếm ký ức, soi sáng nó bằng ánh sáng của hiện thực mới. Không có ký ức cá nhân thì không có thơ ca. Lần đầu tiên tôi nghe Thái Thanh hát Đêm nhớ trăng Sài Gòn của Phạm Đình Chương, ở Calgary 1992, bên cạnh Phạm Duy đệm đàn. Sau này đọc bài thơ trên giấy, Du Tử Lê viết năm 1978, tôi nhận ra rằng âm nhạc trong thơ chính là trường chuyển giao của lòng hoài niệm. Thơ khởi đầu bằng hình ảnh hay âm thanh hay các phương cách khác? Có lẽ là nhạc điệu. Hình ảnh quê hương, ly cà phê đá cuối cùng chưa uống hết tôi với Hoàng bỏ lại bên hông chợ Cần Thơ, con hẻm vắng, hơi đá lạnh rịn mát bàn tay. Hàng tre bến nước Ô môn, cây cầu khỉ chạy loáng ánh trăng. Chúng có khuynh hướng mãi dừng lại trong không gian. Nhưng âm thanh thì khác, hiện hữu chốc lát, không vĩnh hằng, đúng lúc có sự hiện diện của bạn. Tức là tính chất sự kiện. Âm thanh chứng thực hiện hữu hiện tại.

Đêm về theo vết xe lăn

Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

Tìm tôi đèn thắp hai hàng

Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây

Ngỡ hồn tu xứ mưa bay

Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

Vần điệu, tiết tấu, nhịp đi, cách dừng lại, cách ngắt dòng mang theo các nguyên mẫu ký ức. Nguyên mẫu ở đâu? Trong thiên nhiên. Vì vậy mối quan hệ giữa thơ ca và thiên nhiên là mật thiết: thơ mang chúng ta trở lại với đất, cát, sỏi đá, cây cỏ, chim muông, cái chết, sự hồi sinh, như các chu kỳ. Hoài niệm là chu kỳ, và trong thơ, chu kỳ tựa lên nhạc điệu. Thơ hải ngoại, dù đó là thơ lưu vong của người tị nạn, hay thơ của di dân về sau, đều mang tâm sự của kẻ sống xa quê nhớ nước. Lòng hoài niệm có thể có tác động âm tính, gây nên buồn rầu u uất(1), ngăn cản con người tiến về phía trước, như trong báo cáo của bác sĩ Castleman năm 1861, nhưng cũng có thể tác động dương tính: giữ thăng bằng tâm trạng, gây cảm giác phấn chấn, kích thích năng lực sáng tạo, tăng cường khả năng liên lạc, lòng yêu làng xóm, lòng trung thành, tình cảm thủy chung.

Không nhớ nổi mùi hương chùm thiên lý

Mẻ ốc nhồi nấu canh chuối mùa thu

Chợt đêm nay hiện về trong giấc ngủ

Chiếc chậu sành tí tách giọt mưa rơi

Mái tóc mẹ đã thêm nhiều sợi trắng

Chuối vườn xưa bão xé tướp tơi bời

(Hồng Thủy)

Tình cảm nhớ thương được biểu hiện bằng bút pháp cổ điển bởi hai nhà thơ trên đủ sức lay động lòng người, giúp nguôi ngoai niềm cô quạnh, an ủi vỗ về. Nhiều người biết rằng trong dịp gặp nhau, người tha hương nhắc kỷ niệm cũ; dù vui buồn đều quý báu, trở thành một phần trong tài sản tinh thần, làm gánh nặng hiện tại trở nên nhẹ nhõm. Thật ra ý thức về tự do không làm vơi tâm sự nhớ nhà, chỉ làm chúng tăng lên. Chính là trong mộng tưởng mà chúng ta có tự do và chính mộng tưởng là tuổi thơ đã trải qua và thường xuyên trở lại. Lòng hoài niệm giúp con người soi thấu những uẩn khúc của quá khứ, tự xem xét mình, giúp đánh giá lại kinh nghiệm đau buồn, hạnh phúc. Xem xét thất bại của một thế hệ hay cá nhân trong quá khứ, những thất bại bao giờ cũng gắn bó với một nơi chốn, một thời điểm. Nhưng đề tài và chất liệu thơ quyết định sự khác biệt giữa bút pháp: người lớn tuổi hơn viết về quê hương, chiến tranh, các mối quan hệ của họ, tìm cách giải quyết những câu hỏi không thể trả lời khi còn trong cuộc. Người viết khác, mới hơn, đương đại, có chất liệu là những hiện thực mới.

Tình bây giờ là chiều xuống trên sông êm ả trước khi đổ thác

có ven bờ đom đóm soi hoa

có mây kỷ niệm bay ngang in lại lòng sông thương tiếc

có nâng niu con cá ngáp hơi

Em biết không

Anh thật sự mệt mỏi muốn êm đềm

đắp cỏ mặc nắng mưa

bao chuyện cũ giao côn trùng rền rĩ

Ngôn ngữ quen thuộc mà cách nói lạ của Ngu Yên. Đọc kỹ, sẽ thấy sự hóa thân của nhà thơ trong trường hợp này, tạo nên dự dao động giữa hai thế giới cũ và mới(2). Vì sự cách trở về địa lý kéo theo sự cách trở về thời gian, độ lùi tâm lý, hiện thực hôm nay của quê hương trở thành quá khứ của nhà thơ, nhưng anh ta chỉ được phép sống quá khứ ấy như một hiện tại. Bên cạnh một số người chỉ biết khóc than dĩ vãng vàng son, hầu hết người tha hương đều tự biết xắn tay áo lao vào cuộc sống mới, đầu tắt mặt tối để gây dựng căn nhà mới cho bản thân và gia đình; đối với những người ấy, lòng hoài niệm giúp soi sáng bài học trong quá khứ, nhìn lại bản thân, trả lời câu hỏi tôi là ai? Từ đâu đến? Đến đây để làm gì?

Hai mươi năm tôi giấu sự thật

như giấu một đề thi

Hai mươi năm tôi tìm kiếm sự thật trong

những cơn bay qua bao nhiêu bến bờ lạ

(Lê Thị Huệ, năm 1995)

Tình hình sau năm 1975, và còn kéo dài đến bây giờ, là những xung khắc của dân tộc dường như chưa được hóa giải, những di chứng chiến tranh dường như chưa được sửa chữa, làm nhiều người không trở về. Cùng với những đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, Mai Thảo viết: “chúng ta đi mang theo quê hương”. Cũng như Mai Thảo, cuộc di cư vĩ đại lần thứ nhất: “Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về”.

Sau năm 1975, nhiều người không trở về, tình nguyện vùi nắm xương tàn trên đất lạ, cay đắng nhưng giữ vững niềm tin của mình, vì vậy nỗi sầu xa xứ càng trở nên sâu nặng.

Biết chứ hồn anh dài vạn dặm

Lòng anh nặng trĩu một trùng dương

Dăm khi anh lẻn về quê cũ

Ði một mình ở một bờ sông

(Nguyễn Bác Trạc)

Lẻn về trong mộng, đi một mình ở một bờ sông: ai trong chúng ta không có lúc làm thế. Hoài niệm còn có nghĩa tạo ra căn nhà mới cho văn chương, một xứ sở tưởng tượng. Ngôn ngữ thơ trở thành người canh gác cho niềm tin đầu tiên và cuối cùng về tự do. Những người không có quá khứ, không tự hào về quá khứ của mình, không thương xót, là người không tin tưởng vào tương lai.

Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên

gió thổi chiều xanh trôi với nắng

khoảnh khắc vầng trăng bạc nhú lên

cánh chim theo trăng vào trời rộng

nhà ai đèn lồng soi trước hiên

nhủ thầm nhà ta sau hàng phượng

ta đi năm năm qua thảo nguyên

(Nguyễn Xuân Thiệp)

Một trí nhớ mới, đẹp đẽ. Chúng ta cần một trí nhớ mới. Lòng hoài niệm tất nhiên khởi phát từ ký ức, vốn bao giờ cũng là về người khác, với người khác, trên mảnh đất nơi ta lớn lên, và vì vậy được chia sẻ. Đó là chức năng nối kết. Ký ức ấy làm tăng cường cảm giác liên hệ giữa người và người, ràng buộc nhau, giúp con người vững chãi hơn trong sóng gió. Việc nghĩ về quá khứ đôi khi gây cảm giác âm tính, làm một người chạnh lòng cô đơn như kẻ một mình phòng trống trải, mùa đông lạnh giá, nhưng chính cảm giác cô đơn trong hiện tại giúp nhiều người đi tìm trở lại bà con, bạn bè, đồng môn quá khứ, như trong các hoạt động tương thân tương ái khắp nơi ở hải ngoại và ở trong nước, mở rộng quan hệ xã hội.

Trong phạm vi ấy, hoài niệm còn là đối thoại.

Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay

Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát

Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây

Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

Chú nào đêm nay kê đầu gối đó

Thở hương nồng hạnh phúc

Đẫm không gian

Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ

Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?

Thơ Cao Tần, ý rõ, cười héo hắt, tình dạt dào. Đây là đối thoại lạ lùng, giữa một người từ quá khứ, xa, và một người trong hiện tại, gần, xuyên không gian, thời gian. Và hình như muốn xuyên qua chia cắt hận thù. Nghĩ về quá khứ, những ngày hạnh phúc, giúp con người tăng cường lòng tự trọng, nâng cao bản lĩnh, mang lại nhiều can đảm để đối phó với sóng gió thực tại. Nhờ vào cảm giác về tính mục đích của đời sống, trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Khi bạn nghĩ về cơ cực của người thân ở quê nhà, sự hy sinh của cha mẹ thời thơ ấu, bạn tìm ra ý nghĩa của sự tồn tại. Bạn càng biết chắc về mục đích đời sống, càng sở hữu nhiều ý nghĩa, bạn càng bớt cảm giác hoang mang, sợ hãi, thất vọng, hoài nghi. Bạn bước vững chắc, cố dẫm vết chân sâu.

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề

Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê

Mười năm tóc mẹ màu tang trắng

Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn

Bên đời gió tạt với mưa tuôn

Con đi góp lá nghìn phương lại

Đốt lửa cho đời tan khói sương

(Trần Trung Đạo)

Nhớ nhà, ngoảnh trông cố xứ là truyền thống mạnh mẽ trong thơ Việt, thơ Trung Hoa, thơ Đông phương từ ngàn năm trước. Sau các cuộc nội chiến, nó còn có ý nghĩa mới, sự vượt thoát, đi về phía tự do, về phía xây dựng lại. Thế hệ đi trước gạt lệ quên đi để dành sức lực cho việc gầy dựng tương lai mới, thế hệ con cháu mình. Nhưng chính hoài niệm âm thầm của họ làm nên ngọn lửa trong lòng người trẻ tuổi, giữa đời sống thừa thãi vật chất, khá ích kỷ, của xã hội mới. Nhưng ai không từng vượt qua đau đớn sẽ không thể làm sinh nở một tình cảm khác, nỗi mong muốn. Đó là mong muốn chia sẻ, cảm thông, giải thích nợ nần, bàn giao hoài bão. Từ kinh nghiệm riêng tư, những cá nhân khác nhau có thể hồi tưởng khác nhau về một sự kiện có thật. Vì vậy, tất nhiên, các nhà thơ viết khác nhau về cùng một góc khuất lịch sử.

hớp rượu này

trăng cũng nuốt trôi

xuân tha hương

lòng những ngậm ngùi

ta lữ khách

nhìn đời như mộng

sao bâng khuâng

cố quận sầu khơi

người và quê

đành đã chia xa

cuộc vô thường

ảnh sắc phôi pha

ta về đâu

hỡi tên lạc xứ

muốn theo mây

mây cũng không nhà

(Bắc Phong)

Ngay cả đối với cá nhân lành mạnh, các yếu tố như chiến tranh, xung đột văn hóa cũng dẫn đến sự xô lệch ký ức. Những người đứng về một phía của chiến tuyến thường ghi nhớ nhiều hơn các sự tích anh hùng cảm động của phía mình, ít chú ý ghi nhớ những sự kiện làm họ ngượng ngùng, bối rối, không giải thích được, hay có ý nghĩa ngược lại niềm tin của họ. Tự đặt mình vào vị trí người khác là công việc khó khăn, cần lòng dũng cảm, đối với nhiều người là không thể làm được. Thế Dũng, một người lính miền Bắc, trèo đèo lội suối, nghĩ đến hình ảnh thân yêu:

Tôi chưa có, rừng đã vang vó ngựa

Trăng Tây Sơn bùng nổ một trời xuân

Thương cô Tấm chỉ vì mơ yếm đỏ

Mà chết đi sống lại biết bao lần

Tôi chưa có thì ba lô cỏ biếc

Đã nắng sương từ thuở mẹ lên ngàn

Mười tám tuổi vượt đèo thành binh nhất

Câu thơ rừng hồi hộp với trăng non

Mẹ cơm cà, áo vá, nước mưa trong

Nhờ hàng xóm bát cơm ngày giáp hạt

Tôi ăn suối ngủ rừng theo binh trạm

Em như mơ như thực ở ngang trời

Câu thơ cuối buồn như vầng trăng. Phan Xuân Sinh, người lính miền Nam, ngủ bờ ngủ bụi, cũng nghĩ đến tình yêu của anh, cách khác:

trên đồi trọc, cỏ không kịp mọc

sống chết một đời có nghĩa chi

khi tỉnh giấc, ngó bên rào chim hót

lòng ta đau, nhìn mãi cuộc tình đi

Chân chất nhưng dây dưa trong trí nhớ. Ký ức chấn thương khác nhau tùy theo nhân chứng là nạn nhân hay người đứng quan sát bàng quan. Trong khi ký ức của nạn nhân trải qua các sang chấn có thể bị làm biến đổi, bóp méo, làm họ mất cái nhìn sáng rõ đối với hiện thực, nhiều nghiên cứu cho thấy bản thân hoài niệm lại giúp hàn gắn vết thương do sang chấn gây ra. Ký ức cũng thay đổi theo thời gian. Khi ta lớn lên, một số chi tiết bị quên đi nhưng một số chi tiết khác nổi bật, vì vậy trên tấm thảm dệt của thời gian, lịch sử xuất hiện không đồng đều, diễn ra với tốc độ khi nhanh khi chậm, khi sáng khi tối. Lòng hoài niệm giúp khôi phục hình ảnh chân thực về đất nước, khôi phục ký ức về chiến tranh, những ký ức có thể phần nào đáng tin cậy hơn lịch sử chính thống. Một người lính miền Nam, lăn lóc sa trường, ngoái về quê cũ:

ta vẫn quê người thân lính thú

mười năm chưa dứt nạn sa trường

có về ngói vụn, tường xiêu đổ

nào thấy gì nhau để xót thương

(Hoàng Lộc)

Người chiến binh cũ nhớ đến hai lần: một là đời lính, hai là quê hương trong lửa đạn. Thực ra, cũng đã có một thời, nhất là thời gian đầu, cuộc chiến hiện ra đẹp, có lý tưởng, như trong thơ Trang Châu:

Súng gác lưng đèo đêm ba mươi tết

Sương rơi rơi kín lạnh nẻo rừng già

Sờ đế giày mòn tính quãng đường xa

Anh mới thấy đi đã trọn vòng đất nước

Hình thức của thơ kiến tạo cách suy nghĩ và xúc cảm của chúng ta, người viết và người đọc, hình thành các ý niệm về cuộc sống, ý nghĩa của những đau khổ và hy sinh. Trong khi bồi đắp các năng lực sáng tạo, làm phong phú tâm hồn thì chúng, các hình thức ấy, cũng thừa khả năng dẫn con người vào các niềm tin khác nhau.

Nguyễn Đức Tùng

Kỳ 2

Chú thích:

(1) Tình trạng nhớ nhà sầu muộn là kết quả của rối loạn cơ chế tự điều chỉnh. Người viết tin rằng tử vong đầu tiên được nhắc đến trong báo cáo của bác sĩ Castleman là bệnh Rối loạn thích nghi với biểu hiện trầm cảm (adjustment disorder with depressed mood).

(2) Nguyễn Hưng Quốc: “quan niệm mới cho rằng người lưu vong thường xuyên dao động giữa hai quốc gia, luôn luôn sống trong tình trạng xuyên quốc gia, thậm chí, cái quốc gia cũ ấy không còn mang tính lãnh thổ”. Http://www.voatiengviet.com/content/van-hoc-luu-vong/2470610.html

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy